(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Raphael S. Cohen, “China and North Korea Throw U.S. War Plans out the Window,” Foreign Policy, 02/12/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng (nghiencuuquocte.org)
Việc các cường quốc Á châu can thiệp vào Âu châu đã vô hiệu hóa nhiều thập kỷ hoạch định chiến lược của Mỹ.
Tháng Mười một vừa qua, hai thời khắc quan trọng đã thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu. Lần đầu tiên, quân đội Bắc Hàn xuất hiện trên chiến trường trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Ngay sau đó, quân đội Đan Mạch đã bắt giữ một tàu chở hàng treo cờ Trung Quốc, Yi Peng 3, vì nghi ngờ tàu này đã cố tình cắt hai cáp dữ liệu dưới đáy Biển Baltic.
Hai sự cố này đánh dấu một thay đổi cơ bản trong môi trường chiến lược. Lần đầu tiên, các đối thủ của Mỹ sẵn sàng hỗ trợ quân sự trực tiếp cho nhau, ngay cả ở bên kia bán cầu.
Dù bạn gọi đó là “trục xâm lược,” “liên minh bất chính,” “trục ma quỷ” mới, hoặc bất kỳ tên gọi nào khác – thì thực tế không thể phủ nhận là quan hệ quân sự giữa Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn đang ngày càng sâu sắc. Và diễn biến này sẽ đảo lộn cách Mỹ cùng các đồng minh trên khắp thế giới suy nghĩ và cung cấp cho an ninh quốc gia của họ.
Việc Bắc Hàn khai triển quân đội và việc tàu chở hàng Trung Quốc bị nghi ngờ cắt cáp không phải tự nhiên mà có. Suốt nhiều năm nay, hàng triệu quả đạn pháo của Bắc Hàn và hàng nghìn máy bay không người lái của Iran đã xuất hiện trên chiến trường ở Ukraine, trong khi viện trợ kinh tế từ Trung Quốc cũng hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga. Trung Quốc và Nga còn tuyên bố tình hữu nghị “không giới hạn” của họ vào tháng 2/2022, chỉ vài ngày trước khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine.
Gần đây hơn, Nga và Bắc Hàn đã ký một hiệp ước phòng thủ chung, cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong chiến tranh, trong khi Nga và Iran đang đàm phán về một hiệp ước toàn diện mà Ngoại trưởng Nga đã nói sẽ bao gồm yếu tố quốc phòng. Nhưng các hiệp ước và lời hứa là một chuyện; sự tham gia trực tiếp vào hai cuộc chiến đang diễn ra ở Âu châu – một cuộc chiến nóng và một cuộc chiến hỗn hợp (hybrid) – lại là một chuyện hoàn toàn khác. Trung Quốc và Bắc Hàn hiện đã vượt qua điểm không thể quay đầu.
Để hiểu rõ hơn lý do tại sao những sự kiện này lại làm thay đổi mọi thứ đối với Mỹ, người ta phải đi sâu vào thế giới phức tạp của chiến lược quốc phòng và hoạch định lực lượng của nước này.
Kể từ khi tham gia Thế chiến II, Mỹ đã mở rộng quân đội để có thể chiến đấu hai cuộc chiến cùng một lúc – một ở Thái Bình Dương chống lại Đế quốc Nhật Bản, và một ở Âu châu chống lại Đức Quốc xã. Cấu trúc lực lượng đó đã tồn tại – ít nhiều – trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi người Mỹ bận rộn với việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu.
Sau Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ vẫn duy trì cấu trúc lực lượng hai cuộc chiến – lấy lý do để phòng ngừa khả năng xảy ra chiến tranh đồng thời với Iraq và Bắc Hàn – chí ít trên lý thuyết. Nhưng liệu Mỹ có thể tiến hành hai cuộc chiến toàn diện trong thực tế hay không vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Giai đoạn chiến đấu ban đầu chưa bao giờ là thách thức chính; người Mỹ có đủ lực lượng để chiến đấu trên cả hai mặt trận. Nhưng duy trì lực lượng cho các cuộc chiến kéo dài mới là điều cực kỳ khó khăn. Gánh nặng của việc duy trì hai cuộc chiến đồng thời ở Iraq và Afghanistan đã dàn trải lực lượng mặt đất của Mỹ đến cùng cực, bất chấp thực tế rằng chúng chỉ là những cuộc chiến chống nổi loạn tương đối hạn chế, thay vì kiểu xung đột truyền thống thường dữ dội hơn mà chúng ta đang chứng kiến lại ở Ukraine.
Nhưng khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng trở nên đáng gờm, và Mỹ nỗ lực cắt giảm thâm hụt hiện đại hóa quân sự còn sót lại từ cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, thì cấu trúc lực lượng hai cuộc chiến dần trở nên không thể duy trì. Các cơ quan hoạch định quốc phòng nhận ra rằng quân đội Mỹ sẽ phải chịu áp lực rất lớn nếu tiến hành chỉ một cuộc chiến chống lại một cường quốc, chứ chưa nói đến hai cuộc chiến cùng một lúc.
Vì vậy, Washington đã hạ thấp tiêu chuẩn. Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng năm 2011 của chính quyền Obama – một tài liệu chính sách đóng vai trò là cơ sở cho hoạch định quân sự tổng thể – kêu gọi “đánh bại sự xâm lược của bất kỳ kẻ thù tiềm tàng nào” trong khi áp đặt “cái giá không thể chấp nhận được” lên kẻ thù khác – được gọi là chiến lược một cuộc chiến rưỡi. Chính quyền Trump đầu tiên và sau đó là chính quyền Biden đã tiến thêm một bước và xóa luôn phần “rưỡi”: Các chiến lược quốc phòng năm 2018 và 2022 chỉ đạo quân đội Mỹ lập kế hoạch chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến, tại một chiến trường, tại một thời điểm nhất định, đồng thời ngăn chặn các kẻ thù khác mà không để xảy ra giao tranh lớn. Kế hoạch là giữ cho cuộc xung đột bị cô lập và cục bộ.
Điều này đưa chúng ta quay trở lại với lý do tại sao việc khai triển quân sự của Bắc Hàn và việc cắt cáp của Trung Quốc lại quan trọng đến vậy. Đầu tiên, cả hai hành động chỉ ra rằng một cuộc xung đột với một đối thủ ở một nơi trên thế giới sẽ không nhất thiết chỉ giới hạn ở một đối thủ và một khu vực. Thứ hai, những sự kiện này làm nổi bật khả năng hạn chế của Mỹ – nếu không muốn nói là thiếu khả năng – trong việc ngăn chặn một đối thủ tham gia cuộc chiến của một đối thủ khác cách xa tận nửa vòng trái đất.
Nói một cách đơn giản, khi các đối thủ của Mỹ xích lại gần nhau hơn, khả năng một cuộc xung đột ở một khu vực nhất định lan sang những nơi khác sẽ tăng lên đáng kể. Và điều đó có nghĩa là các giả định làm nền tảng hoạch định các chiến lược quốc phòng quốc gia gần đây nhất đã trở nên lỗi thời, nếu không muốn nói là sai hoàn toàn.
Các chính quyền trước đây đã cố gắng ngăn chặn việc hình thành môi trường chiến lược ngày càng bấp bênh này bằng cách cố gắng phá vỡ liên minh giữa các đối thủ. Chính quyền Obama và Biden đã đưa ra nhiều lời đề nghị với Iran, trong khi chính quyền Trump đầu tiên cố gắng xích lại gần hơn với Bắc Hàn. Và cả ba chính quyền đều đã thử đủ mọi cách để tái thiết quan hệ và đưa ra nhiều đề nghị khác nhau với Nga.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả những nỗ lực này đều thất bại, vì lý do đơn giản là mỗi đối thủ đều không hài lòng với hiện trạng và có những lợi ích cơ bản xung đột với Mỹ.
Ngay cả khi chính quyền Trump thành công trong việc ngăn chặn các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, thì trục đang phát triển giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Hàn vẫn sẽ tồn tại, vì lý do đơn giản là việc duy trì nó nằm trong lợi ích chiến lược của cả bốn quốc gia này.
Đối với Trung Quốc, trục này có nghĩa là nguồn nguyên liệu thô mới, công nghệ quân sự, và nhiều khả năng là công cụ tương lai để đánh lạc hướng Mỹ về mặt địa chính trị. Đối với Nga, trục này cung cấp một cứu cánh kinh tế (từ Trung Quốc) và thiết bị quân sự (từ Bắc Hàn và Iran). Đổi lại, Iran và Bắc Hàn sẽ nhận được công nghệ quân sự và sự hậu thuẫn của một cường quốc.
Không một lý do nào trong số này có thể biến mất – ngay cả khi chính quyền Trump đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nào đó.
Một cách khác mà các chính quyền Mỹ đã dùng để cố gắng giải quyết khác biệt giữa các mối đe dọa và nguồn lực quân sự là ngó lơ một số khu vực trên thế giới. Đáng chú ý nhất là các chính quyền Obama, Trump, và Biden đều muốn giảm bớt cam kết quân sự của Mỹ đối với Trung Đông. Nhưng cuối cùng, họ đều thấy mình bị kéo trở lại khu vực này theo những cách mạnh mẽ – để ngăn chặn Nhà nước Hồi giáo; đẩy lùi các lực lượng ủy nhiệm của Iran; hoặc gần đây nhất là bảo vệ Israel và ngăn chặn một cuộc chiến khu vực lan rộng.
Đây là điều mà một số người có thể gọi là sở thích được công khai: Dù các chính quyền Mỹ liên tiếp đều nhắc đến ý tưởng rằng Trung Đông chỉ là phần ngoại vi so với các lợi ích chiến lược cốt lõi của Mỹ, nhưng Washington vẫn nhiều lần chứng minh rằng họ thực sự quan tâm đến khu vực này, đủ để mạo hiểm cả xương máu và tiền bạc ở đó.
Điều tương tự có thể đúng hơn với Âu châu, nơi Mỹ về cơ bản có sự gắn bó chặt chẽ. Ngay cả khi bỏ qua các quan hệ văn hóa và lịch sử, thương mại giữa Mỹ và Liên minh Âu châu chiếm gần 30% tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu và 43% GDP toàn cầu.
Vì vậy, ngay cả khi một số người ở Washington muốn rời xa an ninh Âu châu và tập trung hoàn toàn vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì Mỹ sẽ thấy rằng việc nói lý thuyết dễ hơn nhiều so với việc thực hiện sự thay đổi đó trong thực tế.
Nếu Mỹ không thể phá vỡ trục đối thủ hoặc ngó lơ các khía cạnh của nó, thì cần phải lập kế hoạch cho một môi trường chiến lược thay đổi. Điều này bao gồm khả năng rất thực tế là Mỹ sẽ phải chiến đấu với nhiều hơn một đối thủ ở nhiều hơn một chiến trường cùng một lúc.
Đó là lý do tại sao Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Quốc gia – một nhóm chuyên gia lưỡng đảng có nhiệm vụ xem xét các chiến lược quốc phòng quốc gia – đã kêu gọi Mỹ xây dựng cấu trúc lực lượng ba chiến trường trong báo cáo gần đây nhất của họ, thừa nhận thực tế rằng Mỹ phải đối mặt với những thách thức đồng thời ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Âu Châu, và Trung Đông, và do đó phải cùng với các đồng minh và đối tác chuẩn bị bảo vệ các lợi ích toàn cầu của mình ở cả ba khu vực.
Tất nhiên, đối đầu với sức mạnh kết hợp của Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn là một nhiệm vụ khổng lồ. Nó sẽ đòi hỏi một quân đội lớn hơn và chi tiêu quốc phòng nhiều hơn đáng kể, và sẽ rất khó để thuyết phục về mặt chính trị. Nhưng nước Mỹ ngày nay chỉ mới chi khoảng một nửa số tiền cho quốc phòng so với GDP như trong thời Chiến tranh Lạnh.
Vì vậy, nếu các nhà lãnh đạo Mỹ thực sự tin vào những gì họ nói trong các tài liệu chiến lược của mình – rằng đây là giai đoạn nguy hiểm nhất kể từ Chiến tranh Lạnh và có lẽ thậm chí là kể từ Thế chiến II – thì việc Mỹ cần phải nỗ lực tương tự như những lần trước đó là điều hợp lý.
Ngay cả khi chi tiêu tăng lên, Mỹ vẫn không thể tự mình hành động. Dù họ có thể rao giảng rằng “Nước Mỹ trên hết,” nhưng việc bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho Mỹ sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn nhiều nếu Washington biết tận dụng sức mạnh kết hợp của mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu của mình.
Tất nhiên, điều đó dựa trên ý tưởng rằng các đồng minh và đối tác là những người đóng góp ròng – chứ không chỉ là người thụ hưởng ròng – đối với an ninh toàn cầu. Trong lúc Mỹ tăng cường đầu tư quốc phòng, các đồng minh của họ trên toàn thế giới cũng phải tăng đầu tư.
Tháng Một tới, chúng ta sẽ có một chính quyền mới, một chiến lược mới, và một cơ hội tiềm năng để đánh giá lại các giả định chiến lược của Mỹ. Điều đó nên bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng Washington thực sự quan tâm đến nhiều khu vực trên thế giới và rằng các mối đe dọa do trục đối thủ gây ra – hay bất kỳ tên gọi nào bạn chọn để mô tả liên minh đó – sẽ tiếp tục tồn tại. Đã đến lúc phải lập ra kế hoạch phù hợp.
Raphael S. Cohen là Giám đốc Chương trình Chiến lược và Học thuyết tại Dự án Không lực của Tập đoàn Rand.
(nghiencuuquocte.org)