Ảnh vệ tinh cho thấy 2 tàu quân sự Trung Quốc neo tại quân cảng Ream của Campuchia hôm 8/5 (Ảnh: Planet Labs).

 

 

Ảnh vệ tinh của Mỹ hé lộ sự hiện diện bí ẩn của hai tàu chiến Trung Quốc tại cảng Ream của Campuchia suốt 5 tháng qua, dấy lên nhiều nghi vấn về mục đích thực sự của Bắc Kinh.

 

 

Vị khách "lưu trú dài hạn" tại cảng Ream

 

Theo phân tích của hãng Planet Labs và AP, hai tàu hộ vệ Trung Quốc đã "trú ngụ" tại cảng Ream từ tháng 12/2023. Hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy chúng vẫn "nằm dài" tại đây vào ngày 8/5/2024, đánh dấu 5 tháng liên tục hiện diện, theo hãng tin AP.

 

 

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, tướng Chhum Socheat, giải thích sự hiện diện này bằng việc hai tàu sẽ tham gia cuộc tập trận chung Rồng Vàng giữa hai nước vào ngày 16/5 và huấn luyện thủy thủ Campuchia. Tuy nhiên, tướng Chhum cũng khẳng định đây không phải là lực lượng khai triển thường trực và bác bỏ thông tin về việc "đồn trú thường xuyên" của tàu Trung Quốc tại Campuchia, theo Khmer Times.

 

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc là để giúp huấn luyện hải quân Campuchia và chuẩn bị cho cuộc tập trận Rồng Vàng, cuộc tập trận chung lần thứ sáu giữa hải quân Campuchia và Trung Quốc, vào giữa tháng 5 với chủ đề chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo", ông Chhum nói.

 

Ông nói, Bộ Quốc phòng Campuchia và Trung Quốc đã đồng ý rằng hải quân Trung Quốc sẽ đào tạo cho hải quân Campuchia về kỹ năng kỹ thuật sử dụng tàu và vũ khí cũng như các công nghệ mới khác".

 

 

 

Hai tàu chiến Trung Quốc neo ở quân cảng Ream, Campuchia. Ảnh chụp vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngày 7/4/2024.

 

 

 

Nâng cấp cảng Ream: Hợp tác hay "chiếm đóng" trá hình?

Sự hiện diện kéo dài của tàu chiến Trung Quốc tại cảng Ream diễn ra trong bối cảnh quân cảng này đang được nâng cấp với sự hỗ trợ của Bắc Kinh. Dự án này vấp phải sự chỉ trích từ phía Mỹ, lo ngại về nguy cơ Trung Quốc "chiếm đóng" cảng Ream và đe dọa an ninh khu vực.

 

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định đây là “dấu hiệu rõ ràng cho thấy đặc quyền tiếp cận của Trung Quốc” tới Ream.

 

Chính phủ Campuchia kiên quyết bác bỏ cáo buộc cho phép lực lượng nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ. Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia không cần quân đội Trung Quốc và cũng không cho phép bất kỳ quốc gia nào thiết lập căn cứ quân sự trên đất nước mình.

 

Dự án mở rộng Căn cứ Ream do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại và được xúc tiến vào khoảng giữa năm 2022, theo Khmer Times.

 

Quân cảng Ream dự kiến có một ụ nổi để sửa chữa tàu, cầu cảng mở rộng, bệnh viện, nhà xưởng và một tòa nhà tiếp khách. Dự án nâng cấp cơ sở được thực hiện bởi Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). Công ty quốc doanh này đã ký thỏa thuận hợp tác với Campuchia vào năm 2016.

 

 

Mục đích thực sự: Hợp tác hay chiến lược địa chính trị?

 

Căn cứ hải quân Ream nằm ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia. Căn cứ này được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược do nằm gần vịnh Thái Lan và ở phía nam Biển Đông.

 

Nơi này cách Đảo Phú Quốc khoảng 30 km và cách biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia khoảng 90 km.

 

Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên đưa tàu chiến đến Căn cứ Ream vào năm ngoái.

 

Việc Bắc Kinh tiếp cận căn cứ này đã dấy lên những lo ngại của phương Tây rằng Campuchia cấp quyền cho Hải quân Trung Quốc sử dụng nhằm mục đích quân sự, để đổi lấy việc hỗ trợ cải tạo.

 

 

Một cầu cảng và bến cảng mới đang được xây dựng ở khu vực phía tây nam của quân cảng Ream. Ảnh chụp vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngày 7/4/2024.

 

 

Sự hiện diện kéo dài của tàu chiến Trung Quốc tại Campuchia vẫn là một ẩn số. Liệu đây chỉ là hoạt động hợp tác quân sự thông thường hay ẩn chứa tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh?

 

 

Việt Nam có nên lo lắng về cảng Ream?

 

Do khoảng cách từ Ream tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam là khá gần nên những động thái tại căn cứ này có thể khiến Việt Nam lo ngại.

 

Vào năm 2022, khi Căn cứ Ream được xúc tiến nâng cấp, tờ Washington Post đã dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang thực hiện xây dựng một căn cứ quân sự bí mật tại Ream.

 

Cả Trung Quốc lẫn Campuchia đều phủ nhận thông tin trên.

 

Ông Richard Fontaine, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ, đã trả lời Washington Post vào năm 2022. Ông đánh giá rằng một căn cứ ở Campuchia sẽ cho Trung Quốc khả năng khai triển lực lượng trong khu vực mà Trung Quốc không thể có bằng cách khác.

 

“Nó gắn liền với mục tiêu của Trung Quốc về việc thiết lập hiện diện quân sự vượt trội trên khắp vành đai châu Á và Biển Đông”, ông Richard nói.

 

Ông Tea Banh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia vào năm 2022, từng khẳng định rằng nâng cấp Căn cứ Ream sẽ giúp Campuchia có khả năng xử lý các "nhiệm vụ có tính kỹ thuật phức tạp" hơn, bao gồm vận hành các "tàu hiện đại" được trang bị hỏa tiễn.

 

Theo Nikei Asia, khi được hỏi qua tin nhắn liệu binh lính Trung Quốc có đang huấn luyện hải quân Campuchia tiếp nhận các tàu chiến mới hay không, Tư lệnh Căn cứ Ream là Mey Dina đã trả lời "có".

 

 

Vị trí quân cảng Ream (dấu X bên trái), đầu ra Vịnh Thái Lan của kênh đào Phù Nam (dấu X ở giữa) và Tp. Hà Tiên, Việt Nam (dấu X bên phải). Ảnh chụp từ Google Map, RFA đánh dấu vị trí. Google Map

 

 

 

Tham vọng của Trung Quốc

Trung Quốc mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, ven bờ Biển Đỏ, năm 2017. Tuy nhiên, cơ sở này được cho là quá nhỏ so với mạng lưới căn cứ Mỹ thiết lập tại các nước đồng minh trên thế giới cũng như ở châu Á - Thái Bình Dương.

 

Ci Le Yi, chuyên gia quân sự tại Đài Loan, nhận định Bắc Kinh đã dành nhiều năm nỗ lực tăng cường ảnh hưởng và hiện diện quân sự ở nước ngoài. Ci cho rằng tham vọng của Bắc Kinh là thiết lập một "chuỗi ngọc trai" từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, gồm các cơ sở ven biển có thể cho phép hàng không mẫu hạm, tàu ngầm Trung Quốc cập cảng để tiếp tế trong các hoạt động xa bờ.

 

Theo chuyên gia này, quân cảng Ream có thể là điểm dừng chân đầu tiên của tàu hải quân Trung Quốc sau khi ra khỏi Biển Đông. "Những tàu này sau đó có thể ghé cảng Bangladesh, rồi Sri Lanka", ông nói. "Tiếp đến, họ có thể tới Vịnh Ba Tư và Bắc Phi rồi đi tiếp tới Djibouti".

 

(Theo ntdvn.net)