Một con cá heo hồng chờ người dân địa phương cho ăn ở sông Negro ở Manaus, tiểu bang Amazonas, Brazil, vào ngày 23 tháng 11 năm 2013. Nguồn: AFP / AFP / AFP qua Getty Images

 

 

QUỐC TẾ - Các nhà bảo tồn từ Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới và Vườn thú Luân Đôn cảnh báo về sự mất mát lớn lao trong đa dạng sinh học của động vật toàn cầu. Báo cáo chung của hai cơ quan này cho thấy các nhóm quan sát ghi nhận sự sụt giảm tới 69% số lượng động vật nói chung trong năm mươi năm qua.

 

Cá heo sông hồng tại Amazon, Brazil, là một trong những loài động vật có số lượng đang cạn kiệt.

 

Một báo cáo mới do các nhà khoa học tại Hiệp hội Động vật học Luân Đôn và Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đồng xuất bản.

 

Báo cáo có tên gọi Living Planet - Hành tinh Sống, vốn là một nghiên cứu chuyên cảnh báo sớm về sức khỏe của thiên nhiên trên thế giới.

 

Ấn bản năm nay đã phân tích gần 32.000 quần thể các loài động vật.

 

Báo cáo cho biết các số lượng quần thể động vật nước ngọt được các nhà khoa học theo dõi đã giảm xuống trung bình 83%.

 

Mục đích của báo cáo này là xác định các khu vực hoặc địa điểm cần bảo tồn, bằng cách đánh dấu các quần thể bị đe dọa nhiều nhất, chẳng hạn cá mập voi, cá mập hổ và cá tầm Âu châu.

 

Báo cáo hai năm một lần đã nêu bật mười khu vực cần phải được ưu tiên nhất.

 

Các địa điểm được nhắc đến bao gồm dãy Himalaya, vùng Đông Nam Á, vùng bờ biển phía đông của Úc, khu rừng khô hạn của Madagascar, dãy núi Albertine Rift và Đông Arc ở phía đông châu Phi, cũng như các khu rừng Guinean ở Tây Phi.

 

Còn tại Nam Mỹ, các khu vực bị đe dọa bao gồm Rừng Đại Tây Dương, lưu vực sông Amazon và dãy núi từ phía Bắc Andes cho đến Panama.

 

Tiến sĩ Rebecca Shaw nói Hành tinh Sống là bản phân tích toàn diện nhất về cách các loài động vật trong tự nhiên đang phản ứng với những áp lực từ môi trường sống của con người, chẳng hạn sự phá rừng để làm nông nghiệp hay ô nhiễm môi trường.

Tần suất chúng được theo dõi là khác nhau đối với các quần thể khác nhau, vì chúng tôi dựa vào các đối tác để thu thập dữ liệu. Nhưng có 32.000 quần thể trên toàn cầu và hơn 5.000 loài được theo dõi. Vì vậy, kết qủa của báo cáo rất mạnh mẽ vì có số lượng loài và số lượng quần thể nghiên cứu rộng lớn.

 

Hành tinh Sống là một bức ảnh chụp nhanh về thiên nhiên trong năm mươi năm qua.

 

Giáo sư Jon Lovett, Trưởng khoa Thách thức Toàn cầu tại trường Đại học Leeds, nói báo cáo đã cung cấp một lý do chính đáng khiến chúng ta phải quan ngại:

Đây là những con số rất lớn. Ý tôi là, báo cáo cho biết có sự sụt giảm trung bình tới 69% các quần thể động vật hoang dã có xương sống được giám sát. Và vài loài động vật có xương sống trong số đó còn bị giảm nhiều hơn nữa. Các quần thể sống trong nước ngọt được giám sát giảm trung bình 83%. Bạn biết đấy, đó là những con số khổng lồ và vâng, chúng ta thực sự phải lo lắng.

 

Còn Tiến sĩ Shaw nói bà tin rằng những thay đổi trong quần thể nước ngọt thật sự đáng báo động:

70% tổng lượng nước ngọt trên hành tinh được sử dụng để sản xuất thực phẩm, và khi bạn lấy quá nhiều nước ra khỏi các hệ thống, nó sẽ bị khô cạn và bạn mất đi những quần thể đó. Và như vậy, một số loài mà chúng ta nhìn thấy sự suy giảm nhanh nhất, chẳng hạn như cá tầm châu Âu và cá heo nước ngọt vùng sông hồng ở Amazon đã thực sự, thực sự bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Theo bà Shaw, việc sản xuất lương thực là một trong những nguyên nhân chính làm mất đi sự đa dạng sinh học.

 

Bà nói số lượng rác thải cho thấy chúng ta đang sản xuất quá nhiều và quá ít chú ý đến tác động đối với môi trường.

Chúng ta đang phá rừng trên hành tinh với tốc độ nhanh chóng để sản xuất ngày càng nhiều lương thực hơn. Mặc dù 40% tổng số lương thực được sản xuất thực sự bị lãng phí. thực tế, một trong những điều chúng ta có thể làm là ý thức hơn về các loại thực phẩm chúng ta đang ăn, thực phẩm đó đến từ đâu, có phải đến từ nơi có tỷ lệ phá rừng cao hay không, và đưa ra các lựa chọn khác nhau.

 

Còn ông Lovett nói sự sụt giảm số lượng động vật là một phong vũ biểu cho những vấn đề rộng lớn hơn đang bủa vây môi trường của chúng ta.

Những thiệt hại này cho thấy rằng -  giống như một con chim hoàng yến sống trong mỏ than – đó là nếu một khu vực môi trường sống tự nhiên như rừng nhiệt đới Amazon bị suy giảm, các loài động vật có xương sống bị thiệt hại lớn, thì điều đó chỉ ra rằng hệ sinh thái chung đang bắt đầu mất dần chức năng, và nếu chức năng của rừng Amazon không còn nữa, thì, chẳng hạn bạn thấy đấy tại Brazil đã có những thay đổi về chế độ mưa, và hạn hán kinh khủng ở Sao Paulo.

 

Tuy nhiên tin tức không phải hoàn toàn tiêu cực và u ám.

 

Theo bà Shaw, các chương trình tái trồng rừng và bảo tồn đang mang lại hiệu quả.

 

Bà nói một số loài cho thấy có sự tăng trưởng đáng kể và như vậy con người có thể sửa chữa những vấn đề mà họ đã tạo ra cho một vài quần thể động vật.

Khi bạn có quần thể các loài, đặc biệt là những loài gần gũi và thân thiết với mọi người, thì mọi người sẽ bắt tay vào làm một điều gì đó. Vì vậy, trong trường hợp này là loài khỉ đột núi ở Rwanda và Congo. Và những cộng đồng thực sự được hưởng lợi từ du lịch. Họ đã mở rộng diện tích đất mà những con khỉ đột đó có để sống và đi lại, lang thang thoả thích.

 

Số lượng khỉ đột núi ở Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda đã tăng từ 480 lên 604 con kể từ năm 2010.

 

Bà Shaw cho biết một thành công khác là chương trình cứu rùa cạn ở đảo Síp.

Ở Síp, số lượng rùa cạn ngày càng tăng vì mọi người đang bảo vệ các tổ của rùa vốn bị khai thác trước đây. Họ đang di dời các tổ đó, và bảo đảm rằng cáo không thể đến được. Vì vậy, nơi nào mà cộng đồng quan tâm, thì những điều lớn lao sẽ xảy ra. Và vì vậy, một trong những hy vọng lớn trong tương lai là chúng ta có nhiều hành động hơn trên toàn cầu để bảo vệ các loài sinh vật của hành tinh.