Martin Luther King Jr. đã từng mong mỏi về một xã hội, nơi người da màu “sẽ không bị phán xét bởi màu da mà bởi giá trị bên trong của họ”. Nhưng chính hậu nhân của ông, những người da màu, đang làm điều ngược lại… với sự “trợ giúp” của phe Cánh Tả.

 

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã viết: “Tầm nhìn về một xã hội không phân biệt màu da và các quyền bình đẳng cho tất cả mọi người giờ đã bị phe Cánh Tả bỏ rơi, để chuyển sang ủng hộ một cuộc nổi dậy, thứ bị ám ảnh bởi chủng tộc và giới tính nhằm chống lại những lý tưởng của nước Mỹ”, (Hiểu về Trump, bản dịch của Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Omega Plus, trang 60).

 

Chủ nghĩa tự do dựa trên bản sắc – cách chia rẽ nước Mỹ từ bên trong

 

Trước đây, nước Mỹ được gọi là “Nồi nóng chảy” (Melting Pot), ý là mọi dân nhập cư trên thế giới khi tới Mỹ đều có thể hòa nhập vào xã hội này bằng cách học làm người Mỹ qua việc áp dụng các giá trị quốc gia cốt lõi, đồng thời làm phong phú thêm tính cách Mỹ bằng những điều tốt đẹp nhất trong văn hóa bản địa nơi họ từ đó tới. Nhưng ngày nay, cái gọi là “chủ nghĩa tự do bản sắc” của phe Cánh Tả đảng Dân Chủ lại tô đậm những sự khác biệt về nguồn gốc quốc gia, tôn giáo, giới tính và các khía cạnh khác để mong có được sự ủng hộ từ những công dân thuộc các nhóm người này.

 

Cuối cùng họ vì thu hút lá phiếu mà chia rẽ nước Mỹ.

Ông Gringrich đề cập tới lời dự đoán từ hai tác giả của Đa số Dân chủ mới nổi (The Emerging Democratic Majority) rằng, xu hướng cấu trúc dân số sẽ đảm bảo sự thống trị của Đảng Dân chủ khi đất nước có ít người Mỹ da trắng hơn bao giờ hết. Điều đó có vẻ đã đúng khi đảng này chủ yếu tập trung vào việc thu hút lá phiếu từ những người da đen, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, phụ nữ có trình độ đại học, những người chống bất bình đẳng giới và những cử tri tự do trẻ tuổi.

 

Không phân biệt chủng tộc thực sự là khi bạn nhìn vào một người mà không để màu da, nguồn gốc của họ ảnh hưởng tới đánh giá của bạn về giá trị của họ. Nhưng “chủ nghĩa tự do bản sắc” đẩy mạnh tính tự tôn của những người cho mình là nhóm thiểu số, họ đòi hỏi những quyền lợi riêng, từ chối hòa nhập với cộng đồng và từ chối được đánh giá dựa trên giá trị đạo đức, văn hóa, trí tuệ của mình mà tự giới hạn mình bằng màu da, gốc gác. Ví dụ như sinh viên da đen tại đại học Michigan đã yêu cầu một không gian riêng chỉ dành cho người da đen. Đó là cách họ tự tách mình ra, tự gắn mác mình và thủ thế tự vệ trong khi đòi hỏi phải được bình đẳng trong cộng đồng.

 

Lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ góp một phần lớn vào những chia rẽ này, khi người đứng đầu Hạ viện, Nancy Pelosi đã khẳng định vào tháng 7/2016 rằng: “Những người đàn ông da trắng không có bằng đại học” đã bỏ phiếu bầu cho ứng viên Đảng Cộng hòa “vì súng đạn, vì những người đồng tính và vì Chúa – Chúa trở thành quyền lựa chọn của phụ nữ”.

 

Phó tổng thống Joe Biden thì nói rằng Đảng Cộng hòa muốn “xích tất cả các bạn lại” khi phát biểu trước những người Mỹ gốc Phi.

 

Tổng thống Obama khi nhận xét hành động của người cảnh sát đã bắt một giáo sư gốc Phi đang tìm cách vào nhà mình vì kẹt cửa, là có động cơ phân biệt chủng tộc. Trong vụ tai nạn Trayvon Martin, một thiếu niên da màu bị bắn ở Florida, ông nói: “Nếu tôi có một đứa con trai, nó cũng sẽ giống như Trayvon”, (trích: Hiểu về Trump, bản dịch của Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Omega Plus, trang 63).

 

 

 

Bức ảnh trên trang Headtopics với tựa đề: “Cái chết của George Floyd gây ra tranh luận về chủng tộc, bạo lực và các cuộc biểu tình” (ảnh: Chụp màn hình).

 

 

 

Đó là cách những lãnh đạo cao nhất của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ tìm kiếm sự ủng hộ từ người da màu: gia tăng sự khác biệt dẫn đến đối lập, kích động sự tự tôn từ sự tự ti, và đẩy mạnh lòng thù hận.

 

Ông Gringrich cũng đã trích lại một câu chuyện đăng trên tờ New York Times tháng 1/2017 về sự phân biệt chủng tộc thực sự tới từ chính những người da màu.

 

Một tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, phe Cánh Tả đang tìm cách huy động một cuộc biểu tình phản đối vào thời điểm một ngày sau lễ tuyên thệ nhâm chức. Jennifer Willis, một phụ nữ da trắng ở bang South Carolina định cùng tham gia cuộc biểu tình với con gái mình. Nhưng khi thấy những gì đăng trên facebook của một nhà hoạt động xã hội da đen đến từ Brooklyn, cô đã cảm thấy dường như nhà tổ chức không muốn tiếng nói của người da trắng. Nhà hoạt động xã hội này đã khuyên “những người đồng minh da trắng” hãy đến để “nghe nhiều và nói ít”. Thậm chí cô ta còn khuyên những người không phải là nhà hoạt động trước cuộc bầu cử thì không nên có mặt, bởi “bạn không nên tham gia vì bây giờ bạn mới sợ, còn tôi sinh ra đã sợ hãi”. Willis đã quyết định không tham gia vì cảm thấy bị miệt thị.

 

Ai đang dùng tiêu chuẩn kép?

Và hôm nay, khi cái chết thương tâm của George Floyd ở Minnesota khiến những người da màu phẫn nộ và phán ứng thái quá, nó thật sự rất khác biệt so với một trường hợp tương tự mà người bị hại là một phụ nữ da trắng dưới nòng súng của cảnh sát da màu.

 

Cách đây gần 1 năm, cựu cảnh sát Hồi giáo gốc Somali tên Mohamed Noor đã bắn chết bà Justine Damond gốc Australia cũng tại tiểu bang Minnesota. Bà Damons gọi 911 khi nghe thấy tiếng gào thét như có vụ bạo hành ở gần nhà mình. Khi xe cảnh sát đến, bà tới trò chuyện với cảnh sát viên Matthew Harrity ngồi ở ghế tài xế. Bỗng nhiên, cảnh sát Mohamed Noor, ngồi cạnh tài xế, vươn người với qua mặt tài xế và bắn vào ngực bà.

 

Noor bị kết án 12 năm và nhiều người trong cộng đồng da màu cho rằng đó là cái án quá nặng và biểu tình bảo vệ Noor. Những năm gần đây, đối với những trường hợp cảnh sát bắn chết người da màu dù là họ thật sự chống đối và có tội, phe Cánh Tả như Liberal đã rất lớn tiếng phê phán những cảnh sát này. Nhưng lần này, khi một cảnh sát da đen bắn chết một phụ nữ da trắng một cách vô cớ thì không thấy họ lên tiếng.

 

Trớ trêu thay, một năm sau, cũng tại tiểu bang này, một người đàn ông da màu bị cảnh sát da trắng ghì cổ và chết sau đó. Người cảnh sát đã bị kết án giết người cấp độ ba và với luật pháp tại Minnesota, anh ta có thể phải chịu 25 năm tù. Nhưng một số người vẫn cho rằng có tiêu chuẩn kép và bất công nên cần… “bạo động” cướp phá để… “đòi lại công bằng”.

 

Thay vì nói “tôi là một công dân gương mẫu, một người có lòng nhân, hãy trân trọng và tin tưởng tôi”, một số người Mỹ đã lựa chọn cách nói “tôi là người da màu, lưỡng tính, dân tộc thiểu số… hãy dừng tỏ ra thượng đẳng và đưa tiền của các người đây”. Dựa vào sự khác biệt về bản sắc để đòi hỏi đặc quyền, đó chẳng phải chính là sự phân biệt chủng tộc?

 

Niềm tự hào của người da màu, nhà hoạt động xã hội và hùng biện nổi tiếng thế giới Martin Luther King Jr. trong cuốn sách cuối cùng của mình – Chúng ta sẽ đi đâu từ đây: Hỗn loạn hay Cộng đồng (Where do we go from here: Chaos or Community) đã viết như thế này về việc giải quyết đói nghèo:

“Trong công tác giải quyết nghèo đói trên toàn quốc, có một thực tế nổi bật: Số người nghèo da trắng gấp đôi số người nghèo da đen ở Mỹ. Do đó, tôi không tập trung vào những kinh nghiệm nghèo đói bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc, mà sẽ thảo luận về việc nghèo đói ảnh hưởng tới người da trắng và người da đen như nhau”, (trích từ Hiểu về Trump, bản dịch của Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Omega Plus, trang 66).

 

Nước Mỹ vĩ đại một phần cũng bởi việc có thể khiến ai ai tới với mảnh đất này cũng có thể hòa nhập mà vẫn giữ được bản sắc của mình. Giống như biển lớn bởi có thể dung nạp được trăm sông. Nhưng khư khư giữ bản sắc một cách cực đoan, từ chối tiếp nhận những giá trị phổ quát của quốc gia, từ chối là một công dân có trách nhiệm, từ chối đặt quyền lợi của cộng đồng lên trên lợi ích bản thân, thì những người đó liệu có xứng đáng được mang cái tên “người Mỹ” trên mình?

 

Vị Cha lập quốc George Washington khi viết bức thư chia tay quốc dân để về làm một dân thường, cũng đã nhấn mạnh việc đề cao trách nhiệm công dân, tình yêu chung đối với quốc gia và tránh vì lợi ích của phe phái, của tính bản địa mà gây chia rẽ đất nước. Đảng Dân chủ đang kích động để người dân làm những điều hoàn toàn đi ngược lại với những lời dặn đó. Những gì họ làm, đang thể hiện rằng họ chỉ cần lá phiếu của bất kể nhóm người dễ tác động nào, để có quyền lực kiểm soát nước Mỹ, chứ không phải vì sự thịnh vượng và an toàn của người dân Mỹ.

(theo dkn.tv)