Một nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty Trung Quốc đang tích cực mua đất ở khu vực châu Á và châu Phi, với ước tính rằng họ đã mua gần 6,5 triệu héc-ta đất trên khắp thế giới trong 10 năm qua.

 

 

 

Theo Nikkei, tổng diện tích đất mà các công ty Trung Quốc đã thâu tóm trong thập niên vừa qua có thể ngang bằng với diện tích của Sri Lanka hoặc Lithuania và lớn hơn nhiều so với lượng đất mà các doanh nghiệp từ Mỹ và các nước giàu khác thu mua.

 

 

Các mối lo ngại được xem là đang gia tăng tại các nước đang phát triển liên quan tới việc các nguồn cung về thực phẩm hay tài nguyên thiên nhiên có thể rơi vào tay các công ty Trung Quốc. Theo Nikkei, điều này cũng có thể gây ra tác động về mặt an ninh.

 

 

Giáo sư Hideki Hirano từ Đại học Himeji của Nhật Bản cảnh báo rằng “các quy định nên được siết chặt để ngăn chặn việc thâu tóm đất đai một cách không thể kiểm soát”.

 

 

 

Tổng cộng, theo Land Matrix, một doanh nghiệp châu Âu chuyên theo dõi tình hình đất đai thế giới, các công ty Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát 6,48 triệu héc-ta đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác mỏ trên thế giới từ năm 2011 tới năm 2020. Con số này áp đảo so với các nước khác như Anh (1,56 triệu héc-ta), Mỹ (860.000 héc ta) và Nhật Bản (420.000 héc ta).

 

 

 

 

Trong 10 năm qua, các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh việc thâu tóm hàng triệu héc-ta đất nông nghiệp, khai mỏ trên khắp thế giới (Ảnh minh họa: Mining)

 

 

 

 

Các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh thâu tóm đất ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa bùng nổ ở trong nước. Việc mua đất như vậy giúp họ có thể tiếp cận ổn định vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhất là khi nguồn cung trên thế giới bị thắt chặt hơn.

 

 

 

Các công ty này cũng tích cực mua thêm nhiều các đất khai mỏ. Công ty Minmetals đầu tư 280 triệu USD vào Tanzania ở châu Phi hồi năm 2019. Trong khi đó, China Non-Ferrous Metal Mining cũng đổ 730 triệu USD vào hoạt động khai thác ở Guinea vào năm 2020. Các khoản đầu tư này được cho là nhằm tiếp cận với các khoáng sản để sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm sản xuất pin cho xe điện.

 

 

Giới chuyên gia cảnh báo các nước cần thận trọng với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Trước đó, đã có các tranh cãi rằng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc tạo ra “bẫy nợ” cho các nước mà họ đầu tư. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc này.

 

 

Trước tình hình này, một số quốc gia cũng đã cảnh giác với các hoạt động mua bán đất từ các công ty nước ngoài.

 

 

Hồi tháng 6, Nhật Bản đã thông qua luật mới nhằm siết chặt quy định về việc mua và sử dụng đất có tác động quan trọng tới an ninh quốc gia. Đạo luật này được cho nhằm vào Trung Quốc để ngăn những thỏa thuận mua đất mà Tokyo cho là “khả nghi”. Ví dụ, trước đó, Nhật Bản phát hiện một số doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu đất gần căn cứ quân sự của Nhật Bản ở Chitose, Hokkaido.

 

 

Ngoài ra, theo Nikkei, phía chính phủ Nhật Bản cũng đang chú ý tới những trường hợp mà đất thuộc sở hữu danh nghĩa của công dân Nhật Bản, nhưng lại có các thực thể Trung Quốc đứng sau.