Một tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (trên cùng) và một tàu tiếp nhiên liệu của Philippines tham gia vào cuộc cản phá khi thuyền của Philippines cố gắng tiếp cận Bãi cạn Thomas thứ hai (Bãi Cỏ Mây), một phần của Quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông xa xôi mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền, hôm 29/3/2014. (Ảnh: Jay Directo/Getty Images)

 

 

Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, ông Eduardo Ano, đã lên tiếng kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc khỏi nước này sau khi xuất hiện cáo buộc rò rỉ nội dung cuộc điện đàm bí mật giữa một quan chức quân sự Philippines và một nhà ngoại giao Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

 

Diễn biến này xảy ra chỉ một tuần sau khi Trung Quốc có hành động sách nhiễu và sử dụng vòi rồng tấn công một phái đoàn nhân đạo Philippines trên đường đến Bãi Scarborough, một điểm nóng trong khu vực Biển Đông.

 

Ông Ano khẳng định trong một tuyên bố vào ngày 10/5 rằng "Hành vi lặp đi lặp lại của Đại sứ quán Trung Quốc trong việc tham gia và phát tán thông tin sai lệch, bao gồm cả việc công bố các bản ghi chép hoặc bản ghi âm giả mạo về các cuộc đối thoại giữa quan chức hai nước, là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc ngoại giao và không thể được dung thứ. Chúng tôi yêu cầu trừng phạt thích đáng đối với những kẻ chủ mưu và thực hiện hành vi này”.

 

Theo thông tin được tiết lộ, cuộc điện đàm rò rỉ được cho là diễn ra vào tháng Giêng, trong đó một nhà ngoại giao Trung Quốc đã thảo luận với một Đô đốc Philippines về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

 

Nội dung được cho là ghi lại việc quan chức Philippines đồng ý nhượng bộ một số yêu cầu của Trung Quốc, bao gồm việc "giảm leo thang căng thẳng tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal)” bằng cách hạn chế số lượng tàu thuyền Philippines tham gia nhiệm vụ tiếp tế tại khu vực và thông báo trước cho Trung Quốc.

 

 

 

Tàu tuần duyên Trung Quốc chặn một tàu của Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản Philippines khi tàu này tiến gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông đang tranh chấp, ngày 22/9/2023. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

 

 

 

Tranh cãi về ‘thỏa thuận bí mật’ và căng thẳng Biển Đông

 

Ngay sau tuyên bố kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc của Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano vào ngày 10/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Phía Trung Quốc yêu cầu Philippines "đảm bảo các nhà ngoại giao Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ của họ một cách bình thường".

 

Trước đó, hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro khẳng định hành động lưu giữ bản ghi âm cuộc trò chuyện của nhà ngoại giao Trung Quốc với quan chức Philippines là vi phạm luật pháp Philippines. Ông Teodoro nhấn mạnh: "Việc lưu giữ bản ghi âm cuộc trò chuyện riêng tư của người khác mà không có sự đồng ý là hành vi vi phạm luật pháp. Đại sứ quán Trung Quốc đã vi phạm quan hệ quốc tế và luật pháp".

 

Bên cạnh tranh cãi về vụ rò rỉ nội dung điện đàm, căng thẳng ngoại giao giữa hai nước còn gia tăng do những cáo buộc về "thỏa thuận bí mật" được cho là ký kết dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

 

Theo thỏa thuận này, Philippines được cho là đã hứa sẽ không sửa chữa hoặc xây dựng các công trình tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp mà Philippines đang kiểm soát trên thực tế.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro đã lên tiếng phủ nhận thông tin về "thỏa thuận bí mật" được cho là ký kết dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông cam đoan rằng "không hề có thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc" kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức vào năm 2022.

 

Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trong thời gian gần đây. Kể từ đầu năm, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã ghi nhận ba sự cố với Bắc Kinh trên Biển Đông, bao gồm cả việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng hoặc va chạm giữa các tàu. Con số này cao hơn so với 10 vụ xảy ra trong năm ngoái.

 

 

Bức ảnh này chụp vào ngày 22/8/2023 cho thấy tàu bảo vệ bờ biển Philippines BRP Sindangan (giữa) hộ tống các tàu dân sự (trái) do hải quân Philippines thuê để chuyển hàng tiếp tế cho tàu hải quân Philippines BRP Sierra Madre ở Biển Đông đang tranh chấp. (Ảnh: Ted ALJIBE/AFP/Getty Images)

 

 

 

Bắc Kinh và Manila 'lời qua tiếng lại'

 

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc còn được thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực ngoại giao. Tháng Giêng vừa qua, Tổng thống Marcos đã chúc mừng lãnh đạo mới của Đài Loan Lại Thanh Đức sau chiến thắng bầu cử, dẫn đến việc Trung Quốc và Philippines "lời qua tiếng lại". Khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Marcos "đọc thêm sách" về vấn đề Trung Quốc-Đài Loan, Bộ trưởng Teodoro đã phản ứng mạnh mẽ, chỉ trích tuyên bố của Trung Quốc là "nói chuyện ở mức độ thấp kém".

 

Ông Don McLain Gill, nhà phân tích và giảng viên tại Đại học De La Salle ở Manila, cho rằng nếu việc trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc xảy ra, "Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng hành động tương tự". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Philippines là một thông điệp quan trọng đối với Bắc Kinh: "Bất kể quy mô và sự thịnh vượng của một quốc gia [ra sao], thì bất cứ điều gì diễn ra trên lãnh thổ Philippines đều phải phù hợp với luật pháp Philippines".

 

Ông Gill khẳng định tuyên bố của ông Ano phù hợp với quyền của Philippines vì "mặc dù có quyền miễn trừ ngoại giao, các quan chức đại sứ quán có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc gia của nước sở tại... Khi những luật đó bị vi phạm, nước sở tại có toàn quyền hành động".

 

Tình hình Biển Đông tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế với những diễn biến đan xen giữa hợp tác và cạnh tranh. Nổi bật trong thời gian gần đây là các vụ việc tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế trên vùng biển tranh chấp.

 

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã thể hiện sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Philippines, không còn duy trì lập trường thiên về Trung Quốc như người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Thay vào đó, Philippines đang tăng cường khẳng định chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông.

 

(Theo ntdvn.net)