Tàu khu trục HMAS Hobart, khinh hạm HMAS Arunta, tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra, tàu bổ sung hạm đội HMAS Sirius, tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam, tàu khu trục JS Teruzuki và tàu hơi nước HMAS Stuart. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ).
Thậm chí kịch bản được Mỹ sử dụng trong cuộc tập trận tại Biển Đông đã “đánh tiếng” rằng họ biết và có thể ngăn chặn “con át chủ bài” của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Tetsuro Kosaka trên Nikkei ngày 19/9, từ tháng 7 đến tháng 9, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông. Trong khi thế giới theo dõi sát sao những căng thẳng gia tăng, các chuyên gia quân sự đang phân tích bản chất của các cuộc tập trận tay đôi, bởi việc quan sát kỹ lưỡng các khóa huấn luyện quân sự này sẽ giúp tìm hiểu cách họ có khả năng hành động nếu một cuộc đụng độ thực sự xảy ra.
Chủ đề tập trận của Trung Quốc là “phân tán sự chú ý của đối phương khỏi mục tiêu”
Tại Hoa Nam, Hoa Đông và biển Hoàng Hải, cũng như dọc theo đường biên giới không đánh dấu giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã huy động lực lượng đồng thời trên cả 4 mặt trận.
Xung quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Nam, tiền thân là Quân khu Quảng Châu – cơ quan giám sát các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không ở miền Nam Trung Quốc và Biển Đông – đã tiến hành các cuộc tập trận trong khoảng thời gian từ ngày 1/7 đến ngày 5/7. Đồng thời, các cuộc tập trận được tổ chức tại biển Hoàng Hải bởi Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Bắc, nơi giám sát miền Bắc Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên. Ở Biển Hoa Đông, Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Đông quanh Nhật Bản, Đài Loan đã tiến hành khóa huấn luyện của họ.
Điều này xảy ra đồng thời khi Bắc Kinh đang tham gia vào một cuộc đối đầu thực tế với Ấn Độ trên dãy Himalaya.
Việc huấn luyện đồng thời cả 4 mặt trận ám chỉ đến một đoạn trong sách quân sự Trung Quốc. Vào đầu những năm 1950, khi ĐCSTQ thôn tính Tây Tạng, đó là để chống lại bối cảnh nó can thiệp vào cuộc chiến Triều Tiên. Tên của chiến thuật này là gì? Đó gọi là “phân tán sự chú ý của đối phương khỏi mục tiêu”.
Các quan chức an ninh Nhật Bản lo lắng về khả năng Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới đến một khu vực trong khi âm thầm thực hiện các mục tiêu chiến lược ở nơi khác.
Cuộc tập trận của Mỹ ‘đánh tiếng’ rằng họ đã biết và có thể ngăn chặn ‘át chủ bài’ của Trung Quốc
Trong khi đó, khi mà Trung Quốc đang mài giũa kỹ năng đánh lạc hướng của mình, thì Mỹ lại không bị đánh lạc hướng. Họ đã điều các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan vào lòng Biển Đông cho cuộc tập trận quân sự lớn đầu tiên của Mỹ ở đó trong vòng tám năm.
Một cựu quan chức tình báo cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: “Việc triển khai hai tàu sân bay có ý nghĩa khác với một cuộc tập trận trên một tàu sân bay”.
Với một tàu sân bay duy nhất, thì một cuộc tấn công của kẻ thù có thể làm sàn đáp trên tàu sân bay không sử dụng được, sẽ khiến máy bay chiến đấu không có chỗ để hạ cánh. Điều này cho thấy Mỹ đang mô phỏng các điều kiện khắc nghiệt hơn tương tự như một cuộc thực chiến.
Việc Washington lựa chọn Biển Đông cho cuộc tập trận liên quan đến việc Trung Quốc có thể triển khai phương án cuối cùng: tàu ngầm chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Theo giả thuyết, nếu xung đột hạt nhân nổ ra, Washington sẽ có thể ngần ngại khi tấn công vào tử huyệt của Trung Quốc, trong trường hợp Bắc Kinh duy trì khả năng tấn công này.
Để bảo vệ con át chủ bài cuối cùng này, Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và củng cố hệ thống phòng thủ của họ bằng tên lửa và máy bay chiến đấu
Nhưng mặt khác, nếu Mỹ có thể vô hiệu hóa SLBM, thì điều đó có thể làm suy yếu đáng kể vị thế của Bắc Kinh – dù trong thời chiến hay thời bình.
Dựa trên các cuộc tập trận hồi tháng 7, kịch bản của Washington là sử dụng máy bay tác chiến trên tàu sân bay và các lực lượng khác để phá hủy các đảo nhân tạo – một mục tiêu đứng yên – khiến các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc phải lộ diện. Các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân SLBM của Mỹ, hai trong số đó thường được triển khai với từng tàu sân bay, sau đó sẽ di chuyển đến mục tiêu để tung đòn kết liễu.
Một động thái từ phía Mỹ hồi giữa tháng 8 đã củng cố ý tưởng này. Đài phát thanh do chính phủ Mỹ tài trợ – Đài Á Châu Tự Do – bất ngờ đăng trên mạng xã hội một bức ảnh vệ tinh từ một công ty Mỹ, cho thấy lối vào của một căn cứ tàu ngầm Trung Quốc trên đảo Hải Nam, một cảng tại nhà chờ cho lực lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc.
Điều này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Nếu xung đột nổ ra, các lực lượng Mỹ có thể khiến các tàu ngầm của Trung Quốc không còn nơi nào để chạy.
Bắc Kinh dường như rất tức giận nên lại tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông vào cuối tháng 8. Nước này đã phóng một số tên lửa vào ngày 26/8, trong đó có ít nhất một tên lửa Đông Phong – 26, tên lửa tầm trung có biệt danh là “sát thủ đảo Guam” được cho là chính xác đáng kể, và một Đông Phong -21D.
Nhưng trong khi tên lửa tầm trung Đông Phong -21D được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, thì vẫn còn câu hỏi về độ chính xác của nó. Nếu Mỹ có xóa sổ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, thì ngay cả khi Bắc Kinh trả đũa bằng một cuộc tấn công vào đảo Guam, các tàu trang bị đầu đạn của Mỹ vẫn sẽ an toàn trong vùng biển mà lực lượng Trung Quốc không thể tiếp cận một cách hiệu quả.
Các cuộc tập trận tay đôi vào mùa hè này chỉ ra rằng về mặt chiến lược, Mỹ vẫn đang có lợi thế – ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Nhưng Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục né tránh các cuộc đàm phán kiểm soát vũ trang giữa Mỹ và Nga, trong khi tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tàu hải quân trong thời gian dài nhằm nỗ lực đánh trả.
Theo Tetsuro Kosaka, Nikkei
Hương Thảo biên dịch
(DKN.TV)