Ngày 17/11, các quốc gia trong nhóm Bộ Tứ gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân Malabar giai đoạn 2 ở biển Arab, với sự tham gia của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay và các tàu chiến khác.
Ấn Độ sẽ triển khai tàu sân bay duy nhất của nước này INS Vikramaditya 44,500 tấn tham gia cuộc tập trận giai đoạn 2. (Nguồn: India Strategic)
Theo mạng Times of India, Ấn Độ sẽ triển khai tàu sân bay duy nhất của nước này INS Vikramaditya 44,500 tấn chở theo máy bay chiến đấu MiG-29K, trong khi Mỹ huy động tàu sân bay USS Nimitz hơn 100,000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân tham gia cuộc tập trận kéo dài 4 ngày.
Tổng cộng sẽ có khoảng 12 tàu chiến và hàng chục máy bay được triển khai tham gia các cuộc diễn tập chiến đấu.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước nhóm Bộ Tứ đang đẩy mạnh việc bảo vệ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuyên bố ngày 16/11 của Hải quân Ấn Độ nêu rõ, giai đoạn này sẽ chứng kiến các hoạt động chung, xoay quanh Nhóm tàu sân bay chiến đấu Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ và Nhóm tàu sân bay tấn công Nimitz của Hải quân Mỹ.
Hai tàu sân bay này, cùng với các tàu khác, tàu ngầm và máy bay của các lực lượng hải quân tham gia, sẽ tiến hành các hoạt động hải quân cường độ cao trong hơn 4 ngày, trong đó có đáp máy bay lên tàu của nhau, phòng không nâng cao của máy bay chiến đấu MiG-29K từ tàu Vikramaditya và F-18, máy bay cảnh báo sớm E2C Hawkeye từ tàu Nimitz.
Ngoài ra, các bên cũng tiến hành diễn tập tác chiến mặt nước và chống ngầm nâng cao, điều khiển tàu và khai hỏa vũ khí, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phối hợp tác chiến giữa hải quân 4 nước.
Giai đoạn một của cuộc tập trận Malabar được tổ chức trong tuần đầu tiên của tháng 11 tại Vịnh Bengal. Giai đoạn 2, với sự tham gia của các tàu sân bay, sẽ lớn hơn nhiều về quy mô lực lượng và độ phức tạp.
Các quốc gia nhóm Bộ Tứ đã tuyên bố rõ rằng, cuộc tập trận này thể hiện sức mạnh tổng hợp và khả năng phối hợp mức độ cao giữa các lực lượng hải quân thân thiện của 4 nước, vốn dựa trên các giá trị và cam kết chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.