Một phụ nữ đi ngang qua bảng chỉ dẫn của các trường đại học Úc ở khu thương mại trung tâm của Melbourne vào ngày 10/6/2020, khi các quan chức Úc và các trường đại học hàng đầu bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng sinh viên nước này nên "thận trọng" trong việc chọn học tại Down Under vì lo ngại về các vụ phân biệt chủng tộc trong đại dịch virus Corona Vũ Hán. (William West / AFP qua Getty Images)

 

 

 

 

 

Một báo cáo mới của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng các phương pháp phi pháp và thiếu minh bạch như thế nào, để thu được thông tin về các nghiên cứu và công nghệ từ khắp nơi trên thế giới trong công cuộc trở thành bá chủ quân sự toàn cầu.

 

 

Số liệu thống kê chính thức cho thấy, Trung Quốc đã tuyển dụng khoảng 60.000 nhà khoa học, học giả, doanh nhân và nhà nghiên cứu ở nước ngoài từ năm 2008 đến năm 2016, bằng cách sử dụng hơn 200 chương trình tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài và ít nhất 600 cơ sở tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài của ĐCSTQ, Alex Joske, tác giả của bản báo cáo ASPI có tên “Hunting the Phoenix (Săn Phượng Hoàng) cho biết.

 

 

Báo cáo giải thích, dưới chiêu bài đảo ngược tình trạng chảy máu chất xám của Trung Quốc, ĐCSTQ đã vận dụng nhiều phương thức để chiêu mộ hàng nghìn nhà khoa học ở nước ngoài, bao gồm các nhà khoa học và doanh nhân phương Tây trong các chương trình tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài, ví dụ như Kế hoạch Ngàn Nhân tài.

 

 

“ĐCSTQ coi phát triển công nghệ là nền tảng cho tham vọng của mình. Mục tiêu của họ không phải là đạt được sự ngang bằng với các quốc gia khác, mà là sự thống trị và vị thế [tối cao]”, ông Joske viết.

 

 

ASPI chỉ ra, Hoa Kỳ là nước có số lượng các cơ sở tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ cao nhất, với tổng cộng 146 cơ sở. Úc và Đức có số lượng cơ sở tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ cao thứ 2, với mỗi quốc gia có 57 cơ sở.

 

 

Báo cáo cho biết, các tổ chức điều hành các cơ sở tuyển dụng có thể nhận được 200.000 nhân dân tệ (khoảng 676,8 triệu VNĐ) cho mỗi người mà họ tuyển dụng, và 150.000 nhân dân tệ (khoảng 507,6 triệu VNĐ) cho chi phí hoạt động chung mỗi năm.

 

 

Nhiều tân binh được cấp kinh phí nghiên cứu dồi dào và thậm chí có cả các phòng thí nghiệm mới trong một trường đại học Trung Quốc, đi kèm là đội ngũ nhân viên nghiên cứu.

 

 

Theo các điều khoản của hợp đồng chương trình, ĐCSTQ sở hữu bản quyền của mọi nghiên cứu, phát minh, bằng sáng chế hoặc các tài sản trí tuệ khác do học viện sản xuất trong suốt thời gian của thỏa thuận.

 

 

“ĐCSTQ coi việc tuyển dụng nhân tài như một hình thức chuyển giao công nghệ”, ông Joske nêu trong báo cáo. Vị tác giả này cũng nhấn mạnh rằng, những người tham gia chương trình thường hợp tác theo chính sách công nghệ lưỡng dụng, với các tổ chức của Trung Quốc có liên kết chặt chẽ với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) do ĐCSTQ lãnh đạo.

 

 

Theo tác giả Joske, Trung Quốc coi các kế hoạch tuyển dụng nhân tài, ví dụ như Chương trình Ngàn nhân tài, là câu trả lời cho nỗ lực thống trị các công nghệ tương lai và hồi sinh quân đội của mình.

 

 

Báo cáo cho biết: “Sự phát triển sâu rộng của chính sách 'hợp nhất quân sự-dân sự' (một chính sách của ĐCSTQ nhằm tận dụng khu vực dân sự để tối đa hóa sức mạnh quân sự) có nghĩa là, các viện nghiên cứu và trường đại học của Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều hơn vào các nghiên cứu quốc phòng tuyệt mật, bao gồm cả việc phát triển vũ khí hạt nhân".

 

 

Ông Clive Hamilton, một tác giả và giáo sư về đạo đức công tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, Úc, đã nhắc nhở trong sự kiện The Conversation năm ngoái rằng, một số trường đại học trong nhóm 8 trường đại học lớn của Úc (G8) bao gồm: Đại học New South Wales, Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Quốc gia Úc, đã có nhiều học giả và các chương trình chung với các tổ chức dân sự-quân sự này.

 

 

Mối quan tâm của cả 2 tác giả Joske và Hamilton là các cam kết với tập đoàn quốc phòng nhà nước Trung Quốc - Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) chuyên phát triển thiết bị điện tử quân sự, máy bay không người lái và hệ thống radar.

 

 

 

 

 

Toàn cảnh khuôn viên UTS ngày 6/4/2016 tại Sydney, Australia. (Ảnh của Brendon Thorne / Getty Images)

 

 

 

 

Một báo cáo của Jamestown Foundation, nhấn mạnh việc CETC công khai tuyên bố rằng mục đích của tập đoàn này là "tận dụng các thiết bị điện tử dân sự để đạt được lợi ích của PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân) và phần lớn các sản phẩm cùng dịch vụ của nó hướng tới khách hàng [thuộc] nhà nước và quân đội".

 

 

Hiện tại, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) đã ký hợp tác trị giá 10 triệu USD (33,84 tỷ VNĐ) với CETC để phát triển các công nghệ AI, Điện toán lượng tử và Dữ liệu lớn.

 

 

Ông Joske cũng nêu chi tiết trong báo cáo của mình về cách một nhà khoa học thuộc đại học Úc đã thành lập một phòng thí nghiệm và một công ty trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc, thông qua tài trợ từ một cơ sở tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ. Công ty này sau đó đã cung cấp công nghệ giám sát cho chính quyền ĐCSTQ ở Tân Cương.

 

 

Công nghệ giám sát được sử dụng để hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp nhân quyền

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã xác định tỉnh Tân Cương của Trung Quốc là một điểm nóng về vi phạm nhân quyền, kể từ khi ĐCSTQ khởi xướng chiến dịch cải tạo chống tôn giáo trên các khu vực sinh sống của cư dân Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi bản địa, bao gồm tộc người Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc Uzbekistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

 

 

Các báo cáo từ những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cho thấy, những người bị giam giữ trong các trại tập trung này phải chịu sự tuyên truyền chính trị cưỡng bức, ép buộc phụ nữ triệt sản, tra tấn và cưỡng bức lao động. Các chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại lập luận rằng, điều này có thể thực hiện được nhờ vào việc ĐCSTQ có khả năng biến Tân Cương thành tòa thành bị giám sát dựa vào công nghệ tiên tiến để theo dõi hàng triệu người.

 

 

Ngày 27/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo rằng chính phủ sẽ xây dựng Luật Quan hệ Đối ngoại mới, nhằm cung cấp cho chính phủ liên bang quyền xem và phủ quyết các thỏa thuận giữa các chính phủ nước ngoài với các bang, vùng lãnh thổ và thể chế của Úc.

 

 

Phát biểu trên Đài 2SM vào ngày 28/8, ông Morrison nói rằng dự luật mới sẽ cung cấp cho chính phủ khả năng ngăn chặn các thực thể nước ngoài vi phạm chính sách đối ngoại của chính phủ, nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia của Úc.

 

 

Ông Morrison nói  “Khi mọi người bầu ra một chính phủ liên bang, [mục đích] họ bầu ra là để chăm sóc các mối quan hệ của chúng ta với phần còn lại của thế giới. Họ không bầu chính quyền tiểu bang hoặc chính quyền địa phương hoặc trường đại học để làm điều đó, họ bầu chính phủ liên bang để làm điều đó. Vì vậy, điều này chỉ đảm bảo rằng mọi người đang đi về cùng một hướng và không thể bị nhắm mục tiêu”.

(Theo ntdvn.com)