Tính đến đầu giờ chiều, giờ GMT+7, ngày 7-5, cả thế giới đã có hơn 3,8 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19, hơn 265,000 ca tử vong và hơn 1,303 triệu ca hồi phục.
Thái Lan chỉ thêm 3 ca nhiễm mới
Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan ngày 7-5 cho biết nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 2.992 ca và vẫn là 55 ca tử vong.
Trong số các ca mới có 2 ca là 2 người đàn ông Thái Lan trở về từ Kazakhstan và đã được cách ly. Ca thứ 3 là một phụ nữ Thái (59 tuổi) sống tại tỉnh Yala.
rung tâm Quản lý tình hình COVID-19 cho biết hiện Thái Lan đã có đến 39 tỉnh không ghi nhận ca nhiễm mới suốt 28 ngày. Chính phủ Thái Lan cũng đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại trong tuần này sau nhiều tuần phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng cảnh báo chính phủ có thể tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nếu các doanh nghiệp ở lĩnh vực công lẫn tư nhân không tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Singapore vượt con số 20.000 người mắc
Bộ Y tế Singapore ngày 7-5 cho biết nước này ghi nhận thêm 741 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 cả nước lên 20.939 người. Hầu hết các ca nhiễm mới đều là người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể, chỉ có 5 ca mới là các thường trú nhân của đảo quốc này, theo Reuters.
Đại sứ EU ở Trung Quốc: căng thẳng Mỹ - Trung không giúp ích cho cuộc chiến chống COVID-19
Ông Nicolas Chapuis - đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh, Trung Quốc - cho biết leo thang căng thẳng Mỹ - Trung Quốc là một vấn đề và làm suy yếu sự hợp tác đa quốc gia cần thiết để ứng phó với đại dịch COVID-19 hiện nay, theo Hãng tin Reuters.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn ngày 7-5, ông Chapuis nói Trung Quốc đang đứng ở một vị trí độc nhất có thể giúp giảm bớt căng thẳng và đẩy mạnh các cải cách kinh tế của nước này hơn nữa nhằm tránh phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Chapuis cũng cho rằng tiếng nói của EU hiện nay là "cần thiết hơn bao giờ hết". "Chúng tôi là cốt lõi của các giải pháp đa phương cần thiết để làm dịu đi cuộc khủng hoảng COVID-19 và chuẩn bị cho sự hồi phục kinh tế" - đại sứ Chapuis nhấn mạnh.
Nhiều nước khan hiếm thành phần bào chế dược phẩm
Cùng với tình trạng gián đoạn nguồn cung lớn, các lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm chống dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 trên thế giới đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung một số thành phần để bào chế thuốc tại một số nước trên thế giới.
Báo cáo công bố ngày 6-5 của Liên Hiệp Quốc lấy dẫn chứng về sự thiếu hụt chất heroin, thành phần để bào chế một số loại thuốc, có thể dẫn đến việc sử dụng các chất có hại được sản xuất trong nước để thay thế. Hậu quả nghiêm trọng hơn của tình trạng thiếu thành phần này có thể dẫn đến việc tiêm ma túy, sử dụng thiết bị tiêm chích chung và các dụng cụ dùng thuốc khác, làm tăng nguy cơ truyền bệnh qua đường máu.
Theo báo cáo của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc, những số liệu thống kê từ nhiều nước chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt thành phần heroin để sản xuất thuốc chủ yếu do khó khăn trong nhập khẩu hoặc bị cản trở do các lệnh phong tỏa giữa các nước, đặc biệt tại châu Âu, Đông Nam Á và Bắc Mỹ.
Cơ quan trên cũng cảnh báo dịch bệnh COVID-19 có thể "mở ra những cơ hội mới" cho các tổ chức buôn lậu và tội phạm có tổ chức trong việc vận chuyển và buôn bán thành phần bào chế thuốc gây nghiện này.