Ảnh chụp từ trên không cho thấy các tòa chung cư đang trong quá trình thi công của nhà phát triển địa ốc Trung Quốc Vạn Khoa ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, hôm 15/03/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

 

 

Nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ, nếu không muốn nói là đã hoàn toàn rơi vào suy thoái.

 

 

Các dữ liệu chính thức được công bố mới đây cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang tăng nhanh hơn so với Trung Quốc. Bất chấp việc các nhà đầu tư đặt hy vọng vào cuộc họp của Hội nghị Trung ương 3 và các thông báo kích thích chi tiêu lớn để giải quyết tình trạng mất cân bằng về mặt cấu trúc và các lĩnh vực gặp khó khăn, thực tế đã lại chứng tỏ rằng nền kinh tế vẫn chỉ hoạt động một cách mờ nhạt, và trong trường hợp tốt nhất là có kết quả đáng thất vọng. Không có thông báo thực chất nào về việc thay đổi chính sách kinh tế.

 

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn bất chấp những con số chung. Tăng trưởng chung trong nửa đầu năm 2024 đạt 5%, đúng như dự kiến, nhưng đã chậm lại đáng kể do tăng trưởng doanh số bán lẻ đạt dưới 3% trong quý 2 năm 2024.

 

Trung Quốc tiếp tục bị tê liệt vì khoản nợ to lớn quá mức của lĩnh vực địa ốc, trong bối cảnh các nhà phát triển đang chịu cảnh nợ nần chồng chất và nhà ở có cung vượt cầu. Người tiêu dùng cũng chẳng khá hơn khi phải chịu một trong những mức nợ so với thu nhập cao nhất trên toàn thế giới.

 

Doanh thu của chính quyền đang giảm trong khi nhu cầu chi tiêu của họ lại tăng lên, ngay cả trong các lĩnh vực hoạt động cơ bản. Điều này khiến chi tiêu đầu tư vốn là động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc ngày càng có ít không gian hơn để khai triển.

 

Với khoản nợ to lớn trên toàn nền kinh tế, từ chính quyền đến các doanh nghiệp và gia đình, nền kinh tế Trung Quốc có rất ít không gian để phát triển. Với các cuộc đàn áp chính thức được thiết kế để có doanh thu từ việc truy thu các khoản thuế và các mức lương quá cao từ nhiều năm trước, các chính quyền địa phương dường như đang rất muốn có được nguồn tài trợ.

 

Vấn đề khi tiến tới Hội nghị Trung ương 3 là các nhà đầu tư Trung Quốc và toàn cầu đã kỳ vọng nhiều vào những thông báo đột phá có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề này và khởi động lại nền kinh tế Trung Quốc theo hướng bền vững hơn.

 

Vậy Hội nghị Trung ương 3 đã đưa ra được những giải pháp nào để phục hồi nền kinh tế Trung Quốc?

 

Chẳng có gì cả. Vâng, không hẳn là chẳng có gì cả mà chỉ là những lời sáo rỗng thường được lặp đi lặp lại về việc tuân theo đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và những khẩu hiệu tuyên truyền về việc giải quyết các vấn đề nổi bật, thổi phồng tiêu dùng, và thúc giục các công ty và công nghệ phát triển.

 

Việc không có bất kỳ cải tổ, thay đổi nào về chính sách kinh tế, hoặc thậm chí không suy nghĩ về việc phải làm gì cũng làm nảy sinh một số vấn đề khó khăn.

 

Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế hiện tại của Trung Quốc bắt nguồn từ việc xuất cảng ồ ạt sang phần còn lại của thế giới, tạo nên các mức thặng dư lớn. Đây không phải là một chính sách được ưa chuộng trên toàn cầu và là một kiểu tăng trưởng mà, chí ít, thì đang gần chạm đến mức giới hạn về mặt toán học và nhiều khả năng sẽ rớt trở lại thực tại khó khăn. Hiện tại, Trung Quốc đang có thặng dư tài khoản vãng lai bằng khoảng 2% GDP. Ngay cả một sự suy giảm nhỏ ở các quốc gia khác vốn đang áp dụng ngày càng nhiều rào cản thương mại cũng sẽ khiến cho hoạt động của Trung Quốc sụt giảm đáng kể.

 

Thứ hai, các vấn đề đang tiếp tục leo thang. Cho dù đó là tăng trưởng doanh số bán lẻ thấp ở mức một con số, các ngân hàng bị sáp nhập vào các ngân hàng lớn hơn để tránh sụp đổ, hay nợ công tăng nhanh, thì các vấn đề chỉ đang ngày càng phức tạp thêm chứ không biến mất. Trong thời kỳ hoàng kim tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, khả năng hoàn thành công việc của quốc gia này được xem như là một thế mạnh. Giờ đây, có vẻ như không ai có thể đưa ra quyết định về các vấn đề chính sách cơ bản. Bất chấp sự hô hào lạc quan, rất ít người tin vào tuyên truyền kinh tế của ĐCSTQ.

 

Vậy giờ sao đây?

 

Chúng ta hãy dõi theo thôi. Trên thực tế, câu chuyện về những gì đang xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc khá đơn giản trực tiếp, với một số đường nét cụ thể là điều đã biết trong nhiều năm. Kể cả những giải pháp trong phạm vi kết quả tiềm năng cũng vậy. Chính thức, thì đừng mong đợi mọi thứ trở nên quá tệ, cũng như đừng hy vọng sẽ khởi sắc. Hãy tiếp tục theo dõi vụ đắm tàu dần dần này.

 

 

 

Christopher Balding

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Ông Christopher Balding từng là giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Trường Cao học Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên về kinh tế Trung Quốc, thị trường tài chính và công nghệ. Là thành viên cao cấp của Hội Henry Jackson, ông từng sống ở Trung Quốc và Việt Nam hơn một thập niên trước khi chuyển đến Hoa Kỳ.

 

 

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

(Epochtimes Việt ngữ - Vân Du biên dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)