Tính tới 6 giờ sáng 31/7 (giờ GMT+7), toàn thế giới ghi nhận trên 17,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 675.000 ca tử vong. Đệ nhất Phu nhân Brazil đã mắc COVID-19 sau khi chồng bà là Tổng thống Jair Bolsonaro khỏi bệnh.

 

 

 

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 24/7. Ảnh: THX

 

 

 

Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới có trên 255.000 ca bệnh và trên 5.600 ca tử vong, chủ yếu vẫn đang hoành hành ở ba quốc gia là Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

 

Ba quốc gia này tiếp tục có số ca mắc cao nhất trong 24 giờ qua. Cụ thể là: Mỹ ghi nhận trên 58.000 ca bệnh mới; Brazil có thêm trên 54.000 người mắc COVID-19; số ca mắc mới ở Ấn Độ cũng ở mức trên 54.000 ca.

 

Ba quốc gia này ghi nhận số người tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: Mỹ (1.140 ca), Brazil (1.075 ca) và Ấn Độ (783 ca).

 

Ngày 30/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định tình trạng gia tăng đột biến số ca mắc bệnh COVID-19 mới ở một số quốc gia có một phần nguyên nhân là do những người trẻ tuổi lơ là cảnh giác, song ông cho rằng thế giới cần phải sống chung với căn bệnh này.

 

 

Châu Mỹ

Học giả Mỹ khuyến nghị chính sách ở mọi cấp để kiểm soát COVID-19.

 

Giới học giả Mỹ đã kêu gọi chính phủ nước này ban hành các chính sách cụ thể ở tất cả các cấp nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. 

 

Trong báo cáo công bố ngày 30/7, nhóm 6 nhà nghiên cứu tại Trung tâm An toàn Sức khỏe thuộc Đại học Johns Hopkins cảnh báo số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại ở Mỹ đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Các chuyên gia cho rằng không như nhiều nước trên thế giới, hiện Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

 

Khẳng định đây là thời điểm để Mỹ điều chỉnh các chính sách phòng ngừa dịch lây lan, các học giả đã đưa ra 10 khuyến nghị chính sách ở các cấp liên bang, bang và địa phương. Nổi bật trong số đó có việc khuyến khích hoặc bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện giãn cách xã hội, tái áp đặt lệnh ở nhà và đẩy mạnh công tác xét nghiệm. 

 

Báo cáo nhấn mạnh việc tìm ra một loại vaccine phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả chỉ là bước khởi đầu, do đó chính quyền liên bang cần phối hợp với chính quyền các bang và địa phương để lên kế hoạch sản xuất, phân phối và triển khai thành công. Ngoài ra, chính phủ và các nhà khoa học cũng cần hợp tác chặt chẽ trong phát triển chính sách cũng như thông tin và hướng dẫn người dân thực hiện.

 

Trong khi đó, các trường công lập ở thủ đô Washington D.C sẽ mở cửa vào mùa thu này nhưng tổ chức dạy học trực tuyến trên máy tính toàn thời gian. Một số khu vực ở phía bắc bang Virginia và miền nam bang Maryland đã đưa ra quyết định tương tự. 

 

Đệ nhất Phu nhân Brazil dương tính coronavirus.

 

Chính phủ Brazil ngày 30/7 thông báo đệ nhất phu nhân Michelle Bolsonaro đã dương tính với virus SARS-CoV-2. 

 

Thông báo trên được đưa ra 5 ngày sau khi chồng bà, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết đã khỏi bệnh và trở lại làm việc bình thường sau 2 tuần cách ly. Thông báo cho hay bà Michelle, 38 tuổi, hiện trong tình trạng sức khỏe tốt.

 

Trước đó cùng ngày, trên trang Twitter cá nhân, thành viên thứ 5 trong chính phủ Brazil là Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Marcos Pontes cũng thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. 

 

Tổng thống Bolsonaro, 65 tuổi, hiện bị dư luận chỉ trích về cách thức ứng phó đại dịch trong bối cảnh Brazil đã trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới cả về số ca mắc và tử vong do COVID-19, chỉ sau Mỹ, với trên 2,6 triệu ca mắc và trên 91.000 trường hợp tử vong.

 

Châu Á

Trung Quốc: Hong Kong tiếp tục có số ca mắc kỷ lục

 

Ngày 30/7, cơ quan y tế Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong xác nhận 149 ca mới, mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát tại đây. Trong số này, có tới 145 ca là lây nhiễm cộng đồng và đây cũng là ngày có số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất. Đáng lo ngại, có tới 61 ca mới thuộc diện không thể truy vết nguồn lây. 

 

Như vậy, đã 9 ngày liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca mới ở mức cao trên 100 ca mỗi ngày và chính quyền khu hành chính đang cảnh báo Hong Kong đối mặt với quãng thời gian mang tính quyết định trong việc kiềm chế sự lây lan của làn sóng dịch thứ 3 tại đây này. 

 

Cũng trong ngày 30/7, chính quyền Hong Kong đã hủy bỏ lệnh cấm các nhà hàng phục vụ khách dùng bữa tại chỗ sau khi vấp phải phản ứng tiêu cực của người dân. Một ngày trước, tất cả các nhà hàng, quán ăn trong thành phố 7,5 triệu dân này đã nhận được chỉ thị chỉ phục vụ đồ ăn mang đi trong khuôn khổ các biện pháp nghiêm ngặt đảm bảo giãn cách xã hội. Tuy nhiên, mạng xã hội đã nhanh chóng đăng hàng loạt hình ảnh những người lao động buộc phải dùng bữa trên các vỉa hè, công viên và thậm chí ngay trong các khu vệ sinh công cộng để tránh một cơn mưa lớn. Nhiều nhà hàng cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về các biện pháp này.

 

Trước những phản ứng trên, chính quyền Hong Kong đã ban hành chỉ dẫn mới, theo đó cho phép các nhà hàng có thể phục vụ tại chỗ song chỉ vào ban ngày, với sức chứa tối đa bằng 50% sức chứa thông thường và một bàn không được vượt quá 2 người. Vào buổi tối chỉ được phép phục vụ đồ ăn mang đi.

 

Hiện chỉ có duy nhất chính sách trên thay đổi so với hàng loạt quy định nghiêm ngặt được chính quyền Hong Kong ban hành ngày 29/7 nhằm ứng phó với tình trạng dịch COVID-19 đang lây lan tại đây. Từ đầu tháng này, Hong Kong ghi nhận trên 1.500 ca nhiễm, chiếm gần 50% tổng số ca kể từ thời điểm phát hiện ca đầu tiên hồi cuối tháng 1 năm nay. Số ca tử vong cũng tăng từ 7 lên 24 trong tháng 7.

 

Tại Bắc Kinh, giới chức đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho trên 13.200 người tại quận Xương Bình, ngoại thành thủ đô Bắc Kinh sau khi phát hiện hai ca lây nhiễm trong cộng đồng tại đây.

Chính quyền địa phương cho biết một trong hai trường hợp dương tính với virus là có liên quan tới các ca nhiễm tại thành phố Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Trường hợp còn lại là người nhà của bệnh nhân mắc COVID-19 này. Tính đến trưa 29/7, đã có 606 cư dân sống chung tòa nhà với hai ca nhiễm trên và 12.649 người khác có tiếp xúc được xét nghiệm. Tất cả đều có kết quả âm tính. Tuy nhiên, tòa nhà nơi bệnh nhân sống vẫn được tiến hành cách ly.

 

 

Nhật Bản sẽ không tái ban bố tình trạng khẩn cấp

 

Ngày 30/7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bác bỏ khả năng Chính phủ nước này sẽ tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19.

 

Ông Suga, người phát ngôn chính thức của Chính phủ Nhật Bản, nhấn mạnh tại thời điểm này, Nhật Bản “vẫn chưa ở vào tình huống phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp”. Theo ông, tình hình hiện nay khác xa so với thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 4/2020 bởi đa số người người mắc COVID-19 là thanh niên, trong khi số người mắc bệnh ở độ tuổi từ 60 trở lên hoặc những người mắc bệnh nghiêm trọng rất nhỏ.

 

Trong khi đó, ngày 30/7, thủ đô Tokyo đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay, với 367 ca nhiễm. Con số cao nhất trước đó được ghi nhận vào ngày 23/7, với 366 ca nhiễm trong một ngày.

 

 

Các số liệu thống kê của chính quyền thủ đô Tokyo cho thấy số người ở độ tuổi 20 và 30 chiếm tới 64% trong số các ca nhiễm mới trong ngày 30/7. Như vậy, tính đến ngày 30/7, tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này là 12.228 ca, trong đó có 329 ca tử vong và 22 ca đang trong tình trạng nguy kịch. 

 

Tính đến 6 giờ sáng 31/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản là hơn 31.000 ca, và số trường hợp tử vong vì COVID-19 là 1.001 người.

 

Chính quyền thủ đô Tokyo đang xem xét biện pháp yêu cầu các cửa hàng rút ngắn thời gian kinh doanh nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19.

 

Theo đó, kể từ ngày 3-31/8, các cửa hàng ăn uống có bán bia, rượu và quán karaoke trên toàn Tokyo sẽ được yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh đến 10 giờ tối. Các cửa hàng đáp ứng yêu cầu của thành phố sẽ được hỗ trợ khoản tiền là 200.000 yen để bù lại khoản doanh thu sụt giảm.

 

Vào thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp, chính quyền Tokyo đã yêu cầu các cửa hàng hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực tạm dừng hoặc cắt giảm thời gian kinh doanh. Tuy nhiên, để cân đối giữa hoạt động kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch trong thời điểm hiện tại, chính quyền thủ đô Tokyo chỉ xem xét đưa ra yêu cầu với các cửa hàng trên phạm vi nhỏ hơn, số tiền hỗ trợ cũng ít hơn so với mức hỗ trợ tối đa lên tới 1 triệu yen như trước đây.

 

Châu Âu

Ba Lan cân nhắc lại cách ly người về từ một số nước

 

Người phát ngôn chính phủ Ba Lan, Piotr Muller cho biết nước này sẽ áp đặt trở lại các biện pháp cách ly đối với những người trở về từ một số nước trong EU và một số nước ngoài EU sau khi số ca nhiễm gia tăng ở nước này. Ông Muller cho biết chính phủ sẽ thông báo quyết định này trong vài ngày tới nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục căng thẳng. 

 

Ba Lan đang ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trở lại trong thời gian gần đây. Nước này có  584 ca nhiễm  trong ngày 25/7, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Bộ Y tế Ba Lan cho rằng số ca nhiễm gia tăng chủ yếu ở các ổ dịch bùng phát tại các mỏ khai thác than đá và dự báo trong tuần tới, số ca nhiễm mới sẽ giảm  xuống khoảng 300 ca/ngày mặc dù chính phủ đang đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ hai.  

 

Tới 6 giờ sáng 31/7 (giờ Việt Nam), Ba Lan ghi nhận 615 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 45.031 ca, trong đó có 1.709 ca tử vong. 

 

 

Phần Lan lập điểm xét nghiệm tại sân bay quốc tế Helsinki 

 

 

Tại Phần Lan, để ngăn chặn virus, chính quyền thành phố Vantaa, nơi đặt sân bay quốc tế Helsinki-Vantaa, đã thiết lập một điểm tư vấn sức và kiểm tra sức khỏe những hành khách đến sân bay nhằm xác định người có biểu hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong số các hành khách đi máy bay.

 

Tại các điểm tư vấn và kiểm tra sức khỏe, các nhân viên sẽ có trách nhiệm tư vấn, cũng như hướng dẫn khách đi kiểm tra nếu cần thiết. Tuy nhiên, theo chính quyền thành phố Vantaa, không phải tất cả các hành khách đến sân bay phải kiểm tra mà chỉ những người có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm mới buộc phải kiểm tra. Những hành khách được xét nghiệm sẽ không được rời sân bay bằng phương tiện công cộng, mà sẽ được hướng dẫn dùng taxi chuyên chở những người nghi nhiễm.

 

Tính tới 6 giờ sáng 31/7 (giờ Việt Nam), nước này đã ghi nhận tổng cộng 7.423 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 329 ca tử vong.

 

 

Đức siết chặt quy định ngành chế biến thịt 

 

Sau một đợt bùng phát mạnh dịch COVID-19 tại công ty chế biến thịt Toennies, Chính phủ Đức đã đạt một thỏa thuận về các quy định mới nhằm tạo các điều kiện làm việc an toàn và có kỷ luật trong ngành chế biến thịt của nước này.

 

Thông báo về thỏa thuận trên, Bộ trưởng Lao động và các vấn đề xã hội (BMAS) Hubertus Heil ngày 29/7 cho biết: "Chúng tôi đảm bảo rằng người sử dụng lao động có trách nhiệm trực tiếp đối với nhân công". Ông khẳng định: "Chúng tôi bảo vệ người lao động và sẽ chấm dứt tình trạng vô trách nhiệm tại một số cơ sở trong ngành chế biến thịt".

 

Bộ trưởng Heil nhấn mạnh không thể chấp nhận tình trạng người lao động làm việc 16 giờ một ngày và sống tập thể trong các khu nhà ở chật hẹp. Quy định mới sẽ yêu cầu các công ty trong ngành chế biến thịt phải cải thiện các điều kiện ăn ở của nhân viên, phải ghi chép và kiểm tra giờ làm việc bằng một hệ thống kỹ thuật số. Mức phạt đối với các vi phạm quy định về giờ làm trong ngành chế biến thịt sẽ tăng gấp đôi từ 15.000 euro lên 30.000 euro.

 

Điều kiện sống và làm việc của người lao động trong ngành chế biến thịt ở Đức đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận sau khi bùng phát dịch COVID-19 tại công ty chế biến thịt Toennies, nơi trên 1.500 nhân viên được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2.