Tổng thống Nam Dương Prabowo Subianto (bên phải) tiếp đồng cấp Pháp, Emmanuel Macron, tại Cung điện Merdeka ở Thủ đô Jakarta, Nam Dương, ngày 28/05/2025. REUTERS - Ajeng Dinar Ulfiana

 

 

Với tham vọng xây dựng một quan hệ chiến lược trong khu vực Á Châu - Thái Bình Dương, Pháp và Nam Dương (Indonesia) đang củng cố quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập từ năm 2011.

 

Sau chuyến thăm cấp Nhà nước của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Jakarta vào tháng Năm vừa qua, đồng cấp Nam Dương, Prabowo Subianto, lần này là khách mời danh dự trong lễ diễu binh nhân dịp Quốc Khánh Pháp ngày 14/07/2025 tại Paris. Không chỉ mang tính biểu tượng, đây còn là dấu hiệu cho thấy hai nước xích lại gần nhau về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao. Chuỗi hoạt động ngoại giao giữa Jakarta và Paris này cũng trùng với dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, phản ánh một mối quan hệ đối tác đang phát triển mạnh mẽ.

 

Được nâng thành quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011, quan hệ Paris - Jakarta hiện nay là một trong những trụ cột trong chánh sách của Pháp tại Đông Nam Á. Đối với Nam Dương, Pháp không chỉ là một đối tác Âu châu quan trọng mà còn là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là một kênh chiến lược giúp đa dạng hóa đối tác, phù hợp với chính sách không liên kết truyền thống của Jakarta.

 

Được củng cố bởi hợp tác quốc phòng ngày càng gia tăng, quan hệ đối tác giữa hai nước đặt mục tiêu đầy tham vọng và lâu dài. Dù tổng thể mối quan hệ vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt là về trao đổi kinh tế, nhưng những đồng thuận địa chánh trị (đại thế chánh trị) ngày càng lớn và những tham vọng tương thích tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang mở đường cho một sự phát triển chiến lược dài hạn.

 

 

Hợp tác quốc phòng phát triển mạnh mẽ

Hợp tác quốc phòng và an ninh là nền tảng của quan hệ đối tác Pháp – Nam Dương. Trong 5 năm qua, lĩnh vực này đã phát triển đáng kể, đặc biệt thông qua các hợp đồng vũ khí lớn.

 

Từ năm 2022, Nam Dươ8ng đã mua 42 tiêm kích cơ Rafale, 2 tiềm thủy đỉnh lớp Scorpène, 13 radar tầm xa Ground Master 400 từ Thales và 2 phi cơ vận tải quân sự Airbus A400M. Nhờ đó, Pháp hưởng lợi lớn từ chương trình tăng cường năng lực quân sự của Nam Dương, bắt đầu từ gần một thập niên trước, cũng như từ chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp gắn liền với yêu cầu cao về chuyển giao công nghệ.

 

Jakarta hiện là khách hàng lớn thứ hai của ngành công nghiệp quốc phòng Pháp tại Ấn Độ - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ). BITD (cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng) Pháp kỳ vọng sẽ nhận được thêm các hợp đồng cung cấp tiêm kích cơ Rafale và tiềm thủy đỉnh Scorpène, khinh hạm đa nhiệm, phi cơ tiếp nhiên liệu Airbus MRTT, vệ tinh, hỏa tiễn địa đối không Mistral và hệ thống phòng không VL MICA.

 

Bên cạnh đó là sự phối hợp tác chiến ngày càng sâu sắc. Nam Dương là điểm dừng chân thường xuyên của các hoạt động không quân Pháp như Pégase. Hai nước cũng tổ chức cuộc tập trận bộ binh Garuda Guerrier từ năm 2023. Một khinh hạm Pháp đã tham gia cuộc tập trận Komodo do Nam Dương tổ chức năm 2025.

 

Trên trường quốc tế, hai nước là những quốc gia đóng góp lớn trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là tại Liban (UNIFIL), tạo điều kiện cho hợp tác thực tế trên thực địa.

 

Thêm một điểm đáng chú ý là hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đã lần đầu tiên cập cảng Lombok của Nam Dương vào tháng 02/2025. Bộ trưởng Quân Lực Pháp, Sébastien Lecornu, đã đích thân đến Nam Dương và đón tiếp người đồng cấp Nam Dương, Sjafrie Sjamsoeddin, trên tàu.

 

 

Quan hệ đối tác toàn diện và đầy tham vọng, nhưng vẫn còn khiêm tốn

Quan hệ Pháp – Nam Dương không chỉ giới hạn ở lĩnh vực quốc phòng. Với hơn 280 triệu dân, Nam Dương là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, mở ra nhiều triển vọng tăng trưởng lớn.

 

Tuyên bố chung được công bố sau chuyến thăm của tổng thống Pháp vào tháng 05/2025, mang tên "Horizon 2050", gồm 68 điểm hợp tác trên nhiều lĩnh vực: quản trị toàn cầu, an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng, hợp tác hàng hải, đa dạng sinh học, giáo dục đại học, văn hóa, thể thao và pháp luật.

 

Tuy nhiên, dù có chương trình hợp tác song phương đầy tham vọng và khoảng 200 chi nhánh công ty Pháp hoạt động tại Indonesia (trong đó có các tập đoàn lớn như Eramet, Total, Danone), trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn: khoảng 3,5 tỷ euro mỗi năm. Pháp là đối tác kinh tế thuộc hạng hai đối với Nam Dương, đứng sau Trung Quốc (127 tỷ), Mỹ (35 tỷ) và các cường quốc Á châu khác. Pháp cũng chỉ là đối tác Âu châu lớn thứ tư của Nam Dương.

 

Ngược lại, Indonesia là đối tác kinh tế lớn thứ năm của Pháp trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

 

Về văn hóa - giáo dục, Pháp vẫn duy trì sự hiện diện tích cực với Viện Pháp ở bốn thành phố, nhưng cộng đồng người Pháp tại Indonesia chỉ khoảng 3.000 người, ít hơn nhiều so với ở Singapore hay Thái Lan.

 

 

Sự hội tụ địa chánh trị.

Ngoài các số liệu nêu trên, chính một tầm nhìn chung về quan hệ quốc tế là yếu tố then chốt thúc đẩy quan hệ hai nước. Tổng thống Pháp từng phát biểu tại Jakarta: "Chúng tôi không muốn gây chiến với ai, và cũng không muốn phụ thuộc vào ai."

 

Với Nam Dương, nền tảng của chánh sách đối ngoại từ năm 1945 là học thuyết "bebas aktif" – ngoại giao độc lập và chủ động, dựa trên chánh sách không liên kết, tích cực, đa phương và xây dựng. Chính học thuyết này đã dẫn đến vai trò tiên phong của Nam Dương trong Phong trào không liên kết và tổ chức Hội nghị Bandung năm 1955.

 

 

70 năm sau, Jakarta vẫn là một cường quốc ngoại giao: chủ tịch G20 năm 2022, ASEAN năm 2023, gia nhập BRICS năm 2024, ứng cử vào OCDE và gia tăng đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.

 

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, Nam Dương tiếp tục khẳng định mong muốn giữ vững tự chủ chiến lược. Sau khi Prabowo Subianto đắc cử tổng thống, việc cựu tướng lĩnh có quá khứ gây tranh cãi và từng học tại Mỹ lại chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên cho chuyến công du tháng 11/2024 là một điều đáng chú ý.

 

Chuyến đi này được đánh dấu bằng tuyên bố chung về việc cùng khai thác tài nguyên tại Biển Đông, bất chấp căng thẳng gia tăng tại vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, thuộc chủ quyền của Nam Dương nhưng thường xuyên bị tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm.

 

Chính sách đối ngoại giữ cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington này rất phù hợp với khái niệm "tự chủ chiến lược" mà tổng thống Macron thúc đẩy, nhằm gắn kết Á châu và Âu châu thành "liên minh các quốc gia độc lập", như ông đã trình bày tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Từ năm 2023, hai nước đã thiết lập đối thoại chiến lược theo mô hình 2+2 (gồm ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng). Pháp là quốc Âu châu đầu tiên áp dụng mô hình này với Nam Dương.

 

 

Triển vọng Ấn Độ - Thái Bình Dương

Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trở thành tâm điểm của các biến động địa chánh trị (đại thế chánh trị) toàn cầu, sự đồng thuận giữa Paris và Jakarta được phản ánh rõ nét trong các văn kiện chiến lược của hai bên: Chiến lược Pháp về Ấn Độ - Thái Bình Dương (2018) và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương (2019), trong đó Nam Dương là một trong những kiến trúc sư chính.

 

Hai quốc gia đã hợp tác chặt chẽ trong nhiều diễn đàn đa phương ở Ấn Độ Dương và Đông Nam Á như Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (Indian Ocean Rim Association - IORA), Đối thoại Hải quân Ấn Độ Dương (Indian Ocean Naval Symposium - IONS) hay Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus), nơi Pháp tham gia với tư cách quan sát viên.

 

Xu thế này có thể được mở rộng sang khu vực các đảo Thái Bình Dương, nơi cả Pháp, một cường quốc có lãnh thổ tại đây, và Nam Dương, quốc gia quần đảo lớn, đều có lợi ích chung trong việc ứng phó với các thách thức đặc thù của các quốc đảo nhỏ, phù hợp với những ưu tiên của Diễn đàn các Đảo Thái Bình Dương(PIF), tổ chức mà cả hai nước đều là đối tác đối thoại.

 

Về phần mình, Nam Dương đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ngoại giao tại Thái Bình Dương. Kể từ năm 2015, nước này là thành viên liên kết của Nhóm Tiên Phong Tiểu vùng Châu Đại Dương Melanesia (Melanesian Spearhead Group - MSG) và hiện muốn tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc Phòng Nam Thái Bình Dương (South Pacific Defence Ministers’ Meeting - SPDMM). Trong sách lược này, Jakarta trông cậy vào Pháp, được coi là một đối tác ít gây chia rẽ hơn so với Trung Quốc hay Hoa Kỳ trong khu vực.

 

Tất cả những điều này cho thấy rõ triển vọng việc Pháp và Nam Dương tăng cường mối quan hệ đối tác trong những năm tới.

 

 

Nguồn: The Conversation