Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với các nhà báo tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Cung, Washington, ngày 03/02/2025. Getty Images via AFP - ANNA MONEYMAKER

 

 

HOA KỲ - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm ngày 04/02/2025, cho biết ông muốn đàm phán một "thỏa thuận" với Ukraine theo đó Kyiv đưa ra một "bảo đảm" về nguồn "đất hiếm" của mình, những kim loại được sử dụng rộng rãi trong thiết bị điện tử, để đổi lấy viện trợ của Mỹ.

 

 

Theo hãng tin AFP, trao đổi với các phóng viên tại Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Cung, ông Trump nói: "Chúng tôi đang tìm cách đạt được một thỏa thuận với Ukraine theo đó họ sẽ đưa ra những bảo đảm về đất hiếm và những thứ khác để đổi lấy những gì chúng tôi cung cấp cho họ".  

 

 

Vào tháng Mười năm ngoái, tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, đã đề nghị đạt được thỏa thuận với các đối tác của Ukraine về việc khai thác một số kim loại chiến lược. Cụ thể, trong kế hoạch hòa bình được công bố vào thời điểm đó, tổng thống Zelenskyy đã đề nghị một "thỏa thuận đặc biệt" với các đối tác của Kyiv để "cùng bảo vệ" và "cùng khai thác các nguồn tài nguyên chiến lược" của Ukraine, nhưng ông không đề cập cụ thể đến đất hiếm, mà chỉ đưa ra các ví dụ như "uranium, titan, lithium, than chì và các nguồn tài nguyên chiến lược có giá trị cao khác".

 

 

Chính quyền Trump cũng đề nghị tổ chức các cuộc bầu cử ở Ukraine trước khi mở đàm phán hòa bình với Nga. Cụ thể, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg, đề nghị tổ chức bầu tổng thống và Quốc Hội Ukraine trong năm nay. Theo hãng tin Reuters, kịch bản mà Mỹ đưa ra là trước tiên Ukraine và Nga ngừng bắn, sau đó Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống và Quốc Hội, rồi tiếp đến mới tiến hành đàm phán hòa bình. Đây cũng là đề nghị của nhiều lãnh đạo Nga. 

 

 

Cho tới nay, tổng thống Vladimir Putin vẫn không muốn đàm phán trực tiếp với tổng thống Zelenskyy, nhân vật mà ông xem là “không có tính chính đáng”. Trên nguyên tắc, nhiệm kỳ của tổng thống Zelenskyy đã chấm dứt vào cuối năm 2024, nhưng do lệnh thiết quân luật vẫn có hiệu lực, Ukraine không thể tổ chức các cuộc bầu cử. 

 

Hơn nữa, theo các chuyên gia quan sát, rất khó mà tổ chức tổng tuyển cử trong bối cảnh mà 20 phần trăm lãnh thổ bị quân đội Nga chiếm đóng, hàng chục ngàn người đang phục vụ trong quân đội và hàng triệu người đang tị nạn ở nước ngoài. Ấy là chưa kể nguy cơ xã hội Ukraine bị chia rẽ và Nga can thiệp vào bầu cử.

 

 

 

(Theo RFI)