Chatbot trí tuệ nhân tạo của Google – Gemini
Chiến dịch quảng cáo Thế vận hội của Google “Dear Sydney” đang nhận những phản ứng gay gay của nhiều người.
“Dear Sydney” là một chiến dịch quảng cáo mới được Google tung ra vào cuối tháng vừa qua nhằm cổ động cho đội tuyển Mỹ tại đấu trường Olympic Paris 2024. Đoạn quảng cáo xoay quanh những nỗ lực của một người cha trên hành trình giúp con gái của mình có thể vươn tới ước mơ.
Quảng cáo ghi lại cảnh tập luyện của một cô bé vốn vô cùng hâm mộ ngôi sao điền kinh Sydney McLaughlin-Levrone và đang nỗ lực để có thể trở thành thần tượng trong tương lai. Người cha sau khi quan sát cô con gái đã nhờ công cụ AI của Google giúp cô bé viết một bức thư thể hiện tình yêu với ngôi sao mà cô bé yêu mến. Bức thư mở đầu với dòng "Dear Sydney" và trong đó có cả kế hoạch phá kỷ lục thế giới của cô bé.
Quảng cáo chứng minh khả năng tạo ra văn bản ngày càng giống con người của công cụ AI Gemini của Google. Tuy nhiên, nó đã vấp phải làn sóng chỉ trích vô cùng mạnh mẽ từ phía người xem. Hàng chục bài đăng trên các nền tảng xã hội Threads, X, LinkedIn đặt câu hỏi: Tại sao lại muốn thay thế sự sáng tạo và cách diễn đạt chân thực của trẻ em bằng những từ ngữ do máy tính viết ra?
Will Leitch, tác giả và người sáng lập blog thể thao Deadspin, cho biết trên nền tẳng X, rằng "Trong quảng cáo của Google, người cha yêu cầu con gái sử dụng AI để tạo một bức thư gửi cho vận động viên yêu thích thay vì khuyến khích cô bé viết những gì cô bé thực sự muốn nói. Điều này khiến tôi cảm thấy hụt hẫng",
"Những người sáng tạo ra đoạn quảng cáo này đã khiến sự sáng tạo không còn", một người khác nói trên Threads. Tài khoản này gọi quảng cáo AI là "đáng xấu hổ".
Trong thông tin phản hồi, phát ngôn nhân của Google cho biết "chúng tôi tin rằng AI có thể là một công cụ tuyệt vời để nâng cao khả năng sáng tạo của con người nhưng không bao giờ có thể thay thế nó".
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một câu chuyện chân thực tôn vinh đội tuyển Mỹ. Đoạn quảng cáo kể về câu chuyện giữa cô bé đam mê điền kinh ngoài đời thực và cha mình, đồng thời cho thấy ứng dụng Gemini có thể cung cấp điểm khởi đầu, ý tưởng khởi đầu hoặc bản thảo ban đầu cho những ai đang tìm kiếm ý tưởng cho bài viết của mình", Google nói thêm.
Trang CNN bình luận, phản ứng gay gắt lần này của công chúng thêm một lần nữa nhấn mạnh nỗi sợ hãi về trí tuệ nhân tạo, khi công nghệ này ngày càng thâm nhập vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Các công ty công nghệ hứa hẹn AI sẽ giúp cuộc sống của con người dễ dàng hơn khi những việc nhỏ nhặt được giải phóng nhưng nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo hiện nay đã làm cả những công việc vốn đòi hỏi tính sáng tạo cao của con người như sáng tác âm nhạc và truyện hay viết tác phẩm nghệ thuật.
Shelly Palmer, giáo sư truyền thông tại Trường Truyền thông Công cộng S.I. Newhouse thuộc Đại học Syracuse, cho biết "Tôi hoàn toàn phản đối tương lai mà Google đang quảng cáo",
"Tôi muốn sống trong một thế giới đa dạng về văn hóa, nơi hàng tỷ cá nhân sử dụng AI để khuếch đại các kỹ năng của con người, chứ không phải trong một thế giới mà chúng ta bị AI lợi dụng để giả vờ là con người".
Apple cũng phải đối mặt với phản ứng dữ dội tương tự vào đầu năm nay khi ra mắt quảng cáo cho thấy các biểu tượng của sự sáng tạo như lon sơn, nhạc cụ, tượng bán thân điêu khắc bị nghiền nát bởi một máy ép thủy lực khổng lồ và thay thế bằng iPad Pro, theo giai điệu bài hát "All I Need Is You" của ca sỹ Cher. Apple đã nhanh chóng xin lỗi vì quảng cáo này.