Một người phải nằm trong quan tài giả như là hình phạt cho việc không đeo khẩu trang nơi công cộng ở thủ đô Jakarta, Indonesia (Nam Dương). Nguồn: AAP
Giới hữu trách trên khắp thế giới đã sử dụng những hình phạt khắc nghiệt, và đôi khi kỳ quái, để khuyến khích người dân tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội, nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
Indonesia
Indonesia đã triển khai khoảng 340,000 quân lính trên khắp cả nước để giám sát việc thực thi các hạn chế COVID-19.
Hồi tuần trước, tám người Indonesia không đeo khẩu trang nơi công cộng đã bị phạt phải đào mộ cho những nạn nhân COVID-19 tại Đông Java.
Theo CNN, một số người khác bị phạt quét dọn vệ sinh nơi công cộng, hoặc phải hít đất thay vì đóng 150,000 rupiah ($14).
Các sĩ quan cảnh sát thuộc Public Order Agency đứng canh người bị bắt, vì không đeo khẩu trang, hít đất ở ngoại ô Tangerang, vùng ven thủ đô Jakarta. Nguồn: AAP
Trong khi đó, những cư dân Jakarta bị bắt gặp không đeo khẩu trang đã phải nằm trong một chiếc quan tài giả trong nhiều phút để suy nghĩ về hành động của mình.
Giới hữu trách thậm chí còn sử dụng các “ngôi nhà ma ám” bị bỏ hoang để làm nhà tù giam giữ những người vi phạm giới hạn coronavirus ở Sragen, Trung Java.
Ở tỉnh Aceh, những người phạm luật bị buộc phải đọc kinh Koran để hối lỗi.
Ấn Độ
Mười du khách ngoại quốc ở Ấn Độ đã bị phạt viết câu “Tôi xin lỗi” (“I’m sorry”) 500 lần vì đi dạo trong thời gian phong toả hồi tháng Tư.
Sự xảy ra tại thị trấn Rishikesh, miền bắc Ấn Độ đã được các nhà báo địa phương quay video và chia sẻ trên mạng xã hội. “Hôm nay tôi sẽ đưa ra một hình phạt nhẹ cho các bạn,” một nhân viên cảnh sát nói.
Những đoạn video khác được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các cảnh sát cầm dùi cui buộc người vi phạm thực hiện các động tác nhảy ếch, ngồi xổm và hít đất.
Philippines
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết giới chức Philippines đã nhốt những người vi phạm lệnh giới nghiêm COVID-19 trong chuồng chó và bắt họ ngồi hàng giờ liền dưới nắng nóng.
Nhóm này cũng cáo buộc chính quyền đã trừng phạt ba người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ vi phạm lệnh giới nghiêm bằng cách bắt họ hôn, nhảy múa và hít đất trong khi phát trực tiếp lên mạng xã hội.
“Mặc dù chính phủ Philippines cần bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người dân, bất kỳ biện pháp can thiệp nào cũng phải phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bao gồm việc cấm đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ thấp người bị giam giữ,” ông Phil Robertson, Phó giám đốc HRW khu vực châu Á nói.
Paraguay
Đài truyền hình NPY đã chia sẻ một đoạn video cho thấy một người đàn ông bị buộc phải thực hiện động tác thể dục jumping jack trong khi một nhân viên cảnh sát cầm súng điện đứng gần đó.
Theo tờ The Guardian, Bộ trưởng Nội vụ nước này Euclides Acevedo đã ca ngợi các nhân viên cảnh sát và nói rằng: “Tôi không có óc sáng tạo như những người trong video này.”
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Tìm hiểu các hạn chế tụ tập ở tiểu bang của bạn.
Xét nghiệm sẵn có ở khắp nơi trên nước Úc. Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy ở nhà và gọi cho bác sĩ của bạn để kiểm tra, hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.