Đồng hồ đếm ngược đến thời đến giải vô địch túc cầu thế giới 2022 FIFA World Cup được bật lên vào hôm ngày Chủ Nhật ở thành phố  Doha, Nhà Nước Qatar. Nguồn: Anadolu Agency via Getty Images

 

 

 

 

 

Chỉ còn một năm nữa là đến Giải Túc Cầu Nam Thế giới 2022, thường được biết dưới tên là Football World Cup và các lễ ăn mừng hiện diễn ra tại nước chủ nhà đứng ra tổ chức là Qatar. Thế nhưng các quan ngại ngày càng gia tăng, về việc đối xử với các công nhân di dân được nhập vào nước nầy, để chuẩn bị cho sự kiện thể thao mang tầm mức thế giới này.

 

 

Được xem là giải lớn nhất trong thế giới thể thao, Giải Vô địch Túc cầu Thế giới FIFA thu hút hàng tỷ khán giả và năm tới, Qatar sẽ là quốc gia bé nhỏ nhất tổ chức sự kiện này.

 

Chủ tịch FIFA là ông Gianni Infantino cho biết, mọi người ở Qatar đều hoan nghênh sự kiện này.

 

Ông Gianni Infantino nói “Đây là World Cup đầu tiên trong thế giới Ả Rập, nó hết sức quan trọng đối với Qatar, quan trọng đối với Vùng Vịnh và cho cả mọi người Ả Rập, để cho cả thế giới thấy được phần đất nầy của thế giới hoan nghênh như thế nào, đất nước nầy chào đón sự kiện nói trên ra sao”.

 

 

Thế nhưng khi World Cup ngày càng đến gần, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền lên tiếng bày tỏ các quan ngại về các chi phí không thấy được, trong việc chuẩn bị một sự kiện toàn cầu lớn lao như vậy.

 

 

Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Úc, bà Elaine Pearson cho biết, việc đối xử với các công nhân di dân tại Qatar không thể bỏ qua được.

 

Bà Elaine Pearson nói “Chúng tôi biết hàng ngàn công nhân di dân đã thiệt mạng tại các địa điểm xây cất ở Qatar, không chỉ tại các sân vận động mà cả đường xá và các công trình có liên quan thuộc hạ tầng cơ sở”.

 

 

Được biết Qatar lệ thuộc phần lớn vào các công nhân di dân, để xây dựng 7 sân vận động mới và các dự án khác, liên quan đến World Cup sắp tới.

 

 

Những công nhân nầy chiếm 95 phần trăm lực lượng lao động 2 triệu người làm việc tai quốc gia này.

 

 

Tổ chức Lao động Quốc tế, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho biết, chỉ trong năm 2020, đã có 50 công nhân chết và 506 người bị thương nặng tại các địa điểm xây dựng ở Qatar.

 

 

Cho đến năm 2020, hệ thống lao động tại Qatar được biết là Kafala, không cho phép công nhân thay đổi công việc mà không được phép cuả chủ nhân.

 

 

Bà Pearson cho biết, một hệ thống như vậy không thể chấp nhận được.

 

Bà Elaine Pearson nói “Nó hoàn toàn giống như tình trạng nô lệ và chúng tôi kêu gọi việc tháo gở hoàn toàn hệ thống đó”.

 

 

 

Trong khi đó ông Craig Foster là một nhà tranh đấu cho nhân quyền và cũng là cựu cầu thủ Socceroo cho biết, các cầu thủ cần biết rõ về việc đối xử nầy.

 

Ông Craig Foster nói “Các lực sĩ ngày nay cần hiểu biết về vấn đề nầy, họ phải có quyết định liệu có cảm thấy an tâm đối với hàng ngàn người té ngã từ các dàn giáo xây dựng những sân vận động, mà họ sẽ thi đấu ở đó”.

 

 

 

Thế nhưng Chủ tịch World Cup của Qatar là ông Nasser el-Khater tranh cãi rằng, các cáo buộc vô căn cứ và quốc gia nầy đang bị đối xử bất công.

 

Ông Nasser el-Khater nói “Thật không may, rất nhiều tổ chức đưa ra những báo cáo này thậm chí không thèm đến đây, để tự mình xem xét mọi thứ”.

 

 

Ông cho biết Qatar hiện nay dẫn đầu về quyền của công nhân tại vùng Trung Đông.

 

Ông  Nasser el-Khater nói “Qatar là quốc gia đi tiên phong trong việc cải thiện quyền của người lao động và cải thiện mức sống của họ, cũng như đưa ra mức lương tối thiểu và bãi bỏ hệ thống Kafala".

 

 

Được biết Kafala hay bảo trợ, liên quan đến việc cho phép các cá nhân hay công ty tại các nước Vùng Vịnh như Jordan, Lebanon, Qatar và hầu hết các nước Ả Rập ở Vùng Vịnh khác, hầu như có toàn quyền kiểm soát công việc của công nhân và vấn đề di trú nữa.

 

 

Hệ thống nầy phát triển từ nhu cầu ngày càng gia tăng tại các nền kinh tế của các nước Vùng Vịnh nhằm khai thác sức lao động rẻ, cùng hoàn cảnh tuyệt vọng của nhiều di dân muốn tìm việc làm và cơ hội, để gởi tiền về cho gia đình.

 

 

Đã có các lời kêu gọi ngày càng nhiều về việc cải tổ hệ thống, do sự bóc lột và lạm dụng cũng như đánh đập lan rộng, đặc biệt dựa trên chủng tộc và phái tính.

 

 

Trong khi đó quyền của giới LGBTIQ + cũng là một vấn đề chính trước sự kiện này.

 

 

Đồng tính luyến ái là bất hợp pháp ở Qatar, nhưng ông Infantino đã kêu gọi người hâm mộ LGBTIQ + nên tham dự giải đấu.

 

 

Cờ cầu vồng sẽ được phép trưng bày bên trong các sân vận động và ban tổ chức đã hứa hẹn về sự an toàn cho các khán giả đồng tính.

 

 

Tuy nhiên, câu lạc bộ thể thao LGBTIQ + lớn nhất của Úc là câu lạc bộ bóng đá Sydney Rangers cho biết, hầu hết các thành viên của họ không sẵn sàng tham dự.

 

 

Chris Hicks, một cựu cầu thủ của câu lạc bộ và là thành viên ủy ban của họ không tin rằng, Qatar sẽ thực sự chấp nhận những người hâm mộ thể thao đồng tính tại sự kiện này.

 

hris Hicks nói “Họ chỉ đang đánh lừa mọi người, trừ khi có sự thay đổi lâu dài hơn, họ chỉ đang nói chuyện bằng cái miệng mà thôi”.

 

 

Trong khi đó ông Beau Newell, Giám đốc chương trình quốc gia tại ‘Pride in Sport’ nói với SBS rằng, trong khi mong đợi các quốc gia như Qatar thay đổi là một điều hơi ngây thơ, thế giới vẫn nên đặt câu hỏi khi một quốc gia có đạo luật ghê tởm về tình dục, lại tổ chức một giải đấu như World Cup .

 

 

Đức là một trong những đội nêu rõ những vấn đề này trong vòng loại của họ, khi mặc bộ đồng phục có ghi hàng chữ 'Nhân quyền'.

 

 

Trong khi đó, Đan Mạch cho biết các chuẩn bị cho sự kiện này sẽ bao gồm các thông điệp chỉ trích Qatar.

 

 

Trận khai mạc World Cup sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 11 năm sau, trên sân vận động Al Bayt có sức chứa 60 ngàn người.

 

 

Mười hai quốc gia đã đặt vé đến Qatar, còn nhiều quốc gia khác sẽ theo dõi.

 

 

Đội tuyển Socceroos của Úc vẫn chưa đủ điều kiện để qua khỏi vòng loại của giải đấu.