Tính đến 6h ngày 14/7, toàn cầu ghi nhận thêm 191.773 người nhiễm Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh lên 13.225.590, trong đó có 574.915 ca tử vong và 7.689.653 bệnh nhân bình phục.

 

 

Mỹ hiện vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong với 3.477.513 ca nhiễm, tăng 63.518 trường hợp, trong đó có 138.211 ca tử vong. Số ca mắc bệnh ở Mỹ đã tăng đột biến trong những tuần gần đây, tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn hối thúc các trường mở lại vào mùa Thu tới.

 

Dịch diễn biến phức tạp ở Mỹ buộc thống đốc một số tiểu bang phải tạm hoãn các kế hoạch mở cửa trở lại, thậm chí một số bang còn ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Ngày 12/7, Tổng thống Trump đã gây ngạc nhiên khi lần đầu tiên đeo khẩu trang xuất hiện trước công chúng trong chuyến thăm bệnh viện quân y Walter Reed ở ngoại ô thủ đô Washington để gặp gỡ các cựu chiến binh đang điều trị tại đây.

 

Phát biểu khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Trump cho rằng đeo khẩu trang là việc làm tốt và phù hợp. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh nhấn mạnh tầm quan trọng của khẩu trang, khẳng định nếu 90% người dân Mỹ không đeo khẩu trang nơi công cộng ở những điểm nóng của dịch Covid-19, nước này sẽ không thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

 

Tại Mỹ Latinh và Caribbean, Brazil tiếp tục là nước có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai thế giới với 1.887.959 ca nhiễm và 72.921 ca tử vong.

 

Đáng chú ý, tại khu vực này, trong ngày 13/7, Mexico đã vượt Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 4 thế giới sau khi Bộ Y tế ghi nhận thêm 276 ca tử vong, nâng tổng số lên 35.006 ca. Kể từ khi bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1/6, số ca mới và tử vong đã tăng gấp 3 lần.

 

 

Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong ngày ở mức cao, khi có thêm 28.179 ca trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại nước này hiện là 23.727 trong tổng số 907.645 ca nhiễm. Trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tại Ấn Độ cũng đã siết chặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh.

 

Tương tự như Ấn Độ, ngày 13/7, giới chức Philippines thông báo tái áp đặt lệnh phong tỏa một phần vùng thủ đô Manila trong 2 tuần tới, 6 tuần sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Hiện Philippines là nước có số ca nhiễm cao thứ hai ở Đông Nam Á với hơn 57.006 người, trong đó có 1.599 trường hợp tử vong. Ngày 13/7 được ghi nhận là ngày có số ca tử vong cao nhất, với 162 ca.

 

 

 

Cùng ngày, nhà chức trách Thái Lan đã yêu cầu tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới trên bộ khi xuất hiện quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, sau khi lực lượng chức năng bắt giữ hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp vào tháng trước.

 

Kể từ đầu tháng 6, lực lượng chức năng Thái Lan đã bắt giữ 3.000 lao động nhập cư tìm cách đi vào nước này qua các khu vực biên giới trên bộ. Nhà chức trách Thái Lan cũng nêu quan ngại về các quy định lỏng lẻo yếu đối với người nước ngoài nhập cảnh bằng đường hàng không, sau khi 2 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1 người vi phạm các quy định cách ly.

 

Tại châu Âu, ngày 13/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Italy Giuseppe Conte tại lâu đài Meseberg ở thủ đô Berlin. Lãnh đạo Đức và Italy thúc giục các nước châu Âu có phản ứng nhanh chóng và thuyết phục nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra với những hậu quả kinh tế và xã hội to lớn.

 

Nhà lãnh đạo Đức kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết. Mặc dù vậy, bà Merkel thừa nhận các nước có những ý tưởng rất khác nhau và không chắc chắn về khả năng có đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới hay không.

 

 

Về phần mình, Thủ tướng Italy Conte nhấn mạnh, một phản ứng mạnh mẽ và phối hợp từ châu Âu rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Thủ tướng Italy hối thúc châu Âu cần phải có hành động, phản ứng nhanh chóng bởi theo ông, một phản ứng chậm trễ trong cuộc khủng hoảng sẽ phá hủy thị trường nội khối trong thời gian ngắn.

 

Tại Nga, từ ngày 15/7, Moscow sẽ bỏ quy định cách ly 2 tuần đối với những người đến từ nước ngoài. Tuy nhiên, những người này phải trình giấy chứng nhận không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh hoặc phải làm xét nghiệm tại Nga.

 

Cổng thông tin pháp lý của Nga đăng tải văn bản về vấn đề này cho biết: "Người nước ngoài khi đi qua biên giới quốc gia Liên bang Nga cần thông báo cho các công chức thực hiện việc giám sát vệ sinh phòng dịch về tình trạng không bị nhiễm Covid-19 bằng cách xuất trình giấy chứng nhận y tế (tiếng Nga hoặc tiếng Anh) khẳng định kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2”. Theo quy định này, xét nghiệm được thực hiện trước khi nhập cảnh lãnh thổ Liên bang Nga không quá 3 ngày.

 

 

 

Trong trường hợp không có các giấy chứng nhận y tế, người nước ngoài sẽ phải làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Nga trong vòng 3 ngày và phải thanh toán tiền xét nghiệm theo luật pháp sở tại. Bên cạnh đó, đối với tất cả các công dân Nga, trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm về nước, cũng phải tiến hành làm xét nghiệm.

 

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thông báo cho người lao động ra nước ngoài về sự cần thiết phải tiến hành các xét nghiệm như vậy sau khi trở về nước, cũng như phải kiểm tra xem người nước ngoài có các giấy chứng nhận y tế khẳng định âm tính với SARS-CoV-2 hay không trước khi sử dụng họ vào mục đích lao động.

 

Cho đến nay, Nga ghi nhận 733.699 người nhiễm Covid-19 trong đó có 574.915 ca tử vong.

 

Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu tăng nhanh, ngày 13/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo có quá nhiều nước đang hành động tùy tiện trong đối phó với đại dịch Covid-19.

 

Sau khi ghi nhận 230.000 ca mắc Covid-19 mới chỉ trong một ngày được báo cáo hôm 12/7, WHO cho rằng, đại dịch sẽ chỉ diễn biến tồi tệ hơn trừ phi người dân tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị ốm.

 

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, một số nước nới lỏng lệnh phong tỏa hiện đang phải chứng kiến sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2 vì không tuân thủ các phương pháp đã được kiểm chứng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

 

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, ông Tedros chỉ rõ sẽ không có việc quay trở lại trạng thái "bình thường như cũ" trong tương lai gần, có quá nhiều nước đang đi sai hướng. Theo ông, virus SARS-CoV-2 vẫn là kẻ thù chung số 1, nhưng "hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều đó".

 

Ông Tedros nhận định, nếu chính phủ các nước không thực thi một chiến lược toàn diện nhằm ngăn chặn virus lây lan và người dân không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản thì chỉ có một khả năng là dịch bệnh sẽ diễn biến ngày càng tồi tệ hơn.