Ảnh từ Bộ Ngoại giao Mỹ, chụp màn hình video Youtube của NYPost, Reuters.
Mỹ chỉ trích Tập Cận Bình chỉ biết hứa suông ở Biển Đông
Trong một động thái hiếm hoi Mỹ đã chỉ đích danh Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ hứa suông ở Biển Đông.
Cụ thể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus trong thông cáo báo chí hôm 27/9 đã tuyên bố:
Năm năm trước, vào ngày 25/9/2015, tại Vườn Hồng của Toà Bạch Ốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã dõng dạc tuyên bố “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa” quần đảo Trường Sa, và các tiền đồn của Trung Quốc sẽ không “nhắm mục tiêu hay tác động đến bất kỳ quốc gia nào”.
“Tuy nhiên, [trái với tuyên bố của ông Tập] Trung Quốc đã theo đuổi một chiến dịch quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp một cách liều lĩnh và mang tính khiêu khích, họ đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm, tăng cường khả năng tình báo điện tử và radar quân sự, xây dựng hàng chục kho chứa chiến đấu cơ cùng các đường băng tương thích với máy bay chiến đấu”.
Donald Trump Jr kêu gọi truyền thông điều tra vụ Hunter Biden nhận tiền từ phu nhân thị trưởng Moscow
Con trai Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump, ông Donald Trump Jr. hôm 27/9 đã lên Twitter kêu gọi các phương tiện truyền thông điều tra vụ bà góa phụ cựu thị trưởng thành phố Moscow chuyển khoản 3,5 triệu đô la cho Hunter Biden, con trai vị cựu phó Tổng thống Joe Biden hồi ông còn đương chức vào năm 2014.
“Hunter Biden đã nhận được một khoản chuyển khoản 3,5 triệu USD từ Elena Baturina, nữ góa phụ tỉ phú của Yury Luzhkov, cựu thị trưởng Moscow, một cộng sự của Putin. Các “nhà báo” dũng cảm của chúng ta nay đang ở đâu khi ở đây đang có một mối liên hệ thực sự với Nga?”, Trump Jr. viết trên Twitter.
Vụ việc này được đề cập trong một báo cáo 87 trang từ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Thượng viện hồi tuần trước.
Bình luận của cậu Trump Jr được đưa ra sau khi tờ New York Times vừa công bố báo cáo cáo buộc ông Trump né tránh nộp thuế trong 10 năm qua. Ông Trump đã gọi báo cáo này là một ví dụ khác về tin giả.
Bà Merkel đến bệnh viện thăm ông Navalny
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny trong lúc ông được điều trị tại một bệnh viện ở Berlin vì bị đầu độc, Reuters dẫn nguồn từ trang tin Đức Der Spiegel.
Không trích dẫn nguồn, Spiegel nói rằng bà Merkel đã đến thăm ông Navalny tại bệnh viện Charite, nơi nhà phê bình Điện Kremlin đã được điều trị trong 32 ngày, sau khi ông được không vận từ Nga đến Berlin điều trị hồi tháng trước. Đại diện phát ngôn của bà Merlel từ chối bình luận về báo cáo của Spiegel.
Chính phủ Đức cho biết, các cuộc kiểm tra ở Đức, Pháp và Thụy Điển đã xác định ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok và yêu cầu Kremlin giải thích. Moscow phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào đến vụ việc.
Tòa án Mỹ chặn lệnh cấm TikTok của TT Trump
Theo The Verge, Thẩm phán liên bang Mỹ đã chặn lệnh cấm tải xuống ứng dụng video TikTok do chính quyền Trump ban hành, vài giờ trước khi lệnh có hiệu lực vào hôm Chủ nhật vừa qua (27/9).
Thẩm phán Tòa án Liên bang Quận Columbia Carl Nicholas hôm qua đã ra phán quyết tạm thời chặn lệnh cấm tải xuống theo yêu cầu của TikTok, đồng nghĩa ứng dụng này vẫn có thể hoạt động mà không bị gián đoạn ít nhất cho đến khi diễn ra phiên tòa đầy đủ. Tòa chưa công bố lý do đi đến quyết định này của thẩm phán Nicholas. Thời gian diễn ra phiên tòa đầy đủ cũng chưa được ấn định.
Ảnh: Reuters
Phán quyết được đưa ra sau khi TikTok hồi tuần trước đệ đơn yêu cầu thẩm phán ra một phán quyết sơ bộ chặn lệnh cấm mới của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong đó buộc Apple và Google gỡ ứng dụng chia sẻ video ngắn này khỏi kho ứng dụng ở Mỹ, đồng thời ngăn chặn những người đang dùng TikTok cập nhật phần mềm, bắt đầu từ Chủ nhật vừa rồi.
Chính quyền Trump lên án TikTok thu thập dữ liệu người dùng Mỹ, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Đài Loan cảm ơn EU vì chiến thắng hiếm hoi trong tranh chấp về cái tên
Đài Loan hôm thứ Hai (28/9) đã cảm ơn Liên minh châu Âu (EU) khi khối này đã tác động đến một tổ chức liên minh các thị trưởng toàn cầu, khiến tổ chức này chấm dứt việc gọi các thành phố ở Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Đây là một chiến thắng hiếm hoi cho hòn đảo giữa bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, theo Reuters.
Trung Quốc từ lâu đã tăng cường nỗ lực buộc các tổ chức và công ty quốc tế đề cập đến Đài Loan như một phần của Trung Quốc trên website và tài liệu chính thức của họ, trước sự phẫn nộ của chính phủ Đài Loan và nhiều người dân hòn đảo này.
Đài Loan đã bày tỏ sự bất bình sau khi Tổ chức Hiệp ước các Thị trưởng toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng (GCoM) có trụ sở tại Brussels bắt đầu liệt kê trên trang web 6 thành phố của Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Thị trưởng 6 thành phố này đã viết thư ngỏ kêu gọi GCoM đổi trở lại cách gọi cũ.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết sau đó, GCoM đã hoàn nguyên tên gọi ban đầu của các thành phố là một phần của Đài Bắc Trung Hoa (Chinese Taipei), đây là cách gọi tên mà Đài Loan đã sử dụng trong một số cơ quan quốc tế như Olympics để tránh việc Bắc Kinh phản đối sự tham gia của hòn đảo.
Armenia-Azerbaijan đụng độ khiến ít nhất 16 người thiệt mạng
Theo tin từ Reuters, ít nhất 16 quân nhân và một vài thường dân đã thiệt mạng vào hôm Chủ nhật trong cuộc đụng độ nặng nề nhất giữa Armenia và Azerbaijan kể từ năm 2016, dấy lên lo ngại về sự ổn định khu vực phía Nam dãy Caucasus, một hành lang gắn các đường ống vận chuyển dầu và khí đốt đến thị trường thế giới.
Các cuộc đụng độ giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cũng từng xảy ra chiến tranh vào những năm 1990, là đợt bùng phát mới nhất cho một cuộc xung đột sắc tộc và biên giới kéo dài tại Nagorno-Karabakh, một khu vực ly khai nằm trong Azerbaijan nhưng do người thiểu số Armenians quản lý.
Một chiếc xe bọc thép Azerbaijan bị phá hủy ở Nagorno-Karabakh (ảnh: Reuters).
(Theo dkn.tv)