Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Élysée, Paris hồi tháng 10/2024.Nguồn hình ảnh,Getty Images

 

 

Tác giả, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng

Vai trò, Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Paris, Pháp

 

 

 

Khi Tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du chiến lược tại Đông Nam Á - với ba điểm dừng quan trọng là Việt Nam, Indonesia (Nam Dương) và Singapore (Tân Gia Ba) từ ngày 23 đến 30 tháng 5/2025 - nước Pháp đang phát đi những tín hiệu vượt xa ý nghĩa biểu tượng thông thường.

 

Chuyến thăm này đánh dấu thời khắc quan trọng đối với cả Pháp lẫn Việt Nam, xiển dương "Năm Đổi mới Pháp – Việt 2025" được khởi động tại Hà Nội cách đây một tháng, bởi Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương Laurent Saint-Martin. Dẫu rằng, Pháp đang phải đối mặt với thâm hụt thương mại kéo dài và đang nỗ lực biến Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA) trở thành động năng mới cho sự phát triển của các doanh nghiệp liên quan.

 

Bối cảnh toàn cầu của chuyến công du càng nổi bật giữa xu thế phân mảnh địa chánh trị. "Pax Americana" bộc lộ dấu hiệu mệt mỏi, trong khi tham vọng trật tự thứ bậc đàn anh của Trung Quốc - mà giới học giả gọi là "Pax Sinica" - vẫn còn bị thách thức trên khắp thế giới. Giữa các chuyển dịch kiến tạo này, một cơ hội hiếm hoi đang xuất hiện: liệu các cường quốc tầm trung và các quốc gia hậu thuộc địa - bao gồm cả Pháp - có thể góp phần định hình một trật tự đa cực dựa trên chủ quyền, phẩm giá và hợp tác?

 

Nhưng vì sao Pháp - quốc gia từng giữ vai trò thực dân tại Đông Dương - nay lại muốn làm sâu sắc quan hệ song phương với Việt Nam?

 

Một số nguyên nhân sâu xa và cập nhật mang tính toàn cầu có thể làm sáng tỏ:

- Sau chiến tranh Ukraine, Pháp mất dần ảnh hưởng chiến lược trong nội khối EU khi Đức giữ vai trò dẫn dắt kinh tế, Ba Lan nổi lên như một trụ cột an ninh vùng Đông Âu, còn Ý ngày càng gần gũi với Mỹ và NATO. Điều này buộc Paris phải tái định hình không gian ảnh hưởng chiến lược ở ngoài Âu châu.

 

- Brexit khiến Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất còn lại trong EU, đồng thời là nước duy nhất có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điều này làm tăng trách nhiệm và cơ hội để Pháp thể hiện vai trò lãnh đạo ở những không gian quốc tế như Đông Nam Á.

 

- Sự lỡ trớn của Paris trong thỏa thuận tàu ngầm với Australia (do AUKUS) khiến giới hoạch định chiến lược Pháp nhận ra sự mong manh trong các liên minh Tây phương, từ đó thúc đẩy chánh sách "đa hướng" với các đối tác ngoài trục Washington–Brussels–Tokyo. Việt Nam nổi lên như một lựa chọn khả dĩ và xác suất thành công cao.

 

- Việt Nam, với tiềm năng kinh tế và sự linh hoạt chiến lược như đã biết, chính là trung tâm của sự lựa chọn ấy. Khẩu hiệu "vươn mình vào kỷ nguyên mới" của Tổng Bí thư Tô Lâm rất cần những trụ cột vững vàng từ liên kết quốc tế. Còn nước Pháp, mang theo di sản lịch sử, đồng thời lại sở hữu sự tinh tế ngoại giao và các lợi thế về văn hóa, đang đứng trước ngã rẽ: hoặc hành động như một đối tác lâu dài, đáng tin cậy trong sự chuyển mình của Á châu, hoặc một lần nữa bỏ lỡ chuyến tàu lịch sử?

 

 

 

Ba điểm dừng – Ba mục tiêu chiến lược

 

Ảnh: Getty Images

 

 

Chuyến thăm ba quốc gia lần này của ông Macron không chỉ mang tính biểu tượng mà còn phản ánh các điều hướng chiến lược được tính toán kỹ lưỡng: Từ năm 2018, Pháp đã xác định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên, với mục tiêu thúc đẩy một trật tự đa cực dựa trên luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.

 

Chiến lược này được củng cố bởi sự hiện diện quân sự của Pháp tại các lãnh thổ hải ngoại như La Réunion và Polynésie, cùng với các hoạt động hải quân tại khu vực, trong đó có các cuộc hải hành trên Biển Đông "đang dậy sóng".

 

Tại Việt Nam, trọng tâm là củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) đã được nâng cấp từ tháng 10 năm 2024. Tới đây sẽ là cơ hội để hai nước tiến xa hơn, nếu khoảng 30 văn kiện ngoại giao, kinh tế và văn hóa sẽ được ký kết vào ngày 26/5.

 

Bang giao song phương không chỉ trong quan hệ kinh tế, hợp tác hàng hải và năng lượng mà còn mở rộng sang cả những lĩnh vực mang chất lượng chiến lược như công nghệ số và biến đổi khí hậu. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là biểu hiện của sự hòa giải và tôn trọng lịch sử.

 

Tại Indonesia (Nam Dương), Pháp hướng đến sự kết nối với nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là quốc gia dẫn dắt trong ASEAN. Tổng thống Macron kỳ vọng mở rộng ảnh hưởng của Pháp thông qua hợp tác về quốc phòng, hàng không vũ trụ và các dự án phát triển hạ tầng.

 

Ở Singapore, nơi được xem là cửa ngõ tài chính của khu vực, Pháp tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ tài chánh (fintech), trí tuệ / trí thông minh nhân tạo (AI) và phát triển bền vững, từ đó khẳng định vị thế của Paris như một đối tác công nghệ hàng đầu.

 

Tổng thống Macron sẽ đọc bài diễn văn khai mạc tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 22, tại Singapore (Tân Gia Ba) từ 30/5 đến 1/6 năm 2025.

 

Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Pháp đảm nhận vai trò này tại diễn đàn an ninh hàng đầu Á châu, phản ánh cam kết ngày càng sâu sắc của Pháp đối với khu vực Indo–Pacific.

 

Ba điểm dừng chân tượng trưng cho ba trụ cột chiến lược của Pháp tại Á châu: an ninh hàng hải, phát triển kinh tế và đổi mới công nghệ, tất cả đều xoay quanh mục tiêu định hình một trật tự đa cực trong không gian Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.

 

 

CSP được định hình nhưng chưa hoàn tất

 

Ảnh: Getty Images.

 

 

Việc nâng cấp quan hệ Pháp-Việt lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) vào tháng 10 năm 2024 - mức cao nhất trong hệ thống ngoại giao của Việt Nam - không chỉ mang tính biểu tượng mà còn mở ra những cơ hội thực chất.

 

Điều này khẳng định cả hai bên đều nhìn nhận nhau là đối trọng có giá trị: với Pháp, Việt Nam là một mỏ neo vững chắc tại lục địa Á châu đang đối mặt với nhiều biến động; với Việt Nam, Pháp là đối tác Âu châu tin cậy giữa bối cảnh các áp lực địa kinh tế và địa chiến lược lên khu vực ngày càng gia tăng.

 

Tuy nhiên, biểu tượng nào cũng không thể thay thế cho thực chất bang giao.

 

Chuyến thăm của ông Macron là cơ hội để biến những kỳ vọng chung thành các khuôn khổ cụ thể: mở rộng hợp tác hàng hải và năng lượng, đầu tư vào hạ tầng cơ sở bền vững, hỗ trợ tham vọng khí hậu của Việt Nam và cùng phát triển các công nghệ quan trọng cho chủ quyền số và hệ sinh thái.

 

Chuyến thăm cũng là phép thử để hai quốc gia chứng minh rằng hai nước không chỉ hội tụ về lợi ích, mà còn có chung tầm nhìn chiến lược lâu dài, đặc biệt là về một không gian Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP).

 

Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 17/4 tháng trước, Đại sứ Pháp Olivier Brochet đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Paris đối với việc phê chuẩn EVIPA, cam kết sẽ thúc đẩy Quốc hội Pháp hành động nhanh chóng.

 

Việt Nam đã hoan nghênh động thái này.

 

Đại sứ Brochet cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Pháp trong việc gỡ bỏ "thẻ vàng IUU" của Ủy ban Âu châu đối với thủy sản Việt Nam.

 

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 8,5 tỷ Euro, trong đó Pháp ghi nhận mức thâm hụt 5,5 tỷ Euro với Việt Nam

 

Xuất cảng của Pháp (1,5 tỷ Euro năm 2024) chủ yếu là dược phẩm, thiết bị cơ khí, điện tử và nông sản thực phẩm, nhưng vẫn khó khăn trong việc bù đắp nhập cảng từ Việt Nam, gồm dệt may, giày dép và thiết bị điện tử.

 

 

Từ ký ức thuộc địa đến Trật tự đa cực

 

Tham vọng của Pháp tại Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương được thể hiện thông qua chiến lược của Liên minh Âu châu (EU) và sáng kiến ngoại giao của cá nhân ông Macron.

 

Trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng bị chi phối bởi phân cực nội bộ và cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc, khoảng trống quyền lực đang dần mở ra cho những cường quốc tầm trung như Pháp.

 

Giữa các tin Trung Quốc dự kiến sẽ không cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Đối thoại năm nay, bài diễn văn của Tổng thống Macron càng trở nên quan trọng, có thể định hình các cuộc thảo luận và hợp tác an ninh trong khu vực trong thời gian tới.

 

Không giống Washington, Paris sẽ nhấn mạnh nhiều đến các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố và các mối đe dọa phi truyền thống.

 

Khác với Bắc Kinh, Pháp không theo đuổi và áp đặt mô hình bá quyền.

 

Và cũng không giống London, Paris vẫn duy trì được các cầu nối sống động về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử - dù còn gây tranh cãi. Việt Nam, quốc gia từng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Pháp, nay vẫn là thành viên năng động của cộng đồng Pháp ngữ (la Francophonie) đang trở thành điểm tựa để Paris chuyển mình từ ký ức thuộc địa sang vai trò đối tác xây dựng.

 

 

Phép thử giữa ổn định và chuyển đổi

 

Việt Nam đang đứng trước một lựa chọn chiến lược quan trọng: vừa duy trì ổn định chánh trị, vừa chuyển đổi nền kinh tế và hội nhập sâu rộng vào cấu trúc đa cực mới.

 

Là một mắt xích quan trọng tại không gian Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, Việt Nam không chỉ đang chủ động thúc đẩy quan hệ với các cường quốc, mà còn quyết tâm tạo lập các liên kết bền vững với những quốc gia tầm trung như Pháp để cân bằng quyền lực trong khu vực.

 

Chuyến công du Đông Nam Á của Macron không chỉ là một chuyến đi mang tính biểu tượng mà còn mở ra một cơ hội chiến lược hiếm có để Pháp và Việt Nam cùng định hình tương lai khu vực.

 

Nếu Paris và Hà Nội biết nắm bắt thời cơ, không chỉ quan hệ song phương được củng cố, mà cả trật tự đa cực tại Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương cũng sẽ được định hình theo hướng bền vững và công bằng hơn.

 

Đây chính là thời điểm lịch sử để hai quốc gia bước qua bóng tối của ký ức thuộc địa, để tiến tới một tương lai chung đầy hứa hẹn.

 

 

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng là cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan và hiện là chuyên viên nghiên cứu quan hệ quốc tế.

 

 

(Theo BBC)