Hỏa tiên siêu thanh BrahMos được đưa đến một cuộc triển lãm ở New Delhi, Ấn Độ, 1/8/2016 (ảnh tư liệu, AP Photo/Manish Swarup).

 

 

Các trang tin WION, India Today, EurasiaReview và Republic cho hay trong các ngày từ 22 đến 26/12 rằng, Việt Nam và Ấn Độ đang “tiến sát hơn bao giờ hết” đến việc ký kết thỏa thuận trị giá khoảng 700 triệu đô-la về hỏa tiễn BrahMos.

 

Theo các trang tin này, hai nước hiện chỉ còn bàn bạc các chi tiết về thủ tục và việc ký kết sẽ diễn ra trong một vài tháng tới.

 

Tin của WION viết, các chi tiết kỹ thuật-thương mại - tức số lượng, thời hạn bàn giao, thủ tục thanh toán… - đã được gửi đến Bộ Quốc phòng Việt Nam và bộ này đã bàn thảo. Dự kiến cả quân chủng lục quân lẫn hải quân của Việt Nam đều sẽ đặt mua hỏa tiễn của Ấn Độ.

 

Nếu thỏa thuận nêu trên trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ trở thành nước thứ hai sau Philippines mua loại hỏa tiễn hành trình siêu thanh của Ấn Độ.

 

Hỏa tiễn BrahMos có khả năng đạt tốc độ Mach 3 (gấp 3 lần tốc độ âm thanh), với độ chính xác vượt trội và tầm bắn đạt 300 km, phóng được từ mặt đất, trên biển hoặc trên không. Đây là sản phẩm của hãng BrahMos Aerospace (BAPL), là một chương trình hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) và hãng thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyeniya của Nga.

 

Các bản tin của WION, India Today và EurasiaReview viết, Ấn Độ và Việt Nam đã và đang tăng cường quan hệ quốc phòng trong thời gian gần đây.

 

Hồi năm 2022, Ấn Độ giao cho Việt Nam 12 xuồng tuần tra cao tốc, được sản xuất theo khoản tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu đô-la của Ấn Độ. Năm 2023, Ấn Độ tuyên bố tặng cho Việt Nam tàu hộ vệ hỏa tiễn INS Kirpan do Ấn Độ tự chế tạo.

 

Hai nước cũng có thỏa thuận với nhau về trợ giúp hậu cần, theo đó họ cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau để sửa chữa và tiếp tế. Ấn Độ cũng đào tạo quân nhân cho Việt Nam.

 

Việc Việc Nam nâng cấp vũ khí diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Biển Đông có phần nhiều nguyên nhân liên quan đến Trung Quốc, nước đưa ra yêu sách chủ quyền đối với hầu hết vùng biển, bị Việt Nam, Philippines và một số nước khác xem là xâm phạm đến lợi ích của họ.

 

Một bài viết của trang Republic về khả năng Việt Nam và Ấn Độ đạt thỏa thuận mua bán hỏa tiễn, đăng hôm 26/12, có đoạn “Năng lực quân sự gia tăng của các nước Đông Nam Á tạo ra thách thức đối với sự lấn át của Trung Quốc, báo hiệu sự dịch chuyển về cán cân sức mạnh ở trong khu vực. Cùng lúc Philippines và Việt Nam đầu tư lớn vào hiện đại hóa năng lực quân sự, họ gửi ra thông điệp thách thức rõ ràng đến sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông”.

 

 

 

(Theo VOA Việt ngữ).