Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông. (Ảnh: Getty Images)

 

 

 

 

Mỹ đưa 24 công ty Trung Quốc trong lĩnh vực nạo vét ở Biển Đông vào danh sách đen và áp hạn chế visa với các lãnh đạo doanh nghiệp.

 

 

Hôm 25/8, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo quyết định trên và nói rằng các công ty Trung Quốc "đã đóng vai trò trợ giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông", theo hãng tin Reuters.

 

 

Theo một thông báo khác, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ sẽ áp đặt các hạn chế visa với các cá nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với việc nạo vét, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông". Những cá nhân này sẽ không được phép vào Hoa Kỳ và các thành viên gia đình của họ cũng có thể phải tuân theo những hạn chế về thị thực.

 

 

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: "Vào tháng 7, tôi đã công bố một chính sách liên quan đến yêu sách hàng hải trái pháp luật của Bắc Kinh ở Biển Đông và nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng hành động để phản đối chiến dịch bắt nạt của Bắc Kinh".

 

 

"Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để nạo vét và cải tạo hơn 3.000 héc-ta trên các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp lên các quyền chủ quyền của các nước láng giềng, và gây ra sự tàn phá môi trường đáng kể", Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

 

 

Trung Quốc liên tục nạo vét, bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trung Quốc đã sử dụng các tàu để nạo vét và bồi đắp các đá và các đảo nhỏ thành các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông và đặt trên đó các cơ sở quân sự.

 

 

Hôm 12/5, tạp chí Forbes đăng hình ảnh vệ tinh cho thấy, hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp và gây thiệt hại cho hệ sinh thái ở biển Đông.

 

 

Trước đó, ngày 17/4, cơ quan tuần duyên Đài Loan xác nhận đã truy đuổi 40 tàu Trung Quốc nạo vét bất hợp pháp tại một khu vực phía đông bắc Biển Đông. Các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 13/4 cho thấy đội tàu được ví như "sát thủ môi trường biển" đang nạo vét không ngừng tại khu vực.

 

 

Đến hôm 3/5, hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu Trung Quốc đã trở lại khu vực bị đuổi trước đó và tiếp tục hoạt động nạo vét, khai thác cát. Mỗi tàu như vậy có thể vừa hút, vừa chở vài trăm tấn cát đá từ lòng biển nên còn được gọi là tàu nạo vét tự hành, theo Forbes.

 

 

Một nghiên cứu của Viện Khoa học hàng hải thuộc Đại học Philippines cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cải tạo và bồi đắp hơn 1.850 ha đất trên Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo đài ABS-CBN.

 

 

Hôm 8/6, cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario nói rằng Trung Quốc nợ Philippines hơn 4,6 tỉ USD do Bắc Kinh tàn phá các rạn san hô và sinh vật biển khác trên Biển Đông. Ông trích dẫn một nghiên cứu của Viện Khoa học Hàng hải Đại học Philippines (UP MSI), theo trang tin Rappler.

 

 

Ông Rosario phát biểu tại một cuộc hội thảo hôm 8/6  “Một khi khoản tiền thiệt hại của Trung Quốc được xác định, chính phủ Philippines có quyền thu giữ tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc tại Philippines để thanh toán nợ của Trung Quốc đối với người dân Philippines”.

(Theo ntdvn.com)