Người dân đến cửa khẩu thị trấn Muse ở bang Shan của Miến Điện để qua Trung Quốc, vào ngày 12/1/2019. (Ảnh: Ye Aung Thu/AFP qua Getty Images)
QUỐC TẾ - Tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh với khán giả Trung Quốc khi khắc họa nhiều trường hợp người Trung Quốc bị dụ ra khỏi đất nước và bị bán sang Myanmar để làm nghề lừa đảo qua mạng.
Bộ phim hành động tội phạm “No More Bets” (Không đánh cược nữa) đã thành công vang dội tại các rạp chiếu phim Trung Quốc trong mùa hè này khi khắc họa tội phạm mạng Trung Quốc ở Myanmar. Theo một báo cáo của Mỹ, các tập đoàn tội phạm được cho là đã dụ dỗ và bắt cóc công dân Trung Quốc và buộc họ làm việc cho các nhóm tội phạm mạng được cho là có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo dữ liệu được công bố vào ngày 28/8 bởi Maoyan, nền tảng phân tích phòng vé phim nổi bật nhất Trung Quốc, No More Bets đã liên tục đứng đầu doanh thu bán vé trong cuối tuần thứ tư liên tiếp với tổng doanh thu vượt 3,4 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 467 triệu USD).
Bộ phim đã gây ấn tượng mạnh với khán giả Trung Quốc khi đưa tin về nhiều trường hợp người Trung Quốc bị dụ ra khỏi đất nước và bị bán sang Myanmar để làm nghề lừa đảo.
Vào ngày 7/6, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã ban hành một bản tin màu cam tới 195 quốc gia thành viên, cảnh báo hành vi lừa đảo xuyên quốc gia được thúc đẩy bởi hoạt động buôn người.
Ông Jürgen Stock, tổng thư ký Interpol cho biết: “Hầu như bất kỳ ai trên thế giới đều có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người hoặc lừa đảo trực tuyến được thực hiện bởi các trung tâm tội phạm này”.
Dựa trên các trường hợp lừa đảo trên mạng có thật, bộ phim tiết lộ rằng các công ty lừa đảo trên mạng thường thu hút người tìm việc bằng cách đưa ra mức lương béo bở. Khi bị mắc bẫy, nạn nhân sẽ buộc phải trở thành kẻ lừa đảo viễn thông hoặc trực tuyến để lừa đảo người dùng Internet. Nạn nhân có nguy cơ bị lạm dụng hoặc mất mạng.
Các công ty như vậy chủ yếu có trụ sở ở Đông Nam Á, bao gồm Myanmar, Campuchia và Philippines.
Đặc biệt, nhiều trung tâm tội phạm mạng của Trung Quốc nằm ở Myanmar do tình hình bất ổn chính trị, sự hiện diện của các lực lượng vũ trang địa phương và tình trạng vô luật pháp ở nhiều khu vực. Myanmar giáp tỉnh Vân Nam phía tây nam của Trung Quốc.
Giám đốc Jian Kunyi từ Trường Luật Tài chính và Kinh tế tại Đại học Vân Nam, nói với China Newsweek vào ngày 24/6 rằng lực lượng vũ trang Myanmar sử dụng các hoạt động bất hợp pháp – như buôn lậu, buôn bán ma túy và buôn người – làm nguồn tài trợ.
Ước tính sơ bộ của cảnh sát Trung Quốc đóng tại Vân Nam chỉ ra rằng có hàng trăm khu công nghiệp tham gia lừa đảo qua mạng chỉ riêng ở Myawaddy và ít nhất 1.000 khu công nghiệp như vậy trên khắp Myanmar, với hàng trăm nghìn công nhân, China News đưa tin vào ngày 24/6.
Nô lệ mạng
Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về vụ buôn người liên quan đến một triệu phú sở hữu một công ty du lịch ở thành phố Quý Châu. Ông Xing Weilin, người sở hữu 142 cửa hiệu, bị cho là đã bị lừa đến Thái Lan trong chuyến du lịch học tập vào tháng 9/2022. Sau khi rời sân bay, ông ấy cho biết mình bị đánh bất tỉnh, bị bắt cóc và bị bán sang Myanmar, nơi ông bị buộc phải làm việc như một kẻ lừa đảo viễn thông trong hơn ba tháng cho đến khi trốn thoát.
Ông Xing muốn kể cho cả thế giới biết về trải nghiệm tồi tệ của mình. Ông nói trong một video rằng kẻ bắt giữ ông sẽ không thả tự do cho bất kỳ ai vì công ty này đã kiếm được 28 triệu CNY (khoảng 3,84 triệu USD) thông qua nô lệ mạng trong một năm. Ông cho biết, ngành lừa đảo viễn thông sinh lợi nhiều hơn buôn bán ma túy và đối mặt với ít rủi ro hơn, đó là một trong những lý do khiến ngành này phát triển nhanh chóng.
Một người đàn ông đi ngang qua chi nhánh của Ngân hàng Myawaddy ở Yangon, Myanmar, vào ngày 3/2/2021. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Ông Xing đề cập đến một nhân vật có ảnh hưởng trong ngành sòng bạc tên là She Zhijiang, còn được biết đến với nhiều tên giả khác, bao gồm cả She Lunkai. Ông She bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vào tháng 8/2022 vì tình nghi điều hành sòng bạc và kinh doanh cờ bạc trực tuyến ở Myanmar.
Sòng bạc của ông She ở Myanmar được gọi là KK Park. Ông Xing cho biết dù ông She bị bắt nhưng KK Park vẫn hoạt động và cho biết thêm rằng sòng bạc có 9.000 công nhân và kiếm được lợi nhuận 100 triệu CNY (khoảng 13,7 triệu USD) mỗi ngày, “và nếu không đạt được mục tiêu đó, mọi người sẽ bị trừng phạt”.
Theo Radio Free Asia (RFA), ông She có một siêu dự án sòng bạc trị giá 15 tỷ USD ở Shwe Kokko, một thị trấn ở Myawaddy, nơi đã trở thành pháo đài của các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm buôn người và buôn bán ma túy.
Ông Xing tin rằng ông She chỉ là vật tế thần và đằng sau KK Park còn có những nhân vật quyền lực khác.
Mối quan hệ với Bắc Kinh
Ông She, 41 tuổi, là người Campuchia nhập tịch, sinh ra ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc. Thông tin chính thức cho thấy ông She đã tham dự các cuộc họp cấp cao nhất ở Bắc Kinh vào năm 2019 của Liên đoàn Hoa kiều hồi hương toàn Trung Quốc, một tổ chức của Mặt trận Thống nhất, theo RFA. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất giám sát các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài của ĐCSTQ. Nó phối hợp và hỗ trợ hàng ngàn tổ chức ở nước ngoài để tuyên truyền, gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa địa phương và đàn áp các nhóm bất đồng chính kiến.
Ông trùm này từng giữ chức phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Hoa kiều tại Trung Quốc. Năm 2018, ông She xuất hiện trên trang bìa của China Oversea Chinese Entrepreneurs (Doanh nhân khởi sự Trung Quốc ở hải ngoại), một tạp chí nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh.
Ông She được cho là có quan hệ mật thiết với các quan chức Trung Quốc và đã được cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc tuyển dụng, theo RFA đưa tin ngày 26/7.
Bài báo tiết lộ rằng ông She bị bắt vì mất đi sự bảo vệ của ĐCSTQ. Với sự hỗ trợ bí mật của chính quyền Trung Quốc, ông She đã phát triển một tổ chức cờ bạc xuyên biên giới bất hợp pháp lớn ở biên giới Myanmar - Thái Lan. Tuy nhiên, ông She đã bắt đầu xây dựng lực lượng an ninh gồm 5.000 người dưới sự ủng hộ của các lãnh chúa địa phương nhằm cố gắng thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ, điều này cuối cùng dẫn đến rắc rối với an ninh nhà nước và bị trả thù, bài báo cho biết.
Ông She đang chờ bị trục xuất về Trung Quốc, nơi ông có thể phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc từ Bắc Kinh, theo RFA.
Vai trò của Bắc Kinh trong các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia
Vào tháng 7/2020, Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) đã công bố một báo cáo điều tra đặc biệt có tiêu đề “Các thành phố sòng bạc của Myanmar: Vai trò của Trung Quốc và Mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia”.
Báo cáo cho biết một số công dân Trung Quốc có quốc tịch ở các nước khác đang tham gia xây dựng các thị trấn nghỉ dưỡng ở bang Karen của Myanmar để thỏa mãn thị trường cờ bạc bất hợp pháp nhưng sinh lợi của Trung Quốc.
Báo cáo cho biết: “Họ [công dân Trung Quốc] đã hợp tác với các tổ chức và cơ quan chính phủ Trung Quốc để biến các hoạt động của họ trở thành trung tâm của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc”. Sáng kiến Vành đai và Con đường là chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ trên toàn thế giới.
Báo cáo đề cập đến ba dự án quy mô lớn đang được xây dựng ở bang Karen: Khu công nghiệp Saixigang, Dự án thành phố mới Yatai và Dự án quốc tế Huanya. Chúng được xây dựng bằng nguồn vốn từ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoặc các doanh nhân Trung Quốc.
Nhà phát triển Khu công nghiệp Saixigang là Tập đoàn Dongmei, thuộc sở hữu của ông Wan Kuok-koi, thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc của ĐCSTQ và là người đứng đầu tổ chức tội phạm 14K Triad. Ông Wan đã bị Bộ Tài chính Mỹ xử phạt vào năm 2020 vì vai trò là "lãnh đạo hoặc nhân viên của một thực thể, bao gồm bất kỳ thực thể chính phủ nào, đã tham gia hoặc có thành viên của họ tham gia vào hành vi tham nhũng".
Đối tác hàng đầu của Yatai New City là Tập đoàn Asia Pacific International Holdings Group có trụ sở tại Hong Kong, được đăng ký dưới tên ông She.
Công trình xây dựng một sòng bạc mới gần Mongla, Đặc khu 4, bang Shan, Myanmar, vào ngày 19/4/2019. (Ảnh: Ye Aung Thu/AFP qua Getty Images)
Báo cáo đặt ra câu hỏi về vai trò của ĐCSTQ trong các dự án này, vốn được cho là hỗ trợ các công ty lừa đảo cờ bạc và viễn thông.
USIP cho biết trong một phân tích hồi tháng 7 rằng chính phủ quân sự Myanmar không thể kiểm soát lực lượng phòng thủ biên giới của mình. Đây là điều có lợi cho các nhóm tội phạm có tổ chức của Trung Quốc.
USIP tiết lộ động cơ thực sự của Bắc Kinh ở Myanmar: “Trong khi ủng hộ chính quyền, Trung Quốc cũng giảm thiểu rủi ro bằng cách hỗ trợ một số tổ chức vũ trang sắc tộc hùng mạnh nhất của Myanmar, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này”.
USIP chỉ ra rằng Bắc Kinh và các doanh nghiệp Trung Quốc “đã có những bước đi táo bạo hơn nữa để hợp tác với chính quyền quân sự” vì lợi ích kinh tế của họ; hơn nữa, quan hệ đối tác của Bắc Kinh với chế độ quân sự Myanmar sẽ "vô hiệu hóa sự ủng hộ của phương Tây đối với nền dân chủ ở đất nước [Myanmar]".
(ntdvn.net - Theo The Epoch Times)
(Bảo Nguyên biên dịch)