Từ trái sang: Tổng thống đắc cử Đài Loan Lai Ching-te, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ứng cử viên tổng thống Quốc Dân Đảng Hou Yu-ih. Lai sẽ cần sự hợp tác của Hầu nếu Đài Loan muốn giữ chân Trung Quốc. (Ảnh dựng phim của Nikkoi / Nguồn: ảnh của Kento Awashima, Yusuke Hinata và Reuters)

 

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “In Taiwan, distrust of Xi Jinping’s China is real,” Nikkei Asia, 18/01/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)

 

 

Thành viên của các đảng đối lập thân Bắc Kinh cũng cảm nhận được khủng hoảng.

 

 

 

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, khi người dân Đài Bắc tranh luận sôi nổi nên bỏ phiếu cho ai, một cuộc tranh luận đặc biệt thú vị đã xảy ra giữa một ông già và một phụ nữ trẻ. Đáng ngạc nhiên là, trong số những từ xuất hiện nhiều nhất trong cuộc trò chuyện của họ, có Tập Cận Bình, tên nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Trung Quốc.

 

Người đàn ông trong độ tuổi 60 tuổi này dường như là cựu quan chức cấp cao của Quốc Dân Đảng (KMT), đảng đối lập chính của Đài Loan.

 

“Tôi nghĩ tất cả giới trẻ sẽ bỏ phiếu cho Kha Văn Triết,” ông nói, ám chỉ ứng viên tổng thống của Đảng Nhân dân Đài Loan, đảng lớn thứ ba. Ông trích dẫn các cuộc thăm dò dư luận, cho thấy mức độ ủng hộ của các cử tri ở độ tuổi 20 và 30 đối với Kha.

 

“Bác sai rồi,” cô gái khoảng 30 tuổi nói, dù không tiết lộ cô sẽ bầu cho ai. “Ồ vậy ư?” người đàn ông đáp. “Vậy thì tất cả chúng ta nên bỏ phiếu cho [ứng viên tổng thống] Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng.”

 

Sau đó, ông giải thích lý do, “Nếu Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến [cầm quyền], người được coi là ủng hộ Đài Loan độc lập, trở thành tổng thống, Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan trong vòng 10 năm tới. Chính xác hơn thì xâm lược có thể xảy ra vào năm 2027.”

 

Bởi vì đó là thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội toàn quốc tiếp theo và chọn ra người lãnh đạo.

 

 

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức, và các nhân vật khác của Đảng Dân Tiến ăn mừng chiến thắng của Lại trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 13/1. Lại đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc. (Ảnh của Kento Awashima)

 

 

Ông già cảnh báo rằng nếu Trung Quốc xâm lược, các cuộc bầu cử tổng thống tự do sẽ không bao giờ còn có thể được tổ chức ở Đài Loan. “Cháu đã bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về điều đó chưa?” ông hỏi người phụ nữ. “Nếu chúng ta chọn Quốc Dân Đảng, họ có thể đàm phán với Trung Quốc, và chúng ta sẽ không bị xâm lược.”

 

Người phụ nữ tỏ vẻ không đồng tình. “Bác nói nếu một ứng viên của Quốc Dân Đảng trở thành tổng thống, thì Tập sẽ không xâm lược Đài Loan. Nhưng cháu nghĩ bác sai rồi,” cô nói. “Hơn nữa, nếu Quốc Dân Đảng là đảng cầm quyền khi Tập xâm lược, họ sẽ ngay lập tức giương cờ trắng đầu hàng mà không đánh trả. Cháu nói đúng chứ?”

 

Cả ông già và cô gái đều nhất định không nhường một li, và cuộc tranh luận của họ kết thúc mà không có kết quả. Tuy nhiên, tình cảm hiện tại của người Đài Loan đối với Trung Quốc của Tập đã được thể hiện rõ trong cuộc tranh luận này.

 

Cuộc bầu cử tổng thống hôm thứ Bảy (13/01/2024) kết thúc với việc Lại Thanh Đức, phó tổng thống hiện tại của Đài Loan, đánh bại hai ứng viên đối lập.

 

Tỷ lệ cử tri đi bầu cực kỳ cao, trên 70%, theo đó cho thấy người Đài Loan đã quyết tâm thực hiện quyền tham gia trực tiếp vào nền dân chủ mà khó khăn lắm họ mới giành được. Trước ngày bỏ phiếu, một số người dân Đài Bắc nói rằng họ sẽ đi quãng đường vài trăm km vào ngày hôm sau để có thể bỏ phiếu trong khu vực bầu cử của mình.

 

Bất kể họ ủng hộ ai hay đảng nào, hầu hết cử tri Đài Loan đều có chung cảm giác khủng hoảng, rằng Trung Quốc của Tập có thể tiến hành xâm lược vũ trang. Một cựu quan chức cấp cao khác của Quốc Dân Đảng được cho là thân Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự.

 

 

Biển quảng cáo trong chiến dịch của Quốc Dân Đảng tại một ngã tư đông đúc ở Đài Bắc. (Ảnh của Hiroki Endo)

 

 

Thống nhất Đài Loan là mục tiêu chính trị quan trọng đối với Tập. Tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022, ông tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực và chúng ta bảo lưu quyền lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết.”

 

Khi người Đài Loan bầu cử tổng thống lần gần đây nhất, vào năm 2020, sự chú ý của họ tập trung vào các cuộc biểu tình lớn ở Hong Kong và cách Trung Quốc của Tập phản ứng với người biểu tình.

 

Lần này, một số nhà phê bình cho rằng cử tri Đài Loan có lẽ sẽ không tập trung quá nhiều vào Trung Quốc, nhưng họ đã sai.

 

Rõ ràng, cách đối phó với Trung Quốc của Tập là điều quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm nay. Điều này đã được chứng minh khi nhân vật hàng đầu của Quốc Dân Đảng, Mã Anh Cửu, cựu tổng thống Đài Loan, không xuất hiện tại cuộc mít tinh lớn của đảng vào đêm trước cuộc bầu cử. Chỉ vài ngày trước đó, ông đã đưa ra một nhận xét được cho là cực kỳ thân Trung Quốc.

 

Mã nói với Deutsche Welle, đài truyền hình quốc tế của Đức, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào ngày 10/1, rằng cần tin tưởng Tập trong quan hệ giữa hai bờ eo biển. Mã cũng nói thêm rằng, theo hiến pháp, việc thống nhất với Trung Quốc đại lục là “thực sự có thể chấp nhận được” đối với Đài Loan. Nhận xét của ông đã nhanh chóng lan truyền khắp hòn đảo tự trị.

 

Ban điều hành chiến dịch tranh cử của Quốc Dân Đảng lo lắng rằng nếu Mã xuất hiện vào đêm trước cuộc bầu cử, điều đó có thể gây phản cảm hoặc khiến những người ủng hộ đảng này xa lánh họ.

 

 

Một quán ăn vừa bận rộn kinh doanh vừa chiếu tin tức về cuộc bầu cử trên TV vào ngày 10/1. (Ảnh của Kento Awashima)

 

 

Lý lịch của Mã đã giải thích tại sao ông lại nói cần phải tin tưởng Tập. Ông là người giữ chức tổng thống Đài Loan từ năm 2008 đến năm 2016, và đến năm 2015 thì trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan đầu tiên trực tiếp gặp mặt nhà lãnh đạo Trung Quốc.

 

Hầu Hữu Nghi, ứng viên tổng thống của Quốc Dân Đảng, dù kêu gọi đối thoại với Bắc Kinh, nhưng rõ ràng vẫn phản đối việc thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục theo tham vọng “một quốc gia, hai chế độ” của Tập.

 

Tại một cuộc họp báo vào ngày 11/1, Hầu buộc phải giải thích rằng ông và Mã không cùng quan điểm, và nếu ông thắng cử, ông sẽ không đề cập đến vấn đề thống nhất khi còn đương chức.

 

Bằng việc bầu cho Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến, cử tri đã phản ánh tâm lý phổ biến ở Đài Loan: Không thể tin tưởng Tập. Cử tri muốn tiếp tục các chính sách của tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn, tức là duy trì hiện trạng hai bờ eo biển Đài Loan, trong khi giữ khoảng cách với Trung Quốc.

 

Áp lực từ Trung Quốc lên Đài Loan, vốn ngày càng tăng dưới thời Tập, giờ đây đang khiến các quan chức cấp cao của Quốc Dân Đảng cảm thấy khủng hoảng. Dân thường Đài Loan cũng cảm nhận được điều đó, có nghĩa là việc bảo vệ hòa bình và ổn định dọc eo biển Đài Loan chưa bao giờ quan trọng hơn thế.

 

Eo biển ngăn cách Trung Quốc đại lục với đảo Đài Loan rất hẹp. Khoảng cách từ đảo Bình Đàm, ngoài khơi bờ biển phía đông tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, đến Tân Trúc, phía tây bắc Đài Loan, chỉ khoảng 124 km.

 

 

 

 

Tập thường đến thăm Bình Đàm khi ông còn giữ chức tỉnh trưởng Phúc Kiến.

 

Tuy nhiên, việc đảo Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa, cực tây Nhật Bản, nằm gần Đài Loan hơn về mặt địa lý so với đảo Bình Đàm lại không được nhiều người biết đến. Huyện Nghi Lan, phía đông bắc Đài Loan, nằm cách Mũi Irizaki, cực tây của đảo Yonaguni, chỉ 111 km.

 

Các cơ sở liên quan đến radar trên đảo Yonaguni. (Ảnh tư liệu của Katsuji Nakazawa)

 

 

Nếu thời tiết thuận lợi, điều chỉ xảy ra vài lần trong năm, thì đứng ở Mũi Irizaki, người ta có thể nhìn thấy những ngọn núi phía đông Đài Loan.

 

Hồi tháng 8/2022, Trung Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo vào các khu vực xung quanh Đài Loan để đáp trả việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo. Một số tên lửa đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách đảo Yonaguni không xa.

 

Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tên lửa đạn đạo của Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, gây ra một sự thay đổi đáng kể trong môi trường an ninh của Nhật.

 

Trước tình hình căng thẳng, phía Nhật đã tăng cường hiện diện quân sự trên đảo Yonaguni. Một trạm radar để theo dõi hoạt động của lực lượng Trung Quốc đã được xây dựng, và binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã đến đóng quân trên đảo.

 

Eo biển Ba Sĩ ngoài khơi bờ biển phía nam Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực của Nhật Bản nhằm đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển. Eo biển này nằm giữa Đài Loan và Philippines, phía tây giáp Eo biển Đài Loan, và phía đông giáp Tây Thái Bình Dương.

 

Nếu xung đột nổ ra giữa Trung Quốc và Đài Loan, việc di chuyển của các tàu tư nhân qua Eo biển Ba Sĩ có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức.

 

Tàu thuyền sẽ không thể từ Biển Đông đi qua Ba Sĩ để đến Thái Bình Dương, buộc các tàu chở dầu thô đến Nhật Bản phải đi đường vòng.

 

Một con tàu đi qua Eo biển Ba Sĩ về phía Eo biển Đài Loan vào ngày 15/1, nhìn từ Khẩn Đinh, cực nam của Đài Loan. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

 

 

Ở một mức độ nhất định, cả ba ứng viên tổng thống Đài Loan – Lại, Hầu, và Kha – đều thừa nhận rằng việc chính quyền Tập Cận Bình xâm lược Đài Loan là có thể xảy ra.

 

Mỹ và Nhật cũng có quan điểm tương tự. Hai ngày sau cuộc bầu cử, tức ngày 15/1, một phái đoàn không chính thức của Mỹ đã đến gặp Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức tại Đài Bắc. Để ngăn chặn bất kỳ hành động nào từ Trung Quốc, điều quan trọng là Mỹ và Đài Loan phải xác nhận rằng sẽ không có thay đổi nào về hiện trạng liên quan đến hòn đảo.

 

Dù Đảng Dân Tiến vẫn giữ được ghế tổng thống, nhưng họ đã để mất đa số trong Viện Lập pháp. Nếu muốn duy trì hòa bình và ổn định dọc eo biển hẹp, thì Lại, người sẽ bắt đầu nhiệm kỳ bốn năm của mình vào tháng 5 tới, sẽ cần sự hợp tác chân thành từ các đảng đối lập – những người cũng đang chia sẻ cảm giác khủng hoảng.

 

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

(nghiencuuquocte.org)