Các chuyên gia khảo cổ đã khai quật được những bộ xương động vật và con người tại một mustatil, một di tích sa mạc cổ đại được cho là đã được sử dụng cho các nghi lễ, ở SAUDI ARABIA. (Ảnh: Ảnh chụp bởi AAKSA và Ủy ban Hoàng gia cho AlUla, thông qua tạp chí Antiquity)
Các chuyên gia khảo cổ học ở Saudi Arabia (Ả Rập Saudi) đã phát hiện hài cốt một người cổ đại được chôn gần hàng trăm xương động vật nằm rải rác tại một di tích trong sa mạc 7.000 năm tuổi, được sử dụng bởi một giáo phái thời tiền sử.
Hài cốt người là của một nam giới trưởng thành khoảng 30 tuổi. Di tích trong nghiên cứu này là một trong số hơn 1.600 mustatil được phát hiện ở Ả Rập Saudi kể từ những năm 1970. Mustatil theo tiếng Ả Rập có nghĩa là hình chữ nhật. Hầu hết các mustatil bị chôn vùi dưới cát, và được xây dựng vào thời sa mạc là một đồng cỏ tươi tốt, nơi voi đi lang thang và hà mã tắm trong hồ nước.
Những người xây dựng mustatil là thành viên của một giáo phái vô danh. Các chuyên gia nghiên cứu cho biết khi sự thay đổi khí hậu dần đã biến vùng đất dần thành sa mạc, các thành viên của giáo phái có thể đã tập hợp lại để thực hiện nghi lễ cầu mưa thông qua việc hiến tế gia súc cho các vị thần.
Tác giả chính của nghiên cứu Melissa Kennedy, chuyên gia khảo cổ học tại Đại học Tây Australia, nói với Live Science: “Hầu như không có gì được viết về mustatil và các niềm tin xung quanh chúng. Chỉ có 10 mustatil đã được khai quật và nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên được công bố. Vì vậy, chúng tôi vẫn chưa biết nhiều về truyền thống này”.
Mustatil có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng thường là những hình chữ nhật dài được tạo thành từ những bức tường đá thấp cao khoảng 1,2 mét. Kennedy cho biết, các cuộc khai quật đã tiết lộ các cấu trúc phức tạp bên trong một số tàn tích, bao gồm các bức tường bên trong và các cây cột dẫn đến các gian buồng trung tâm có thể dành cho tiệc tùng và nghi lễ hiến tế.
Những người thuộc giáo phái cổ xưa sẽ tiến vào mustatil từ một đầu và đi bộ từ 20 đến 600 mét hoặc hơn để đến đầu kia, đến một nền lát đá vụn được gọi là "đầu". Buồng bên trong đầu chứa beytl - một hòn đá linh thiêng, đôi khi có nguồn gốc từ một thiên thạch - mà các thành viên giáo phái thường sử dụng để giao tiếp với các vị thần.
Hình ảnh về mustatil được các chuyên gia nghiên cứu khai quật. (Ảnh: Kennedy và đồng nghiệp, 2023, PLOS ONE)
Mustatil được khai quật trong nghiên cứu này, nằm cách thành phố cổ AlUla 55 km về phía đông, có chiều dài 140 mét và được xây dựng từ đá sa thạch địa phương. Beytl của nó là một phiến đá lớn thẳng đứng, xung quanh đó các chuyên gia nghiên cứu tìm thấy 260 mảnh xương sọ và sừng động vật, chủ yếu là của gia súc thuần hóa.
Kennedy cho biết: “Rất có thể họ đã mang theo động vật, giết thịt chúng tại chỗ, dâng sừng và phần trên của hộp sọ cho thần, trong khi có thể cùng nhau thưởng thức phần thịt còn lại. Chúng tôi không thể chắc chắn liệu vụ giết mổ xảy ra tại chỗ hay ở một nơi nào khác, vì chúng tôi không tìm thấy các bộ phận còn lại của động vật. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng nó có thể xảy ra tại chỗ, vì sừng, đặc biệt là chất sừng - thứ phân hủy rất nhanh - ở trong tình trạng tốt. Điều đó cho thấy có thể người cổ đại chỉ có một khoảng thời gian ngắn để lấy đi những chiếc sừng và dùng chúng để cúng bái trong mustatil”.
Phân tích xương của người đàn ông được chôn cất trong mustatil cho thấy anh ta ở độ tuổi 30 hoặc đầu 40 khi qua đời và có lẽ anh ta bị viêm xương khớp, một bệnh thoái hóa khớp phổ biến. Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy người đàn ông này đã được chôn cất 400 năm sau khi động vật bị giết thịt - tức là, mustatil có thể là một địa điểm hành hương lặp đi lặp lại.
Kennedy nói: “Chúng tôi đang tìm thấy ngày càng nhiều bằng chứng về việc con người được mai táng trong các mustatil. Tuy nhiên, những lễ chôn cất này luôn diễn ra muộn hơn khi chúng không có cùng thời gian với lễ hiến tế động vật. Chúng tôi cho rằng các địa điểm mustatil vẫn giữ được tầm quan trọng ngay cả khi chúng không còn được sử dụng, các thế hệ sau sẽ chôn cất người chết tại những nơi này như một cách khẳng định quyền sở hữu của họ đối với các cấu trúc, đồng thời khẳng định mối liên hệ với tổ tiên”.
Mục đích của các nghi lễ ở mustatil vẫn còn là một bí ẩn. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng có thể có một số mối liên hệ giữa các nghi lễ và mong muốn được thần ban phước lành để vùng đất khô cằn có mưa. Họ hiện đang kiểm tra giả thuyết này bằng cách lập bản đồ địa lý về vị trí của các mustatil và các vùng đất mục vụ, sông và hồ thời tiền sử.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One.
(Theo Live Science)
(ntdvn.net, Văn Thiện biên dịch)