Bộ Trưởng Phát triển Kinh tế Nga, Maxim Reshetnikov. Nguồn: AAP

 

 

Hoa Kỳ và bốn quốc gia khác đã bước ra khỏi cuộc họp của nhóm Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC để phản đối việc Nga xâm lược Ukraine. Tháng trước một số nước cũng đã rời khỏi phòng họp của khối G20.

 

Vào ngày khai mạc cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương [APEC] tại Bangkok, đại diện của Hoa Kỳ và bốn quốc gia khác đã bước ra ngoài.

 

Do Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai dẫn đầu, phái đoàn của Úc, Canada, New Zealand và Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối việc Nga tiếp tục tấn công Ukraine. Họ rời cuộc họp khi Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov bắt đầu phát biểu khai mạc.

 

Mặc dù các đại diện đã trở lại sau khi Nga kết thúc diễn văn, nhưng 5 nước này đã đưa ra một tuyên bố chung, được cả Chile và Nam Hàn ủng hộ.

"Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi và mối đe dọa về an ninh lương thực và năng lượng trên thế giới do các hành động của Nga gây ra, vốn đã gây bất ổn hơn nữa cho nền kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng toàn cầu. Khẳng định lại tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc trật tự quốc tế làm nền tảng cho một khu vực châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình, chúng tôi đặc biệt kêu gọi Nga ngừng sử dụng vũ lực ngay lập tức và rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Ukraine - hoàn toàn và vô điều kiện."

 

Giáo sư Charles Miller là giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc. Ông nói với SBS rằng ông sẽ ngạc nhiên hơn nếu các đại diện tại APEC sẵn sàng ngồi lại một diễn đàn quốc tế với Nga.

"Theo các nước này và tôi nghĩ họ đúng, Nga đã vi phạm một trong những chuẩn mực cơ bản của chính trị quốc tế, đó là bạn không chỉ đi xâm lược nước khác chỉ vì bạn muốn tước đoạt lãnh thổ của họ. Và ý tôi là đây là nền tảng xây dựng căn bản của trật tự quốc tế, chúng giúp duy trì hòa bình. Việc bước ra khỏi phòng họp khi Nga phát biểu tại một diễn đàn kinh tế quốc tế không thực sự đáng ngạc nhiên khi họ phản ứng như vậy."

 

Sarah Bianchi, Phó Đại diện Thương mại Mỹ, đã thay thế bà Tai tại cuộc hội đàm APEC sau khi bà rời đi để cùng Tổng thống Joe Biden tới Nhật Bản. Bà Bianchi nói rằng bà không chắc liệu việc bước ra khỏi phòng họp chỉ diễn ra một lần hay liệu các quốc gia có thể sẽ xa lánh Nga tại các cuộc họp trong tương lai hay không.

"Tôi không muốn đoán những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng rõ ràng là hiện tại chúng tôi đang vô cùng lo lắng về những gì đang xảy ra với Ukraine và các cuộc tấn công vô cớ tại đó. Vì vậy, chúng tôi sẽ chờ xem tất cả những vấn đề này diễn ra như thế nào. Nhưng chắc chắn, chúng tôi muốn đưa ra một tuyên bố quan trọng tại cuộc họp APEC này rằng hành động kiểu đó là không thể chấp nhận được."

 

Giáo sư Miller nói rằng những động thái này trên trường quốc tế là dấu hiệu của những căng thẳng kinh tế rộng lớn hơn do chiến tranh gây ra.

"Đây là những biểu hiện của sự chia tách nền kinh tế toàn cầu thành hai khối. Một trong những khối do Mỹ lãnh đạo và phương Tây, có Liên minh Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. và khối còn lại về cơ bản là Nga và Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào khác muốn đi cùng với họ. Tôi nghĩ rằng đây là điều sẽ ngày càng xảy ra trong 10 năm tới hoặc lâu hơn nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục. Và tôi nghĩ nếu điều đó xảy ra thì điều đó sẽ có hậu quả rất lớn cho kinh tế thế giới."

 

Giáo sư Kinh tế tại đại học UNSW, Valentyn Panchenko, nói rằng Nga chỉ đang cố gắng xây dựng mối quan hệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do sự cô lập ngày càng tăng ở châu Âu.

"Nga cần phải tìm thị trường mới cho các nguồn tài nguyên và sản phẩm của mình. Và cả các thị trường mới để có được một số công nghệ. Hiện nay có nhiều liên kết thương mại lớn hơn với Nga và Trung Quốc vì Trung Quốc là nhà cung cấp công nghệ chính cho Nga. Tất cả các quốc gia khác đều từ chối cung cấp công nghệ của họ."

 

Diễn đàn APEC gồm 21 nước thành viên nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng đã có nhiều đồn đoán xung quanh mối bất hòa có thể xảy ra giữa các quốc gia khi đề cập đến vấn đề Nga-Ukraine. Đại diện Nga, Bộ trưởng Thương mại Maxim Reshetnikov, đã đổ lỗi cho những người bỏ ra ngoài cho nên hội nghị cuối cùng đã không có tuyên bố chung của diễn đàn kinh tế kéo dài hai ngày. 

 

“Lý do duy nhất khiến chúng ta không đạt được đồng thuận là nỗ lực của một số nền kinh tế nhằm chính trị hóa diễn đàn. Trong tương lai, chúng ta nên tập trung vào việc tìm kiếm điểm chung chứ không phải cứ gây bất đồng," ông Reshetnikov nói với hãng thông tấn TASS của Nga.

 

Chuyện này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán kinh tế toàn cầu khác cũng xem cuộc xung đột Nga Ukraine đang chi phối nghị trình. Câu hỏi vẫn là Nga sẽ được mời tham dự các sự kiện quốc tế này trong bao lâu. Theo Giáo sư Miller, vấn đề là Nga chọn làm gì tiếp theo.

"Các cường quốc phương Tây đang thực sự cố gắng loại bỏ hoàn toàn Nga ra khỏi nền kinh tế toàn cầu như một biện pháp để cố gắng ngăn chặn và đảo ngược cuộc xâm lược Ukraine. Nhưng có một số lượng đáng kể các quốc gia bên ngoài phương Tây không hoàn toàn muốn làm như vậy. Và đó là lý do tại sao Nga vẫn chưa bị trục xuất ra khỏi bất kỳ tổ chức quốc tế nào, trong khi chắc chắn không có chuyện các nước phương Tây chịu ngồi vào bàn với Nga."