Một sĩ quan cảnh sát ngăn cản phóng viên ảnh chụp ảnh trên phố bên ngoài một khu phức hợp tại Bắc Kinh vào ngày 13/10/2020. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)

 

 

TRUNG QUỐC - Trong năm vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lún sâu vào suy thoái. Từ cuối năm 2023, chính quyền Trung Quốc đã dùng đến các biện pháp mạnh mẽ để duy trì sự ổn định và nghiêm cấm việc “nói xấu” nền kinh tế nhằm che đậy sự suy thoái kinh tế trong nước. Không những vậy, mới đây, cơ quan tuyên truyền các cấp còn được yêu cầu phải “ca ngợi sự tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc”.

 

Hôm 3/1, ông Thái Kỳ, một trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bí thư Ban Bí thư Trung ương, đồng thời là một thân tín của ông Tập Cận Bình, đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tuyên truyền Toàn quốc ở Bắc Kinh. Ông Thái đã yêu cầu cơ quan tuyên truyền các cấp phải “kiên trì theo sự hướng dẫn của tư tưởng văn hóa Tập Cận Bình”, phát triển và mở rộng cái gọi là “giá trị dòng chính, dư luận dòng chính, văn hóa dòng chính”, tăng cường định hướng dư luận và “ca ngợi sự tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc”, v.v.

 

Nền kinh tế Trung Quốc năm 2023 khá ảm đạm, thị trường bất động sản suy thoái nghiêm trọng, các doanh nghiệp nhà nước nợ nần chồng chất, bấp bênh nguy hiểm, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, sinh kế của người dân ngày càng khó khăn. Trong bối cảnh đó, không chỉ cộng đồng quốc tế không lạc quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc mà nhiều chuyên gia, học giả tài chính trong nước này cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo.

 

Từ cuối năm 2023, cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc đã trực tiếp vung gậy duy trì ổn định trong lĩnh vực kinh tế. Trên danh nghĩa “xây dựng hàng rào an ninh kinh tế vững chắc”, phía chính quyền đã công khai yêu cầu các học giả kinh tế và những người có tầm ảnh hưởng trên Internet trong lĩnh vực tài chính không được phép đăng bài viết tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc, nếu không sẽ bị coi là "chạm vào lằn ranh đỏ" và bị xử phạt.

 

Các chuyên gia và học giả kinh tế, các blogger tài chính, v.v. ở Trung Quốc ngay lập tức trở thành nhóm có nguy cơ cao bị “sờ gáy”. Một số tài khoản mạng xã hội chuyên đăng bài về tài chính đã bị cơ quan giám sát dán nhãn là "thổi phồng [vấn đề] và bôi nhọ [nền kinh tế trong nước]", dù cho các bài viết của họ chỉ phân tích hiện trạng kinh tế, các vấn đề và rủi ro tiềm ẩn dựa trên dữ liệu thực tế. Những bài viết này đều bị kiểm duyệt và gỡ bỏ, có tác giả còn bị trấn áp hoặc xử phạt.

 

Ví dụ: Ông Lưu Kỷ Bằng (Liu Jipeng), một chuyên gia về các vấn đề kinh tế Trung Quốc, đã bị cấm đăng bài trên tài khoản mạng xã hội cá nhân vì đã đề nghị các nhà đầu tư không nên tham gia thị trường lúc này. Ngoài ra, ông Lưu cũng đã mất vị trí Giám đốc Viện nghiên cứu Vốn và Tài chính tại Đại học Chính trị Trung Quốc.

 

Một ví dụ điển hình khác là nhà kinh tế học Lý Tấn Lôi (Li Xunlei) đã đăng bài báo trên một kênh truyền thông tài chính. Trong bài viết này, ông Lý đã trích dẫn dữ liệu khảo sát do Viện nghiên cứu Phân phối Thu nhập Trung Quốc thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh công bố năm 2021, và tiết lộ rằng hiện tại có khoảng 964 triệu người ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,8 triệu VND). Ngay lập tức bài viết này đã bị cơ quan quản lý giám sát xóa bài và bị “phong sát” (tức là không cho xuất hiện và lan truyền trên Internet ở Trung Quốc).

 

Ngoài ra còn có nhà kinh tế Mã Quang Viễn (Ma Guangyuan), nhà bình luận tài chính Thủy Bì (Shui Pi), chuyên gia chứng khoán Đãn Bân (Dan Bin), cố vấn đầu tư có kinh nghiệm lâu năm Từ Hiểu Vũ (Xu Xiaoyu), blogger tài chính Hồng Dung (Hong Rong)... Những người này cũng bị “phong sát” trên toàn mạng ở Trung Quốc vì đăng tải các bình luận mà chính quyền cho là “tiêu cực”, “nói xấu” về thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và hiện trạng kinh tế.

 

Ví dụ mới nhất là Caixin Media - một kênh truyền thông chính thống ở Trung Quốc chuyên đưa tin về tài chính. Caixin Media đã đăng một bài báo nhắc lại đường lối “cải cách mở cửa” và “thực sự cầu thị” của thời ông Đặng Tiểu Bình, sau đó trong một bài viết khác lại đề cập đến sự ra đi bất ngờ của ông Lý Khắc Cường. Cả 2 bài báo này đều đã bị gỡ xuống. Sau đó có thông tin rằng người đứng đầu Caixin Media là bà Hồ Thư Lập (Hu Shuli) đã bị cơ quan an ninh quốc gia ở Bắc Kinh “hẹn gặp”. Cuối cùng, toàn bộ nội dung trên tài khoản Weibo của bà Hồ đã bị xóa sạch.

 

Trước việc Bắc Kinh lợi dụng công quyền để duy trì ổn định nền kinh tế, Đài Phát thanh Trung ương Đài Loan đăng bài bình luận vào ngày 4/1 và trực tiếp chỉ ra rằng, việc ĐCSTQ cấm dư luận nói về nền kinh tế là đang "tự lừa mình dối người".

 

Theo bài viết này, ĐCSTQ đang dùng biện pháp cưỡng chế để “trấn áp và che đậy” sự thật tàn khốc về nền kinh tế suy thoái trong nước Trung Quốc, “rồi lại dùng kế huyễn hoặc tinh thần để thuyết phục người dân tin rằng ‘chúng ta là người hạnh phúc nhất’”. Cách làm này không những vô ích mà ngược lại còn gây hại.

 

Bài viết trên còn kể một câu chuyện được lưu truyền như sau: Có một vị vua không quan tâm đến việc cai trị đất nước. Vì không muốn làm việc và ghét ánh sáng ban ngày nên ông ta đã ra lệnh giết tất cả các con gà trống trong nước. Tuy nhiên, mặt trời vẫn mọc mỗi ngày. Thế rồi, theo chỉ đạo của nhà vua, cả nước từ trên xuống dưới đều phải bịt mắt lại. Khi quân giặc tiến vào thành mà vẫn không hề hay biết, cuối cùng mất nước.

 

(Theo NTD tiếng Trung)

(ntdvn.net, Minh Lý biên dịch)