Người dân trên đường phố Tokyo hôm 8/4, ít hơn bình thường sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. Ảnh: Reuters.

 

 

Nhật báo cáo thêm 455 ca nhiễm nCoV, mức tăng cao nhất ở nước này, một ngày sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, nâng tổng số lên gần 4,900.

 

Bộ Y tế Nhật Bản hôm qua cho biết trong gần 4,900 ca, ít nhất 102 người đã chết. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới vượt mức 400 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.  

 

Thủ đô Tokyo, nơi ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước, xác nhận thêm 144 ca nhiễm, cao hơn kỷ lục ca nhiễm mới 143 hôm 5/4. Chính quyền Tokyo cho biết 95 trường hợp chưa thể xác định đường lây nhiễm. Tokyo hiện ghi nhận 1,338 ca nhiễm, trong đó 1,112 người phải nhập viện và 31 trường hợp đã tử vong.

 

Tỉnh Kanagawa lân cận cũng báo cáo 43 ca nhiễm mới, đánh dấu mức tăng hàng ngày cao nhất.

 

Số liệu đáng lo ngại được công bố chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại Tokyo, Osaka và 5 tỉnh khác để ngăn Covid-19 lan rộng. Ông Abe kêu gọi giảm tiếp xúc giữa người với người 70-80% trong một tháng để hạn chế lây nhiễm.  

 

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, người đi làm vẫn chật cứng trong các chuyến tàu ở Tokyo. Cảnh tượng nhộn nhịp ở Tokyo hoàn toàn tương phản với châu Âu, nơi cảnh sát tuần tra đường phố và sử dụng máy bay không người lái để giám sát các biện pháp cách biệt cộng đồng. Tại Pháp, người dân thậm chí phải được cấp phép để ra ngoài và có thể bị phạt nặng nếu vi phạm quy tắc.

 

Chính phủ Nhật đang hứng chịu nhiều chỉ trích vì hành động chậm chạp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhật Bản mới chỉ xét nghiệm nCoV cho gần 45.000 người trong tổng số 125 triệu dân, rất nhỏ so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều chuyên gia lo ngại khi dịch bệnh lây lan nhanh tại quốc gia có dân số già như Nhật Bản, cái giá phải trả sẽ rất đắt.  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Covid-19: Kế hoạch “liều lĩnh" của Áo, Đan Mạch và CH Czech