Trong khi chiến tranh Ukraine chưa có dấu hiệu lắng dịu bất chấp các nỗ lực ngoại giao quốc tế, thì tình hình dường như cũng có nguy cơ nóng lên ở biên giới giữa Phần Lan với Nga. Trải dài 1.340 km, biên giới giữa Phần Lan - Nga là đường ranh giới dài nhất giữa NATO và Nga và cũng được xem là khu vực mang tính chiến lược cao.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Moscow đang gia tăng các hoạt động quân sự ở sát đường biên giới với Phần Lan, thành viên mới chính thức gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO vào năm 2023.
Tại Kamenka của Nga, chỉ cách biên giới Phần Lan 60 km, tính từ tháng 02 đến nay, hơn 130 lán trại quân đội đã được dựng lên. Khu vực này trước năm 2022 chưa được phát triển, nhưng đến nay dường như có khả năng làm nơi trú đóng cho 2.000 binh lính. Một ví dụ khác, ở Petrozavodsk, có 3 nhà kho lớn đã được xây dựng, mỗi nhà kho có thể chứa được khoảng 50 xe bọc thép. Từ tháng 04, nhà kho thứ tư cũng đang được Nga xây dựng.
Xa hơn về phía bắc, gần Vòng Bắc Cực, căn cứ trực thăng Severomorsk-2, cũng đang trong quá trình cải tạo. Từng bị đóng cửa vào năm 1998, căn cứ này được đưa trở lại hoạt động từ năm 2022. Sử gia quân sự người Phần Lan, Emil Kastehelmi, thành viên nhóm phân tích Hắc Điểu - « Black Bird Group » - được trang mạng France 24 ngày 20/05 trích dẫn, cho biết là ban đầu Nga chỉ bố trí 1 đơn vị drone ở đó, nhưng sau này đã khôi phục căn cứ trực thăng. Điều này dường như cho thấy Nga muốn tăng cường hoạt động của mình trong khu vực.
Nga - Kẻ thù quá khứ và kẻ địch tương lai của Phần Lan ?
Đối với Phần Lan, Nga là kẻ thù cả trong quá khứ và cho tương lai, nên chính quyền Helsinky trong thời gian đã tích cực hiện đại hóa quân sự. Helsinky đặc biệt muốn tăng chi tiêu quốc phòng, đặt mục tiêu là đến năm 2029, chi tiêu quân sự sẽ đạt 3% GDP. Helsinky cũng đang cân nhắc nâng độ tuổi của quân dự bị động viên lên 65 tuổi, nhằm đạt chỉ tiêu đến năm 2031 có 1 triệu người có thể tòng quân, tương đương gần 1/5 người dân Phần Lan. Đầu tháng Tư vừa qua, thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cũng tuyên bố Helsinki sẽ rút khỏi Hiệp ước Ottawa về cấm mìn sát thương cá nhân mà Helsinki đã ký kết hồi năm 2012. Tất cả là để chuẩn bị cho khả năng đối phó nếu chiến tranh xảy ra.
Quân đội Phần Lan không chỉ được trang bị tốt mà còn đông đảo về quân số. Vẫn theo France 24, nếu chiến tranh nổ ra, Phần Lan có thể huy động ngay 284.000 binh sĩ, nhiều hơn cả Anh hoặc Pháp. Chuyên gia Ed Arnold, thuộc cơ quan nghiên cứu an ninh RUSI của Anh, nhấn mạnh : Với lực lượng pháo binh mạnh nhất Liên Âu và kho dự trữ vũ khí và đạn lượng vô cùng lớn, Phần Lan có thể là một trong những nước thành viên NATO có năng lực quốc phòng tốt nhất. Chính vì thế, sẽ là điều dại dột nếu như Nga bắt đầu chiến dịch quân sự chống NATO bằng cách tấn công trước hết vào Phần Lan.
Trước mối đe dọa quân sự từ Nga, một lữ đoàn của Đức được khai triển tại Litva
Vẫn ở sườn đông NATO, nhìn sang Litva, hôm thứ Năm 22/05, thủ tướng Đức Friedrich Merz đích thân sang Vilnus vào đúng ngày một lữ đoàn của Đức chính thức được khai triển tại Litva, gần 3 năm sau khi quyết định được thông qua trên giấy tờ.
Từ Vilnius, thông tín viên Marielle Vitureau gửi về bài tường trình :
« Những người lính đầu tiên của các tiểu đoàn hỗ trợ hậu cần và quân y đã đến từ đầu tháng Tư. Hiện giờ, lữ đoàn có 350 binh lính, đến cuối năm 2027, quân số sẽ lên tới 5.000 người. Đây là một dự án khổng lồ đối với đất nước Litva. Orijana Masale, thứ trưởng Quốc Phòng Litva, nói : « Sẽ phải xây dựng 402 tòa nhà làm nơi đóng quân cho lữ đoàn và để làm điều này, sẽ cần khoản đầu tư khoảng 1,8 tỷ euro ».
Những doanh trại quân đội mới sẽ mọc lên. Các sân tập mới sẽ được xây dựng, tất cả đều vì một mục đích duy nhất. Thứ trưởng Orijana Masale khẳng định : « Mọi khoản đầu tư vào quốc phòng và lữ đoàn này đều nhằm tăng cường khả năng răn đe của chúng ta, chúng ta muốn hòa bình ».
Ở Đức, có một sự thay đổi cũng đang diễn ra. Dân biểu Roderich Kiesewetter, thành viên Ủy ban Đối ngoại, phát biểu : « Nước Đức đã rút ra được một bài học từ lịch sử. Đã có 11 nước thành viên NATO hiện diện cho đến năm 1990 để bảo vệ chúng ta. Còn bây giờ, chúng ta phải chung tay bảo vệ các quốc gia trước đây nằm phía sau Bức màn sắt ».
Litva đang chờ đợi các nước đồng minh NATO. Và nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn trước khi lữ đoàn có khả năng hoạt động, theo dự kiến, một cơ chế hỗ trợ của một sư đoàn của Đức sẽ được kích hoạt ».
« Ngoại giao nước » : Nước cờ mới trong quan hệ Trung Quốc - Pakistan
Chỉ ít ngày sau khi đụng độ vũ trang Ấn Độ - Pakistan lắng xuống, ngoại trưởng Pakistan, Ishar Dar, cũng là phó thủ tướng Pakistan, có chuyến thăm chính thức 3 ngày đến Trung Quốc, bắt đầu từ thứ Hai 19/05. Đây không phải là lựa chọn ngẫu nhiên. Theo giới quan sát, trong cuộc không chiến vừa qua với Ấn Độ, không ít lợi thế của Pakistan có được là nhờ nguồn vũ khí của Trung Quốc, nhất là phi cơ và drone. Thế nên, chuyến công du Bắc Kinh của ngoại trưởng Pakistan là cách để Islamabad bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung Quốc, nhà xuất khẩu vũ khí lớn của Pakistan.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, được AFP ngày 23/05 trích dẫn, 63% vũ khí của Pakistan là mua từ Trung Quốc. Islamabad cũng khẳng định là chính các chiến đấu cơ của Pakistan do Trung Quốc sản xuất đã hạ được các máy bay của Ấn Độ trong cuộc không chiến đêm 06 rạng sáng 07/05.
Tiếp đồng nhiệm Pakistan hôm 20/05, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Islamad có thể tin cậy vào tình bằng hữu của Bắc Kinh, bất chấp thử thách, để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Có thể hiểu là nếu đụng độ với Ấn Độ lại xảy ra ở vùng Cashmir, Bắc Kinh sẽ vẫn đồng hành với Islamabad.
Không chỉ có vũ khí, Trung Quốc còn có thể dùng nguồn nước để hỗ trợ Pakistan trong xung đột với Ấn Độ. Xin nhắc lại là trong quan hệ với Ấn Độ, nguồn nước vẫn là một điểm yếu của Pakistan. Giới quan sát vẫn nói đến nguy cơ tiềm ẩn về một cuộc « chiến tranh nước » giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ngay sau vụ tấn công khủng bố hôm 22/04 mà New Delhi cho là có sự tiếp tay của Islamabad, New Delhi tuyên bố rút khỏi hiệp ước chia sẻ nguồn nước đã ký kết hồi năm 1960 với Pakistan. Đến ngày 06/05, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo ý định cắt nước của các con sông bắt nguồn từ Ấn Độ và là nguồn cấp nước cho Pakistan. Islamabad cũng tố cáo Ấn Độ thay đổi lưu lượng dòng chảy của sông Chenab, một trong ba con sông được quy định trong khuôn khổ hiệp ước. Vấn đề là nông nghiệp của Pakistan phụ thuộc đến gần 80% vào nguồn nước từ Ấn Độ.
Để giải tỏa nỗi lo của Islamabad, Trung Quốc đã hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng đập lớn « Dự án thủy điện Mohmand », với nhà máy thủy điện công suất 800 megawatt tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở miền tây bắc đất nước. Đây là một dự án quan trọng đối với Islamabad, giúp Pakistan tự chủ hơn trước Ấn Độ về nguồn nước, khiến bất kỳ mối đe dọa nào từ Ấn Độ về nguồn nước sẽ trở nên vô nghĩa đối với Pakistan.
Bị cấm tuyển sinh quốc tế : Tổn thất mới của đại học Havard trong trận chiến với chính quyền Donald Trump
Sau khi cắt khoản tài trợ liên bang 2,7 tỉ đô la, chiến dịch của chính quyền Donald Trump nhắm vào Harvard, trường đại học tư danh giá hàng đầu của Mỹ, lại sang một chương mới : Ngày 22/05/2025, chính quyền Trump quyết định cấm đại học Harvard tuyển sinh viên ngoại quốc.
Lần này, theo AFP, không chỉ lên án đại học Harvard tạo thuận lợi cho nạn bạo lực, bài Do Thái, trong thư gửi đến lãnh đạo trường, bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, Kristi Noem còn quy kết Harvard cho phép sinh viên nước ngoài chống Mỹ, ủng hộ khủng bố và hợp tác với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tối hậu thư của chính quyền Mỹ : Nếu Harvard muốn được khôi phục « đặc quyền », trường phải cung cấp trong vòng 72 giờ hàng loạt thông tin họ có về các hoạt động của sinh viên nước ngoài trong 5 năm qua mà chính quyền cho « bất hợp pháp ».
Trên thực tế, đâu là lý do khiến Harvard bị Donald Trump đặc biệt nhắm đến ? Trên đài RFI Pháp ngữ, giảng viên Jérôme Viala-Godefroy, đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, ở Saint-Germain en Laye, Pháp, chuyên về chính trị Mỹ, tác giả cuốn sách « Ngôn từ của Trump » (NXB Dalloz), giải thích :
« Đây là một trong những trường đại học quan trọng nhất, giàu nhất và lâu đời nhất tại Hoa Kỳ. Nếu một trường đại học có thế mạnh như vậy không thể chống đỡ được, điều đó có nghĩa là tất cả các đại học khác, với ít nguồn lực hơn, có nguy cơ phải làm theo những gì đã mà đại học này thực hiện, như trường Columbia ở New York đã phải chấp nhận đáp ứng các yêu cầu của tổng thống Donald Trump ».
Quyết định của chính quyền bị lãnh đạo đại học Harvard xem là « bất hợp pháp ». Theo nhận định của giảng viênJérôme Viala-Godefroy, việc tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh tay sử dụng biện pháp mang tính áp đặt cho các trường như vậy là rất nguy hiểm đối với nền dân chủ :
« Đúng vậy, điều này cực kỳ nguy hiểm vì nó không được tiến hành theo quy trình thông thường. Thường thì có một quy trình, đặc biệt là theo 2 đạo luật. Đó là những đạo luật, ví dụ nhằm ngăn chặn sự phân biệt đối xử trong các trường đại học (…) Có những cáo buộc, nhất là về chủ nghĩa bài Do Thái, nhắm vào đại học Columbia và Harvard. Nhưng có một quy trình, nghĩa là nếu đó đúng là lý do duy nhất, thì phải giải quyết thông qua các tòa án. Ngoài ra, cũng có thể có những thỏa thuận. Điều này cần phải có thời gian và trên hết là một quy trình rất cụ thể. Thế nhưng, những gì đang diễn ra lại không được thực hiện theo đúng quy trình đó. Mọi người thấy rõ là thực sự trong chuyện này còn có một điều gì khác nữa ».
Theo quyết định của bộ An ninh Nội địa Mỹ, các sinh viên ngoại quốc của đại học Harvard có thời hạn đến tháng 08/2025 để chuyển trường. Quyết định mới này có liên quan đến khoảng 6.800 sinh viên (1/4 tổng số sinh viên của Harvard).
Vậy giới sinh viên quốc tế ở đại học Harvard phản ứng thế nào ? Marc Sabatier Hvidkjear, một nghiên cứu sinh mang 3 quốc tịch Mỹ - Pháp và Đan Mạch, dù không liên quan đến quyết định này, nhưng cho biết trên đài RFI Pháp ngữ ngày 23/05 là nhiều sinh viên đang rất lo sợ cho tương lai của họ và của trường :
« Phản ứng đầu tiên có lẽ là thấy hơi khó tin. Chúng tôi không thể tin rằng chuyện này lại xảy ra. Ở trường Kennedy (thuộc đại học Harvard), nơi tôi có bạn bè, nhiều người đã bật khóc ngay lập tức. Liệu ngay ngày mai người ta có đến và buộc họ rời đi hay không ? Thực ra quyết định chỉ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8, nhưng có những người đang nghĩ điều gì sẽ xảy ra với trường đại học có thể mang lại cho họ những cơ hội độc nhất vô nhị.
Đây là một trong những trường đại học tốt nhất thế giới. Có nhiều người theo học sau này sẽ trở thành các nhà lãnh đạo quốc tế. Một phần rất lớn của quyền lực mềm của Mỹ là ở đây. Các sinh viên nước ngoài là nguồn tài nguyên trí tuệ lớn lao để tạo lập những trung tâm nghiên cứu tốt nhất thế giới.
Tất nhiên, còn có khía cạnh tài chính nữa, bởi vì sinh viên nước ngoài đóng góp nhiều kinh phí. Điều này rất quan trọng đối với năng lực kinh tế của đại học Harvard. Về kinh tế, đại học Harvard đang trong tình trạng khó khăn ».
(Theo RFI)