Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 4/7 (giờ GMT+7), toàn thế giới đã ghi nhận trên 11 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó trên 528.000 người tử vong.

 

Trong 24 giờ qua, các nước có thêm 195.897 ca mắc COVID-19 và 4.967 ca tử vong.

 

Các nước ghi nhận nhiều ca mắc nhất vẫn là Mỹ (trên 49.000 ca), Brazil (trên 37.000 ca), Ấn Độ (22.721 ca).

 

Ca tử vong xảy ra nhiều nhất trong 24 giờ qua tại Brazil (trên 1.100 ca), Mexico (trên 670 ca), Mỹ (trên 550 ca) và Ấn Độ (444 ca).

 

 

Châu Mỹ

Số ca mắc mới tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh 

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 14/5. Ảnh: AFP

 

 

Tính tới 6 giờ sáng 4/7 (giờ GMT+7), trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận trên 49.000 ca mắc bệnh COVID-19, tiếp tục đà tăng ca mắc trong nhiều ngày qua.

 

Trước đó, Mỹ ghi nhận trên 57.000 ca mắc trong ngày 2/7, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác và vượt số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới là 54.771 ca mà Brazil ghi nhận hôm 19/6.

 

Số ca mắc mới gia tăng trên cả nước trong tuần qua đã buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump phải nghiên cứu kỹ hơn về chính sách ứng phó dịch bệnh và nhiều chính quyền cấp tiểu bang cũng tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.

 

Hai tuần trước đây, số ca mắc mới tại Mỹ ở mức khoảng 22.000 ca/ngày, nhưng trong 7 ngày qua con số này luôn ở mức hơn 40.000 ca/ngày. Trong 14 ngày qua, số ca mắc mới tăng ở 37 trên tổng số 50 tiểu bang của Mỹ. Tiểu bang Florida là nơi có số ca mắc mới tăng mạnh nhất trong ngày 2/7 với hơn 10.000 ca. Với dân số 21 triệu người, tiểu bang này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày qua cao hơn mức được ghi nhận ở bất kỳ quốc gia châu Âu nào trong thời kỳ đỉnh dịch.

 

Hồi đầu tuần này, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), cảnh báo số ca mắc mới hằng ngày tại Mỹ có thể lên mức 100.000 nếu không có các biện pháp toàn quốc nhằm kiềm chế tốc độ lây lan. Chuyên gia này mới đây cũng đánh giá rằng tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại trong cộng đồng.

 

 

 

 

Nhiều người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trong công viên tại New York, Mỹ ngày 27/6. Ảnh: THX

 

 

Trong khi đó, thị trưởng thành phố New York Bill De Blasio thông báo kế hoạch triển khai các dịch vụ phục vụ các bữa ăn ngoài trời tại hơn 20 tuyến phố không gian mở của thành phố trong mỗi dịp cuối tuần mùa Hè 2020. 

 

Phát biểu tại họp báo, Thị trưởng New York cho biết kế hoạch nối lại các dịch vụ ăn uống trong nhà sẽ không thể triển khai vì dịch bệnh diễn biến phức tạp nên từ cuối tuần này, 22 tuyến phố không gian mở sẽ có thêm các nhà hàng ngoài trời. Kể từ khi dịch bùng phát, thành phố New York đã triển khai các mô hình tuyến phố không gian mở, tổng cộng khoảng 107 km, không cho phép xe ô tô lưu thông, chỉ dành cho người đi bộ và người đi xe đạp, người tập thể dục với các biện pháp giãn cách xã hội được bảo đảm. 

 

Các dịch vụ ăn uống trong nhà vốn được lên lịch nối lại vào ngày 6/7 tới, khi thành phố này bước vào giai đoạn nới lỏng thứ 3. Tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn vô thời hạn khi số ca mắc mới tăng mạnh tại nhiều bang, chủ yếu liên quan tới các nhà hàng và quán bar.

 

 

 

Brazil: Nhà hàng và quán bar ở Rio de Janeiro mở cửa

 

 

 

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Manaus, Brazil, ngày 8/6. Ảnh: THX

 

 

Ở Brazil, các nhà hàng và quán bar ở thành phố Rio de Janeiro đã mở cửa trở lại sau hơn 3 tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và quán cafe được phép mở lại tối đa 50% công suất và đảm bảo khoảng cách 2m giữa các bàn, ưu tiên những khu vực phục vụ ăn uống ngoài trời. Các phòng tập, cơ sở làm đẹp, tiệm xăm hình cũng sẽ mở cửa nhưng tránh tụ tập đông người. 

 

Thị trưởng Rio Marcelo Crivella cho rằng tình hình dịch bệnh đã lắng dịu khi các ca bệnh cần được chăm sóc đặc biệt đã giảm, nhu cầu giường bệnh cũng thấp hơn trong khi số ca tử vong không có đột biến. 

 

Thành phố nổi tiếng với những bãi biển đẹp và các rặng núi nên thơ là nơi thu hút rất đông khách du lịch trên thế giới. Trong 24 giờ qua, thành phố này ghi nhận thêm 68 ca mắc mới. Thời kỳ đỉnh điểm, thành phố này ghi nhận 227 ca tử vong hôm 3/6.

 

Tuy dịch bệnh đã có phần giảm nhẹ nhưng nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm ở Brazil vẫn ở mức cao và việc nới lỏng giãn cách xã hội lúc này có thể lại đẩy hệ thống y tế vào nguy cơ quá tải. Rio de Janeiro là tiểu bang chịu thiệt hại nặng thứ 2 tại Brazil do tác động của dịch bệnh sau bang Sao Paulo. Hiện số ca tử vong ở tiểu bang Rio de Janeiro đã vượt mốc 10.000, với hơn 60% trong số này tập trung ở thành phố Rio de Janeiro, và hơn 115.000 ca mắc bệnh.

 

 

Mexico ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Mexico City, Mexico, ngày 26/5. Ảnh: AFP

 

 

Trong 24 giờ qua, Mexico thông báo ghi nhận 6.741 ca mắc COVID-19 trong một ngày, đánh dấu ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này.

 

Theo số liệu chính thức từ Bộ Y tế Mexico, với số ca mắc mới nói trên, nước này đã ghi nhận tổng cộng 238.511 ca mắc COVID-19, trong đó có 29.189 ca tử vong - tăng 679 ca so với một ngày trước đó. Như vậy, hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Mexico đã vượt Tây Ban Nha, một trong những quốc gia châu Âu chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch.

 

Trong khi đó, chính quyền tiểu bang Sonora của Mexico đã đề nghị chính phủ nước này cấm các hoạt động đi lại không thiết yếu qua lại biên giới giữa tiểu bang này và tiểu bang Arizona của Mỹ, trong bối cảnh số ca mắc mới tại tiểu bang Arizona tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo đó, sẽ chỉ cho phép qua lại khu vực biên giới này vì công việc hoặc kinh doanh, trong khi các hoạt động du lịch phải tạm ngừng.

 

Trước đó, Mỹ và Mexico đã nhất trí hạn chế các hoạt động không thiết yếu qua lại biên giới hai nước trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng Mexico tới nay vẫn chưa chặn người từ Mỹ sang quốc gia này.

 


Peru: Ca tử vong vượt 10.000 người

Tại Peru, tính đến sáng 4/7, số ca tử vong vì dịch COVID-19 đã vượt mức 10.000 người. Cụ thể, số ca tử vong đã tăng 181 ca trong 24 giờ qua, lên 10.226 ca, trong khi số ca mắc bệnh cũng tăng lên 295.599 ca. Peru đứng thứ 2 trong khu vực Mỹ Latinh về số ca tử vong vì dịch bệnh, sau Brazil với hơn 60.000 ca tử vong. 

 

Từ ngày 1/7, Peru bắt đầu nới lỏng phong tỏa toàn quốc để khôi phục các hoạt động kinh tế sau thời gian đình trệ vì các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

 

 

Châu Á

Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới cao kỷ lục 

 

 

 

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho cư dân tại Đông Delhi, Ấn Độ ngày 24/6. Ảnh: THX

 

 

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ công bố số liệu cho thấy nước này ghi nhận 22.721 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đây là mức tăng theo ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca COVID-19 lên 649.889, trong đó có 18.669 ca tử vong.

 

Các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh tại Ấn Độ là Maharastra với 186.626 ca, Tamil Nadu 98.392 ca, Delhi với 92.175 ca và Gujarat với 33.913 ca.

 

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah khuyến cáo thủ hiến các tiểu bang Uttar Pradesh, Haryana và Delhi tăng cường nỗ lực cũng như phối hợp phản ứng để ngăn chặn dịch COVID-19 ở Vùng thủ đô quốc gia (NCR), nơi có gần 30 triệu người sống tại các thành phố New Delhi, Gurugram, Noida và Ghaziabad thuộc 3 tiểu bang trên. Hiện khu vực NCR có tổng cộng trên 100.000 ca bệnh.

 

 

Ngoại trưởng Pakistan nhiễm virus SARS-CoV-2

 

 

 

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi. Ảnh: Reuters

 

 

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Trên trang Twitter, ông Qureshi cũng cho biết vào đầu giờ chiều ông cảm thấy sốt nhẹ và ngay lập tức cách ly tại nhà. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy ông dương tính với loại virus nguy hiểm này.

 

Trong những ngày gần đây, Ngoại trưởng Qureshi đã tiếp xúc với Thủ tướng Imran Khan và Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad.

 

Đến nay, Pakistan đã ghi nhận gần 211.896 ca nhiễm SARS-CoV-2, làm 4.551 người tử vong. Trước Ngoại trưởng Qureshi, trong giới chức cấp cao Pakistan đã có Bộ trưởng Đường sắt Sheikh Rasheed và Chủ tịch Hạ viện Asad Qaiser cũng đã bị nhiễm bệnh.

 

 

Nam Hàn ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao nhất trong 2 tuần

 

 

 

Nhiều người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Nam Hàn, ngày 23/6. Ảnh: AFP

 

 

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nam Hàn (KCDC) cho biết trong ngày 3/7, Nam Hàn có 63 ca nhiễm được phát hiện (52 ca lây nhiễm trong cộng đồng), nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 12.967 ca. 

 

Đây là lần thứ hai kể từ ngày 20/6 vừa qua số ca nhiễm mới ở Nam Hàn vượt ngưỡng 60 ca/ngày (ngày 20/6 là 67 ca) và cũng là lần đầu tiên số ca lây nhiễm trong cộng đồng vượt ngưỡng 50 ca/ngày.

 

Các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng ghi nhận có 6 ca mới ở thành phố Gwangju, cách thủ đô Seoul 330 km về phía Tây Nam, nơi hai ngày trước đã ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức hai con số. Số ca nhiễm mới ở thành phố này chủ yếu liên quan đến chùa Gwangleug với số ca nhiễm tăng từ 30 đến 49 ca (tính đến ngày 2/7 vừa qua). Riêng khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon) có thêm 28 ca nhiễm mới. Thành phố Daegu (từng là ổ dịch đầu tiên ở Nam Hàn ) cũng ghi nhận có thêm 13 ca nhiễm mới. 

 

Theo KCDC, trong hai tháng qua hầu hết các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng được ghi nhận ở khu vực đô thị (Seoul và vùng phụ cận) song hai tuần gần đây xuất hiện thêm các ổ lây nhiễm mới rải rác ở hầu hết các tỉnh thành phố trên toàn quốc. 

 

 

Số ca mới ở Tokyo vượt 100 ngày thứ 2 liên tiếp

 

 

 

Nhiều người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 2/7. Ảnh: THX

 

 

Ngày 3/7, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận 124 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca dương tính với virus ở thành phố này lên 6.523 người. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ở Tokyo vượt ngưỡng 100 và là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ hôm 3/5.

 

Phát biểu với các phóng viên, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike nhấn mạnh chính quyền thành phố sẽ kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 bằng cách mở cửa nền kinh tế một cách thận trọng.

 

Trước đó một ngày, Tokyo đã ghi nhận 107 ca nhiễm, khiến bà Koike buộc phải khuyến cáo người dân không tới các khu phố giải trí về đêm, nơi có số lượng ca nhiễm mới tăng đột biến trong thời gian gần đây, nhất là trong giới trẻ.

 

 

Trung Quốc tuyên bố kiểm soát được nguồn lây bệnh COVID-19 ở Bắc Kinh

 

 

 

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28/6. Ảnh: AFP

 

 

Ngày 3/7, giới chức thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) tuyên bố đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm trong đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai và sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào nửa đêm ở hầu hết những cụm dân cư trong thành phố.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Sở Công an thành phố Bắc Kinh, ông Phan Tự Hoành cho biết bắt đầu từ ngày 4/7, toàn bộ người dân sinh sống ở những khu vực nội đô được đánh giá là "ít nguy cơ" có thể được rời khỏi thành phố mà không cần kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

 

Theo ông, chiến dịch theo dõi và truy vết nguồn lây nhiễm quy mô lớn của chính quyền thành phố Bắc Kinh "đã chặn đứng hiệu quả các nguồn lây nhiễm" với số ca nhiễm mới mỗi ngày dưới con số 3 trong nhiều ngày gần đây. Ông Phan Tự Hoành cho biết không có dấu hiệu lây nhiễm quy mô hơn trong cộng đồng với phần lớn các ca lây nhiễm được ghi nhận ở các cộng đồng có nguy cơ cao. 

 

Trước đó, Bắc Kinh dỡ bỏ một số lệnh phong tỏa được áp đặt theo khu vực sau khi tháng trước, phát hiện hàng trăm ca bệnh liên quan tới một khu chợ đầu mối, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai.

 

 

 

Iran ghi nhận 2.566 ca nhiễm mới 

 

 

 

Nhiều người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 28/6. Ảnh: AFP

 

 

Hãng thông tấn IRNA đưa tin Iran đã ghi nhận 2.566 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên 235.429.  

 

Người phát ngôn Bộ Y tế và Giáo dục Y khoa Iran, Sima Sadat Lari, cho biết trong tổng số ca bệnh mới, 1.438 trường hợp đã nhập viện. Đại dịch này cho đến nay đã khiến 11.260 người Iran tử vong. 

 

Giới chức y tế Iran đang chuẩn bị phương án tái áp đặt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn tăng cao. 

 

 

Châu Âu

Anh bắt đầu từng bước nới lỏng quy định về cách ly

 

 

 

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Heathrow ở thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 8/6. Ảnh: THX

 

 

 

Chính phủ Anh cho biết từ ngày 10/7 tới nước này sẽ dỡ bỏ quy định cách ly đối với những người đến xứ England từ nhiều quốc gia được xem là có nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thấp, trong đó có Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy.

 

Anh vốn là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, với ít nhất 44.000 người chết. Để ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tháng qua, đồng thời kể từ ngày 8/6 tất cả những người từ nước ngoài đến Anh, kể cả công dân Anh về nước, phải tự cách ly trong 14 ngày. Các hãng hàng không và ngành du lịch cho rằng biện pháp này sẽ làm hàng nghìn người mất việc làm và gây thiệt hại hơn nữa cho nền kinh tế Anh. 

 

Trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đã giảm, Anh đang dần dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi người dân cần tiếp tục tuân thủ quy định về giãn cách xã hội và hành động một cách "có trách nhiệm". 

 

Việc dỡ bỏ quy định cách ly nói trên chỉ áp dụng đối với những người từ nước ngoài đến xứ England. Những người đến các khu vực khác của Anh bao gồm Scotland, Wales hoặc Bắc Ireland vẫn phải thực hiện tự cách ly trong 14 ngày, nếu vi phạm sẽ bị phạt.

 

Anh hy vọng các quốc gia trong danh sách được nới lỏng quy định cách ly khi đến England cũng sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với du khách Anh để tạo điều kiện cho công dân Anh đi du lịch nước ngoài. Hiện Anh vẫn đang đàm phán với các nước về vấn đề này.   

 

 

EU cấp phép sử dụng Remdesivir trong điều trị COVID-19

 

 

 

Thuốc Remdesivir được giới thiệu tại Đức ngày 8/4. Ảnh: AFP

 

 

 

Ngày 3/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp phép sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị COVID-19 tại châu Âu. 

 

Quyết định của EC được đưa ra sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho phép sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 trên 12 tuổi bị viêm phổi và phải thở máy. 

 

Remdesivir là sản phẩm của công ty Mỹ Gilead Sciences và là loại thuốc đầu tiên cho kết quả cải thiện tình trạng bệnh ở bệnh nhân COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng chính thức. Tại Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc, thuốc này đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị những ca bệnh nặng. Tại một nước châu Âu, thuốc cũng được sử dụng theo các chương trình đặc biệt.

 

Ít nhất hai nghiên cứu trước đó của Mỹ cho thấy Remdesivir có thể giảm được các triệu chứng cấp tính ở bệnh nhân COVID-19, qua đó rút ngắn thời gian điều trị trung bình tại bệnh viện từ 15 ngày xuống 11 ngày. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine của Anh hồi tháng Năm vừa qua cũng cho thấy việc tiêm Remdesivir, với công dụng ban đầu để chống dịch Ebola, đã làm tăng tốc độ phục hồi của bệnh nhân COVID-19.