Bức ảnh này được chụp vào ngày 5/2/2024 cho thấy một nhân viên bán hàng đang trưng bày các sản phẩm bằng vàng tại cửa hàng trang sức Chow Tai Fook ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (JADE GAO/AFP via Getty Images)

 

 

 

Mỗi khi thời cuộc rối ren, niềm kiêu hãnh sáng chói của vàng lại hiển lộ: vĩnh viễn và bất biến. Chưa từng có trong lịch sử, giá vàng chạm mốc 2,200 USD/ounce. Ở Việt Nam, tình trạng tệ hơn khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 10% (với vàng nhẫn vỉ) và 20-25% với vàng miếng SJC, thương hiệu độc quyền của Ngân hàng Nhà nước (SBV). Điều gì đang thúc đẩy dòng tiền đổ vào vàng?

 

Kỷ lục mới về giá vàng liên tục được thiết lập

 

Theo số liệu trực tuyến của Trading Economics, giá vàng hôm nay, thứ Ba ngày 12/3/2024, vào lúc 10h32' sáng ở mức 2.178 USD/ounce. Giá vàng dao động ở mức cao kỷ lục khoảng 2.180 USD/ounce vào thứ Hai.

 

Báo chí và các chuyên gia tài chính nhất loạt giải thích rằng việc chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 6/2024; một chu kỳ nới lỏng tiền tệ đã chuẩn bị bắt đầu thúc đẩy vàng tăng giá. Đây chính là lý do vàng lập kỷ lục về giá trước khi Mỹ công bố thông tin về việc làm và lạm phát; những thông tin sẽ dẫn tới quyết định của Fed về thời điểm nới lỏng định lượng cho chu kỳ mới.

 

Có vẻ như, các nhà đầu tư vào vàng đã đặt cược vào sự chắc chắn này nên tiền đổ vào vàng. Chỉ 2 ngày trước, báo cáo việc làm đã củng và niềm tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu đầu tiên vào tháng 6/2024. Số liệu về bảng lương tháng 2 cao hơn dự báo, nhưng mức tăng việc làm trong tháng 1 và tháng 12 đã được điều chỉnh thấp hơn đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong hai năm. Các số liệu cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt. Chủ tịch Fed Powell và một số thành viên ECB cũng tuyên bố rằng việc giảm lãi suất có thể sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong năm 2024.

 

Cầu về vàng tăng vọt ở cả khối tư nhân và các ngân hàng trung ương. Theo số liệu thống kê do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố ngày 31/1/2024, lượng vàng mua ròng (lượng mua trừ lượng tiêu thụ) của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong năm 2023 là khoảng 1.037 tấn. Đây là mức mua lớn thứ hai kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1950, chỉ đứng sau mức 1.082 tấn của năm 2022. Trong số đó, Trung Quốc là nước tăng lượng nắm giữ vàng rõ ràng nhất, với lượng mua ròng trong năm 2023 là 225 tấn, chiếm hơn 1/5 tổng lượng.

 

 

Cơn sốt vàng không chỉ bởi USD mất giá

 

Giới đầu tư giải thích rằng khi đồng USD mất giá thì giá vàng sẽ tăng và ngược lại. Nhưng các số liệu thống kê về vàng và USD (theo đồ thị dưới đây) lại cho thấy điều này không hoàn toàn đúng, giá vàng đôi khi đã không hề phản ứng giảm rõ nét trong các giai đoạn đồng USD lên giá. Hoặc ít nhất, mối quan hệ nghịch chiều này có chỉ số liên kết không quá cao.

 

 

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục vào thứ Sáu, ngày 8/3/2024 vừa qua, đạt mức 2.200 USD/ounce. Giá vàng trong nước thậm chí còn cao hơn giá vàng thế giới 10-25% do khan hiếm vàng nguyên liệu (Nguồn: Trading Economics).

 

 

 

Trong lịch sử, đồng USD mất giá thường thúc đẩy giá vàng tăng là điều chắc chắn, nhưng ở chiều ngược lại thì số liệu thống kê không cho thấy mối liên hệ đó. Đồ thị ở trên chỉ ra rằng khi đồng USD mất giá (đường mầu xanh lá cây, khi tăng giá đi lên và mất giá chiều đi xuống), thì giá vàng nhất định sẽ tăng, dù không tăng cùng biên độ, nhưng sự tăng giá vàng là chắc chắn. Khi đồng USD tăng giá tương đối mạnh so với các đồng ngoại tệ khác trong rổ tính toán chỉ số DXY thì giá vàng cũng không phản ứng nhiều trong suốt thập niên 1980-2008.

 

Có một mối liên hệ chắc chắn hơn với giá vàng, đó chính là rủi ro chiến tranh hoặc rủi ro khủng hoảng tài chính. Mỗi khi một trong hai nhân tố này hoặc cả hai xuất hiện thì giá vàng tăng mạnh. Điều này dễ hiểu nếu giải thích theo các nguyên lý kinh tế học.

 

Đầu tiên, chiến tranh khiến các chính phủ tham chiến phải chi một khoản tiền khổng lồ. Các khoản tiền này có thể rất nhanh lớn hơn nguồn thu và dự trữ mà chính phủ đó có. Họ phải in tiền để nuôi cỗ máy chiến tranh. Đồng tiền của họ trở thành đồng tiền xấu, giá trị đồng tiền lao dốc. Để giữ tài sản, người dân, nhà đầu tư tăng cường trữ vàng thay vì tiền mặt. Giá vàng lập tức tăng cao vì đồng tiền mất giá.

 

Còn nếu là khủng hoảng tài chính thì sao? Cơ chế tương tự. Chỉ khác là lạm phát và đổ vỡ không phải do chi phí chiến tranh mà là do chính sách tiền rẻ thúc đẩy lòng tham của thị trường. Các thị trường tài sản bị đầu cơ quá mức, bơm thổi giá phình to lên như một quả bong bóng. Thị trường tài sản (như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản....) bị bơm thổi bởi dòng tiền vay mượn, lãi suất thấp, bởi tin đồn chứ không phải do nguồn cầu thực cần tiêu dùng, đầu tư dài hạn cho tài sản đó. Chính sách tiền tệ nới lỏng và những thị trường như vậy sẽ tạo ra lạm phát và cuối cùng vỡ bong bong giá tài sản. Tiền bơm vào thị trường trở thành "tiền chết" và "nợ xấu" trong các ngân hàng thương mại. Một khoản tiền khổng lồ bị đóng băng vì mất thanh khoản. Lúc này, hoặc là các chính phủ để các NHTM của họ đổ vỡ dây chuyền hoặc là giải cứu. Dù làm gì thì cũng khiến niềm tin mất mát, lạm phát, và kết cục luôn là chính phủ in tiền giải cứu; một cách chuyển nợ tư nhân thành nợ công.

 

Như vậy, bằng cả hai cách này, giá vàng đều tăng mạnh mỗi khi có chiến tranh, dịch bệnh và khủng hoảng tài chính. Đồ thị giá vàng từ thập kỷ 1970 cho tới nay đã giải thích điều này.

 

Giá vàng tăng mạnh khi USD mất giá hồi thập niên 1970 vì Mỹ sa lầy trong cuộc chiến với Việt Nam. Quốc gia này phải chi tiêu rất nhiều dẫn tới việc in tiền quá mức. Mỹ không còn giữ được đồng bạc xanh theo bản vị vàng như họ hứa hẹn trong cuộc họp tại Bretton Woods.

 

Các thập kỷ sau đó, các cuộc chiến đẩy ra khỏi biên giới quốc gia Mỹ và ở quy mô nhỏ, tại các nền kinh tế nhỏ, không đóng vai trò quá trọng yếu trong chuỗi cung ứng hàng hoá, tiền tệ toàn cầu. Bởi vậy, giá vàng thực sự tăng trở lại bất thường sau khủng hoảng 2008-2009. Tại sao? Vì cuộc khủng hoảng đặc biệt này được xử lý bằng cách chuyển nợ tư sang nợ công qua các chương trình giải cứu của Fed. Sau cuộc khủng hoảng toàn cầu, không chỉ Mỹ, mọi chính phủ lớn nhỏ đều chìm trong tăng trưởng thấp, nợ công tăng nhanh. Để thúc đẩy tăng trưởng, các chính phủ mở rộng nợ công. Nợ nần luôn là mấu chốt buộc chính phủ phải in thêm tiền.

 

Đồng tiền mất giá, vàng lên ngôi.

 

Và đây là thời điểm mà chúng ta đang bước cả hai chân vào khủng hoảng chưa được đặt tên trong khi chiến tranh bùng phát. Nợ nần của các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu như Mỹ, EU, Trung Quốc đang đạt con số kỷ lục. Tiền mất giá, chiến tranh và khủng hoảng gây mất niềm tin và hoảng loạn. Dòng tiền khắp toàn cầu, gồm cả các NHTW muốn trở nên tự chủ hơn, ít ràng buộc rủi ro hơn với đồng USD, và cả số tiền ít ỏi trong mỗi hộ gia đình đang tìm tới vàng. Niềm tin với vàng chưa bao giờ suy giảm, càng rủi ro và hỗn loạn, niềm kiêu hãnh của vàng càng trở nên sáng chói.

 

(ntdvn.net; Thanh Đoàn)

(Mời các bạn đón đọc Phần 2: "Vòng xoáy chiến tranh, chính phủ nợ nần và vàng")