Ảnh: Spencer Platt/Getty Images

 

 

 

Một công ty Trung Quốc và một số nhân viên cũ của Motorola đã bị buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Motorola, theo một tuyên bố của Bộ Tư pháp (DOJ) vào ngày 7/2.

 

Theo The Epoch TImes, Hytera, một công ty viễn thông có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc, bị cáo buộc đã tập trung nỗ lực tuyển dụng nhân viên Motorola, hứa hẹn trả lương và phúc lợi cao hơn để đổi lấy việc các nhân viên này ăn cắp bí mật thương mại từ Motorola.

 

Tháng 3/2021, cùng với các công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE, Hytera đã bị Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) chỉ định là mối đe dọa an ninh quốc gia. Vào thời điểm đó, công ty đã phản hồi bằng cách nói rằng, quyết định của FCC là "phản cạnh tranh".

 

DOC cho biết, một số công nghệ mà Hytera sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ mà hãng này đã đánh cắp một cách có hệ thống từ Motorola.

 

Euronews cho hay, trong một cáo trạng được biên soạn lại một phần chưa được niêm phong ở Chicago, chính phủ cho biết, Hytera bị buộc tội với 21 tội danh bao gồm cả âm mưu đánh cắp bí mật thương mại. Hytera và các bị cáo khác chưa được tiết lộ danh tính cũng bị buộc tội sở hữu hoặc cố gắng chiếm đoạt các bí mật thương mại bị đánh cắp.

 

 Theo The Epoch Times, bản cáo trạng được biên tập lại rất nhiều và được niêm phong vào ngày 7/2. Hytera và các nhân viên được tuyển dụng đã sử dụng thông tin bí mật thương mại và độc quyền của Motorola để đẩy nhanh quá trình phát triển bộ đàm di động kỹ thuật số (DMR) của Hytera, đào tạo nhân viên của Hytera, tiếp thị và bán các sản phẩm DMR của Hytera trên khắp thế giới.

 

Âm mưu bị cáo buộc bắt đầu sau một thông báo năm 2004 của FCC, rằng tất cả các DMR sẽ cần sử dụng băng thông hẹp hơn vào năm 2013.

 

Motorola bắt đầu phát triển các công nghệ mới để đáp ứng các yêu cầu mới. Từ năm 2007, Hytera đã bắt đầu bị cáo buộc ăn cắp chúng. Đến năm 2010, Hytera đã bán các sản phẩm thông qua các chi nhánh thuộc sở hữu hoàn toàn của Hoa Kỳ.

 

Thông điệp từ chuỗi email do bị cáo viết được trích dẫn xuyên suốt bản cáo trạng và cung cấp một bức tranh không mấy tốt đẹp về Hytera, các nhân viên Motorola và những nỗ lực của họ.

 

 

 

Công nhân trong một nhà máy Hytera ở Thâm Quyến vào năm 2020.

 

 

 

“Chúng tôi đã / sẽ ký NDA và một số lời nói dối của chúng tôi có thể gây ra vấn đề khi bị Motorola phát hiện”, một cựu nhân viên Motorola đã viết vào tháng 5/2008, đề cập đến các thỏa thuận không tiết lộ mà họ đã ký với Motorola.

 

Các cựu nhân viên Motorola tự mô tả mình là “kỹ thuật viên”, tập trung vào phát triển cả phần mềm và phần cứng.

 

Trong một thông điệp, một bị cáo mô tả Hytera là “một công ty được thành lập từ việc ăn cắp thông tin thuần túy”.

 

Trong một thông điệp khác, họ giải thích mục tiêu của mình là “tái sử dụng càng nhiều càng tốt sản phẩm hiện có của Motorola”.

 

Trong một lời khai khác, một bị cáo đã mô tả vụ trộm khoảng 30 gigabyte dữ liệu độc quyền, nói rằng, "Chúng tôi đang cố gắng lấy bất cứ thứ gì có thể".

“Trong đầu bạn có biết bạn cần gì khi chúng tôi vẫn còn ở đây không? Có thể một cái gì đó trong [cơ sở dữ liệu Motorola]. :-)”, bị cáo viết vào tháng 2/2008.

 

Theo cáo trạng, công nghệ mà Hytera sau đó đã bán cho khách hàng trên toàn thế giới được xây dựng trên phần mềm gốc và được sửa đổi bao gồm mã nguồn Motorola. Bản cáo trạng tiếp tục cho biết, các bí mật thương mại đã bị đánh cắp từ một máy chủ nội bộ ở Illinois.

 

Theo cáo trạng, để truy cập vào máy chủ từ một địa điểm của Hytera ở Malaysia, người ta cần đăng nhập và phải có mật khẩu, mã thông báo bảo mật, máy tính xách tay Motorola và sự chấp thuận của giám sát.

 

Khi bị thẩm vấn về vấn đề này trong một vụ án dân sự trước đó, một trong những bị cáo của Hytera nói rằng, công ty đã sa thải họ vào năm 2018. Trên thực tế, họ tiếp tục làm việc cho công ty cho đến năm 2020, bản cáo trạng cho biết. Tài liệu không nói rõ năng lực của họ là gì.

 

Nếu bị kết tội, Hytera phải đối mặt với khoản tiền phạt hình sự gấp ba lần giá trị của bí mật kinh doanh bị đánh cắp của Motorola, bao gồm chi phí cho nghiên cứu, thiết kế và các chi phí khác.

 

Có trụ sở tại Thâm Quyến và được thành lập vào năm 1993, Hytera là một công ty lớn trong ngành công nghệ vô tuyến điện. Công ty đứng thứ hai trên toàn thế giới với tư cách là nhà sản xuất bộ đàm, theo Hiệp hội bộ đàm di động kỹ thuật số, và cũng là nhà cung cấp chính cho Bộ Công an tại nước sở tại.

 

Newsweek cho hay năm 2017, Hytera kiện Motorola vì lý do chống độc quyền, cáo buộc công ty độc quyền thị trường radio hai chiều. Năm 2019, Motorola đã yêu cầu bãi bỏ vụ kiện vì thiếu bằng chứng.

(ntdvn.com)