Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nâng ly chúc mừng sau khi phát biểu tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng tại Washington, DC, hôm 1/12/2022. Tổng thống Biden đón tiếp ông Macron trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của chính quyền ông Biden. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

 

ÂU CHÂU - Hôm 1/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, họ sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh ở Ukraine, trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc áp giá trần với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.

 

Phương Tây đang cố gắng huy động viện trợ cho Ukraine, quốc gia đang quay cuồng với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng tại các thành phố của nước này. Trong khi đó, mùa đông đang cận kề và cuộc chiến kéo dài 9 tháng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

Trong khi đó, Nga cáo buộc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trực tiếp tham chiến và gây nguy hiểm trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, đồng thời Nga cho rằng Washington đã biến Kyiv thành mối đe dọa hiện hữu mà Moscow không thể phớt lờ.

 

Trong một diễn biến khác, các nhà ngoại giao hôm thứ Năm (1/12) cho biết, Liên minh Âu châu (EU) tạm đồng ý với nhau về việc áp giá trần 60 USD/thùng với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Đây được coi là một biện pháp để cắt giảm thu nhập của Nga nhằm phục vụ cho nỗ lực chiến tranh ở chiến trường Ukraine. Thỏa thuận này vẫn cần phải được tất cả thành viên EU phê chuẩn bằng văn bản trước ngày 3/12.

 

Sau cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục hôm 1/12, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một tuyên bố chung, nhấn mạnh rằng, hai nhà lãnh đạo cam kết buộc Nga phải chịu trách nhiệm “về những hành động tàn bạo và tội ác chiến tranh đã được ghi nhận rộng rãi, do cả lực lượng vũ trang chính quy và các lực lượng ủy nhiệm của Nga gây ra” ở Ukraine.

 

Theo ông Biden, Washington và Paris đang "đối mặt với tham vọng chinh phục của Tổng thống Nga Vladimir Putin" và "bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền phổ quát".

 

Ông Biden nói với các phóng viên rằng, ông sẵn sàng hội đàm với ông Putin nếu Tổng thống Nga muốn tìm cách chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ông Putin chưa có động thái gì, ông Biden nói.

 

Về phần mình, ông Macron cho biết, ông sẽ tiếp tục trao đổi với ông Putin để “cố gắng ngăn chặn leo thang và đạt được một số kết quả cụ thể” chẳng hạn như sự an toàn của các nhà máy hạt nhân.

Một người lính Ukraine trú ẩn ở Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, vào ngày 25/9/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Juan Barreto/AFP/Getty Images)

 

 

Cơ sở hạ tầng Ukraine tiếp tục bị không kích

Rủi ro tiếp tục tăng vọt trong những tuần gần đây khi Nga tăng cường chiến dịch cắt điện, nước và nguồn cung cấp nhiệt tại các thành phố của Ukraine. Kyiv và phương Tây cho rằng chiến lược này của Moscow là nhằm cố ý gây tổn hại cho dân thường.

 

Thị trưởng Kyiv Vitaliy Klitschko hôm 1/12 yêu cầu người dân dự trữ nước, thực phẩm và quần áo ấm trong trường hợp mất điện hoàn toàn và khuyên người dân nên cân nhắc ở lại với bạn bè ở ngoại ô thủ đô nếu có thể.

 

Pháo binh Nga đã nã pháo vào thủ phủ Kherson ở miền nam Ukraine, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trong một tuyên bố vào tối 1/12.

 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, phát biểu trong một cuộc họp báo thường niên ở Moscow, đã lên tiếng bảo vệ các cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây của Nga, nói rằng Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine để ngăn Kyiv nhập khẩu vũ khí của phương Tây.

 

 

Ông Lavrov nói “Chúng tôi đã vô hiệu hóa các cơ sở năng lượng [ở Ukraine], những nơi cho phép các quốc gia phương Tây bơm vũ khí sát thương vào Ukraine để sát hại người Nga”,

“Vì vậy, đừng nói rằng Hoa Kỳ và NATO không tham gia vào cuộc chiến này - quý vị đang trực tiếp tham chiến".

Người dân xếp hàng mua thức ăn bên cạnh một tòa nhà bị phá hủy tại Horenka, Ukraine, hôm 22/11/2022. (Ảnh: Jeff J Mitchell/Getty Images)

 

 

Hoán đổi tù nhân

Bộ Quốc phòng Nga và chính quyền tổng thống Ukraine hôm 1/12 tuyên bố rằng hai quốc gia đã trao đổi 50 binh sĩ. Động thái này cho thấy một số đường dây liên lạc giữa hai nước vẫn được mở.

 

Sau khi rút lui ở phía nam vào tháng 11, Nga đã tập trung hỏa lực vào một phần chiến tuyến ở phía đông gần thành phố Bakhmut.

 

Theo một tuyên bố của quân đội Ukraine vào tối 1/12, các binh sĩ Nga đã nã pháo vào hàng chục thị trấn trong khu vực, bao gồm Bakhmut, Soledar, Sporniy và Bilohorivka.

 

Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.

(ntdvn.net; Lam Giang - Theo The Epoch Times)