Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng, ngày 20/7/2021. (Nguồn: Reuters)

 

 

 

 

 

HOA KỲ - Trong bài phân tích trên National Review, tác giả Elliott Abrams* cho rằng, Mỹ cần chuẩn bị một "Kế hoạch B" để đối phó với Iran trong vấn đề hạt nhân.

 

 

Các thông điệp lẫn lộn giữa cứng rắn và nới lỏng trừng phạt của Mỹ vô hình trung đang cho phép Iran tiếp diễn những hành vi khó chấp nhận cũng như thúc đẩy vũ khí hạt nhân mà không chịu bất kỳ chế tài nào.

 

 

 

Cứng rắn trong lời nói

 

Ba ngày sau vụ Iran tấn công bằng máy bay không người lái vào tàu Mercer Street của Israel ngoài khơi bờ biển Oman, và một ngày sau khi Mỹ và Anh công khai việc Iran là thủ phạm trong vụ đánh bom giết hại một công dân Anh và một công dân Romania, Thủ tướng Anh Quốc,  Boris Johnson, tuyên bố đầy cứng rắn: “Iran nên đối mặt với hậu quả của những gì họ đã làm… Đây rõ ràng là một cuộc tấn công không thể chấp nhận được và quá mức vào vận tải biển thương mại”.

 

 

Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, trước đó cũng đã có một tuyên bố khá mạnh mẽ, nhấn mạnh vụ đánh bom “diễn ra theo sau một loạt các vụ tấn công và các hành vi hiếu chiến khác”.

 

 

Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cảnh báo: “Chúng tôi đang làm việc với các đối tác để xem xét các bước tiếp theo và tham khảo ý kiến của các chính phủ... về một phản ứng thích hợp”.

 

 

Điều này làm dấy lên câu hỏi trong cộng đồng quốc tế rằng, “những hậu quả” hay “bước tiếp theo” và “phản ứng thích hợp” cụ thể ở đây sẽ là gì.

 

 

Chỉ vài giờ sau phát biểu của Thủ tướng Anh, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ôc, Jen Psaki, đã "dội gáo nước lạnh" vào cơ hội sẽ có những động thái mạnh mẽ từ phía phương Tây.

 

 

Bà Jen Psaki nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng: “Do liên quan đến sự can dự của Mỹ trong tiến trình đàm phán hạt nhân, quan điểm của chúng tôi là mọi thách thức và mối đe dọa từ Iran sẽ trở nên rõ ràng và nguy hiểm hơn bởi một chương trình hạt nhân không có hạn chế. Nói cách khác, việc kiềm chế chương trình hạt nhân Iran bằng cách trở lại JCPOA sẽ đưa chúng ta đến vị thế tốt hơn để giải quyết những vấn đề khác”.

 

 

Phát biểu này có thể xem là lời khẳng định cho việc Iran tấn công tàu thương mại không phải là yếu tố ngăn chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục nỗ lực khôi phục Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) ký năm 2015.

 

 

 

Mù mờ trong hướng đi.

 

JCPOA đã có cơ hội “hồi sinh” kể từ khi ông Biden nhậm chức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nên giải thích với người Mỹ và Iran về những dự định với bản thỏa thuận được tuyên bố là “đã chết” này.

 

 

Chính quyền của Tổng thống Biden có chính sách rất rõ ràng đối với Iran: quay trở lại JCPOA và sau đó đàm phán một thỏa thuận “dài hơi hơn và mạnh mẽ hơn”, một thỏa thuận có thời gian chờ dài hơn và bao trùm cả chương trình tên lửa cũng như những hoạt động chống khủng bố của Iran.

 

 

Tuy nhiên, điều mà cả Tổng thống Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan, Ngoại trưởng Blinken và giới chức Mỹ chưa bao giờ giải thích là Washington có Kế hoạch B như thế nào khi chính sách này không thành công.

 

 

Những nỗ lực mà Mỹ thúc đẩy chắc chắn sẽ thất bại, điều đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

 

 

Ở hậu trường, giới chức Mỹ ước tính khả năng quay lại thỏa thuận là khoảng 75–80%. Và rõ ràng một thỏa thuận “dài hơi hơn và mạnh mẽ hơn” là điều khó khả thi.

 

 

Rốt cuộc, Iran có lý do gì đồng ý nhượng bộ nhiều hơn sau khi các điều khoản của JCPOA đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế quan trọng nhất?

 

 

Trong vài tháng gần đây, cơ hội làm sống lại JCPOA ngày càng thu hẹp.

 

 

Và ngay cả khi chính quyền Mỹ đưa ra một số nhượng bộ sâu sắc hơn, thậm chí gây tổn hại hơn cho nước Mỹ và ông Biden lôi kéo được Iran trở lại JCPOA, cơ hội để đạt được một thỏa thuận tiếp theo cũng là gần như bằng không.

 

 

Trong khi đó, Iran đang tiến nhanh hơn đến mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân. Iran đang làm giàu urani lên mức cao hơn và ngăn cản các hoạt động thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

 

 

Báo cáo ngày 31/5 của IAEA là một danh mục các câu hỏi chưa được hồi đáp. Thay vào đó là sự bối rối, trì hoãn và vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của Iran.

 

Tổng giám đốc IAEA, Rafael Grossi, nhấn mạnh: “Thiếu tiến triển trong việc làm rõ các câu hỏi của Cơ quan liên quan đến tính đúng đắn và đầy đủ của các tuyên bố về đảm bảo nghĩa vụ của Iran đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của Cơ quan trong việc xác nhận tính chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran”.

 

 

Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Biden thừa nhận rằng, điều này không thể kéo dài.

 

 

Vào một thời điểm nào đó, các hoạt động của Iran sẽ khiến JCPOA và khoảng lặng hiện nay trở thành trò cười.

 

 

Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào cuối tháng 8, với sự góp mặt của một tân Tổng thống Iran cứng rắn Ebrahim Raisi.

 

 

Nếu các cuộc đàm phán không đi đến đâu, trong khi chương trình vũ khí hạt nhân của Iran vẫn tiến triển, thì đến một lúc nào đó, Mỹ sẽ phải thừa nhận mọi chuyện đã kết thúc. Và Israel sẽ là bên lớn tiếng nhất khẳng định kết cục này.

 

 

 

Kế hoạch B: Rất cần nhưng có khả thi?.

 

Một vấn đề được đặt ra là, nếu khả năng làm sống lại JCPOA không còn, Kế hoạch B sẽ là gì?

 

 

Trên thực tế, có một số phương án mà chính quyền của Tổng thống Biden có thể lựa chọn, một cách dễ dàng và hợp lý. Vấn đề nằm ở phương diện chính trị.

 

 

Với việc Iran gia tăng các hành vi vi phạm JCPOA bất chấp đề nghị của Tổng thống Biden, bước đầu tiên là Mỹ nên duy trì vô thời hạn tất cả các lệnh trừng phạt từ thời ông Donald Trump.

 

 

Đó là điều mà chính quyền của Tổng thống Trump tiền nhiệm đã lên kế hoạch thực hiện: Giữ nguyên các lệnh trừng phạt cho đến khi Iran hiểu rằng họ phải đàm phán.

 

 

Các lệnh trừng phạt đã đặt nền kinh tế của Iran dưới áp lực rất lớn, cụ thể là gần đây nguồn dự trữ ngoại tệ của quốc gia này đã giảm xuống còn 4 tỷ USD, chưa bằng một nửa của Afghanistan.

 

 

"Chiến dịch gây áp lực tối đa" mà ông Trump khởi xướng vào năm 2018 không thất bại mà đơn giản chỉ là chưa đủ thời gian. Vì vậy, ông Biden có thể tiếp tục hướng đi này để xem liệu Iran có thay đổi hay không.

 

 

Và bước hợp lý thứ hai, khôi phục các đòn trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) ngay lập tức. Ông Trump đã thử hướng đi này, song các quốc gia khác cho rằng Mỹ đã rút khỏi JCPOA và do đó mất quyền khôi phục các nghị quyết trừng phạt của LHQ.

 

 

Điều ông Biden cần làm là thuyết phục các đối tác trong HĐBA như Pháp và Anh cũng như Đức ủng hộ động thái này.

 

 

Hiện Mỹ ở trong bối cảnh có thể dễ dàng thực hiện điều này hơn. Trước hết là so với thời điểm năm 2018 khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận, Iran đang có những vi phạm nghiêm trọng.

 

 

Thứ hai, châu Âu sẽ khó có thể bác bỏ lựa chọn của Tổng thống Biden nhất là trong bối cảnh những nỗ lực mạnh mẽ của ông nhằm hàn gắn quan hệ Mỹ-châu Âu kể từ ngày 20/1/2021.

 

 

Ngoài ra còn một bước hợp lý thứ ba là nghiêm túc nhìn nhận các hoạt động quân sự của Iran.

 

 

Nếu Tehran tiếp diễn những hành vi gần đây, đó là phát triển vũ khí hạt nhân, “bật đèn xanh” cho lực lượng dân quân Shi’ite ở Iraq tấn công người Mỹ, tham gia các hoạt động khủng bố, Washington cần có động thái đáp trả trực tiếp hơn.

 

 

Tổng thống Biden nên lặp lại những gì cựu Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố với vũ khí hạt nhân của Iran, rằng "Mỹ sẽ dùng mọi sức mạnh có thể" để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

 

 

Ông chủ Nhà Trắng cũng nên nói rõ rằng, một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ do Iran hậu thuẫn sẽ dẫn đến hậu quả trực tiếp cho chính nước Cộng hòa Hồi giáo.

 

 

Sự lựa chọn cuối cùng mà Mỹ phải đối mặt sẽ là giữa ngoại giao hay chiến tranh ở một dạng nào đó.

 

 

JCPOA hay chiến tranh: Công thức quá đơn giản, và nếu ông Biden và đảng Dân chủ tiếp tục thực sự tin vào điều đó, họ sẽ nhượng bộ không ngừng để quay trở lại JCPOA, hoặc sẽ cố níu kéo các cuộc đàm phán và toàn bộ thỏa thuận dù chúng thực sự “đã chết”.

 

*Elliott Abrams là Chủ tịch Liên minh Vandenberg và là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ.