Người dân tản bộ trước Nhà thờ St. Basil và Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ ở Moscow vào ngày 16/03/2018. (Ảnh: Mladen Antonov/AFP qua Getty Images)
Trước đó, công ty có trụ sở tại Nga này đã bị cấm bán sản phẩm tại Hoa Kỳ.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 12 nhân viên giữ vai trò điều hành và lãnh đạo của công ty Kaspersky Lab, viện dẫn lý do “liên tục gây ra những rủi ro về an ninh mạng.”
Hôm 20/06, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cấm Kaspersky bán phần mềm chống virus cùng với các sản phẩm an ninh mạng khác tại Hoa Kỳ sau khi xác định công ty này phải chịu sự quản lý của chính phủ Nga, tức là buộc phải tuân thủ các yêu cầu về thông tin của Moscow.
Bộ Thương mại cho rằng điều đó có thể dẫn đến việc các thông tin cá nhân được lưu trữ trên các thiết bị cài phần mềm chống virus của công ty này rơi vào tay chính quyền Nga.
Ngày hôm sau, 21/06), theo một tuyên bố, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) thuộc Bộ Ngân khố công bố các biện pháp trừng phạt đối với 12 người giữ vai trò điều hành và lãnh đạo cấp cao của AO Kaspersky Lab.
Các cá nhân bị trừng phạt gồm có bốn thành viên ban giám đốc của Kaspersky, trong đó có giám đốc phát triển kinh doanh, giám đốc pháp lý, và giám đốc điều hành. Tổng giám đốc điều hành không bị trừng phạt.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết, “Từ sau quyết định ngày hôm nay, toàn bộ tài sản và lợi ích về tài sản của những người được nêu phía trên ở Hoa Kỳ hay thuộc sở hữu hoặc quản lý của những người Hoa Kỳ đều bị phong tỏa và phải báo cáo cho OFAC,”
“Ngoài ra, bất cứ tổ chức nào được sở hữu, một cách trực tiếp hay gián tiếp, sở hữu cá nhân hay chung cổ phần, từ 50% trở lên bởi một hoặc nhiều người bị cấm cũng sẽ bị phong tỏa.”
Các biện pháp trừng phạt không cho phép công dân Hoa Kỳ hay những người cư trú tại Hoa Kỳ tham gia vào bất cứ giao dịch nào liên quan đến tài sản của những người bị áp lệnh trừng phạt.
Các biện pháp mới nhất này được thực hiện theo Sắc Lệnh 14024, vốn cho phép xử phạt các cá nhân hoặc tổ chức được xác định là “đang giúp cho các hoạt động ngoại quốc gây hại đã được chỉ rõ của Liên bang Nga.”
Trong một tuyên bố hôm 22/06, Kaspersky gọi quyết định của Bộ Ngân khố là “không chính đáng và vô căn cứ,” và cho rằng quyết định này tiếp nối theo sau các phán quyết gần đây của chính phủ Hoa Kỳ dựa trên “môi trường địa chính trị hiện tại và những lo ngại không thực tế” thay vì đánh giá toàn diện về các sản phẩm của công ty này.
Công ty này cho biết, “Cả Kaspersky và đội ngũ quản lý của mình đều không liên quan với bất cứ chính phủ nào, và chúng tôi xem các cáo buộc do OFAC đưa ra là suy đoán thuần túy, vốn thiếu bằng chứng cụ thể về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ,”
“Không ai trong số các thành viên trong danh sách có bất cứ mối quan hệ nào với quân đội và cơ quan tình báo Nga hay có liên quan gì đến các mục tiêu tình báo mạng của chính phủ Nga.”
Thứ trưởng Bộ Ngân khố phụ trách khủng bố và tình báo tài chính Brian E. Nelson biện minh cho các biện pháp trừng phạt đối với ban lãnh đạo Kaspersky rằng các biện pháp này thể hiện cam kết của Bộ Ngân khố đối với việc duy trì tính toàn vẹn của miền mạng Hoa Kỳ và bảo vệ công dân khỏi “các mối đe dọa mạng độc hại.”
Ông Nelson cho biết: “Hoa Kỳ sẽ hành động khi cần thiết để buộc những người tìm cách tạo điều kiện hoặc cho phép các hoạt động này phải chịu trách nhiệm.”
(Epochtimes Việt ngữ; Tuệ Chân lược dịch)
(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)