Một trung tâm dữ liệu Trí tuệ nhân tạo ở Dublin, Ireland. Ảnh chụp ngày 16/10/2024. AP - Bram Janssen

 

 

 

Những tác động của lĩnh vực kỹ thuật số đối với môi trường không ngừng gia tăng, theo các số liệu của ADEME, Cơ quan chuyển đổi sinh thái của Pháp : Lĩnh vực kỹ thuật số có thể chiếm 4,4 phần trăm  lượng khí thải car-bon tại Pháp.

 

 

Mathieu Wellhoff, người đứng đầu bộ phận Hạn chế tác động của kỹ thuật số với môi trường, thuộc ADEME, trong bài viết « Tác động môi trường của công nghệ số : Trí tuệ nhân tạo - quả bom trong tương lai »đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 06/02/2025 lưu ý nếu như trước đây, bản thân các thiết bị trong lĩnh vực kỹ thuật số bị xem là thủ phạm chính phát thải car-bon, thì hiện nay số lượng ứng dụng ngày càng nhiều, nhất là với sự phát triển của làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, là thủ phạm quan trọng không kém.

 

 

Lĩnh vực kỹ thuật số, với các trung tâm dữ liệu, mạng lưới và thiết bị đầu cuối chiếm 11% lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Đây là ước tính dựa theo các số liệu từ năm 2022, trước khi trí tuệ / trí thông minh nhân tạo ra đời. Dù chưa có số liệu chính xác, nhưng các chuyên gia đều biết là trí tuệ nhân tạo tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Điều đáng lưu ý, theo chuyên gia Mathieu Wellhoff, là trong khi các lĩnh vực khác đều tìm cách cắt giảm mức năng lượng tiêu thụ thì ngành kỹ thuật số lại đang chuẩn bị tăng trưởng theo cấp số nhân.

 

 

Theo số liệu của ADEME, các thiết bị kỹ thuật số (chủ yếu là tivi, máy tính và điện thoại smartphone) chiếm đến một nửa lượng phát khí thải car-bon của toàn bộ lĩnh vực này, chủ yếu liên quan đến khâu sản xuất và khai thác kim loại.

 

 

Dẫu lượng thiết bị tiếp tục tăng, nhưng tỷ trọng lượng phát khí thải car-bon liên quan đến các thiết bị trong toàn bộ lĩnh vực kỹ thuật số đã giảm đáng kể so với tỉ lệ ước tính 85 phần trăm hồi năm 2018. Điều này phần nào liên quan đến sự thay đổi về phương pháp nghiên cứu, nhưng chắc chắn cũng liên quan đến việc một số « đòn bẩy » đã được thúc đẩy : thiết kế sản phẩm thân thiện với môi sinh, kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, ví dụ thông qua sửa chữa hỏng hóc, tân trang hoặc bảo trì thiết bị tốt hơn. « Một nền kinh tế chức năng » đã manh nha xuất hiện, dẫu còn trong giai đoạn định hình, tập trung nhiều vào việc sử dụng và chia sẻ, hơn là chỉ sở hữu.

 

 

Trái  lại, người đứng đầu bộ phận Hạn chế tác động của kỹ thuật số với môi trường nhấn mạnh là các nghiên cứu của ADEME đã ghi nhận một xu hướng mới : sự gia tăng bùng nổ các trung tâm dữ liệu là nguồn phát thải car-bon lớn thứ hai trong lĩnh vực công nghệ số.

 

 

 

Trung tâm dữ liệu : Nhân tố mới gây tiêu tốn năng lượng

 

Nếu như theo nghiên cứu trước đây, các trung tâm dữ liệu chỉ chiếm 15 phần trăm lượng phát thải car-bon, thì con số này hiện nay lên tới 46 phần trăm, theo ước tính mới. Sự gia tăng này một mặt là do ADEME lần này có tính đến các trung tâm dữ liệu đặt ở nước ngoài nhưng có phục vụ cho các hoạt động của Pháp, mặt khác các cơ sở dữ liệu ở ngay chính trên lãnh thổ Pháp cũng đã tăng trong những nàm gần đây. 4 phần trăm còn lại liên quan đến mạng lưới.

 

 

Không chỉ gây lo ngại vì « ngốn » rất nhiều năng lượng, chẳng hạn các trung tâm dữ liệu này còn tiêu thụ rất nhiều nước. Vấn đề là ở chỗ càng sử dụng nhiều công nghệ số thì chúng ta càng cần có các trung tâm dữ liệu như vậy. Và việc khai triển rộng rãi trí tuệ/trí thông minh nhân tạo AI tạo sinh cho nhiều mục đích khác nhau dự kiến ​​sẽ còn khiến mức tiêu thụ năng lượng của các trung tâm dữ liệu tăng đột biến, mặc dù theo chuyên gia của ADEME, hiện giờ vẫn chưa thể đánh giá được mức tăng cụ thể.

 

 

Tác động môi trường của AI cho đến nay chủ yếu liên quan đến việc huấn luyện AI, nhưng việc sử dụng AI, với các nhiệm vụ đòi hỏi tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với trước đây, ngày càng tăng.

 

 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tiêu thụ điện toàn cầu liên quan đến các trung tâm dữ liệu, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu dành riêng cho trí tuệ nhân tạo AI, sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2022 - 2026. Quả thực, những « gã khổng lồ » về công nghệ đã tuyên bố là từ nay đến năm 2026 muốn tăng gấp đôi số lượng và sức mạnh tính toán của các trung tâm dữ liệu trên thế giới. Nói cách khác, sẽ chỉ mất 2 năm để đạt mức tăng trưởng như của 20 năm trở lại đây ... đồng thời phá vỡ các cam kết của họ về khí hậu.

 

 

Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu diễn ra nhanh chóng cũng có nghĩa là năng lượng tiêu thụ cũng tăng theo rất cao. Về ngắn hạn, không chắc là có thể có đủ đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu nói trên mà không làm bùng nổ nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng, đặt cược vào sự phát triển của năng lượng hạt nhân hoặc năng lượng tái tạo để bù đắp cho sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng năng lượng dường như là một canh bạc liều lĩnh, nhất là bởi vì trong quá trình chuyển đổi năng lượng, các lĩnh vực khác cũng có nhu cầu tiếp cận nguồn năng lượng « sạch ».

 

 

 

Mấu chốt là sự điều độ trong phát triển AI?

 

Trong bối cảnh như vậy, việc giảm tác động của công nghệ số đến môi sinh phải bao gồm các biện pháp như kéo dài tuổi thọ của thiết bị, các dịch vụ số (nền tảng phát trực tuyến, trò chơi điện tử, ứng dụng trên điện thoại di động …) phải được thiết kế thân thiện với môi sinh và hiệu suất năng lượng của các trung tâm dữ liệu cần được cải thiện.

 

 

Nhưng nếu chỉ như vậy thì cũng sẽ không đủ để bù đắp cho xu hướng tăng trưởng đáng lo ngại của ngành kỹ thuật số, bao gồm cả nhu cầu đổi mới thiết bị có thể sẽ được đẩy nhanh, do nhu cầu cải tiến các chức năng liên quan đến AI và sự gia tăng của các đồ vật kết nối. Chuyên gia Mathieu Wellhoff lưu ý cần tính đến việc sử dụng điều độ.

 

 

Ngay từ bây giờ, điều cần thiết là phải suy ngẫm về cách con người sử dụng công nghệ số để xác định công nghệ nào cần giảm bớt, công nghệ nào cần hãm lại trước khi chúng phát triển, nếu chúng không liên quan hoặc không phải công nghệ cần được ưu tiên.

 

 

Tại Pháp, điều này phải bao gồm việc cân nhắc và điều chỉnh việc xây dựng ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu, có tính đến tác động đối với địa phương (về năng lượng, nước và sử dụng đất đai).

 

 

Nói tóm lại, theo chuyên gia của ADEME, đứng trước sự bùng nổ của AI và trong khi nhiều tác nhân quảng bá trí tuệ nhân tạo là cuộc công cụ mang tính cách mạng, có lợi cho môi trường, thì vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết đến, do đó cần phải thận trọng. Vốn dĩ đã đi đầu thế giới trong các chính sách công về tác động môi sinh của công nghệ số, nước Pháp cần phải tiếp tục đi theo logic này về dự báo và sáng chế, đo lường tác động của công nghệ số, để hiểu rõ hơn và hỗ trợ các giải pháp sử dụng năng lượng điều độ, có chừng mực và bảo đảm quyền tự chủ hơn, ví dụ công nghệ thấp và công nghệ mở.

 

 

 

(Theo RFI)