Ảnh minh họa. Trong ảnh là công an Trung Quốc đứng trên con đường phía nam Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh vào ngày 4/3/2023. (GREG BAKER /AFP via Getty Images)

 

 

TRUNG QUỐC - Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc gần đây công bố quy định mới cho biết, từ ngày 1/7 năm nay, các nhân viên thực thi pháp luật sẽ được phép kiểm tra điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác của người dân Trung Quốc cũng như du khách đến nước này. Nhiều người quan sát cho rằng, động thái của Bắc Kinh có liên quan đến cuộc khủng hoảng chưa từng có mà họ đang phải đối mặt và việc này sẽ chỉ khơi dậy sự bất bình của người dân.

 

Ngày 26/4, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã công bố quy định mới liên quan đến thủ tục thực thi pháp luật có hiệu lực từ ngày 1/7. Cụ thể, trong cái gọi là "tình huống khẩn cấp", "các nhân viên chấp pháp" chỉ cần nhận được sự phê chuẩn của người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia ở cấp thành phố trở lên và xuất trình thẻ ngành thì có thể kiểm tra tại chỗ các thiết bị điện tử của các cá nhân, tổ chức cũng như các ứng dụng, công cụ, nội dung trong thiết bị đó.

 

 

Quy định này cũng đề cập rằng, khi trích xuất dữ liệu điện tử tại hiện trường, các nhân viên phụ trách an ninh có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ thiết bị điện tử đó, bao gồm cả việc tách nghi phạm hoặc cá nhân có liên quan khỏi thiết bị điện tử này.

 

Quy định trên không nêu rõ “tình huống khẩn cấp” là gì.

 

 

Chuyên gia: ‘Quy định mới’ có liên quan đến cuộc khủng hoảng cận kề

 

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một chuyên viên bình luận thời sự người Hoa tại Mỹ, nói với The Epoch Times rằng có thể quy định mới này được đưa ra để hỗ trợ cho cái gọi là chiến dịch “Ngũ phản” mới mà Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc vừa phát động. Mục tiêu chủ yếu nhất là để ngăn chặn hết mức có thể các luồng thông tin từ nước ngoài chảy vào Trung Quốc. Ông Đường cho rằng, việc này còn có xu hướng đưa xã hội vào cơ chế thời chiến và là một cách bế quan tỏa cảng ‘lỏng’.

 

Trong một bài viết đăng ngày 29/4 trên trang nhất của tạp chí Thời báo Học tập - một cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc, tuyên bố rằng Bộ An ninh Quốc gia phải tiến hành cuộc “đấu tranh Ngũ phản” gồm: chống lật đổ, chống bá quyền, chống ly khai, chống khủng bố, chống gián điệp.

 

Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc là một bộ trong Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phụ trách an ninh quốc gia, hoạt động tình báo và bảo vệ chế độ chính trị.

 

 

Công an Trung Quốc đi tuần tra ở phía nam Đại lễ đường Nhân dân trước phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 5/3/2023. (GREG BAKER/AFP via Getty Images)

 

 

 

Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), người từng làm luật sư tại Bắc Kinh và hiện là một chuyên viên bình luận thời sự ở Canada, nói với The Epoch Times rằng, ĐCSTQ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có và họ không còn đường nào khác ngoài việc thắt chặt kiểm soát và thu hẹp hơn nữa không gian tự do của người dân.

 

Ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), một học giả chính trị độc lập sống ở Chile, cũng nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Khi một chính quyền càng cảm thấy khủng hoảng bao nhiêu thì mong muốn kiểm soát khống chế của nó càng mạnh mẽ bấy nhiêu”.

 

 

Vùng xám trong ‘quy định mới’ của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc

Gần đây còn xuất hiện thông tin, hải quan thành phố Thâm Quyến và Thượng Hải đã bắt đầu kiểm tra ngẫu nhiên điện thoại di động hoặc máy tính xách tay của hành khách nhập cảnh.

 

Ông Trần Đạo Ngân nói với VOA rằng, trong hai năm qua, hải quan Trung Quốc đã bắt đầu kiểm tra ngẫu nhiên các thiết bị điện tử của người nhập cảnh vào nước này. Hiện giờ chỉ là đang thông qua pháp luật để tiêu chuẩn hóa các thủ tục hành chính và thủ tục chấp pháp.

 

Theo các tin tức công khai, ngay từ nhiều năm trước, công an ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã bắt đầu chặn và kiểm tra điện thoại di động của người dân trên đường phố hoặc trong toa tàu điện ngầm. Sau khi "Phong trào Giấy Trắng" bùng nổ vào năm 2022, công an Trung Quốc cũng kiểm tra điện thoại di động của một lượng lớn người qua đường, thậm chí còn đến tận nhà người dân để kiểm tra.

 

"Phong trào Giấy trắng" nổ ra sau khi vào ngày 24/11/2022, do các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt ở Urumqi - thủ phủ của khu tự trị Tân Cương, xe cứu hỏa không thể nhanh chóng tiến vào hiện trường nên đã khiến ít nhất 10 người chết cháy trong căn hộ bị phong tỏa. Kể từ ngày 26/11 cùng năm, từ các cuộc biểu tình lẻ tẻ, phong trào này đã dần lan rộng ra các thành phố lớn ở Trung Quốc và kéo dài trong khoảng 2 tuần. Cái tên của phong trào này bắt nguồn từ việc người biểu tình cầm những tờ giấy trắng A4 để phản đối chính sách Zero Covid hà khắc của chính quyền Trung Quốc.

 

 

Ngày 27/11/2022, người biểu tình ở Bắc Kinh giơ cao các tờ giấy trắng để phản đối các biện pháp chống COVID-19 hà khắc và các biện pháp kiểm duyệt thông tin vô lý của chính quyền Trung Quốc. (Kevin Frayer/Getty Images)

 

 

Ông Chu (Zhou), một công dân Thượng Hải, nói với The Epoch Times rằng ông từng bị công an ép phải đưa điện thoại di động ra cho họ kiểm tra. “Tôi mới chỉ chia sẻ [bài đăng] về vấn đề dân sinh thì đã bị gọi đến đồn công an, có rất nhiều người khác cũng đến. Tôi bắt đầu giằng co ở đó, tôi nói: ‘Trước hết, hành vi của các anh bất hợp pháp, thứ hai là thủ tục cũng bất hợp pháp".

 

Trong quy định mới của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc không có định nghĩa về “tình huống khẩn cấp” cũng như phạm vi bao phủ. Ông Trần Đạo Ngân nói với VOA rằng: “Theo các yêu cầu và thủ tục thực thi pháp luật của họ, việc kiểm tra tại chỗ các thiết bị điện tử cần có sự phê chuẩn của cơ quan [an ninh] cấp thành phố, nhưng họ không đưa ra giấy tờ đó [thì sao]. Đây là một vùng xám tương đối lớn, trao cho các nhân viên chấp pháp quyền tự ý định đoạt”.

 

 

Quy định mới của ĐCSTQ cũng không quy định cụ thể rằng chỉ áp dụng cho công dân Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong tương lai, ngay cả người nước ngoài đến Trung Quốc và những người Trung Quốc ở nước ngoài trở về nước cũng sẽ trở thành đối tượng bị kiểm tra điện thoại, máy tính bất cứ lúc nào.

 

 

Ông Trần Đạo Ngân nói với VOA: "Trong thực tiễn, việc thực thi pháp luật của Trung Quốc từ trước tới nay luôn theo kiểu ‘khoanh vùng', sẽ phân ra các đối tượng trọng điểm, khu vực trọng điểm. Ví dụ như các nhóm nhân quyền hoạt động tích cực ở Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu, bao gồm Tân Cương Độc lập, Tây Tạng Độc lập, hay các học viên Pháp Luân Công, đều có thể trở thành mục tiêu”.

 

 

 

‘Quy định mới’ của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng lớn

Quy định mới này của cơ quan an ninh Trung Quốc khiến dư luận lo ngại vì đã hợp pháp hóa hành vi kiểm tra điện thoại di động tùy ý của “các nhân viên chấp pháp”.

 

 

Cô Phạm (Fan), một người Hong Kong thường xuyên đi lại giữa Thâm Quyến và Hong Kong, nói với VOA rằng, đi công tác hoặc du lịch ở Trung Quốc mà không mang theo điện thoại di động thì dường như là việc không thể, sau này bản thân cô chỉ đành thận trọng hơn.

 

 

Cô Phạm cho biết: “Lý do bạn không thể sống thiếu điện thoại di động ở Trung Quốc là vì phải dùng các phương thức thanh toán trên điện thoại, không có điện thoại thì làm gì cũng khó. Tôi đã nói với bạn bè rằng, 'Đừng hòng nghĩ đến việc đến đó mà không mang điện thoại di động'. Bởi vì chính quyền [Trung Quốc] sẽ chất vấn bạn là sau khi nhập cảnh thì thanh toán các khoản chi tiêu kiểu gì. Tất nhiên, nếu điện thoại di động của tôi tải xuống rất nhiều thông tin nhạy cảm về chính trị thì khi vào Trung Quốc, tôi sẽ mang theo một chiếc điện thoại di động khác”.

 

 

Người dân làm thủ tục vào Hong Kong tại trạm kiểm soát Lok Ma Chau ở cửa khẩu biên giới giữa Thâm Quyến, Trung Quốc và Hong Kong vào ngày 8/1/2023. (PETER PARKS/AFP via Getty Images)

 

 

 

Ông Thái Minh Ngạn (Tsai Ming-yen), Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), gần đây cũng nhắc nhở người Đài Loan cần đặc biệt chú ý và cẩn thận khi đến Trung Quốc, vì nội dung trong điện thoại di động của họ có thể bị kiểm tra khi xuất, nhập cảnh. Các doanh nhân Đài Loan, doanh nhân nước ngoài, nhà báo nước ngoài và các nhà hoạt động nhân quyền cũng cần hết sức chú ý đến tác động của quy định mới này.

 

 

Học giả chính trị Trần Đạo Ngân khuyến cáo người dân Trung Quốc nên mua một chiếc điện thoại di động khác để sử dụng khi ở nước ngoài và đừng mang nó về Trung Quốc nhằm tránh những rắc rối không đáng có.

 

 

Ông Vương Tín Lực (Wang Sing-lie), một chuyên gia nghiên cứu tại Hiệp hội Tầm nhìn Chiến lược Trung Hoa ở Đài Loan, nói với VOA rằng Trung Quốc vốn không phải là một quốc gia dân chủ và nước này có thể xâm phạm nhân quyền, chẳng hạn như tự ý khám xét các thiết bị điện tử của người dân dù đó là người nước ngoài nhập cảnh Trung Quốc hay là người dân của chính nước này. Quy định mới này có thể gây tác động tiêu cực đến du lịch quốc tế và hợp tác kinh doanh.

 

 

Chuyên viên bình luận Lại Kiến Bình nói với The Epoch Times rằng, quy định mới này của ĐCSTQ sẽ chỉ khơi dậy sự bất bình ngày càng nhiều trong dân chúng. Bởi vì giờ đây người dân ở Trung Quốc đã có thường thức cơ bản và biết rằng làm như vậy là vi phạm luật pháp và hiến pháp của Trung Quốc cũng như công ước nhân quyền của Liên Hợp Quốc. “Mặc dù người dân cảm thấy rằng bây giờ họ không thể chống lại, nhưng sự bất mãn của họ sẽ ngày càng tăng và Đảng Cộng sản [Trung Quốc] sẽ ngày càng mất đi tính hợp pháp”.

 

 

(Theo The Epoch Times tiếng Trung)

(ntdvn.net; Đông Phương biên dịch)