Vào ngày 14/12/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Roberta Metsola (giữa) trò chuyện trong hội nghị bàn tròn của Hội đồng Châu Âu tại trụ sở ở Brussels. Cùng ngày, EU tuyên bố khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine. (Miguel Medina/AFP qua Getty Images)
ÂU CHÂU - Chủ tịch Hội đồng Âu châu, Charles Michel, tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Brussels hôm thứ Năm (14/12) rằng các lãnh đạo Liên minh Âu châu (EU) đã quyết định bắt đầu đàm phán việc Ukraine gia nhập EU.
Trước đó cùng ngày, 27 lãnh đạo EU đã tập trung cho Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm. Thủ tướng Hungary Viktor Orban là người duy nhất phản đối việc tiến hành đàm phán để Ukraine gia nhập EU, cuối cùng ông đã chọn cách bỏ phiếu trắng. Các nhà lãnh đạo EU khác cảnh báo rằng việc không đồng ý bắt đầu đàm phán sẽ được coi là một chiến thắng dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vốn dĩ các cuộc đàm phán có thể mất vài năm. Hãng tin Reuters phân tích rằng, Ukraine có dân số 44 triệu người và diện tích địa lý lớn hơn bất kỳ quốc gia thành viên EU nào, việc gia nhập đã mang lại một số thách thức đặc biệt cho khối 27 thành viên:
Nguồn vốn
GDP bình quân đầu người của Ukraina thấp hơn 1/3 mức trung bình của EU xét về sức mua, có nghĩa là quốc gia Đông Âu này sẽ ngay lập tức trở thành quốc gia nhận được nguồn vốn ròng để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp rộng lớn của mình.
Một nghiên cứu nội bộ của EU vào tháng 7/2023 cho thấy, nếu bây giờ Ukraine trở thành thành viên, nước này sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (106 tỷ USD) hỗ trợ trong vòng 7 năm theo chính sách nông nghiệp chung của EU và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của EU để đạt được sự bình đẳng về mức sống trên toàn EU.
Nghiên cứu của EU cho biết, Ukraine sẽ đủ điều kiện nhận tổng cộng 186,3 tỷ euro trong ngân sách 7 năm của EU. Điều này có nghĩa là nhiều quốc gia hiện là người nhận ròng tiền của EU sẽ trở thành người đóng góp ròng, trong khi những người đóng góp ròng hiện tại sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với hầu hết 27 quốc gia thành viên hiện tại của EU.
Nông nghiệp
Ukraine là cường quốc nông nghiệp với 41 triệu ha đất canh tác, so với 30 triệu ha ở Pháp. Pháp đã bán hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của mình sang EU. Với tư cách là thành viên EU, Ukraine sẽ là một phần của thị trường chung EU, không có thuế quan hay hạn ngạch và hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới.
Các quan chức dự đoán, Ukraine có thể tăng sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu sang EU, điều này có thể nhấn chìm toàn bộ ngành công nghiệp và thị trường, đồng thời có thể gây ra phản ứng dữ dội từ nông dân trên toàn khối, gây áp lực rất lớn lên chính phủ.
Lao động
Gia nhập EU có nghĩa là toàn bộ thị trường lao động EU mở cửa cho hàng triệu công nhân Ukraine được trả lương thấp hơn. Sau khi Ba Lan gia nhập EU vào năm 2004, công nhân Ba Lan đã đổ xô vào Anh với số lượng lớn, đây là một trong những yếu tố dẫn đến sự kiện Brexit (sự kiện Anh rút khỏi EU). Các nước EU khác đã trải qua giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trước khi mở cửa thị trường lao động cho các thành viên EU mới từ phía đông.
An ninh
Các hiệp ước của EU bắt buộc các quốc gia thành viên phải "làm tất cả trong khả năng của mình" để giúp đỡ một quốc gia EU khác khỏi chịu sự xâm lược vũ trang trên lãnh thổ của mình. Nếu Ukraine trở thành thành viên EU, trong khi cuộc chiến với Nga vẫn tiếp diễn thì các nước EU phải chấp nhận thực tế này.
EU cũng sẽ tạo ra một đường biên giới dài mới với Nga và Belarus, có ý nghĩa về an ninh, di cư và quốc phòng.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net, Lý Ngọc biên dịch)