Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 195.207 trường hợp mắc COVID-19 và 5.196 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 12,1 triệu người.

 

 

 

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 4/7/2020. Ảnh: THX

 

 

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/7 (giờ GMT+7), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 12.137.530 ca, trong đó có 550.870 người thiệt mạng.

 

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 7.016.791 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm đang là 58.244 ca và 4.569.869 ca đang điều trị tích cực.

 

 

Ngày 8/7, thế giới có 132 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 75 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, miền Đông Pháp ngày 22/3/2020. Ảnh: AFP.

 

 

 

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (52.477 ca), Brazil (38.505 ca) và Ấn Độ (25.571 ca); trong khi các nước Brazil (1.096 ca), Mexico (895 ca) và Mỹ (776 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

 

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.

 

Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.

 

 

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi xe buýt tại Berlin, Đức, ngày 7/7/2020. Ảnh: THX

 

 

Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.

 

Nga là quốc gia châu Âu ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh nhất trong 24 giờ qua.

 

Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới

 

 

 

Sinh viên đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường đại học Georgetown ở Washington DC, Mỹ, ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Với tổng cộng hơn 3,09 triệu ca mắc và hơn 134.748 ca tử vong, Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động mạnh nhất. Theo thống kê độc lập của Đại học Johns Hopkins tính đến sáng 9/7 (giờ Việt Nam), Mỹ phát hiện thêm52.477 ca mắc. Trong khi đó, số ca tử vong cũng  tăng 776 ca trong cùng khoảng thời gian.

 

Tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ đã nóng trở lại kể từ tháng Sáu vừa qua, buộc chính quyền nhiều tiểu bang phải ngừng triển khai các kế hoạch mở cửa nền kinh tế. Mới nhất, cả hai tiểu bang Texas và California đều ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 10.000 ca, mức cao nhất trong một ngày và vượt số ca nhiễm trong ngày cao nhất của bất kỳ quốc gia châu Âu nào trong giai đoạn đỉnh dịch.

 

 

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế Maimonides tại New York, Mỹ, ngày 14/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

Hiện nhiều thành phố ở Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi nhiều người phải xếp hàng chờ nhiều giờ đồng hồ mới được xét nghiệm.

 

Trước tình hình này, Bộ Y tế Mỹ thông báo sẽ miễn phí xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các địa điểm ở 3 tiểu bang "điểm nóng" của dịch bệnh ở miền Nam nước này, gồm Florida, Louisiana và bang Texas. Tất cả những người trên 5 tuổi, có triệu chứng hoặc không có triệu chứng của bệnh COVID-19, đều có thể tham gia chương trình này.

 

 

 

Một nhà hàng có không gian ngoài trời mở cửa phục vụ khách hàng tại New York, Mỹ ngày 6/7/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Thị trưởng thành phố New York thuộc bang New York của Mỹ, ông Bill de Blasio ngày 8/7 cho biết các trường học trong thành phố này sẽ mở cửa trở lại trong năm học mới vào tháng 9 tới, với mô hình “học tập kết hợp”.

 

Ông Bill de Blasio cho biết, hầu hết học sinh ở thành phố này sẽ tham dự các lớp học trực tiếp 2 hoặc 3 ngày/tuần, tùy thuộc vào từng tuần lễ và những ngày khác trong tuần sẽ học trực tuyến. Những học sinh trở lại trường sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, kết hợp với việc bố trí các địa điểm rửa tay và sử dụng cách thức vệ sinh mới.

 

Đối với các gia đình chưa yên tâm cho con trở lại trường học có thể chọn cho con mình cách học từ xa. Tuy nhiên, những gia đình này vẫn có cơ hội lựa chọn cho con trở lại trường học khi nào muốn, trên cơ sở rà soát hàng quý.

 

 

 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington DC. Ảnh: AFP

 

 

 

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ cắt ngân sách liên bang dành cho các trường học không mở cửa trở lại cho học sinh đến học trực tiếp trong mùa Thu tới, đồng thời chỉ trích Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) quá cứng nhắc với các hướng dẫn về việc mở lại trường học.

 

Hệ thống trường công lập của thành phố New York lớn nhất nước Mỹ, với hơn 1 triệu học sinh. Các trường học tại thành phố này đã đóng cửa vào tháng 3 vừa qua, như là một phần của các nỗ lực sâu rộng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tuần trước, ông Bill de Blasio cho biết kết quả một cuộc khảo sát của Sở Giáo dục New York cho thấy 75% gia đình trong thành phố muốn con họ trở lại trường học.

 

Trước đó, Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo cho biết ông sẽ quyết định liệu các trường học có mở cửa trở lại vào năm học tới hay không. Trong khi đó, ông Bill de Blasio cho biết thành phố New York sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền bang trong việc từng bước mở cửa trở lại.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 9/6/2020. Ảnh: THX

 

 

Tại châu Âu, nhà chức trách Nga thông báo đã ghi nhận thêm 6.562 ca nhiễm mới COVID-19 trong một ngày, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 700.792.

 

Số ca tử vong cũng tăng thêm 173 ca lên tổng cộng 10.667 trường hợp. Thủ đô Moskva vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 621 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại đây lên 226.795.

 

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 8/7 cho biết nước này có 17 loại vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 triển vọng. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga, Bộ trưởng Murashko nói: “Có 17 loại vắc-xin đã cho thấy triển vọng hiện nay”.

 

Bộ Y tế Nga ngày 8/7 đã cấp phép lưu hành Koronavir - loại thuốc thứ 3 do nước này tự sản xuất để điều trị COVID-19, có hoạt chất tương tự như thuốc Favipiravir của Nhật Bản đã được bộ này cấp phép để điều trị COVID-19. Nhà sản xuất Koronavir, tập đoàn R-Pharm thuộc sở hữu của Alexei Repik, cũng xác nhận đã hoàn tất quá trình đăng ký thuốc điều trị COVID-19 thể nhẹ và vừa này

 

 

 

Nhiều người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bucharest, Romania, ngày 26/6/2020. Ảnh: THX

 

 

Trong khi đó, Romania thông báo số ca nhiễm mới COVID-19 trong một ngày là 555, mức cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia này lên hơn 30.175.

 

Kể từ khi dịch bùng phát dịch tại Romania từ ngày 26/2, đến nay đã có 1.817 người tại nước này tử vong do mắc COVID-19.

 

Bộ Y tế nước Bulgaria thông báo số ca nhiễm COVID-19 cũng tăng mạnh nhất từ trước tới nay, 188 ca trong một ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại đây lên 6.102 trường hợp. Bulgaria thông báo ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là vào ngày 8/3.

 

 

 

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa Roma Termini ở Rome, Italy, ngày 3/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Ngày 8/7, Viện Y tế cấp cao Ý Đại Lợi (ISS) thông báo triển khai lấy mẫu nước thải trên diện rộng để có thể phát hiện sớm sự tồn tại của virus SARS-CoV-2, cũng như cảnh báo sớm về khả năng bùng phát dịch bệnh.

 

ISS cho biết virus có thể lưu hành thông qua nguồn nước, do đó, các mẫu nước thải sẽ được thu thập trước khi được chuyển tới các nhà máy lọc nước tại các trung tâm đô thị để kiểm tra xem có bất kỳ dấu vết nào của virus SARS-CoV-2 hay không. Giám đốc Cơ quan Y tế và Chất lượng nước của ISS Luca Lucentini khẳng định: “Cách tiếp cận này có thể dự đoán được nơi virus lưu hành tại Italy”.

 

Trước đó, ISS từng thông báo rằng các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của virus SARS-CoV-2 trong mẫu nước thải thu thập hồi tháng 12/2019 tại các thành phố Milan và Turin. Qua đó, ISS cho rằng virus đã tồn tại ở miền Bắc Italy trước khi Trung Quốc công bố các trường hợp đầu tiên mắc COVID-19.

 

Ngoài Italy, một số nước như Hà Lan, Pháp, Úc… cũng đã tìm thấy các dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong nước thải. Nhiều quốc gia khác cũng đang bắt đầu triển khai lấy mẫu nước thải để theo dõi dịch bệnh.

 

 

 

 

Cảnh sát đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP

 

 

 

Uzbekistan thông báo áp đặt lệnh phong tỏa lần hai từ ngày 10/7-1/8 tới nhằm ngăn ngừa virus lây lan. Theo đó, sẽ giới hạn xe cộ đi lại, đóng cửa các trung tâm mua sắm không bán thực phẩm, chợ, công viên, quán cà phê, nhà hàng, trung tâm thể thao và giải trí.

 

Uzbekistan đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong tháng 6 sau khi dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế. Quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng gần 11.000 ca nhiễm và 40 ca tử vong do COVID-19, hơn một nửa trong số này được ghi nhận trong 2 tuần qua.

 

 

 

Những viên thuốc Hydroxychloroquine tại công ty dược phẩm ở Provo, Utah, Mỹ, ngày 20/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Hai hãng dược phẩm châu Âu là Công ty dược Merck của Đức và Roche của Thụy Sĩ đã đạt thỏa thuận cung cấp thuốc có khả năng chống virus SARS-CoV-2 cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

 

Hãng Merck có trụ sở tại thành phố Darmstadt của Đức ngày 8/7 thông báo đã đạt thỏa thuận với Ủy ban châu Âu (EC) về việc cung cấp thuốc Rebif tiềm năng chống COVID-19 cho các nước EU.

 

Trong một thông báo, Merck nêu rõ EC đã đề nghị hãng sẵn sàng cung cấp dược phẩm Rebif cho các nước EU để điều trị virus SARS-CoV-2. Rebif được sử dụng để điều trị tái phát bệnh đa xơ cứng và đang được thử nghiệm như một liệu pháp khả thi cho bệnh nhân mắc COVID-19.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại Trung Đông, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mạnh ở các nước như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Iraq, Oman.... Đáng chú ý, Iran thông báo số ca tử vong do bệnh dịch tại nước này đã vượt 12.000 ca.

 

Cụ thể, trong 24 giờ qua Iran đã ghi nhận thêm 153 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.084 ca. Tổng số ca nhiễm hiện nay ở Iran là 248.379 ca, trong đó có 209.463 người đã bình phục.

 

Cùng ngày, Palestine thông báo gia hạn lệnh phong tỏa khu vực Bờ Tây thêm 5 ngày, bắt đầu từ ngày 8/7, sau khi số ca bệnh trong khu vực tăng lên hơn 5.000 người. Hiện Palestine ghi nhận tổng số 5.093 ca mắc COVID-19, trong đó có 22 ca tử vong.

 

 

 

 

Học sinh trung học phổ thông tham dự kỳ thi đại học tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/7/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Tại các nước châu Á khác, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục có thêm ca nhiễm mới. Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 7 ca mới nhiễm virus SARS, toàn bộ đều là các ca nhập cảnh.

 

Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 8/7 thông báo ghi nhận thêm 24 ca mắc mới, trong đó có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc COVID-19 tại Hong Kong gia tăng đang làm dấy lên quan ngại  về nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết số ca nhiễm mới tại nước này tăng thêm 63 ca, nâng tổng số lên 13.244 ca. Trong số 63 ca nhiễm mới có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 33 ca nhập cảnh.

 

 

 

Nhiều người đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 26/5/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thêm 75 ca mắc bệnh, đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm bệnh ở Tokyo giảm xuống còn 2 con số trong vòng 7 ngày qua. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại địa phương này là hơn 7.000, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca mắc bệnh trên toàn Nhật Bản.

 

Thủ đô Tokyo đang phải đối phó với số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào cuối tháng 5. Dù tốc độ gia tăng lây nhiễm tại Nhật Bản đã chậm lại, nhưng số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo đã tăng trở lại sau mức tăng kỷ lục 206 ca được ghi nhận vào ngày 17/4 vừa qua.

 

 

 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 4.502 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.880 người.

 

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.

 

Trong ngày, khu vực ASEAN chỉ có 5 nước phát sinh các ca mắc COVID-19. Philippines chứng kiến xu thế dịch leo thang khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh/ngày cao nhất khu vực trong ngày thứ 4 liên tiếp.

 

 

 

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho du khách tại Bali, Indonesia, ngày 12/2/2020. Ảnh: AFP

 

 

 

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.887 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 55 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 176.620. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 97.690 trường hợp.

 

Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, dù vẫn đề cao cảnh giác trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai.

 

 

 

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AFP

 

 

 

Ở châu Phi, dịch bệnh diễn biến ngày một nóng hơn tại Algeria. Số liệu thống kê kể từ ngày 26/6 đến nay cho thấy số ca nhiễm mới virus trong vòng 24 giờ tại nước này luôn cao hơn nhiều so với ngày trước đó.

 

Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này đã tăng lên gần 16.900 trường hợp.


Trong đó, số ca nhiễm mới tăng trong ngày 7/7 là 475 trường hợp, cao hơn so với 463 ca ghi nhận trong ngày 6/7 và 205 ca vào ngày 26/6. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu mùa dịch và cao hơn gấp đôi con số của giai đoạn trước khi chính phủ nới lỏng cách ly giai đoạn hai (ngày 14/6).  

 

Trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng mạnh sau khi nới lỏng cách ly, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm quy định về ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đồng thời cho phép chính quyền địa phương có quyền ban hành "lệnh giới nghiêm khu vực" đối với những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

 

Theo trang thống kê worldometers.info, hiện Algeria đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Phi, chỉ sau Nam Phi, Ai Cập, Nigeria và Ghana.

 

 

 

Người dân di chuyển trên đường phố tại Algiers, Algeria, ngày 14/6/2020 sau khi các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: THX

 

 

 

Với 215.855 trường hợp nhiễm COVID-19, Nam Phi hiện đứng thứ 14 trên toàn thế giới về số ca nhiễm. Điều quan ngại nhất hiện nay là “tỷ lệ nhân đôi” (thời gian thực tế số lượng ca nhiễm tăng gấp đôi) nhiễm SARS-CoV-2 của Nam Phi hiện đang cao hơn so với tất cả các quốc gia có số ca nhiễm lớn hơn và ở mức trung bình 14,4 ngày.

 

Ngày 8/7, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cảnh báo người dân nước này rằng họ bắt đầu phải đối mặt với giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại quốc gia này.

 

 

 

Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ do dịch COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi ngày 5/6/2020. Ảnh: THX

 

 

 

Phát biểu trước Quốc hội Nam Phi, Bộ trưởng Mkhize thông báo Nam Phi đang tiến vào giai đoạn đỉnh dịch và "cơn bão" COVID-19 mà trước đó ông đã nhiều lần cảnh báo đã thực sự xuất hiện.

 

Ông cho rằng mọi người dân Nam Phi hiện đang ở trong tình thế mà những người thân thích hay bạn bè đều có thể bị nhiễm virus SASR-CoV-2 vào bất cứ lúc nào.

 

Phát biểu của Bộ trưởng Y tế Mkhize được đưa ra trong bối cảnh Nam Phi thông báo số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng lên 215.000 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 10.134 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ qua, trong khi có thêm 192 người tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này lên 3.502 trường hợp.

 

 

 

Trẻ em bị suy dinh dưỡng chờ khám bệnh ở Diapaga, Burkina-Faso. Ảnh: AFP

 

 

 

Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cảnh báo gần 50 triệu người dân châu Phi có thể bị rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực do đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

 

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Phi do thực hiện và công bố ngày 7/7, khoảng 30% dân số châu Phi, tương đương 425 triệu người, có thể sống dưới ngưỡng nghèo đói của thế giới khi thu nhập chưa đến 1,9 USD/ngày trong năm 2020.

 

AfDB dự báo tình trạng này còn trầm trọng hơn nữa. AfDB cũng dự báo châu Phi có thể phải đối mặt với một cuộc suy thoái lớn với tổng GDP trong năm nay giảm từ 1,7% đến 3,4%. Ngoài ra, theo báo cáo của AfDB, khoảng 24,6 triệu đến 30 triệu người sẽ bị thất nghiệp do ảnh hưởng đại dịch.