Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol (P) tiếp thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Văn phòng tổng thống, Seoul, Nam Hàn, ngày 06/09/2024. via REUTERS - Lee Jin-man
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm ngày 06/09/2024, hội đàm với tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk-yeol, tại thủ đô Seoul, Nam Hàn, trong chuyến thăm hai ngày, nhằm tăng cường quan hệ song phương. Hai bên cũng thảo luận về tình hình an ninh quốc gia, trong bối cảnh đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Hàn ngày càng gia tăng.
Theo hãng tin Yonhap, Thủ tướng Kishida và tổng thống Yoon nhất trí “duy trì động lực tích cực” từ mối quan hệ đã được cải thiện, vượt qua các bất đồng liên quan đến lịch sử, bất kể việc thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản. Đây sẽ là chuyến thăm cuối cùng của ông Kishida tới Nam Hàn với tư cách thủ tướng, do ông đã từ bỏ ý định tái tranh cử làm thủ tướng và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, sau ba năm đảm nhiệm vị trí này.
Lãnh đạo hai nước cũng cam kết “tăng cường phối hợp giữa hai quốc gia để ứng phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng từ Bắc Hàn, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ quân sự ngày càng gia tăng của nước này với Nga”.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Nam Hàn vốn nguội lạnh trong nhiều thập niên do tranh chấp ngoại giao và thương mại, cũng như việc Nhật Bản chiếm đóng Nam Hàn từ năm 1910 đến 1945. Tuy nhiên, theo Reuters, với nỗ lực hàn gắn từ Hoa Kỳ, hai nước Bắc Á đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây.
Bà Karoline Postel-Vinay giám đốc trung tâm nghiên cứu về Á châu, Ceri, thuộc đại học Sciences Po, trả lời RFI Pháp ngữ, cho rằng những tranh chấp giữa Nhật-Hàn chỉ là thứ yếu, khi mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Bà giải thích: “Vấn đề về an ninh là điều hiển nhiên mà hai nước đều quan tâm. Thêm vào đó, tổng thống đương nhiệm của Nam Hàn, ông Yoon Suk-yeol cởi mở hơn với việc xích gần lại Nhật Bản. Tôi cho rằng tình hình hiện nay, là Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ ba bên Nhật-Hàn-Mỹ. Ngoài ra, tổng thống Yoon khá thân Mỹ, và điều này không phải là thường thấy ở Nam Hàn. Nhật Bản thì vẫn luôn thân Mỹ nhưng không muốn thể hiện là quá đối đầu với Trung Quốc, bởi vì Nhật quá gần với Trung Quốc về mặt địa lý. Ngoài ra còn có một vấn đề khác là Nhật không muốn lao vào một cuộc xung đột quá bạo lực, môt cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc, ví dụ như là tình huống phải làm gì nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan? Đó là những vấn đề ngày càng đáng lo ngại khi là một láng giềng của Bắc Kinh.”
(Theo RFI Việt ngữ)