Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen (trái) cùng con trai là Thủ tướng Hun Manet. Ảnh: Getty Images
Bộ Ngoại giao Thái Lan đã đổ lỗi cho Campuchia vì vi phạm cam kết trong việc giải quyết các vấn đề biên giới thông qua một ủy ban biên giới song phương.
Bộ này viện dẫn luật pháp quốc tế, diễn giải rằng các bên tham gia bất kỳ hiệp ước nào đều có nghĩa vụ tuân thủ những gì họ đã ký.
Bản ghi nhớ giữa Thái Lan và Campuchia về việc khảo sát và thiết lập ranh giới đất liền giữa hai nước, được ký kết vào năm 2000, nêu rõ rằng bất kỳ vấn đề về biên giới phát sinh nào đều phải được giải quyết thông qua đàm phán trong Ủy ban Biên giới Chung (JBC), theo thông cáo chánh thức của Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm 6/7.
Phía Thái Lan cho rằng không có điều khoản nào trong bản ghi nhớ xác định việc sử dụng bất kỳ cơ chế nào khác, bao gồm cả Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), để giải quyết vấn đề và Thái Lan đã tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các nghĩa vụ trong văn bản này.
Bộ ngoại giao Thái Lan tuyên bố: "Do đó, không phải Thái Lan vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết với nhau theo luật pháp quốc tế bằng cách sử dụng các cơ chế ngoài những gì đã được thỏa thuận trước đó."
Theo cơ quan này, việc Campuchia từ chối thảo luận về bốn khu vực tranh chấp tại biên giới giữa hai nước trong khuôn khổ đàm phán nói trên "được coi là vi phạm thỏa thuận theo MOU năm 2000, vốn quy định rõ ràng rằng tất cả các cuộc khảo sát và phân định biên giới phải được thực hiện chung theo cơ chế của Ủy ban Biên giới Chung (JBC), mà không được chuyển vấn đề biên giới cho các cơ chế khác chưa được thống nhất."
Bản ghi nhớ năm 2000 viết gì?
Theo tìm hiểu của BBC, nội dung văn bản bản ghi nhớ năm 2000 không cho thấy một cách rõ ràng rằng Thái Lan và Campuchia chỉ được sử dụng Ủy ban Biên giới chung để giải quyết tranh chấp.
Theo điều 8, bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng bản ghi nhớ này sẽ được giải quyết hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán.
Văn bản cũng không nhắc đến các cơ chế bên ngoài mà hai bên có thể dựa vào để giải quyết mâu thuẫn.
Bộ Ngoại giao Thái Lan lấy ví dụ việc sử dụng JBC đã giúp Thái Lan giải quyết được vấn đề với các nước láng giềng - cụ thể là hơn 90% đàm phán biên giới đất liền - với Lào và Malaysia.
Từ đó, Thái Lan kêu gọi Campuchia cũng nên làm như vậy để giải quyết toàn bộ các tranh chấp biên giới giữa hai bên, bao gồm bốn khu vực nói trên.
Các địa điểm này bao gồm khu vực đền Ta Moan Thom, đền Ta Moan Toch, đền Ta Krabey và khu vực Mom Bei (Tam Giác Ngọc).
Cáo buộc hôm 6/7 của Bộ Ngoại giao Thái Lan lặp lại những luận điểm đã được Đại diện thường trực của Thái Lan nêu tại Liên Hợp Quốc hôm 19/6, ba ngày sau khi Campuchia chánh thức đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về tranh chấp biên giới với Thái Lan.
Trước đó, Thái Lan đã tuyên bố họ không công nhận thẩm quyền của ICJ đối với vấn đề này và những bất đồng nên được giải quyết trên cơ sở song phương thông qua Ủy ban Biên giới chung của hai nước.
Sau cáo buộc từ Bộ Ngoại giao Thái Lan, Thủ tướng Campuchia Hun Manet và cha ông là Chủ tịch Thượng viện Hun Sen chưa đưa ra phản hồi trong ngày 6/7. Sáng cùng ngày, ông Hun Sen chia sẻ hình ảnh đi chơi golf với gương mặt vui vẻ.
Một ngày trước đó, hai cha con ông đồng loạt chia sẻ bản ghi nhớ năm 2000 trên trang Facebook cá nhân và không bình luận gì thêm.
Bà Paetongtarn Shinawatra (giữa) phát biểu trước báo giới sau khi có phán quyết của tòa về việc đình chỉ chức vụ thủ tướng của bà hôm 1/7, đứng cạnh ông Phumtham Wechayachai (trái), người hiện đang là quyền thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Getty Images
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thái Lan được đưa ra hai ngày sau khi bà Paetongtarn Shinawatra bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trên cương vị mới là bộ trưởng Văn hóa Thái Lan, sau khi Tòa Hiến pháp nước này quyết định đình chỉ chức vụ của thủ tướng của bà do bê bối rò rỉ nội dung cuộc gọi với ông Hun Sen vào tháng trước.
Trong bài phát biểu với tư cách là bộ trưởng Văn hóa, bà Paetongtarn chia sẻ rằng mặc dù tạm thời rút khỏi cương vị thủ tướng, nhưng bà "rất vui" khi có cơ hội lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò bộ trưởng Văn hóa và bày tỏ hy vọng về mối quan hệ hợp tác với tất cả các bên.
Bà Paetongtarn trước đó đã tiến hành cuộc cải tổ nội các và tự bổ nhiệm mình vào vị trí bộ trưởng Văn hóa, ngay trước khi tòa ra phán quyết đình chỉ bà.
Quá trình điều tra có thể kéo dài nhiều tháng. Tòa án đã cho bà Paetongtarn 15 ngày để cung cấp bằng chứng bảo vệ mình.
Hôm 3/7, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phumtham Wechayachai đã được bổ nhiệm làm quyền thủ tướng Thái Lan.
(Theo BBC)