(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

Nguồn: Paul Dibb & Richard Brabin-Smith, “Why the US will stay dominant in undersea warfare”, The Strategist, 26/04/2024

 

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương (nghiencuuquocte.org)

 

Một số nhà bình luận tại Úc gần đây đã đưa ra những tuyên bố vội vàng về sự suy tàn của tàu ngầm Mỹ, cho rằng các công nghệ tiên tiến sẽ khiến tàu ngầm dễ bị tổn thương. Những người khác lại tranh luận rằng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ hiện nay ồn ào hơn tàu ngầm Trung Quốc và sẽ dễ dàng bị Trung Quốc phát hiện.

 

 

Nhưng sự thật là Mỹ đã đi trước rất xa về công nghệ tàu ngầm và các chiến dịch bảo đảm an ninh dưới mặt nước trong suốt hơn 50 năm qua, đến mức tàu ngầm Mỹ hầu như không thể bị phát hiện bởi Trung Quốc hay Nga. Trong Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử (SSN) của Mỹ đã bám đuôi các tàu ngầm phóng hỏa tiễn đạn đạo (SSBN) của Liên Xô ở cự ly gần mà không bị phát hiện. Có mọi lý do để tin rằng điều tương tự cũng áp dụng cho các tàu SSBN của Trung Quốc ngày nay. Quan điểm của chúng tôi là các tàu SSBN của Trung Quốc dễ dàng bị các tàu SSN của Mỹ theo dõi đến mức khả năng tấn công hạt nhân trã đũa của Trung Quốc đang gặp rủi ro cao (giống như Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh). Nói tóm lại, sự yên tĩnh của tàu ngầm Mỹ và tính tinh vi trong các chiến dịch của họ đã là huyền thoại.

 

Lý do cho điều này là trong hơn nửa thế kỷ, Mỹ đã liên tục đổ một khoản nghiên cứu và phát triển khổng lồ vào công nghệ chiến tranh dưới nước vượt trội. Đương nhiên, những khả năng này nằm trong số những bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Mỹ, vì vậy có rất ít thông tin về chúng được công khai. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất hai cuốn sách: “Blind Man’s Bluff” của Sherry Sontag và Christopher Drew (1998) và “The Silent Deep: The Royal Navy Submarine Service since 1945” của Peter Hennessy và James Jinks (2016). Cuốn sách đầu tiên kể về các chiến dịch tàu ngầm tối mật của Mỹ bao gồm việc CIA khai thác thông tin liên lạc dưới đáy biển của Liên Xô ở biển Okhotsk liên quan tới hạm đội tàu ngầm Thái Bình Dương của Liên Xô ở Kamchatka. Tàu ngầm Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến thâm nhập mà không bị phát hiện. Cuốn “The Silent Deep” kể về các hoạt động tàu ngầm tầm gần chống lại các tàu SSBN và SSN của Liên Xô bởi các tàu ngầm hạt nhân của Anh, những tàu có danh tiếng tương tự như tàu ngầm Mỹ. Theo chúng tôi biết, hiện chưa có cuốn sách tương đương nào về các hoạt động chống lại tàu ngầm của Trung Quốc (nhưng chủ đề này đã được Michael McDevitt đề cập trong cuốn “China as a Twenty First Century Naval Power”, 2020).

 

Những người luôn nói về việc các chiến dịch tàu ngầm của Trung Quốc có thể dễ dàng phát hiện tàu ngầm Mỹ hoàn toàn không hiểu rõ vấn đề. Sự thật là cho đến gần đây, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ của Nga cho các tàu SSBN và SSN của họ. Điều đó bao gồm cả những kỹ thuật tương đối đơn giản như cách ly tiếng ồn của động cơ và các máy móc khác khỏi thân tàu. Chúng ta cần nhớ rằng trong Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm phóng hỏa tiễn đạn đạo của Liên Xô được gọi là “boomers” vì tiếng ồn lớn của chúng có thể phát hiện được ở khoảng cách rất xa. Đối với việc Trung Quốc đối phó với tàu ngầm Mỹ, Lầu Năm Góc tuyên bố vào năm 2023 rằng Trung Quốc “vẫn thiếu khả năng chống tàu ngầm biển sâu một cách mạnh mẽ.”

 

Tất nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều đang đạt được tiến bộ trong nỗ lực vận hành tàu ngầm một cách êm ái hơn. Nhưng bạn có tin rằng Mỹ đang khoanh tay ngồi yên và không thực hiện bất kỳ tiến bộ công nghệ nào không? Dĩ nhiên là không. Hải quân Mỹ tiếp tục đầu tư rất lớn để bảo đảm tàu ngầm của họ vẫn đi đầu tuyệt đối trong các hoạt động khó bị phát hiện dưới lòng đại dương.

 

Vì vậy, khi Úc nhận được ba tàu SSN lớp Virginia từ Mỹ, chúng ta có thể tin tưởng rằng chúng sẽ vừa hiệu quả cao vừa khó bị chống lại. Đây là lý do tại sao Trung Quốc lại tức giận về khả năng Úc có được chúng. Trung Quốc đã có sẵn lo lắng về SLOC (lo ngại về các tuyến đường thông thương hàng hải của mình). Họ lo sợ bị cắt đứt các mặt hàng quan trọng, chẳng hạn như dầu mỏ, vốn đi qua vùng biển hẹp của Đông Nam Á.

 

Tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn đối với Trung Quốc khi các tàu SSN của Úc đi vào hoạt động và khi, dưới tác động của AUKUS, Mỹ khai triển các tàu SSN của riêng mình từ Fremantle. Hơn nữa, nếu các tàu Virginia của Úc được trang bị hỏa tiễn chống hạm tầm xa hiện đại với tầm bắn hơn 2.000 km, chúng sẽ trở thành vũ khí tấn công đáng gờm, có khả năng tấn công sâu vào khu vực. Ví dụ, 2.000 km gần bằng khoảng cách từ phía đông Philippines đến Hoàng Hải giữa Nam Hàn và Trung Quốc.

 

Vị trí địa lý khiến tàu ngầm Trung Quốc và Nga tương đối dễ bị tổn thương khi rời khỏi căn cứ. Trong trường hợp của Trung Quốc, Hạm đội phía Bắc bị bó buộc ở Hoàng Hải. Vùng biển này được Nam Hàn (South Korea)  (vốn chỉ cách một căn cứ của Hạm đội Bắc Hải chỉ 400 km, cụ thể là căn cứ Uy Hải) và Nhật Bản (cách căn cứ chính ở Thanh Đảo 800 km) giám sát chặt chẽ. Cả hai đều là đồng minh của Mỹ.

 

Căn cứ SSBN chính của Bắc Kinh nằm trên đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc, từ đó tàu ngầm phải di chuyển qua vùng nước tương đối nông cho đến khi đến vùng biển sâu hơn gần Philippines và Đài Loan. Và để đến được vùng biển sâu của Thái Bình Dương, chúng phải đi qua chuỗi thiết bị cảm biến thủy âm dưới đáy biển SOSUS của Mỹ trải dài từ Nam Hàn (South Korea) và Nhật Bản đến Đài Loan, Philippines và Indonesia.

 

Ngược lại, Mỹ có các căn cứ tàu ngầm ở bờ biển phía đông và phía tây, cung cấp khả năng tiếp cận nhanh chóng giúp bảo vệ các vùng biển sâu ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương rộng lớn. Họ không có kẻ thù tiềm năng nào ở gần đó. Tương tự, tàu ngầm rời khỏi các cảng của Úc như Sydney và Fremantle cũng có thể nhanh chóng tiếp cận và bảo vệ các vùng biển sâu..

 

Điều quan trọng cần nhớ rằng duy trì khả năng vượt trội trong chiến tranh tàu ngầm và chống tàu ngầm là rất cần thiết cho an ninh của Mỹ. Điều này đặc biệt đúng đối với khả năng hạt nhân, sự ổn định của cán cân hạt nhân và khả năng sống sót của các tàu SSBN của Mỹ. Đó là lý do tại sao Mỹ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các vấn đề như quản lý tín hiệu tàu ngầm (bao gồm cả tín hiệu âm thanh bức xạ), hiệu suất cảm biến và nâng cấp ngư lôi Mark 48 (bao gồm cả thông qua nghiên cứu chung với Úc).

 

Với những nguyên nhân như trên, chúng tôi bác bỏ quan điểm của những người cho rằng thời kỳ đỉnh cao của tàu ngầm Mỹ đã qua. Mỹ sở hữu đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất và mạnh nhất thế giới, và dự định sẽ duy trì vị trí đó. Không có gì lạ khi Trung Quốc lo lắng về khả năng Úc có thể sở hữu khả năng vượt trội như vậy.

 

Paul Dibb và Richard Brabin-Smith đều là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Úc. Paul Dibb từng là giám đốc Tổ chức Tình báo Quốc phòng và Brabin-Smith từng là người đứng đầu các chương trình khoa học công nghệ của Bộ Quốc phòng Úc. Đây là phiên bản chỉnh sửa của một bài báo xuất hiện lần đầu trên tờ The Weekend Australian.

 

(nghiencuuquocte.org)