Một chuyên gia cho biết trẻ em thế hệ Beta sẽ có khả năng rất thành thạo về công nghệ, nhưng, cũng sẽ chịu tác động của biến đổi khí hậu. (Ảnh: SBS )
THẾ GIỚI - Những em bé chào đời trong năm 2025 sẽ đại diện cho một thế hệ hoàn toàn mới – Thế hệ Beta (Gen Beta).
Gen Beta là thế hệ tiếp nối Gen Alpha và bao gồm những người sinh từ năm 2025 đến 2039.
Dự kiến thế hệ này sẽ chiếm 16% dân số thế giới. Nhiều người trong số đó có thể sống đủ lâu để chứng kiến sự khởi đầu của thế kỷ 22.
Khác với Gen Z, thế hệ lớn lên trong giai đoạn chuyển đổi sang thời đại kỹ thuật số, Gen Beta được định hình bởi một thế giới nơi công nghệ hoàn toàn tích hợp vào cuộc sống hàng ngày, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí thông minh nhân tạo (AI).
Vì vậy, trẻ em Gen Beta được kỳ vọng sẽ sở hữu trình độ hiểu biết vượt trội về công nghệ.
Tuy nhiên, thế hệ này cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức mang tính sinh tồn, đặc biệt là các hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Thế hệ Beta sẽ lớn lên trong một thế giới hoàn toàn tích hợp với công nghệ. Nguồn: Getty / Riccardo Milani
Thay đổi lớn nhất của Gen Beta là gì?
Theo ông Lucas Walsh, giám đốc Trung tâm Chính sách Thanh niên và Giáo dục Monash, một trong những đặc điểm nổi bật của giới trẻ hiện nay là sự mất niềm tin vào các thể chế truyền thống.
Ông nói, “Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến giới trẻ bày tỏ sự lo ngại và chỉ trích đối với các thể chế chính trị hiện hành.”
Nguyên nhân chính bắt nguồn từ nhận thức rằng hạ tầng cơ sở xã hội được xây dựng bởi các thế hệ trước có thể không còn phù hợp hoặc thậm chí gây bất lợi cho người trẻ.
Ông nói, “Hệ thống này nói rằng nếu bạn có bằng cấp tốt, bạn sẽ có công việc ổn định, rồi có thể mua nhà và lập gia đình,”
“Không còn lựa chọn nào khác. Điều đó khiến người ta tự hỏi ai đã đặt ra luật chơi này?”
Một số ý kiến cho rằng các thế hệ trước có nhiều điểm tương đồng hơn so với các thế hệ của thế kỷ 21, vốn thay đổi nhanh chóng trước khi người ta kịp định nghĩa rõ ràng về chúng.
Nhưng ông Walsh không đồng tình với ý kiến này. Ông nói, “Sự cá nhân hóa và phân mảnh xã hội là một xu hướng dài hạn, xuất hiện từ cuối những năm 1970 và 1980. Những khác biệt giữa các thế hệ mà chúng ta thấy hiện nay có thể chỉ là một phần của xu hướng cá nhân hóa đó.”
Trong khi đó, ông Dan Woodman, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Melbourne, nhấn mạnh rằng tác động của sự mất niềm tin vào các thể chế truyền thống vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Ông nhận định, “Gen Beta ra đời trong một thế giới mà niềm tin vào các thể chế từng định hình cả thế hệ và thậm chí cả thế kỷ đang bị lung lay,”
“Điều đó sẽ mang đến những thay đổi thú vị.”