Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gặp nguyên thủ Mỹ Donald Trump bên lề thượng đỉnh NATO tại La Haye, Hà Lan. AFP – HANDOUT
Tổng thống Mỹ hạn cho Nga 50 ngày để chấm dứt chiến tranh nếu không sẽ áp dụng thuế nặng, đồng thời tuyên bố tiếp tục cấp hỏa tiễn Patriot cho Ukraine thông qua NATO; Pháp chánh thức trao trả căn cứ quân sự cuối cùng cho Senegal; Chánh quyền Trump tăng tốc trục xuất di dân bất hợp pháp, và Thời trang cao cấp Ý trong tầm ngắm của tư pháp. Trên đây là những chủ đề chánh mục tạp chí thế giới đó đây tuần trước!
Ngày 14/07/2025, tiếp tổng thư ký NATO, ông Mark Rutte tại Tòa Bạch Cung, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tiếp tục cấp võ khí cho Ukraine. Nguyên thủ Mỹ đe dọa áp thuế « nặng nề » các đồng minh của Nga nếu nước này không chấp nhận một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh tại Ukraine trong vòng 50 ngày.
Trung Quốc mới là mối bận tâm hàng đầu
Một thời hạn gây ngạc nhiên cho giới quan sát tại Pháp. Tướng François Chauvancy, cố vấn địa chánh trị, trả lời trang tin Atlantico (16/07/2025), nhận định, dường như ý đồ chính xác là để Nga có 50 ngày kết thúc chiến dịch quân sự mùa hè. Điều đó còn nhằm tránh mọi sự ảo tưởng, bởi vì, trong quãng thời gian này, sẽ không có một quyết định tức thì được đưa ra.
Ông giải thích: « Trên thực tế, điều này mang đến cho ông Vladimir Putin cơ hội theo đuổi các mục tiêu lãnh thổ như ông đã vạch ra. Không thể loại trừ việc có thể tồn tại thỏa thuận rõ ràng hay ngầm, giữa Vladimir Putin và Donald Trump. Cụ thể, có vẻ sau hai tháng này, cuộc xung đột có lẽ sẽ phải kết thúc, nhưng từ đây cho đến lúc đó, Nga dường như vẫn sẽ rộng đường hành động. Đây là cách giải thích phổ biến hiện nay từ giới quan sát, vì rất khó để phân tích tình hình theo cách khác. »
Nếu như điều này cũng đồng nghĩa với việc để đồng cấp Nga toàn quyền quyết định, thì đó còn là một lợi thế cho ông Trump trên phương diện đối nội. « Bởi vì, mục tiêu chính của ông, cả trên bình diện quốc gia hay trong chánh sách đối ngoại, là chứng tỏ cho cơ sở cử tri của ông rằng ông không có ý định can dự vào Ukraine và rằng sẽ không cấp bất kỳ khoản viện trợ nào cho nước này ».
Cũng theo ông François Chauvancy, như nhiều lần tổng thống Mỹ ngầm nhắc đến, lập trường này còn phản ảnh, hồ sơ Ukraine không phải là mối bận tâm chính, và không thuộc phạm trù trách nhiệm của ông. Đối với Donald Trump, ưu tiên vẫn là Trung Quốc, và vấn đề Ukraine thuộc về Âu châu.
Cấp Patriot để giữ thể diện
Vậy tuyên bố của tổng thống Trump về việc « sẵn sàng hỗ trợ Ukraine » và bán hỏa tiễn Patriot cho nước này thông qua NATO, phải được diễn giải như thế nào? Về điểm này, tướng Chauvancy cũng nhận định rằng tổng thống Mỹ khi ấy cảm thấy bị « sỉ nhục », do việc, vào lúc ông nói rằng không chấp nhận lãnh thổ Ukraine bị tấn công bừa bãi bằng hỏa tiễn và drone, và nhất là ngay sau cuộc điện đàm với đồng cấp Vladimir Putin, thì trong cùng lúc, Nga ồ ạt tấn công Ukraine. « Ông Trump giữ thể diện và đề nghị Âu châu mua thiết bị quân sự trong khi vẫn bảo đảm rằng ông không can dự trực tiếp trong xung đột, do vậy tiếp tục ủng hộ phát triển kinh tế Mỹ ».
Dù vậy, vài giờ trước khi có tuyên bố chánh thức của nguyên thủ Mỹ về việc cấp hỏa tiễn Patriot, chuyên gia Martin Quincez, giám đốc trung tâm tư vấn German Marshall Fund, khi trả lời nhà báo Sebastien Farcis, ban tiếng Pháp đài RFI, trước hết lưu ý một chi tiết:
« Ngành công nghiệp Mỹ không còn năng lực tăng cường kho dự trữ hiện đang được xử dụng tại Ukraine và nhất là ở Trung Đông. Điều này đặc biệt quan trọng cho tất cả các hệ thống phòng không, đã được dùng rộng rãi trong những tháng gần đây trong cuộc chiến tranh Israel – Iran và được dùng chuyển đến cho Ukraine từ năm 2022. Theo một báo cáo được đưa ra cách nay vài ngày, Hoa Kỳ hiện chỉ có khoảng 25% hệ thống hỏa tiễn Patriot cần thiết cho mục đích phòng thủ của mình. Mỹ có lẽ đã xử dụng đến gần 75% và hiện đang thiếu hụt rất đáng kể. »
Xét đến tất cả các yếu tố trên, tướng François Chauvancy kết luận rằng lập trường của ông Donald Trump không mấy thay đổi từ khi lên cầm quyền và luôn đi theo một nguyên tắc nhất định: « Nhiều thông điệp khác nhau đang được lan truyền nhưng không làm thay đổi nhận định cơ bản. Theo ông Trump, Ukraine không có lợi ích chiến lược. Trong nhãn quan của ông, nước này đã thua trong cuộc chiến ở Ukraine. Ông ấy đơn giản chỉ đợi xung đột kết thúc để có thể nối lại các mối quan hệ, nhất là về kinh tế, với Nga. Đường hướng này, đang dần được hiện rõ và được khẳng định mỗi ngày, tóm tắt chánh sách đối ngoại của ông Trump ».
Mỹ tăng tốc bắt giữ và trục xuất di dân bất hợp pháp
Thứ Ba, ngày 15/07/2025, bộ Quốc Phòng Mỹ ra lệnh rút khoảng một nửa trong số 4.000 hiến binh sau hơn một tháng được khai triển tại Los Angeles nhằm đối phó với các cuộc biểu tình chống chánh sách di dân của chánh quyền Donald Trump. Cùng lúc, chiến dịch « càn quét » người nhập cư trái phép vẫn tiếp diễn. Chiến lược mới nhất được xử dụng là huy động sự hợp tác của các chủ sở hữu bất động sản để xác định những người thuê nhà tiềm tàng không có giấy tờ.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm:
« Hợp đồng thuê nhà, phiếu thông tin, giấy tờ tùy thân, địa chỉ theo dõi… Đây là danh sách các loại giấy tờ mà các chủ sở hữu bất động sản tại nhiều bang ở Mỹ phải nộp theo yêu cầu của Cục Di trú trong những tuần gần đây.
Một số người cho biết họ đã được liên lạc trực tiếp qua điện thoại, số khác thì nói rằng họ nhận được lệnh triệu tập từ văn phòng chống gian lận thuộc bộ An ninh Nội địa. Hầu hết các loại giấy tờ này sẽ cung cấp thông tin cá nhân rất cụ thể về sự hiện diện của những người liên quan trên đất Mỹ, về gia đình họ hay nơi chốn làm việc…
Chỉ có điều, thông thường một lệnh triệu tập phải do một thẩm phán ký mới có giá trị ràng buộc, nhưng với những tài liệu này thì không phải vậy. Mặc dù một trong những người phát ngôn của bộ An ninh Nội địa đã bảo đảm rằng bất kể hành vi từ chối hợp tác nào sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt hình sự.
Chiến lược mới này bổ túc cho những biện pháp mà chánh quyền Trump đã áp dụng nhằm đẩy nhanh việc bắt giữ và trục xuất các di dân. Và nếu những chủ sở hữu hay người thuê nhà nào quyết định phản đối, điều đó có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến pháp lý mới. »
Nhật Bổn: Xu hướng bài ngoại dâng cao trước kỳ bầu cử
Tại Nhật Bổn, xu hướng chủ nghĩa dân túy và cực kỳ dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên trước cuộc bầu cử diễn ra vào ngày Chủ Nhật, 20/07/2025. Trong hai tuần gần đây, các ứng viên của những đảng cực hữu này không ngừng tấn công vào người nhập cư, chiếm một tỷ lệ rất thấp, chưa tới bốn triệu người, tức chỉ khoảng có 3% dân số.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) chi nhánh Nhật Bổn bày tỏ « lo sợ » trước điều mà họ gọi là « sự bài ngoại thái quá ». Đích thân thủ tướng Nhật Bổn, Shigeru Ishiba, đã phải trịnh trọng kêu gọi « sống chung hài hòa ».
Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval có bài phóng sự:
« Aung là người Miến Điện. Cô phẫn nộ trước thái độ kỳ thị đối với người nhập cư trong suốt chiến dịch tranh cử.
Cô nói: "Tình hình ở nước tôi vẫn còn rất phức tạp. Ở đó, mỗi ngày người dân phải chịu đau khổ, thậm chí chết chóc. Do vậy, tôi sống trong nỗi sợ hãi rằng điều gì đó xảy ra cho gia đình tôi, hiện vẫn còn ở đó. Trong bối cảnh như thế, thái độ thù hằn ở đây nhắm vào người nhập cư khiến tôi lo sợ. Một chút tình người, sự đồng cảm, tình liên đới… tất cả những điều đó tôi đều bị thiếu khủng khiếp".
Ramazan, người Kurdistan, 15 tuổi và là học sinh cấp ba, đã nhìn thấy đơn xin tị nạn của anh bị từ chối ngay ở cấp sơ thẩm. Anh đang kháng cáo và đang nóng lòng chờ đợi số phận của mình.
Người này thổ lộ: "Tôi không đếm nổi đã bao lần họ nói với tôi rằng ‘hãy về nước của ông đi’. Nhưng tôi làm gì có đất nước, bởi vì tôi là người vô tổ quốc. Tôi rất lo lắng cho tương lai của tôi. Nếu họ trả tôi về Thổ Nhĩ Kỳ, thì sẽ là khủng khiếp : Tính mạng tôi ở đó bị lâm nguy. Tôi chỉ cầu xin một điều là được Nhật Bổn bảo vệ. Ước mơ của tôi, là có thể sống an toàn ở đây, tiếp tục đến trường học và kiếm được một việc làm."
Là một trong số các nước công nghiệp lớn, Nhật Bổn cấp quy chế tị nạn ít nhất: Mỗi năm có 90% đơn xin bị bác bỏ. Dù vậy, các ứng viên theo chủ nghĩa dân túy, không ngừng lên án, xin trích, "những người xin tị nạn hoàn toàn giả vờ, họ không hề bị bức hại"! »
Pháp: Chấm dứt 60 năm hiện diện quân sự tại Senegal
Như thông lệ, ngày 14/7, Pháp tổ chức duyệt binh mừng ngày Quốc Khánh. Tham gia diễu binh còn có một đại đội Bỉ - Lục Xâm Bảo (Luxembourg), lực lượng song phương Pháp – Phần Lan thuộc lực lượng phản ứng nhanh của Finul, phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Liban hay như thủy thủ đoàn tầu khu trục Auvergne, đã thực hiện nhiều khai triển tại vùng biển Baltic và Bắc Cực nhằm hỗ trợ các chiến dịch quân sự của NATO. Sự hiện diện của họ còn để nhấn mạnh đến các mối quan hệ đối tác của Pháp.
Đặc biệt, khách mời danh dự năm nay là Nam Dương, quốc gia mà Pháp đã đúc kết một mối quan hệ đối tác chiến lược, nhằm mở rộng ảnh hưởng tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tổng thống Cộng Hòa Nam Dương ngồi bên cạnh nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron chứng kiến hơn 450 binh sĩ Nam Dương dẫn đầu đoàn duyệt binh trên đại lộ Champs-Elysées.
Ngược lại, tại Phi châu, gần với Pháp hơn về mặt địa lý, thì tầm ảnh hưởng của Paris đang bị mất dần. Ngày 17/07/2025, Pháp chánh thức trao trả hai căn cứ quân sự cuối cùng cho Senegal (Tắc Nội Gia Nhĩ), đặt dấu chấm hết cho hơn 60 năm hiện diện quân sự thường trực của Pháp tại quốc gia Tây Phi này.
Thông tín viên Léa-Lisa Westerhoff tại Dakar giải thích:
« Một buổi lễ quân sự ngắn đánh dấu việc chuyển giao căn cứ quân sự cuối cùng của Pháp tại Senegal dưới lá cờ của nước này. Căn cứ Geille, rộng gần 5 ha, tọa lạc ở Ouakam, ngay trung tâm thủ đô. Cho đến cuối tháng Sáu, khoảng 100 binh sĩ Pháp cùng gia đình họ vẫn đóng quân ở đó.
Đối với Senegal, động thái trao trả này đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện liên tục của quân đội Pháp tại đất nước từ hơn 65 năm. Với thỏa thuận quốc phòng đầu tiên ký kết năm 1960, quân đội Pháp cam kết bảo vệ đất nước trong trường hợp bị xâm lược từ bên ngoài. Phải đợi đến năm 2011, chương trình hợp tác này mới được chuyển đổi và chỉ phục vụ mục đích đào tạo và tập trận chung.
Các cuộc thảo luận về việc rút quân theo từng giai đoạn của Pháp đã bắt đầu ngay từ năm 2022 trước khi được thúc đẩy nhanh vào tháng Giêng năm nay theo yêu cầu của tổng thống Bassirou Diomaye Faye về việc chấm dứt mọi sự hiện diện quân sự nước ngoài tại đất nước ông ngay từ năm 2025.
Ngày nay, quân đội hai nước không nói đến sự đổ vỡ mà là một mối quan hệ đối tác mới. Dẫu sao thì việc trao trả căn cứ Pháp cuối cùng cho Senegal đánh dấu hồi kết cho sự hiện diện thường trực của quân đội Pháp ở vùng Tây Phi. Chỉ còn lại một trại lính Pháp – Gabon ở Libreville và một căn cứ quân sự Pháp ở Djibouti mà thôi! »
Ý Đại Lợi: Mặt trái của thời trang cao cấp
Lĩnh vực thời trang xa xỉ ở Ý cũng không thoát được tình trạng « caporalato », một hệ thống bóc lột lao động cực độ trên bán đảo. Sau vụ nhiều thương hiệu thời trang cao cấp như Diro Italy, Armani và Valentino phải ra hầu tòa từ năm 2024-2025, nay đến lượt hiệu Loro Piana, đi đầu về len cashmere, do tập đoàn LVMH sở hữu từ năm 2013, vừa bị đưa vào diện dưới sự quản lý của tư pháp.
Loro Piana bị tòa án Milan cáo buộc « vô tình tạo điều kiện » cho các nhà thầu phụ bóc lột lao động chân tay một cách vô nhân đạo.
Thông tín viên Anne Le Nir tại Roma tường thuật:
« Việc sản xuất áo khoác cashmere do Loro Piana thiết kế được giao cho một công ty bên thứ ba. Đến lượt họ, công ty này xử dụng các nhà thầu phụ. Nhưng những công nhân trong hai xưởng, phần lớn đến từ miền đông Trung Quốc, bị trả lương rất thấp, tất nhiên là trả lậu, làm việc bảy ngày một tuần và ngủ bên trong xưởng, nơi những ông chủ người Trung Quốc không tôn trọng bất kỳ tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn nào.
Cuối cùng, mỗi chiếc áo khoác có giá thành khoảng 100 euro, được bán tại các cửa hàng với giá từ 1.000 đến 3.000 euro. Loro Piana đã bị đặt dưới sự quản lý tư pháp trong vòng một năm nhằm buộc hãng này phải tuân thủ các yêu cầu hợp pháp. Tòa án Milan còn đưa ra các hình phạt tài chánh tổng cộng hơn 230.000 euro và ra lệnh đóng cửa các xưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những tình huống như vậy có nguy cơ tái diễn chừng nào chánh phủ Ý vẫn chưa thông qua các quy định chặt chẽ hơn về việc khoán thầu phụ. »
Trong một tuyên bố, Loro Piana, công ty có doanh thu năm 2024 đạt gần 1,7 tỷ euro, tuyên bố rằng họ không biết về hoạt động của công ty bên thứ ba và đã cắt đứt mọi mối quan hệ với nhà cung cấp này ngay khi được cơ quan tư pháp thông báo.
(Theo RFI)