Chuyến thăm Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Washington đối với việc củng cố mối quan hệ trong khu vực trong lúc đối phó chống lại Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters)
HOA KỲ - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trở thành thành viên đầu tiên trong Nội các của Tổng thống Joe Biden đến thăm Đông Nam Á trong tuần này.
Đông Nam Á là trọng tâm chiến lược.
Mỹ đã coi việc đối phó với Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách an ninh quốc gia trong nhiều năm và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã gọi cạnh tranh với Bắc Kinh là "phép thử địa chính trị lớn nhất” của thế kỷ này.
Tuy nhiên, 6 tháng sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống, các quốc gia Đông Nam Á vẫn đang tìm kiếm nội dung chi tiết về chiến lược cũng như các kế hoạch cụ thể của của ông chủ Nhà Trắng về tương tác kinh tế, thương mại, quân sự với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phát biểu với các phóng viên trên đường tới Alaska, ông Austin nói: “Các bạn sẽ lắng nghe tôi bàn về quan hệ đối tác và giá trị của các mối quan hệ đối tác. Mục tiêu của tôi là củng cố các mối quan hệ”.
Trong bài phát biểu quan trọng ở Singapore vào ngày 27/7 và tại các cuộc họp ở Việt Nam và Philippines, ông Austin sẽ lên án hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khu vực tự do, rộng mở.
Chuyến công du của Bộ trưởng Austin diễn ra sau chuyến thăm đầu tiên của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Trung Quốc ngày 25-26/7.
Chuyến thăm này cũng trùng với chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Ấn Độ, một đối tác quan trọng khác trong nỗ lực của Washington nhằm chống lại Bắc Kinh.
Các chuyên gia cho rằng, sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là rất quan trọng để thể hiện rõ rằng, Đông Nam Á là một thành phần quan trọng trong các nỗ lực của Tổng thống Biden.
Ba đối tác quan trọng.
Gregory Poling, thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington, nhận định: “Chính quyền Mỹ hiểu rằng, đây là khu vực rất quan trọng, bởi vậy, Mỹ cần hiện diện tại đây”.
Một nhà ngoại giao châu Á giấu tên nói, có vẻ như chính quyền của Tổng thống Biden đang chỉ đạo hướng sự tập trung hơn vào châu Á sau khi giải quyết các vấn đề toàn cầu khác, chẳng hạn như quan hệ với Nga và châu Âu.
Ông Austin đã có kế hoạch đến thăm khu vực này vào tháng 6/2021, nhưng buộc phải hoãn lại do hạn chế Covid-19 ở Singapore.
Theo ông Gregory Poling, ông Austin đang tới thăm 3 đối tác chính trị và an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực.
Học giả trên nêu rõ: “Các đối tác đó là Singapore, đối tác an ninh quan trọng nhất; Việt Nam, quốc gia ngày càng liên kết chặt chẽ nhất với Mỹ; và Philippines, đồng minh châu Á lâu đời nhất, nơi quyền tiếp cận của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Mỹ không có hiệp ước an ninh với Singapore, nhưng nước này có thỏa thuận tiếp cận và thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao. Singapore cung cấp khả năng tiếp cận đáng kể cho hải quân cũng như tiếp cận các khí tài được sử dụng để huấn luyện”.
Tiến sĩ Renato de Castro, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, cũng cho rằng: “Đây là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm cho thấy Đông Nam Á là khu vực quan trọng với Mỹ”.
Theo ông, các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từng nhận thức rằng, Washington đã “phớt lờ và bỏ mặc” khu vực này dù đây là “một trong những chiến trường cạnh tranh chiến lược của Mỹ”.
Aaron Jed Rabena, thành viên nghiên cứu tại Viện Lộ trình Tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila và là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines, nhận định: “Mỹ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để triệt tiêu tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở ASEAN bằng cách đối chọi Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Đó là dấu hiệu cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác an ninh”.
Ông Aaron lưu ý, Singapore và Việt Nam cũng là “những quốc gia có chương trình nghị sự chính trị hoặc quốc phòng phù hợp với Mỹ”.
Ưu tiên của ông Austin ở Philippines sẽ là thúc đẩy tiến triển về việc gia hạn một thỏa thuận quản lý sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó, vốn là lợi ích chiến lược quan trọng của Washington.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích nhận định, người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ cần phải cân bằng giữa việc nhấn mạnh đến "mối đe dọa Trung Quốc" và làm rõ rằng Washington nhận thấy Đông Nam Á không chỉ là một vũ đài quân sự.
Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Biden đã tìm cách tập hợp các đồng minh và đối tác để tạo thành một mặt trận thống nhất chống lại những gì mà họ gọi là các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng mang tính cưỡng ép của Trung Quốc.
Nước Mỹ trước đây, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, và nay Chính quyền của Tổng thống Biden tuyên bố rõ rằng, Mỹ không cần vội vàng tham gia lại một hiệp ước như vậy.
Tuy nhiên, các bên vẫn đang thảo luận về khả năng đạt được các thỏa thuận nhỏ hơn như về thương mại kỹ thuật số.