(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

Thực hiện: Viên Đăng Huy ; Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

(nghiencuuquocte.org)

 

 

 

 

Chiến tranh Nga – Ukraine:

 

Nga và Ukraine sử dụng drone tấn công vào lãnh thổ của nhau

 

Hôm chủ nhật, Nga đã sử dụng drone tấn công vào Odesa trong khi Ukraine không kích vào một sân bay quân sự của Nga. Lực lượng không quân Ukraine sáng chủ nhật cho biết họ đã phá hủy 20 drones và một hỏa tiễn hành trình của Nga, với 9 drones đã bị bắn hạ ở khu vực phía nam Odesa. Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã sử dụng hệ thống phòng không đánh chặn tổng cộng 35 drone do Ukraine phóng trên các khu vực Lipetsk, Volgograd và Rostov.

 

Xem thêm tại: Reuters, Russia and Ukraine launch swarm of drones at each other’s territory. Truy cập ngày 19/12/2023

 

 

Quân đội Ukraine đề xuất huy động thêm 500.000 quân cho chiến tranh

 

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm thứ ba cho biết quân đội đã đề xuất huy động thêm 450.000 đến 500.000 quân bổ sung vào lực lượng vũ trang, Tổng thống Zelenskyy cho biết ông muốn nghe thêm lập luận ủng hộ việc huy động thêm người trước khi ủng hộ kế hoạch này. Hiện tại, vẫn chưa rõ quân số của Ukraine nhưng trước đây nước này cho biết có khoảng 1 triệu người Ukraine được vũ trang. Điện Kremlin hôm thứ ba cho biết lực lượng Nga cũng có kế hoạch tăng quân số lên 1,5 triệu quân.

 

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine considers proposal by army to mobilise another 500,000 for war. Truy cập ngày 21/12/2023

 

 

 

Ukraine sẽ sản xuất một triệu drone vào năm tới.

 

Ukraine hôm thứ ba cho biết sẽ sản xuất một triệu drone vào năm tới, và đang tiến hành thúc đẩy mức sản xuất hiện tại với mục tiêu sản xuất hàng chục nghìn drone mỗi tháng vào cuối năm nay. Không có số liệu về sản xuất drone hiện tại. Thêm vào đó, tổng thống Zelenskyy cho biết chính phủ của ông nỗ lực nâng cấp và hiện đại hóa hậu cần thời Liên Xô cũng như các thủ tục khác để đảm bảo cung cấp drone nhanh chóng và dễ dàng cho các đơn vị chiến đấu trên chiến trường. Ngoài ra, Ukraine cũng đang tìm mọi cách để tăng cường sản xuất đạn pháo trong nước, đặc biệt là đạn pháo 155 mm.

 

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine to produce one million drones next year, Zelenskiy says. Truy cập ngày 21/12/2023

 

 

 

Tư lệnh quân đội Ukraine khẳng định tình hình tiền tuyến không bế tắc

 

Tư lệnh quân đội Ukraine Tướng Valeriy Zaluzhnyi hôm thứ hai cho biết tình hình ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại Nga chưa đến mức bế tắc. Thay vào đó, Tướng Valeriy Zaluzhnyi cho biết cuộc chiến với Nga đang tiến tới một giai đoạn mới của chiến tranh bất động và tiêu hao. Mặt khác, Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi cho biết quân đội ở tiền tuyến đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo và phải thu hẹp một số hoạt động quân sự do thiếu sự hỗ trợ từ nước ngoài sau khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa Mỹ từ chối gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD và Hungary chặn 54,5 tỷ USD gói tài trợ của EU.

 

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine’s army chief says situation at front line is not a stalemateUkrainian troops face artillery shortages, scale back some operations – commander. Truy cập ngày 19/12/2023

 

 

 

Nhật Bản cân nhắc cho phép chuyển hỏa tiễn Patriot tới hỗ trợ Ukraine

 

Tokyo sẽ xem xét cho phép Mỹ cung cấp hỏa tiễn Patriot do Nhật sản xuất tới châu Âu và các nơi khác. Cụ thể hơn, chính phủ Nhật Bản sẽ cập nhật các hướng dẫn về xuất cảng quốc phòng sớm nhất là vào thứ sáu nhằm cho phép vận chuyển hỏa tiễn và các thiết bị khác đến quốc gia sở hữu giấy phép. Nhật Bản cũng sẽ cho phép các nước nhận chuyển thiết bị sang nước thứ ba nếu có sự chấp thuận trước của Tokyo, ngoại trừ những nước tích cực tham gia vào xung đột vũ trang, như Ukraine và Israel. Mặc dù quy chế này không cho phép Washington trực tiếp gửi hỏa tiễn Patriot do Nhật Bản chế tạo đến Kyiv, nhưng nó sẽ giúp Mỹ có thêm không gian để tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí do Mỹ sản xuất.

 

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan weighs allowing Patriot missile transfers to aid Ukraine. Truy cập ngày 21/12/2023

 

 

 

 

 

Chiến tranh Israel – Hamas:

 

Israel tiếp tục tấn công các bệnh viện và dân thường ở Gaza

 

Israel vào chủ Nhật và thứ hai tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhằm vào bệnh viện và khu dân cư trong khu vực Gaza. Các cuộc không kích đã gây ra thương vong hàng loạt tại trại tị nạn Jabalia và Nuseira trong khi pháo binh của Israel nhắm vào nhiều khu dân cư ở các khu Shujayea, Tuffah và Daraj ở Thành phố Gaza. Song song với đó, còn có báo cáo về vụ nổ súng liên tục tại lối vào Bệnh viện al-Shifa trong khi Khu liên hợp y tế Nasser ở Khan Younis, miền nam Gaza đã liên tục bị nhắm mục tiêu trong 48 giờ qua.

 

Xem thêm tại: Al Jazeera, Israel continues to target Gaza hospitals and civilians. Truy cập ngày 19/12/2023

 

 

 

Israel đánh bom tòa nhà từ thiện ở trại tị nạn Jabalia ở Gaza

 

Lực lượng Israel hôm nay thứ ba đã thực hiện một cuộc không kích vào một tòa nhà thuộc hiệp hội bác ái Al Salam tại Gaza. Theo đó, cuộc không kích của Israel vào tòa nhà của hiệp hội bác ái Al Salam, nằm ở trại tị nạn Jabalia phía bắc Gaza, đã khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng và bị thương. Hiện người dân Palestine vẫn đang tiến hành tìm kiếm và cứu hộ xung quanh đống đổ nát.

 

Xem thêm tại: AL Jazeera, Israel bombs charity building in Gaza’s Jabalia refugee camp. Truy cập ngày 20/12/2023

 

 

 

Mỹ muốn Israel chuyển mục tiêu của các chiến dịch tại Gaza sang tập trung vào giới lãnh đạo của Hamas

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ tư cho biết Washington muốn và mong đợi Israel chuyển các hoạt động quân sự ở Gaza sang giai đoạn cường độ thấp hơn, trong đó sẽ có nhiều chiến dịch tập trung vào lãnh đạo Hamas và cơ sở hạ tầng của tổ chức này. Israel đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh phương Tây nhằm kiềm chế cuộc tấn công quân sự ở Gaza, vốn đã tàn phá phần lớn khu vực ven biển đông dân cư để trả thù vụ giết người và bắt cóc hàng loạt của Hamas vào ngày 7 tháng 10.

 

Xem thêm tại: Reuters, Blinken says US wants Israel to shift to targeted operations in Gaza focusing on Hamas leadership. Truy cập ngày 21/12/2023

 

 

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

 

Mỹ hồi sinh sân bay từ Thế chiến II ở Thái Bình Dương

 

Quân đội Mỹ sẽ đạt được “bước tiến đáng kể” trong việc hồi sinh lại một sân bay có từ thời Thế chiến II trên đảo Tinian ở Thái Bình Dương trong những tháng tới. Lực lượng Không quân Mỹ đang đẩy mạnh xây dựng sân bay Tinian North, nơi từng được phi đội máy bay ném bom B-29 sử dụng trong Thế chiến II. Tinian nằm cách Guam khoảng 200 km về phía bắc và là một phần của Quần đảo Bắc Mariana. Việc Mỹ hồi sinh tiền đồn này là nhằm thúc đẩy chiến lược hoạt động của lực lượng không quân được gọi là cơ chế chiến đấu linh hoạt. Chiến lược này nhấn mạnh việc di chuyển máy bay đến càng nhiều địa điểm càng tốt ở Tây Thái Bình Dương để tránh các cuộc tấn công hỏa tiễn của kẻ thù.

 

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. to reclaim WWII airfield in Pacific, clearing jungle by summer. Truy cập ngày 18/12/2023

 

 

 

Đề xuất phòng thủ hỏa tiễn của Mỹ gây tranh cãi ở Palau

 

Đề xuất triển khai lâu dài các khẩu đội phòng thủ hỏa tiễn Patriot của Mỹ ở Palau nhằm đáp trả việc Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương đã bị các chính trị gia của quốc đảo này chỉ trích. Mỹ đã bắt đầu xây dựng một hệ thống radar ngoài đường chân trời ở Palau và tổng thống Surangel Whipps cho biết ông đã yêu cầu Washington lắp đặt lá chắn hỏa tiễn vì lo ngại rằng việc bố trí radar có thể gây nguy hiểm cho 18.000 cư dân của quần đảo này. Tuy nhiên, vào cuối tháng 11, Thượng viện ở Palau đã thông qua nghị quyết bác bỏ việc triển khai Patriot trên lãnh thổ, nơi người dân nhạy cảm với quá khứ từng là chiến trường đẫm máu trong Thế chiến II.

 

Xem thêm tại: Reuters, US missile defense proposal stirs debate in Palau. Truy cập ngày 21/12/2023

 

 

 

Mỹ dự định bí mật phóng máy bay vũ trụ trước Trung Quốc một ngày

 

Trung Quốc hôm thứ năm đã phóng chiếc máy bay không gian bí mật của mình lần thứ ba trong khi Lực lượng Không gian Mỹ vẫn đang chờ chiếc X-37B của họ cất cánh sau nhiều lần trì hoãn. “Tàu vũ trụ thử nghiệm có thể tái sử dụng” của Trung Quốc đã phóng thành công trên đỉnh hỏa tiễn Trường Chinh 2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi. Với thời gian cất cánh dự kiến​​​ vào thời điểm tương tự, Boeing X-37B của Mỹ vẫn tiếp tục được vận chuyển bởi hỏa tiễn Falcon Heavy của SpaceX tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, sau khi bị hoãn do thời tiết xấu và các vấn đề về địa điểm phóng. Nhiệm vụ này của Mỹ được gọi là USSF-52, có kế hoạch tiến hành một loạt thử nghiệm, bao gồm vận hành trong chế độ quỹ đạo mới, thử nghiệm các công nghệ nhận thức miền không gian trong tương lai và nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ lên vật liệu.

 

Xem thêm tại: SCMP, US planned to launch a secret space plane a day ahead of China. SpaceX delayed it. Truy cập ngày 16/12/2023

 

 

 

Phát hiện 2 khinh khí cầu Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan

 

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm chủ nhật thông báo rằng hai khinh khí cầu của Trung Quốc đã được phát hiện băng qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan. Ngoài ra, Đài Loan cũng phát hiện 6 máy bay và hai tàu hải quân Trung Quốc một ngày sau đó, trong đó một máy bay đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở phía Tây Nam. Khi được hỏi liệu những khinh khí cầu này có được sử dụng cho mục đích giám sát hay không, bộ quốc phòng Đài Loan cho biết đánh giá sơ bộ cho thấy chúng là những khinh khí cầu dự báo thời tiết.

 

Xem thêm tại: Taiwan News, 2 Chinese balloons detected over Taiwan Strait. Truy cập ngày 19/12/2023.

 

 

 

 

Mỹ cân nhắc việc đưa lực lượng chiến đấu cơ thường trực nhỏ hơn về Okinawa

 

Quân đội Mỹ có kế hoạch tiếp tục triển khai thường xuyên các máy bay chiến đấu tại một căn cứ của Mỹ ở Okinawa nhưng với số lượng máy bay ít hơn trước. Trước đó, vào năm 2022, Lực lượng Không quân Mỹ bắt đầu rút dần khoảng 48 máy bay chiến đấu F-15 Eagle cũ được giao vĩnh viễn cho Căn cứ Không quân Kadena trên đảo chính Okinawa ở Nhật Bản. Để tạm thời lấp đầy khoảng trống đó, Không quân Mỹ đã cử F-35, F-22 và các máy bay chiến đấu khác tham gia lực lượng luân phiên.

 

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. weighs returning smaller permanent fighter force to Okinawa. Truy cập ngày 19/12/2023

 

 

 

Nhật Bản tăng tốc triển khai hỏa tiễn diệt hạm mới

 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đẩy nhanh kế hoạch triển khai phiên bản cải tiến của hỏa tiễn chống hạm SSM-2 cho hệ thống Type 12, được thiết kế để mở rộng tầm bắn và tăng cường khả năng tấn công các bãi phóng hỏa tiễn của đối phương. Phiên bản cải tiến được gọi là SSM-3 và có phạm vi hoạt động từ khoảng 200 đến khoảng 1.000 km. Hệ thống Type 12 hiện đang được triển khai ở các tỉnh Hokkaido, Aomori và Kumamoto.

 

Xem thêm tại: Defence Blog, Japan accelerates deployment of its new ship-killer missile. Truy cập ngày 21/12/2023

 

 

 

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ cập cảng Nam Hàn

 

Một tàu ngầm chạy bằng hạt nhân của Mỹ hôm chủ nhật đã đến thành phố cảng Busan của Nam Hàn. Sự xuất hiện của tàu ngầm USS Missouri, còn được gọi là SSN-780, diễn ra sau khi Nam Hàn và Mỹ tổ chức cuộc họp hội đồng tư vấn hạt nhân lần thứ hai tại Washington hôm thứ sáu. Một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khác của Mỹ, USS Santa Fe, đã cập cảng trên đảo Jeju của Nam Hàn vào tháng 11. Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cũng đã cập cảng Busan vào tháng trước trong nỗ lực tăng cường khả năng răn đe trước các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn.

 

Xem thêm tại: Reuters, US nuclear-powered submarine arrives at S.Korea’s Busan port -Yonhap. Truy cập ngày 18/12/2023

 

 

 

Quân đội Nam Hàn tái vũ trang tại làng biên giới trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Hàn

 

Quân đội quốc tế đóng quân ở phía Nam Hàn của làng Bàn Môn Điếm ở biên giới với Bắc Hàn có thể tiếp tục mang súng. Theo đó, UNC do Mỹ lãnh đạo là một lực lượng quân sự đa quốc gia có nhiệm vụ giám sát các vấn đề tại Khu phi quân sự (DMZ) được củng cố nghiêm ngặt giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên, nơi trên thực tế vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Quyết định cho phép quân đội UNC mang súng được đưa ra sau khi các binh sĩ Bắc Hàn đã nối lại “thế trận an ninh vũ trang” trong khu vực. Hai miền Nam Bắc Triều Tiên đã đồng ý không trang bị vũ khí cho quân đội của họ tại khu vực an ninh chung theo hiệp ước quân sự liên Triều năm 2018, nhưng quân đội Bắc Hàn được cho là mang theo súng kể từ tháng 11 sau khi thỏa thuận này bị hủy bỏ một phần.

 

Xem thêm tại: Reuters, Troops on South Korean side re-arm at border village amid tensions with North. Truy cập ngày 20/12/2023

 

 

 

Bắc Hàn phóng hỏa tiễn đạn đạo tầm xa

 

Hôm thứ hai, Bắc Hàn bắn một hỏa tiễn đạn đạo tầm xa, vụ phóng hỏa tiễn thứ hai trong vòng chưa đầy 12 giờ sau khi Bình Nhưỡng lên án cuộc phô trương vũ lực do Mỹ dẫn đầu. Hỏa tiễn đạn đạo được bắn từ khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng về phía biển ngoài khơi bờ biển phía đông Bắc Hàn. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết Bắc Hàn đã bắn hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn này đã rơi xuống vùng biển phía tây Hokkaido khoảng một giờ sau đó. Tuy nhiên, tầm bay và độ cao tối đa của hỏa tiễn chưa được công bố ngay lập tức.

 

Xem thêm tại: Reuters, North Korea fires what appears to be a long-range ballistic missile. Truy cập ngày 19/12/2023

 

 

 

Ấn Độ chạy đua drone với Trung Quốc trên dãy Himalaya

 

Ấn Độ đã thử nghiệm thành công trong tháng này một drone tốc độ cao do New Delhi sản xuất ở Chitradurga, Karnataka. Drone mới của Ấn Độ đã cho thấy khả năng độc đáo, cho phép cất cánh và hạ cánh từ bất kỳ đường băng nào có tọa độ được khảo sát. Điểm đáng chú ý là drone này kết hợp dữ liệu cảm biến trên tàu bằng cách sử dụng máy thu điều hướng tăng cường GEO (GAGAN) được hỗ trợ GPS, sử dụng khả năng tăng cường dựa trên vệ tinh để cải thiện khả năng điều hướng GPS.

 

Xem thêm tại: Asia Times, India driving a drone race with China in the Himalayas. Truy cập ngày 20/12/2023

 

 

 

 

Đông Nam Á:

 

Philippines cấp cho Nhật Bản quyền tiếp cận các căn cứ quân sự

 

Philippines và Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tiếp cận có qua có lại, cho phép triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ của nhau, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết căng thẳng ở Biển Đông đã “tăng lên thay vì giảm bớt” trong những tháng gần đây, đồng thời cảnh báo rằng “một Trung Quốc quyết đoán hơn” sẽ đặt ra một “thách thức thực sự” đối với các nước láng giềng châu Á.

 

Xem thêm tại: Gcaptain, Philippines To Grant Japan Access to Military Bases. Truy cập ngày 18/12/2023

 

 

 

Hàng không mẫu hạm Mỹ ghé Singapore khi Trung Quốc và Philippines lên án nhau

 

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Singapore trong tuần này để thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở vùng biển tranh chấp gần đó. Các quan chức Singapore mô tả chuyến thăm này là một phần của “các hoạt động toàn cầu thường lệ”. Hàng không mẫuha5m Vinson đi cùng với các tàu khác thuộc “Nhóm tấn công tàu sân bay 1” của Mỹ, bao gồm một tàu tuần dương mang hỏa tiễn và các tàu khu trục mang hỏa tiễn dẫn đường. Các tàu Trung Quốc và Philippines gần đây đã đối đầu nhau ở vùng biển cách Singapore không xa. Đầu tháng này, Philippines tuyên bố rằng một tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng và đâm vào các tàu của Manila đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tại bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa.

 

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. aircraft carrier calls at Singapore as China, Philippines spar. Truy cập ngày 20/12/2023

 

 

 

Phiến quân Myanmar chiếm thị trấn từ chính quyền quân sự bất chấp lệnh ngừng bắn được Trung Quốc hậu thuẫn

 

Liên minh Ba Anh em, nhóm quân kháng chiến tại Myanmar, cho biết họ đã chiếm được các vị trí quân sự và các trung tâm biên giới quan trọng cho thương mại với Trung Quốc. Trước đó, vào năm, Bắc Kinh tuyên bố ngừng bắn tạm thời giữa liên minh và quân đội Myanmar. Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang hôm thứ sáu cho biết họ đã chiếm được Namhsan sau khi phát động một cuộc tấn công vào khu vực này hơn hai tuần trước. Quân đội Myanmar cũng mất Khu Thương mại 105 Dặm, tuyến đường thương mại lớn ở biên giới với Trung Quốc tại thị trấn Muse, bang Shan. Tổng cộng, liên minh ba nhóm cho biết họ đã chiếm giữ 422 căn cứ và bảy thị trấn từ quân đội Myanmar kể từ ngày 27 tháng 10.

 

Xem thêm tại: France24, Myanmar rebels seize town from military junta despite China-backed ceasefire. Truy cập ngày 17/12/2023

 

 

 

Nhật Bản viện trợ cho Malaysia để tăng cường an ninh hàng hải

 

Nhật Bản đang giúp Malaysia tăng cường an ninh hàng hải và bảo vệ các tuyến đường biển rất quan trọng để vận chuyển nhiên liệu và hàng hóa đến Đông Á. Theo đó, Nhật Bản cung cấp cho Malaysia 2,8 triệu USD theo chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức nhằm cung cấp các thiết bị như thuyền cứu hộ cho Kuala Lumpur sử dụng để theo dõi, giám sát. Chương trình OSA được thành lập trong năm nay như một khuôn khổ hợp tác mới vì lợi ích của lực lượng vũ trang và các tổ chức liên quan khác của các nước tiếp nhận nhằm mục đích tăng cường hợp tác an ninh

 

Xem thêm tại: Bloomberg, Japan Provides Aid to Malaysia to Strengthen Maritime Security. Truy cập ngày 17/12/2023

 

 

 

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

 

Nga đưa hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa mới vào hầm chứa phía nam Moscow

 

Lực lượng hỏa tiễn Nga đã nạp một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Yars mới vào hầm chứa tại căn cứ Kozelsk ở vùng Kaluga, phía tây nam Moscow. Hỏa tiễn RS-24 (Yars) dài 23 mét được thiết kế để mang theo nhiều phương tiện tái nhập mục tiêu độc lập (MIRV), cho phép hỏa tiễn mang nhiều đầu đạn hạt nhân tấn công vào các mục tiêu khác nhau. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga có khoảng 5.889 đầu đạn hạt nhân trong khi Mỹ có khoảng 5.244 đầu đạn. Trong số đó, Nga và Mỹ mỗi nước có khoảng 1.670 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai.

 

Xem thêm tại: Reuters, Russia loads new intercontinental ballistic missile into silo south of Moscow. Truy cập ngày 18/12/2023

 

 

 

Putin bác bỏ tuyên bố của Biden rằng Nga có kế hoạch tấn công NATO

 

Tổng thống Nga bác bỏ tuyên bố của Mỹ rằng Moscow có thể tấn công một quốc gia NATO trong tương lai, nói rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ đi ngược lại lợi ích của Nga. Vladimir Putin đưa ra tuyên bố này vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng nếu Putin giành được chiến thắng ở Ukraine, ông có thể bạo dạn tấn công một đồng minh NATO, gây ra chiến tranh thế giới thứ ba. Putin nói thêm rằng Biden có thể đang cố gắng khơi dậy những lo ngại như vậy để biện minh cho “chính sách sai lầm” của mình tại khu vực.

 

Xem thêm tại: Al Jazeera, Putin rejects Biden claim that Russia plans to attack NATO. Truy cập ngày 18/12/2023

 

 

 

Tư lệnh quân đội Bỉ nói Putin có thể tấn công vùng Baltic và Moldova tiếp theo

 

Tư lệnh quân đội Bỉ Michel Hofman đã cảnh báo các mục tiêu tiếp theo của Điện Kremlin có thể là Moldova và các nước vùng Baltic sau Ukraine. Vì lẽ đó, Tư lệnh Michel Hofman nói rằng châu Âu phải khẩn trương chuẩn bị và nói rõ rằng họ có thể tự vệ” và “sẽ phản công công nếu cần thiết”. Cuộc tấn công của quân đội Putin vào Estonia, Latvia hoặc Lithuania có thể gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

 

Xem thêm tại: Politico, Putin could attack Baltics and Moldova next, says Belgian army chief. Truy cập ngày 20/12/2023

 

 

 

Nga đe dọa đáp trả việc Phần Lan ký hiệp ước quốc phòng với Mỹ

 

Hôm thứ ba, Nga đã triệu tập đại sứ Phần Lan để phản đối một thỏa thuận quốc phòng mới cho phép Mỹ tiếp cận rộng rãi khu vực lân cận tại biên giới của Helsinki giáp với Nga. Phần Lan hôm thứ hai đã ký thỏa thuận quốc phòng mới với Mỹ nhằm mục đích cho phép Washington nhanh chóng tiếp cận quân sự và viện trợ cho Phần Lan trong trường hợp xảy ra xung đột. Trong đó, thỏa thuận liệt kê 15 cơ sở và khu vực ở Phần Lan mà quân đội Mỹ sẽ có quyền tiếp cận không bị cản trở và là nơi họ cũng có thể lưu trữ các thiết bị quân sự và đạn dược, bao gồm 4 căn cứ không quân và một cảng quân sự. Sau Phần Lan, Copenhagen cũng đã cho phép Mỹ đồn trú binh lính và trang thiết bị vĩnh viễn ở Đan Mạch sau khi quốc này đảo ngược chính sách đối ngoại hàng thập kỷ để trở thành quốc gia cuối cùng trong khu vực ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Washington. Đan Mạch từ những năm 1950 đã có chính sách không cho phép quân đội nước ngoài hoặc vũ khí hạt nhân trên đất của mình. Vũ khí hạt nhân sẽ không được đặt ở Đan Mạch theo thỏa thuận quốc phòng mới kéo dài 10 năm, nhưng quân đội Mỹ sẽ được phép có mặt tại ba căn cứ không quân của Đan Mạch.

 

Xem thêm tại: Reuters, Russia tells Finland it will respond to defence pact with U.S; Financial Times, Denmark follows Sweden and Finland in signing US defence deal. Truy cập ngày 20/12/2023

 

 

 

Anh, Nhật Bản và Ý ký hiệp ước máy bay chiến đấu tiên tiến

 

Anh, Nhật Bản và Ý đã ký một hiệp ước quốc tế nhằm thiết lập một chương trình nhằm phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến. Thỏa thuận này được đưa ra một năm sau khi ba nước thiết lập sự hợp tác lớn đầu tiên trong ngành công nghiệp quốc phòng bằng cách hợp nhất các nỗ lực sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo riêng biệt của London và Tokyo. Trong đó, cả trụ sở chính phủ chung của Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) và đối tác sẽ có trụ sở tại Anh. Giám đốc điều hành đầu tiên của tổ chức sẽ đến từ Nhật Bản, trong khi lãnh đạo kinh doanh đầu tiên sẽ đến từ Ý.

 

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Britain, Japan and Italy sign advanced fighter jet treaty. Truy cập ngày 15/12/2023

 

 

 

Hải quân Mỹ bắn hạ 14 drone khi các tàu chở hàng tránh Biển Đỏ (Hồng Hải)

 

Quân đội Mỹ cho biết họ đã bắn hạ 14 drone ở Biển Đỏ do phiến quân Houthi phóng từ các khu vực tổ chức này kiểm soát ở Yemen khi các cuộc tấn công vào các tàu sân bay thương mại tiếp tục từ nhóm được Iran hậu thuẫn, đe dọa tàn phá thương mại thế giới. Các drone đã bị tàu khu trục mang hỏa tiễn dẫn đường USS Carney bắn hạ vào sáng sớm thứ Bảy. Hải quân Anh cũng đẩy lùi một cuộc tấn công được cho là bằng drone. Tàu MSC Palatium III đã bị tấn công hôm thứ Sáu ở Biển Đỏ (Hồng Hải). Thủy thủ đoàn của tàu container không bị thương, mặc dù có “thiệt hại do hỏa hoạn hạn chế” và tàu đã bị dừng hoạt động.

 

Xem thêm tại: Bloomberg, US Navy Shoots Down 14-Drone Wave as Shippers Avoid Red Sea. Truy cập ngày 17/12/2023

 

 

 

Mỹ dẫn đầu lực lượng tuần tra Biển Đỏ (Hồng Hải) để đáp trả các cuộc tấn công của người Houthis

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, cho biết một số quốc gia đã đồng ý cùng thực hiện các cuộc tuần tra mang tên Chiến dịch bảo hộ Thịnh vượng ở phía nam Biển Đỏ và Vịnh Aden để cố gắng bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại trước các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen. Các quốc gia tham gia do Mỹ dẫn đầu bao gồm Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Lực lượng Houthi ở Yemen cho biết họ sẽ không ngừng tấn công các tàu thuyền ở Biển Đỏ, bất chấp việc Mỹ công bố lực lượng bảo vệ hàng hải mới để chống lại họ.

 

Xem thêm tại: Reuters, US-led force to patrol Red Sea in response to attacks by Houthis backing Palestinians; Al Jazeera, Yemen’s Houthis say maritime coalition force will not stop future attacks. Truy cập ngày 20/12/2023

 

 

Hàng ngàn người chạy trốn khi trận chiến giành Wad Madani của Sudan mở ra mặt trận mới

 

Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) của Sudan đã chiến đấu với quân đội bên ngoài thành phố trung tâm Wad Madani vào thứ bảy, tiến hành một cuộc tấn công mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến kéo dài 8 tháng và buộc hàng nghìn người phải chạy trốn. Quân đội Sudan, lực lượng đã trấn giữ thành phố kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, đã tiến hành các cuộc không kích vào lực lượng RSF ở phía đông thành phố, thủ phủ của bang Gezira, khi lực lượng này cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công bắt đầu vào thứ Sáu.

 

Xem thêm tại: Reuters, Thousands flee as battle for Sudan’s Wad Madani opens up new front. Truy cập ngày 17/12/2023

 

 

 

Chuyên mục Phân tích:

 

 

Tại sao Mỹ chưa đáp trả các cuộc tấn công vào tàu thương mại tại Biển Đỏ?

 

Các vụ tấn công của nhóm phiến quân Houthi vào các tàu thương mại tại Biển Đỏ đã dấy lên một câu hỏi: tại sao Mỹ vẫn chưa đáp trả lại các cuộc tấn công này? Một quan điểm phổ biến là người Houthis sẽ ‘chỉ biết đến vũ lực’ và Mỹ cần phải đánh trả họ. Một số người tuyên bố rằng Mỹ lẽ ra phải tấn công đáp trả sau khi những đợt tấn công đầu tiên vào tàu chở hàng, và đặc biệt là vào thời điểm này. Việc Mỹ ‘đáp trả’ Houthi sẽ bao gồm rất nhiều phản ứng tiềm ẩn. Chúng bao gồm từ những phản ứng mang tính phản động, tương xứng cho đến các chiến dịch toàn diện và kéo dài hơn nhiều, với tốc độ leo thang khác nhau. Dù không phải Mỹ chưa từng thực hiện các hành động đáp trả thế này trước đây nhưng hoàn cảnh hiện tại chắc chắn rất khác so với quá khứ và phức tạp hơn nhiều với những hậu quả tiềm ẩn sâu rộng hơn nhiều. Nói cách khác, một tia lửa lớn có thể gây ra một đám cháy lớn hơn nhiều và rất khó ngăn chặn.

 

Vì vậy, một mặt, người ta có thể lập luận rằng hành động đáp trả của Mỹ chính xác là điều mà người Houthi và Iran rất mong muốn. Theo đó, rất có thể họ muốn Mỹ trực tiếp tham gia và sa lầy vào một khía cạnh của cuộc xung đột Israel-Hamas. Việc Mỹ tấn công các mục tiêu quân sự ở Yemen nghe có vẻ dễ dàng nhưng sự leo thang có thể xảy ra sau đó có thể đặt ra nhiều vấn đề chiến thuật đầy thách thức hơn. Việc tấn công Houthi sẽ rất khác so với việc thực sự ngăn chặn hoặc thậm chí hạn chế đáng kể khả năng tiến hành các cuộc tấn công vào tàu thương mại của họ. Thêm vào đó, việc ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm và drone sẽ đòi hỏi một chiến dịch không hồi kết, tốn kém, tiêu tốn tài nguyên, bao gồm việc thu thập thông tin tình báo liên tục trên một khu vực rất rộng. Vậy liệu Mỹ có sẵn sàng để thực hiện điều đó một cách xuyên suốt và đạt được mục đích gì không? Chưa hết, tại sao đây lại là công việc của nước Mỹ ngay từ đầu? Tại sao việc bảo vệ hoạt động vận chuyển qua eo biển Bab el-Mandeb lại là trách nhiệm của Hải quân Mỹ và người dân Mỹ? Nhiệm vụ của Hải quân Mỹ là giữ cho các tuyến đường biển được thông thoáng, nhưng chính các nước trong khu vực, đặc biệt là Ai Cập, sẽ bị thiệt hại nhiều nhất ở đây. Ai Cập kiếm được gần 10 tỷ USD doanh thu mỗi năm từ hoạt động của kênh đào Suez. Các tàu thuyền phải trả hàng trăm nghìn USD để đi qua kênh đào, được coi là một món hời so với việc mạo hiểm vòng quanh châu Phi. Ả Rập Saudi là một quốc gia quan trọng khác có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giao thông hàng hải trên Biển Đỏ. Người Saudi đã chiến đấu với người Houthis trong nhiều năm nay, những cuộc xung đột đó đã trở thành một nỗ lực tốn kém mà Vương quốc này mong muốn thoát khỏi. Đây chính là nơi mà một liên minh quốc tế có thể đóng vai trò then chốt. Liên minh này không chỉ phân bổ trách nhiệm và chi phí mà còn là mặt trận tập thể thể hiện ở việc triển khai sức mạnh thực sự chống lại các hành động của Houthi. Nếu Mỹ muốn tiến hành các cuộc tấn công, thì chúng cũng có thể được chia sẻ hoặc ít nhất được hỗ trợ bởi một liên minh đa quốc gia. Nhưng ngay cả khi các tàu thương mại được đặt dưới sự bảo vệ trực tiếp của các tàu chiến của liên minh cũng có thể phải mất một chặng đường dài để giữ an toàn cho việc vận chuyển mà không cần tham gia vào một cuộc chiến nổ súng với lực lượng Houthi.

 

Xem thêm tại: War Zone, Why Hasn’t The U.S. Struck Back After Red Sea Anti-Ship Attacks? Truy cập ngày 18/12/2023

 

 

 

10 điểm yếu của Nga và cách phương Tây có thể tận dụng chúng

 

Việc Nga xâm chiếm Ukraine rõ ràng đã bộc lộ nhiều điểm yếu của Nga. Trong lĩnh vực quốc phòng, Nga có 3 điểm yếu. Trước nhất là việc Nga phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu để sản xuất vũ khí khiến nước này dễ bị tổn thương trước những nỗ lực hạn chế nguồn cung. Tiếp theo đó là việc Nga cần bổ sung thêm kho vũ khí của mình và các lệnh trừng phạt tăng cường của phương Tây khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc duy trì hoạt động bán vũ khí, tạo cơ hội làm suy yếu các mối quan hệ chủ chốt của Nga. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng gây nguy hiểm cho khả năng tiếp cận công nghệ và tài năng của nước này. Kế đến, trong lĩnh vực kinh tế, Nga có 2 điểm yếu. Các lệnh trừng phạt đang hạn chế không gian chính sách tài chính và tiền tệ, đồng nghĩa rằng hệ thống tài chính của Nga sẽ phải đóng vai trò lớn hơn nhiều trong việc tài trợ cho chính phủ và thúc đẩy nền kinh tế. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ không thể cung cấp những hỗ trợ cần thiết để các ngân hàng thực hiện hiệu quả các chức năng này. Nền kinh tế Nga vẫn phụ thuộc vào việc bán hydrocarbon, điều này có thể làm gián đoạn dòng doanh thu từ năng lượng. Cuối cùng là trong lĩnh vực ngoại giao và chính trị. Khả năng ngày càng tăng của Ukraine trong việc buộc Nga phải trả giá trên chiến trường; thông qua các phương tiện bất đối xứng; và trong các lĩnh vực ngoại giao, văn hóa và pháp lý—sẽ gây ra tình trạng dễ bị tổn thương đáng kể về lâu dài đối với Nga. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến nhiều vùng Trung Á và Nam Kavkaz xa lánh, khiến một số đồng minh thân cận nhất của Nga bắt đầu tạo khoảng cách với Moscow.

 

Hiệu suất quân sự dưới mức bất ngờ của Nga ở Ukraine và sự xao lãng khỏi các cuộc khủng hoảng khu vực khác đang thúc đẩy các nước láng giềng của Nga tìm kiếm các đối tác ngoại giao và an ninh ở nơi khác. Cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã làm suy giảm sức mạnh và sức sống của nền ngoại giao Nga, làm suy yếu sức mạnh truyền thống và khiến nước này dễ bị tổn thương trước áp lực khiến Moscow khó có thể vượt lên trên sức nặng địa chính trị của mình trong tương lai gần. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine tạo ra những thách thức mới trong nước đối với Putin và khả năng lâu dài của ông trong việc duy trì mức độ ủng hộ cao của công chúng. Những kẻ chuyên quyền mất đi sự ủng hộ của dân chúng không chỉ khó cai trị hơn mà còn có nguy cơ bị phản kháng quần chúng hoặc một cuộc đảo chính của giới tinh hoa. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy một cuộc di cư lớn khác của người Nga, bao gồm cả những người giỏi nhất và thông minh nhất đất nước. Trong khi việc các nhóm có tư tưởng đối lập trốn thoát nhìn chung có lợi cho Điện Kremlin vì nó