Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất tại Kanger Tech, một trong những nhà sản xuất sản phẩm thuốc lá điện tử hàng đầu Trung Quốc, ở Thâm Quyến, Trung Quốc, vào ngày 24/9/2019. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

 

 

Mặc dù đã có sự cải thiện so với thời gian gần đây, nhưng những tin tức kinh tế tích cực mới đây cũng không thể loại bỏ được những vấn đề cơ bản dai dẳng mà Trung Quốc phải đối mặt.

 

Tin tốt về kinh tế cuối cùng đã xuất hiện ở Trung Quốc. Một số phương tiện truyền thông thậm chí đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã đảo ngược tình thế. Điều đó là có thể xảy ra, nhưng những tuyên bố như vậy có thể đang đi trước thực tế rất nhiều.

 

Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những cơn gió ngược kinh tế lớn, một số là di sản của những sai lầm trong quá khứ, một số là sản phẩm của sự thù địch ngày càng tăng ở phương Tây và Nhật Bản, và một số xuất phát từ các vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng. Ngay cả khi mọi thứ đã được cải thiện phần nào so với mùa xuân và đầu mùa hè (một điều vẫn còn chưa chắc chắn), thì những trở ngại này sẽ khiến Trung Quốc không thể lấy lại được động lực kinh tế trước đây của mình.

 

Các tin tốt lành đã đến ở một số lĩnh vực. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 tăng khoảng 4,6% so với tháng 8 năm ngoái. Con số đó vượt xa mức tăng trưởng 3,0% của kỳ vọng đồng thuận và con số 2,5% được ghi nhận trong tháng 7. Sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng, tăng 4,5% trong tháng 8 so với mức cùng kỳ năm ngoái, cao hơn kỳ vọng đồng thuận là 3,9% và con số tháng 7 là 3,7%. Giá trị gia tăng từ sản xuất tăng 5,4% so với số liệu tháng 8 năm ngoái, với việc sản xuất pin mặt trời và robot dịch vụ tăng hơn 70% so với một năm trước. Các ngân hàng báo cáo nhu cầu vay vốn tăng lên, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống 5,2% lực lượng lao động trong tháng 8 từ mức 5,3% trong tháng 7.

 

Các vấn đề dai dẳng vẫn chưa được giải quyết

Mặc dù đã có sự cải thiện so với thời gian gần đây, những tin tức này không thể loại bỏ được những vấn đề cơ bản dai dẳng mà Trung Quốc phải đối mặt. Bất động sản nhà ở là vấn đề đáng chú ý gần đây nhất. Dưới sự dẫn dắt của Bắc Kinh, nhà ở trên khắp Trung Quốc đã được xây dựng quá mức một cách khủng khiếp, với việc phát triển bất động sản nhà ở có lúc tăng tới khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia.

 

Trong quá trình này, các công ty phát triển bất động sản đã tích lũy đòn bẩy tài chính cao, nên khi Bắc Kinh, khoảng vài ba năm trước, không còn khuyến khích việc dùng đòn bẩy, các công ty liên quan bắt đầu sụp đổ. Gã khổng lồ bất động sản Evergrande bắt đầu chìm trong khó khăn vào năm 2021 và kể từ đó, các nhà phát triển bất động sản lớn và nhỏ đều tuyên bố không thể đáp ứng nghĩa vụ của mình. Gần đây nhất là rắc rối của một gã khổng lồ bất động sản khác là Country Garden.

 

Mỗi lần các doanh nghiệp bất động sản lao đao, người mua nhà và người cho vay, vốn phụ thuộc vào việc các nhà phát triển này đáp ứng nghĩa vụ của mình, lại gặp rắc rối về tài chính và không thể duy trì mức chi tiêu và hoạt động kinh tế trước đây. Hơn nữa, sự sụt giảm giá trị bất động sản kèm theo đã làm giảm giá trị ròng của các hộ gia đình Trung Quốc ở mọi thang thu nhập, khiến tất cả mọi người không muốn chi tiêu - một thực tế ngày càng trở nên rõ ràng bất chấp sự cải thiện gần đây về số liệu thống kê tiêu dùng. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy áp lực đang giảm bớt. Số lượng nhà mới xây trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 23% so với mức của năm trước, trong khi giá nhà đã giảm ở 52 trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc, tăng so với mức 49 được ghi nhận vào tháng Bảy.

 

 

Một công nhân chuẩn bị băng qua đường bên ngoài một công trường xây dựng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/4/2022. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

 

 

 

Đồng thời, đầu tư vốn – từ lâu đã là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc – tiếp tục tụt hậu. Đầu tư tài sản cố định vào cơ sở vật chất và thiết bị mới chỉ tăng 3,2% trong tháng 8 này so với tháng 8 năm trước, thấp hơn kỳ vọng đồng thuận là tăng trưởng 3,3% và chậm hơn mức 3,4% của tháng 7. Con số này lẽ ra sẽ thấp hơn nhiều nếu Bắc Kinh không đẩy mạnh chi tiêu cơ sở hạ tầng thông qua các doanh nghiệp nhà nước cũng như chính quyền địa phương và cấp tỉnh. Chi tiêu vốn [chi phí tài sản cố định] của các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục giảm, giảm 0,7% so với số liệu của năm trước tính đến tháng 8, giảm nhanh hơn so với mức 0,5% được ghi nhận tính đến tháng 7 và mức 0,2% tính đến tháng 6.

 

Như một sự thừa nhận gián tiếp về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cố gắng giải phóng vốn để đầu tư bằng cách cắt giảm tỷ lệ tiền mặt mà các ngân hàng cần nắm giữ khoảng 0,25%.

 

Ẩn sau những vấn đề cấp bách này là quyết định của các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản chuyển nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chủ yếu sang các nơi khác ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Một phần của động thái này phản ánh thái độ ngày càng thù địch của các chính phủ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đối với Bắc Kinh. Một phần phản ánh những thiệt hại mà Trung Quốc đã gây ra trong đại dịch và sau đó là sự tổn hại đối với danh tiếng về độ tin cậy của nước này. Và một phần phản ánh sự gia tăng không thể tránh khỏi của tiền lương ở Trung Quốc và các chi phí khác so với các khu vực khác. Trong khi Bắc Kinh không ngừng nói về việc giúp Trung Quốc tự chủ hơn về kinh tế, thì sự thịnh vượng và giàu có của quốc gia này vẫn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu và nhu cầu tìm nguồn cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài.

 

Nhân khẩu học là một vấn đề kinh tế còn cơ bản hơn. Tỷ lệ sinh thấp trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc ngày càng khiến nền kinh tế mất đi nguồn cung lao động trẻ để thay thế thế hệ công nhân đông đảo hiện đang nghỉ hưu. Vấn đề phức tạp hơn là việc Trung Quốc tiếp tục phụ thuộc vào sản xuất để xuất khẩu và không có khả năng phát triển một nền kinh tế dịch vụ phức tạp đã tước đi cơ hội việc làm cho hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc, lãng phí tài năng của họ. Điều này cho thấy sự lãng phí về kinh tế khi đầu tư các nguồn lực để giáo dục họ.

 

Tin tức kinh tế tốt trong tháng 8 đã khiến nhiều phương tiện truyền thông tuyên bố rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng thực tế 5% cho năm 2023. Điều đó có thể xảy ra, nhưng cuối cùng, đạt được mục tiêu đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Điểm quan trọng hơn là Bắc Kinh đã phải hạ thấp mục tiêu ngay từ đầu. Trên thực tế, nó thấp hơn nhiều – một nửa – tốc độ tăng trưởng điển hình của Trung Quốc trong gần 40 năm qua. Sau tất cả, Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm hơn nhiều trong thời gian tới.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

(ntdvn.net - Theo The Epoch Times; Bảo Nguyên biên dịch)

 

 Milton Ezrati

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).