Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân, bên lề các cuộc họp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), ngày 10/11/2014 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kim Kyung-Hoon-Pool / Getty Images)
NHẬT BẢN - Quyết tâm không lay động, kiên trì không ngừng nghỉ để đối phó với một Trung Quốc ngày càng tham vọng, bành trướng và hiếu chiến - đây là di sản đáng khâm phục nhất mà cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe để lại cho Nhật Bản và cả thế giới. Ông Abe là nhà lãnh đạo kiệt xuất của xứ phù tang, là chính khách mang tầm vóc toàn cầu.
Tin ông Abe Shinzo bị ám sát đã làm bàng hoàng cả thế giới. Sự kiện cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại vai trò cũng như di sản đồ sộ mà ông để lại. Nhắc đến thành công của ông Abe, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến sáng kiến “Abenomics” giúp vực dậy kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung bàn về di sản của ông Abe trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao, đặc biệt trong cuộc chiến không mệt mỏi trước sự bành trướng đầy hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thời đại Shinzo Abe - Thời đại Tập Cận Bình
Ông Abe tham gia chính trường vào năm 1993. Tháng 9/2005, ông trở thành ngôi sao chính trị khi giữ chức Chánh văn phòng Nội các của cựu Thủ tướng Koizumi Junichiro. Ông được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản năm 2006 và từ chức năm 2007 vì lý do sức khỏe.
Ông Abe làm Thủ tướng Nhật Bản lần thứ 2 vào tháng 12/2012, ở tuổi 58. Thời đại Shinzo Abe cũng là thời đại Tập Cận Bình; bởi chỉ một tháng trước đó, ông Tập được bổ nhiệm làm Tổng bí thư ĐCSTQ, ở tuổi 59.
Đây không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian. Nhiệm vụ trọng tâm của ông Abe - như các cố vấn thân cận nhất của ông mô tả - là củng cố Nhật Bản để đối phó với một Trung Quốc ngày càng độc tài và hiếu chiến.
Ông Abe trở lại văn phòng Thủ tướng ngay sau khi Thủ tướng tiền nhiệm, ông Yoshihiko Noda, quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, khiến quan hệ Trung - Nhật ‘căng như dây đàn’.
Chuyến thăm đầu tiên của ông Abe là đến Đông Nam Á. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn của ông về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Ông Abe theo đuổi chính sách ngoại giao chủ động nhằm phục hồi vị thế của Nhật trên trường quốc tế; đưa Nhật trở thành đồng minh, bạn bè và đối tác ở khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Các trường hợp ngoại lệ là Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc.
Sau khi bất ngờ từ chức vào năm 2020, ông Abe vẫn đặc biệt chú ý đến Hong Kong và Đài Loan. Điều này khiến ĐCSTQ thực sự khó chịu.
(Từ trái sang) Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo và Thủ tướng Úc Scott Morrison tham dự cuộc họp về nền kinh tế kỹ thuật số tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hôm 28/6/2019. (Ảnh: Jacques Witt/AFP/Getty Images)
Chủ trương của ông Abe đối với Trung Quốc: Vừa xoa dịu, vừa cảnh giác
Lịch sử đã chứng kiến 2 cuộc chiến tranh khốc liệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc: Chiến tranh Nhật - Trung lần thứ nhất (1894-1895) và chiến tranh Nhật - Trung lần thứ hai (1937-1945). Hai cuộc chiến này còn được biết đến với cái tên “Thảm sát Holocaust ở châu Á” khi hàng triệu thường dân Trung Quốc thiệt mạng.
Vị thế quân sự của Nhật đã thay đổi đáng kể khi Chiến tranh Lạnh (1947-1991) kết thúc. Vào cuối Chiến tranh Lạnh, chi tiêu quân sự của Nhật nhiều gấp 2 lần Trung Quốc; hiện nay, chi tiêu quân sự của Trung Quốc lớn gấp 5 lần Nhật Bản. Nhật có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, trong khi kinh tế Trung Quốc hiện lớn hơn Nhật 2,5 lần.
Phá băng quan hệ Nhật - Trung
Chính ông Abe là người đã đưa quan hệ Nhật - Trung trở lại từ vực thẳm sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku năm 2012.
Ngày 10/11/2014, tại Bắc Kinh - nơi tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, ông Abe đã thực hiện một bước đi quan trọng, đó là gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây được đánh giá cuộc họp phá băng bởi ông Abe đã bắt tay ông Tập một cách đầy thiện chí.
Năm 2017, ông Abe chủ động ngỏ lời với Bắc Kinh, bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Hai nước sau đó đã ký hơn 50 thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối ở các nước thứ ba.
Kể từ đó, hàng loạt chuyến thăm cấp cao giữa hai bên được mở ra, trong đó có chuyến thăm của ông Abe tới Bắc Kinh năm 2018, ông Tập đến Nhật dự hội nghị G20 năm 2019 và định thăm Nhật vào năm 2020 nhưng bị hoãn do COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử khi vạch trần sâu sắc hơn bộ mặt thật của ĐCSTQ. Trong những năm COVID, thế giới chứng kiến vòng xoáy đi xuống không chỉ trong quan hệ Nhật - Trung mà còn cả trong quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới.
Màn biểu diễn trong trang phục quân đội trước màn hình chiếu tên lửa đang phóng đi, trong một buổi dạ tiệc quần chúng đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại sân vận động Olympic Bird's Nest ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/06 /2021. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images )
Củng cố quân đội và hiện đại hóa vũ khí trước mối đe dọa từ Bắc Kinh
Trong Thế chiến II, sức mạnh quân sự của Nhật xếp thứ 2 thế giới, trước Đức và sau Mỹ. Những năm 1950 và 1960, Mỹ đảm nhận phần lớn trách nhiệm đối với quốc phòng Nhật Bản.
Trong khi nỗ lực làm nóng quan hệ với Bắc Kinh, ông Abe cũng không ngừng cảnh giác cao độ trước mọi động thái của ĐCSTQ và củng cố chính sách quân sự của Nhật.
Năm 2013, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe công bố chiến lược an ninh quốc gia mới.
Năm 2015, Luật vì Hòa bình và An ninh được phê duyệt, cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể trong một số trường hợp nhất định. Cũng trong năm này, Nhật sửa đổi các chính sách về chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, đồng thời thành lập một cơ quan mới để mua sắm và phát triển vũ khí.
Năm 2018, Nhật Bản thông qua kế hoạch quốc phòng 10 năm và kế hoạch chi tiêu giữa kỳ, nhấn mạnh vào việc xây dựng thế trận phòng thủ ở phía Tây Nam của Nhật Bản.
Đầu năm 2020, ông Abe quyết định loại hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc khỏi thị trường mạng 5G nước này vì lo ngại về bảo mật và gián điệp.
Ngày 09/07/2020, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) thông báo Bộ Ngoại giao nước này đồng ý bán 105 máy bay tiêm kích tối tân F-35 và các thiết bị liên quan cho Nhật - quốc gia duy nhất nhận máy bay quân sự như vậy từ Mỹ vào thời điểm đó.
Giới phân tích nhận định, nếu Nhật Bản áp dụng công nghệ của họ trong lĩnh vực quân sự thì đó sẽ là một điều rất tuyệt vời, bởi vì quân đội Mỹ phụ thuộc vào chất bán dẫn của Nhật để phát triển hầu hết công nghệ dẫn đường và radar. Phần cứng, tức là tất cả các thiết bị, về cơ bản đều do người Nhật cung cấp.
Tháng 12/2020, hãng truyền thông Nhật Bản Sankei News đưa tin, một tên lửa chống hạm mới do chính phủ Nhật nghiên cứu và phát triển sẽ có tầm bắn khoảng 2.000 km, có thể vươn tới Trung Quốc và Triều Tiên, với khả năng tàng hình để giảm sự phát hiện của radar và khả năng cơ động cao để ngăn chặn đối phương đánh chặn. Ngoài việc phóng từ mặt đất, nó có thể được phóng từ tàu và máy bay.
Năm 2021, sức mạnh quân sự tổng thể của Nhật xếp thứ 5 trên thế giới - sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ; trong khi ngân sách quốc phòng của nước này xếp thứ 6 trong số 140 quốc gia.
Cuối cùng, nhưng chưa phải là tất cả, không thể không nhắc đến nỗ lực của ông Abe trong việc thúc đẩy thay đổi điều 9 của Hiến pháp Nhật - được cho là được thông qua dưới áp lực của Mỹ. Cố Thủ tướng Nhật, cùng với những người theo chủ nghĩa dân tộc khác, đều mong muốn Nhật Bản có quân đội thực sự chứ không phải lực lượng tự vệ như hiện nay.
Các thành viên của Quân đội Phương Bắc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản hoan nghênh đồng đội của họ sau khi tham gia cuộc thi bắn đạn thật xe tăng Type-90 tại Eniwa, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản, ngày 07/12/2021. (Ảnh Behrouz Mehri / AFP / Getty Images)
Vừa thúc đẩy sức mạnh Bộ Tứ, vừa tăng cường hợp tác quân sự song phương
Nguồn gốc của Bộ Tứ (Quad) có thể truy từ năm 2004, khi Mỹ đề nghị Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cùng thành lập nhóm các quốc gia cốt lõi phục vụ cứu trợ sau thảm họa động đất và sóng thần Ấn Độ Dương.
Năm 2007, bài diễn văn lịch sử trước Quốc hội Ấn Độ của ông Abe đã mở đường cho sự hình thành của Bộ Tứ. Tại đây, ông nói rằng cộng đồng quốc tế cần một khái niệm "châu Á mở rộng", không chỉ giới hạn trong khuôn khổ Thái Bình Dương quen thuộc, mà cần bao gồm Ấn Độ Dương, cũng như "những vùng biển tự do và thịnh vượng khác, với tiêu chí mở và minh bạch với mọi quốc gia". Đối với ông Abe, khái niệm truyền thống "châu Á - Thái Bình Dương" được dùng để mô tả khu vực Đông Á, trong đó Trung Quốc nằm ở vị trí trung tâm.
Vị Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Nhật Bản muốn cộng đồng quốc tế nhìn nhận lại châu lục dưới lăng kính bao quát hơn, đánh giá đúng hơn về tầm quan trọng của Ấn Độ và các quốc gia biển ở Đông Nam Á trong bức tranh địa chính trị khu vực.
Tuy nhiên, tại thời điểm ấy, tất cả các quốc gia chỉ tham gia Bộ Tứ với thái độ ‘tạm thời’. Cụ thể, Tổng thống Mỹ khi đó, ông George W. Bush, là người không muốn mất lòng Bắc Kinh. Ông Bush lo ngại rằng sự góp mặt của Mỹ trong Bộ Tứ sẽ khiến Trung Quốc xa lánh Mỹ khi mà Washington cần Bắc Kinh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tại New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh liên tục loại trừ mọi phương án hợp tác an ninh thực sự với Bộ Tứ, đồng thời coi mối quan hệ với Bắc Kinh là “điều cần thiết bắt buộc” của ông.
Tại Canberra, chính phủ của ông John Howard lo lắng về việc mất đi các mối quan hệ kinh tế có lợi với Trung Quốc và cũng phản đối việc mở rộng hợp tác ba bên hiện có với Mỹ và Nhật Bản bằng cách thêm Ấn Độ. Tháng 7/2007, Úc chính thức rút lui và ngay sau đó công bố quyết định này của họ tại Bắc Kinh.
Ở Nhật, Thủ tướng Abe - động lực và linh hồn của Bộ Tứ - lại bất ngờ từ chức vào tháng 9/2007. Người kế nhiệm, ông Yasuo Fukuda, đã ném Bộ Tứ vào thùng rác lịch sử.
Khi ông Abe tái giữ chức Thủ tướng Nhật vào năm 2012, ông quyết tâm xây dựng lại Bộ Tứ, trước hết bằng việc thúc đẩy hợp tác quân sự song phương với từng nước.
Bản đồ khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. (Nguồn: mapsofworld.com)
Quan hệ Nhật - Úc
Năm 2007, Nhật và Úc thiết lập cơ chế đàm phán “2 + 2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng sau khi hai nước ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự, cho phép tiến hành các cuộc tập trận chung và trao đổi quân sự chính thức; đồng thời mở ra khả năng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành huấn luyện chống khủng bố trên đất Úc.
Năm 2012, hai nước ký hiệp định an ninh tình báo và đồng ý chia sẻ thông tin tình báo quân sự.
Năm 2014, mối quan hệ Nhật - Úc được nâng cấp thành “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt”; hai bên ký Thỏa thuận Chuyển giao Công nghệ và Thiết bị Quốc phòng.
Kể từ đó, hợp tác quân sự Nhật - Úc tiếp tục đạt được những bước đột phá, bao gồm việc chia sẻ vũ khí và vật tư quân sự sau khi Nhật Bản nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu trang thiết bị và vũ khí.
Tháng 11/2020, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đến thăm Nhật Bản. Tại đây, hai nước đã đồng ý về mặt nguyên tắc của Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (RAA) - một hiệp ước quốc phòng mang tính bước ngoặt. Được ký kết vào đầu năm 2022, Nhật Bản và Úc đồng ý thành lập một liên minh bán quân sự, cho phép hai nước triển khai binh sĩ nhanh hơn tới căn cứ của nhau; cũng như nới lỏng các hạn chế trong vận chuyển vũ khí, hậu cần phục vụ các cuộc diễn tập chung hay ứng phó thảm họa. Đây cũng là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên thuộc loại này giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương, được một số phương tiện truyền thông mô tả là một “hiệp ước quốc phòng đột phá”.
Quan hệ Nhật - Ấn
Năm 2007, ông Abe với tư cách là Thủ tướng Nhật đã có bài phát biểu lịch sử tại Quốc hội Ấn Độ (như đã nêu ở trên). Ông nói rằng “quan hệ Đối tác Toàn cầu Chiến lược giữa Nhật Bản và Ấn Độ là then chốt” cho việc “theo đuổi tự do và thịnh vượng trong khu vực”. Cũng trong năm này, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã lần đầu tiên tham gia Cuộc tập trận Malabar, lần thứ hai là vào năm 2009 và thường niên kể từ năm 2014.
Năm 2008, hai nước đã ký kết “Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh giữa Nhật Bản và Ấn Độ” nhằm tăng cường trao đổi quân sự, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ ba ngoài Mỹ và Úc có thỏa thuận an ninh với Nhật Bản.
Kể từ khi ông Narendra Damodardas Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014, quan hệ Nhật - Ấn đã ấm lên nhanh chóng. Cụ thể:
Tháng 09/2014, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và Toàn cầu Đặc biệt Nhật - Ấn. Ngoài Nhật Bản, Ấn Độ chỉ thiết lập quan hệ như vậy với một nước khác, đó là Nga.
Ngày 30/11/2019, tại New Delhi đã diễn ra Đối thoại Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Ấn Độ - Nhật Bản (2 + 2).
Tháng 11/2020, Nhật và Ấn đã đạt được thỏa thuận về chia sẻ nguồn cung cho quân sự; theo đó, Hải quân Ấn Độ được phép tiếp cận căn cứ quân sự của Nhật Bản ở Cộng hòa Djibouti, trong khi Hải quân Nhật Bản được phép tiếp cận quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay sau lễ ký kết tại Tokyo hôm 11/11/2016. (Ảnh: Franck Robichon/AFP/Getty Images)
Quan hệ Nhật - Mỹ
Có rất nhiều điều để bàn về quan hệ quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tại đây, chúng ta chỉ nói về những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Abe trong việc giữ cho mối quan hệ này không bị sụp đổ.
Trong các cuộc họp nội bộ, ông Abe thường nói rằng chi phí và rủi ro của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản đã tăng lên đáng kể, bởi Mỹ phải chi tiêu nhiều để cân bằng cán cân quân sự Mỹ - Trung và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo ông Able, liên minh Nhật - Mỹ sẽ không thể bền vững nếu Nhật Bản từ chối tự củng cố quân sự.
Ông Abe cũng dự đoán rằng cử tri Mỹ sẽ không chấp nhận cam kết của chính phủ Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản nếu Nhật Bản lơ là quốc phòng của chính mình.
Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ có vẻ vững chắc về mặt pháp lý, nhưng thật ra nó cực kỳ mong manh. Điều 10 của hiệp ước này quy định rằng nó có thể được chấm dứt với một năm thông báo trước bởi một trong hai bên ký kết. Nói cách khác, Nhật Bản không có cách nào duy trì hiệp ước nếu Mỹ quyết định chấm dứt nó.
Do vậy, từ khi giữ chức Thủ tướng lần thứ 2 vào năm 2012, ông Abe không ngừng thúc đẩy Nhật Bản thay đổi các chính sách quân sự và quốc phòng (như đã nêu ở trên).
Khi ông Trump trở thành Tổng thống vào tháng 01/2017, ông đã công khai phàn nàn rằng liên minh Nhật - Mỹ là gánh nặng đối với Hoa Kỳ. Trong gần như tất cả 14 cuộc gặp của ông Trump với ông Abe, ông Trump thúc giục Nhật thanh toán mọi chi phí cho lực lượng Mỹ đóng tại Nhật, cũng như trợ cấp một phần cho các hoạt động của hàng không mẫu hạm Mỹ ở châu Á.
Để cứu liên minh Nhật - Mỹ, ông Abe quyết định xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Trump, đồng thời củng cố quan hệ song phương giữa hai nước. Ông Abe đã cùng chơi golf và dùng bữa tối với cựu Tổng thống Trump; họ trở thành những người bạn tốt của nhau. Tại hầu hết các cuộc họp song phương, ông Abe đã minh họa rất chi tiết cho ông Trump về cách duy trì một liên minh mạnh mẽ với Nhật để cuối cùng mang lại lợi ích cho Mỹ.
Ví dụ, khi ông Trump phàn nàn về chi phí của lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, ông Abe đã giải thích rõ ràng rằng việc duy trì các lực lượng này ở California sẽ tốn kém hơn nhiều so với ở Nhật.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chơi golf tại Câu lạc bộ đồng quê Mobara ở Chiba, Nhật Bản, hôm 26/5/2019. (Ảnh: Kimimasa Mayama/Pool/Getty Images)
Sự đe dọa từ Trung Quốc khiến Bộ Tứ hồi sinh
Trong nhiều năm thúc đẩy quân sự song phương Nhật - Mỹ, Nhật - Úc và Nhật - Ấn, ông Abe cũng không ngừng cảnh báo về mối đe dọa đáng lo ngại từ ĐCSTQ.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2017 ở Manila (Philippines), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nhất trí khởi động lại Bộ Tứ bởi nhiệm vụ cấp bách là kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã trở nên bành trướng và hống hách hơn bao giờ hết. Hãy điểm lại một số sự kiện gần đây nhất:
Với Mỹ, Bắc Kinh không ngừng phát đi thông điệp rằng Hoa Kỳ đã trở nên yếu hèn. Trước thềm đại hội Đảng lần thứ 20, ông Tập cho rằng Mỹ cần Trung Quốc, chứ Trung Quốc không cần Mỹ. Ông kêu gọi một làn sóng tẩy chay nước Mỹ, biến nó thành trào lưu lan rộng trong lòng người dân Trung Quốc.
Với Úc, quan hệ Trung - Úc thực sự rơi xuống vực sâu vào tháng 4/2020, khi chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Bắc Kinh đã vô cùng giận dữ, họ đã sử dụng thứ vũ khí mà họ hay dùng để trừng phạt các quốc gia ngoan cố: Cưỡng bức kinh tế. Tuy nhiên, Canberra không hề nao núng, trong khi người Úc ngày càng trở nên chán ghét Trung Quốc.
Với Ấn Độ, vào tháng 6/2020, Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra xung đột dọc theo biên giới chung. Cuộc đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, từ đó đẩy New Delhi - trước đây là thành viên miễn cưỡng nhất của Bộ Tứ - phải đánh giá lại các ưu tiên chiến lược của mình, trong đó có ưu tiên với Bộ Tứ.
Tháng 3/2021, nhóm Bộ Tứ đã ra Tuyên bố chung, nhấn mạnh tầm nhìn chung cho một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và một trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tiếp đó, các cuộc họp của nhóm Bộ Tứ ngày 24/9/2021 (cấp thượng đỉnh) và ngày 11/2/2022 (cấp ngoại trưởng) là dấu hiệu cho thấy liên minh này đang củng cố mối quan hệ để cùng chống lại ĐCSTQ.
Mới đây, hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ ngày 24/05 tại Tokyo có ý nghĩa quan trọng vì nó diễn ra ngay sau khi Trung Quốc ‘nắm quyền kiểm soát’ Quần đảo Solomon, đồng thời áp dụng lập trường hiếu chiến đối với Đài Loan trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine.
Cần phải nhắc lại rằng, Bộ Tứ có được sự đoàn kết và hợp tác như ngày nay chính là di sản của cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken làm việc trực tuyến với các thành viên khác của Bộ Tứ gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, ngày 12/03/2021. (Ảnh: Olivier Douliery / AFP qua Getty Images)
Mở rộng quan hệ quân sự với các nước NATO
Không chỉ bồi đắp quan hệ với các nước Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, ông Abe còn thắt chặt hợp tác quân sự với các cường quốc thuộc NATO để cùng nhau đối phó với mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Quan hệ Nhật - Anh
Tháng 07/2013, Nhật - Anh đã ký thỏa thuận “về Chuyển giao Vũ khí và Công nghệ Quân sự cần thiết để thực hiện nghiên cứu, phát triển và sản xuất chung Thiết bị Quốc phòng và các hạng mục liên quan khác”.
Năm 2014, Nhật Bản bắt đầu phối hợp với Anh để phát triển tên lửa không đối không. Đây là dự án về thiết bị quốc phòng đầu tiên của Nhật với một đối tác khác ngoài Mỹ.
Từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11/2016, Không quân Anh đã đến thăm Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) tổ chức một cuộc tập trận chung với một nước thứ ba không phải Mỹ tại Căn cứ Không quân Misawa của Nhật.
Năm 2017, Nhật và Anh ký thỏa thuận cung cấp qua lại các vật tư và dịch vụ cho lực lượng quân sự của hai bên.
Ngày 03/02/2021, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã có cuộc gặp trực tuyến với những người đồng cấp Anh để bàn về hợp tác an ninh và quốc phòng. Cả hai bên “chia sẻ mối quan tâm nghiêm túc về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông”, cũng như “phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”. Những điều này rõ ràng là nhằm vào ĐCSTQ.
Giữa năm 2021, tàu sân bay và nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth của Anh đã thực hiện chuyến thăm Đông Á và đã đến căn cứ Hải quân của Mỹ ở Yokosuka, phía Tây Nam thủ đô Tokyo, vào ngày 04/09.
Một chiếc F-35B hạ cánh trên tàu HMS Queen Elizabeth ở Portsmouth, Anh, ngày 26/09/2018. (Ảnh: Kyle Heller / Bộ Quốc phòng Anh qua Getty Images)
Quan hệ Nhật - Pháp
Năm 2013, trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Francois Hollande tới Nhật Bản, hai nước đã quyết định nâng tầm quan hệ lên thành “Đối tác Đặc biệt”, đưa ra lộ trình hợp tác Nhật - Pháp từ 2013- 2018, đồng thời thiết lập cơ chế họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng "trong các lĩnh vực chính trị và an ninh". Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở châu Á có cơ chế như vậy với Pháp.
Năm 2015, Nhật và Pháp đã ký một thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Năm 2018, trong bối cảnh căng thẳng quốc tế về sự bành trướng ra nước ngoài của ĐCSTQ, đặc biệt là khi Bắc Kinh xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Pháp đã tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp cũng ban hành tài liệu chiến lược về khu vực này (“The Indo-Pacific region: a priority for France”) với Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong chiến lược.
Cũng trong năm 2018, Thỏa thuận Mua lại và Phục vụ chéo Nhật - Pháp (ACSA) đã được ký kết làm nền tảng cho hợp tác quốc phòng, như được thông báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Từ ngày 05 đến ngày 07/04/2021 đã diễn ra cuộc tập trận hải quân “La Perouse” do Pháp dẫn đầu, được tổ chức tại Vịnh Bengal với sự tham gia của Bộ Tứ gồm Nhật, Mỹ, Úc và Ấn.
Tháng 05/2021, Nhật tổ chức một cuộc tập trận chung với Mỹ và Pháp tại căn cứ quân sự trên đảo Kyushu. Tham mưu trưởng hải quân Pháp cho biết sự kiện này là thông điệp nhằm vào ĐCSTQ, thông điệp về quan hệ đối tác đa phương và quyền tự do đi lại.
Quan hệ Nhật - Đức
Đức từng ôn hòa đối với ĐCSTQ. Nước Đức dưới thời cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel được gọi là chế độ thân Trung Quốc. Tuy nhiên, những thay đổi trên chính trường toàn cầu đang buộc Đức phải thay đổi chính sách đối với ĐCSTQ.
Ông Shinzo Abe đã tích cực đẩy mạnh hợp tác quân sự Nhật - Đức từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai của ông.
Tháng 7/2017, Nhật Bản và Đức ký thỏa thuận về việc cùng phát triển thiết bị và công nghệ quốc phòng.
Tháng 09/2020, nội các Đức phát hành “Hướng dẫn chính sách giữa Đức - châu Âu - châu Á cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cùng nhau định hình thế kỷ 21”, trong đó tuyên bố rằng Đức sẽ tăng cường quan hệ với Nhật, thúc đẩy việc thực thi quyền tự do hàng hải.
Tháng 03/2021, Nhật và Đức ký thỏa thuận về bảo mật thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi bí mật quân sự và thông tin chống khủng bố, đồng thời loại bỏ trở ngại lớn đối với Nhật Bản trong việc xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang các nước châu Âu.
Ngày 13/04/2021, Đức và Nhật lần đầu tiên tổ chức đối thoại về chính sách an ninh và đối ngoại theo thể thức 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Hai bên đã thảo luận về việc xây dựng “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” và làm thế nào để đối phó với một "Trung Quốc ngày càng hung hăng".
Ngày 05/11/2021, tàu khu trục Bayern của Đức đã đến Tokyo, trở thành tàu chiến Đức đầu tiên đến thăm Nhật trong gần 20 năm qua. Tàu có các cuộc tập trận chung với quân đội của một số nước trên đường đi, bao gồm cuộc diễn tập kéo dài 2 ngày với một tàu khu trục của Nhật ở Thái Bình Dương. Phó Đô đốc Hải quân Đức nói rằng sự kiện này thể hiện mối quan ngại sâu sắc của Berlin về việc tự do hàng hải và trật tự quốc tế đang bị đe dọa trong khu vực. Đây được xem là một ám chỉ rõ ràng đối với Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói về lá cờ của EU khi bắt đầu cuộc đàm phán tại dinh thự chính thức của Thủ tướng Nhật ở Tokyo, ngày 09/03/2015. (Ảnh: Kimimasa Mayama / AFP / Getty Images)
Ông Abe thẳng thắn đề cập đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong với ông Tập
Cố Thủ tướng Shinzo Abe là một trong số ít các lãnh đạo quốc gia không e dè mà đề cập đến tình hình Hong Kong trước nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tháng 02/2019, chính quyền Hong Kong đề xuất dự luật dẫn độ, cho phép dẫn độ các nghi phạm bị cáo buộc sai phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Chính phủ Hong Kong lập luận rằng các sửa đổi được đề xuất sẽ "bịt các lỗ hổng trong luật pháp" để thành phố không trở thành nơi ẩn náu cho tội phạm.
Ngày 09/06/2019, hơn 1 triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình trong hòa bình nhằm phản đối dự luật. Cuộc biểu tình đã lan rộng và kéo dài suốt nhiều tháng sau đó. Người dân Hong Kong chỉ trích rằng, với dự luật này, họ sẽ bị giam giữ tùy tiện, bị xét xử không công bằng và bị tra tấn dưới hệ thống pháp lý khiếm khuyết của Trung Quốc; dự luật sẽ làm xói mòn thêm sự độc lập tư pháp của thành phố.
Dưới áp lực của ĐCSTQ, chính quyền Hong Kong đã thẳng tay đàn áp người biểu tình; cảnh sát Hong Kong trở nên tàn bạo và hắc ám với hơi cay, dùi cui, đạn cao su, đạn thật và các vụ bắt bớ.
Ngày 27/06/2019, trong một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản), ông Abe đã thẳng thắn đề cập với ông Tập Cận Bình về các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong. Ông Abe nhấn mạnh với ông Tập về tầm quan trọng của một Hong Kong tự do và cởi mở trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”.
Hành động của ông Abe diễn ra khi mà trước đó, Bắc Kinh đã cảnh báo đầy hung hăng rằng họ không cho phép bàn luận về các cuộc biểu tình ở Hong Kong trong Hội nghị thượng đỉnh. Tại cuộc họp với ông Tập, ông Abe còn đề cập đến việc bức hại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các nhóm khác ở Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng nhân quyền và các giá trị phổ quát.
Một năm sau, vào ngày 28/05, ĐCSTQ phê duyệt Luật An ninh Quốc gia áp đặt lên Hong Kong. Luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 30/06/2020, quy định mức hình phạt lên đến tù chung thân đối với các hành vi lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài; đồng thời cho phép việc thành lập một cơ quan an ninh của ĐCSTQ trên lãnh thổ Hong Kong dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bắc Kinh.
Ngay trong ngày 28/05, Nhật Bản dưới thời ông Abe đã đưa ra một tuyên bố độc lập bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về động thái của Bắc Kinh và đã gọi đại sứ Trung Quốc đến để truyền đạt quan điểm của Nhật.
Ngày 10/06/2020, ông Abe phát biểu rằng Nhật Bản muốn đi đầu trong bất kỳ tuyên bố nào của G7 về Hong Kong.
Sau đó 2 hôm, vào ngày 12/06/2020, ông Abe nói rằng Nhật Bản luôn chào đón những người Hong Kong làm việc trong lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực chuyên môn khác tới làm việc.
Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực, nhiều người dân cùng một số nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng và những người có ảnh hưởng tại Hong Kong đã bị bắt giữ; trong đó có ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ Jimmy Lai - chủ sở hữu của hãng thông tấn Apple Daily - và nhà hoạt động dân chủ Agnes Chow.
Người dân Hong Kong biểu tình phản đối Luật An ninh Quốc gia mà Trung Quốc áp đặt, hôm 1/7/2020 (Ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)
Ông Abe không ngần ngại lên tiếng bảo vệ Đài Loan
Năm 2012, tại lễ tưởng niệm nhân 1 năm thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản, dưới áp lực của ĐCSTQ, Đài Loan đã không được nhắc đến khi chính phủ Nhật Bản bày tỏ sự cảm kích đối với các quốc gia khác vì sự hỗ trợ của họ; đại diện của Đài Loan không được phép tặng hoa trên sân khấu. Trong khi đó, Đài Loan quyên góp số tiền lớn nhất so với bất kỳ nước nào khác.
Sự kiện này đã khiến công chúng phản ứng dữ dội, buộc Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ, ông Yoshihiko Noda, phải xin lỗi.
9 tháng sau, khi tái xuất, ông Abe đã thúc đẩy một chương trình ngoại giao chủ động với việc đến thăm gần 100 quốc gia.
Cố Thủ tướng Shinzo Abe đã cố gắng cải thiện quan hệ Đài - Nhật. Ông luôn coi cựu Tổng thống Lý Đăng Huy là người đi trước và cố gắng xây dựng tình bạn tốt đẹp với Tổng thống đương nhiệm Thái Anh Văn. Sau khi rời nhiệm sở năm 2020, ông vẫn coi việc duy trì ổn định ở eo biển Đài Loan là trách nhiệm của mình.
Khi Trung Quốc cấm nhập khẩu dứa Đài Loan vào đầu năm 2021, ông Abe đã đăng một bức ảnh trên Twitter cho thấy ông đang cầm trái dứa.
Giữa năm 2021, ông Abe tham dự đối thoại ba bên giữa các nhà lập pháp từ Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan. Tại đây, ông nói rằng “những gì đã xảy ra ở Hong Kong không bao giờ được xảy ra ở Đài Loan”.
Cuối năm 2021, ông Abe nói rằng “tình trạng khẩn cấp của Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản, và do đó là tình trạng khẩn cấp đối với liên minh Nhật - Mỹ”.
Ngày 12/04/2022, trong bài báo của mình đăng trên Los Angeles Times, ông Abe đánh giá rằng chính sách mơ hồ chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan là không thể áp dụng được nữa; và Mỹ cần tuyên bố chắc chắn rằng sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.
Lập trường của Abe về Đài Loan cho thấy ông ủng hộ các nền dân chủ kiểu phương Tây như Đài Loan, nơi được định hình bởi các giá trị giống Nhật Bản.
Ngày 12/07/2022, Phó Tổng thống Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), đã tham dự lễ tang của cố Thủ tướng Shinzo Abe, đánh dấu chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Đài Loan tới Nhật trong gần 50 năm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã ngay lập tức gửi ‘thông điệp nghiêm khắc’ cho chính phủ Nhật Bản.
Tìm kiếm cách thức tự vệ cho Nhật Bản trước diễn biến Nga - Ukraine
Trong một chương trình truyền hình ngày 27/02/2022, ông Abe đã làm người dân Nhật Bản kinh ngạc khi kêu gọi dỡ bỏ điều cấm kỵ đã tồn tại từ lâu để thảo luận về ý tưởng “chia sẻ” vũ khí hạt nhân với các đồng minh bằng cách để h