Các chiến binh của lực lượng nổi dậy đang kiểm tra các phòng giam của nhà tù quân sự khét tiếng Saydnaya, phía bắc Damas, Syria, ngày 09/12/2024. AP - Hussein Malla

 

 

Tại Syria, thủ lĩnh liên minh các lực lượng nổi dậy cam kết không đưa đất nước vào một cuộc nội chiến mới sau khi chế độ Bachar Al-Assad sụp đổ. Dù vậy, Pháp và một số nước Âu châu khác thận trọng theo dõi tình hình. Giới chức an ninh ngày càng lo ngại về nguy cơ những phần tử thánh chiến cực đoan trở về.

 

Chế độ Bachar Al-Assad sụp đổ có thể sẽ có những hệ quả khác cho an ninh nước Pháp : Làm gia tăng mối họa khủng bố. Nhật báo Pháp Le Figaro đưa ra ba yếu tố để giải thích nỗi lo này của Paris. Thứ nhất, việc chế độ độc tài Damas sụp đổ mang lại tự do cho khoảng 100 phần tử thánh chiến người Pháp, cho đến lúc này vẫn bị kềm hãm tại vùng Idlib, tây bắc Syria.

 

Theo nhiều nguồn tin, có khoảng ba chục công dân Pháp tham gia phong trào Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) do ông Abu Mohammed Al-Golani lãnh đạo và hơn 50 người khác gia nhập « lữ đoàn Omar Omsen », tên của một người Senegal, định cư tại Nice, Pháp, từ lâu nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan chống khủng bố Pháp.

 

 

Các cơ quan tình báo Pháp hiện trong tình trạng báo động nhằm ngăn chặn sự trở lại « không kiểm soát được » của một số thành phần trong số này. Paris không phải là bên duy nhất phải cảnh giác. Berlin, Luân Đôn hay Bruxelles cũng có liên quan. Trước nỗi lo này, tình báo Anh cho biết đang theo dõi sát tình hình bằng cách « liên lạc và phối hợp » với các nước láng giềng.

 

Lý do thứ hai gây lo lắng có liên quan đến những nhà tù và trại tị nạn do Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) người Kurdistan kiểm soát. FDS hiện cầm giữ hàng ngàn quân thánh chiến, và một phần lớn phụ nữ và trẻ em nằm trong các trại ở Al-Hol và Roj, trong đó có khoảng hơn 120 người Pháp, hơn một nửa số này là phụ nữ.

 

Tuy nhiên, FDS lại là mục tiêu tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nguồn tin mới nhất cho biết vùng phía bắc thành phố Manbij, dưới sự kiểm soát của người Kurdistan, hôm 10/12/2024, đã rơi vào tay các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Ankara tiếp tục đà tấn công, Pháp có nguy cơ đối mặt với nhiều tình huống xấu, tức là « nguy cơ trốn thoát hàng loạt, hay phải cho hồi hương khẩn cấp vì lý do an ninh », theo như giải thích từ một nguồn tin của cơ quan chống khủng bố với Le Figaro.

 

Không chỉ riêng các nhà tù của người Kurdistan, việc phe nổi dậy phóng thích toàn bộ số tù nhân bị chế độ Damas giam giữ dường như đã mang lại tự do cho khoảng một chục quân thánh chiến người Pháp, và điều này đang đặt ra các nguy cơ cho an ninh của nước Pháp.

 

Yếu tố cuối cùng chính là hiệu ứng tin tức về Syria đối với mối đe dọa nội tại. Tổng cục An ninh Nội địa (DGSI) thẩm định rằng có nhiều khả năng sự sụp đổ của chế độ Damas kích thích nhiều cá nhân thường nhầm lẫn những phong trào và tổ chức khủng bố. Những tháng gần đây, nhiều chiến binh thánh chiến trẻ tiềm năng đã mơ ước được đến Syria, như trường hợp một thanh niên Pháp bị bắt trong tuần rồi sau khi kế hoạch tấn công khủng bố bị phá vỡ.

 

 

Nỗi sợ về làn sóng tham gia thánh chiến

 

Phiên tòa xử vụ ám sát nhà giáo Samuel Paty đã cho thấy rõ sức hấp dẫn của mặt trận Syria và sự nhầm lẫn giữa các tổ chức khủng bố của những thành phần Hồi giáo cực đoan non trẻ. Trong vụ xử này, các cơ quan điều tra đã phát hiện ra rằng Abdoullakh Anzorov, thủ phạm sát hại ông Paty, từng mơ ước đến Syria, gia nhập hàng ngũ HTS và từng bắt liên lạc với nhiều chiến binh của tổ chức này tại Syria. Ngoài HTS, Anzorov còn ủng hộ cả Al-Qaida hay phe Taliban.

 

Nỗi sợ hãi lớn nhất của Tây phương và những quốc gia có liên quan đến cuộc thánh chiến Syria – Irak là sự quay trở lại của những làn sóng tham gia thánh chiến như trong những năm 2010, dù với số lượng hạn chế. Theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, từ năm 2011, khoảng 40 ngàn chiến binh nước ngoài đã đến Syria và Irak. Thống kê Anh Quốc đưa ra là 32 ngàn người, trong đó có hơn 4.000 phụ nữ và gần 4.000 trẻ em. Trong số này, có gần 6.000 người đến từ các nước Tây Âu như Pháp (1.500), Đức (1.050) và Anh Quốc (850).

 

Làn sóng này đã làm thay đổi bản chất chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thành một hiện tượng đại chúng và mang tính xã hội. Tây phương giờ hy vọng Syria sẽ không lại rơi vào hỗn loạn, tạo ra cơ hội cho những kẻ tuyên truyền thánh chiến thu hút người tình nguyện, hoặc kích động những người tinh thần yếu đuối tại Âu châu !

 

 

(Theo RFI Việt ngữ)