Ngoại trưởng hai nước Trung Quốc và Ý hội đàm tại Rome hôm 25/8 (ảnh: Reuters).

 

 

 

 

Khi Ý buông bỏ chính sách tăng cường quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc, người đồng cấp Ý Luigi Di Maio trong buổi hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với vấn đề Hồng Kông, theo tờ formiche.

 

 

Khi các quốc gia châu Âu ngày càng hoài nghi về mối quan hệ của họ với Trung Quốc vì vấn nạn nhân quyền, cạnh tranh bất bình đẳng và gián điệp, ngoại trưởng Vương Nghị đã tới châu Âu để rà soát lại các mối quan hệ đối tác.

 

 

Hôm thứ Ba (25/8) ông Vương đã gặp Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio – đại diện cho những nhân vật từng khá thân Bắc Kinh trong chính quyền Ý, mặc dù nước này gần đây đã thay đổi lập trường, quay lại tái lập mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, như có thể thấy trong bài phát biểu của chính ông trong cuộc họp báo sau buổi hội đàm.

 

 

“Mối quan hệ trong liên minh EU và NATO của chúng tôi đang vững chắc hơn bao giờ hết. Lập trường quốc tế của Ý là khá rõ ràng đối với tất cả”, ông Di Maio tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh tiền đề “thẳng thắn và minh bạch” sẽ cho phép đối thoại Trung – Ý phát triển trong tương lai.

 

 

Ông cũng tuyên bố rằng Ý sẽ “theo dõi chặt chẽ” việc Trung Quốc thực thi luật an ninh Hồng Kông gây tranh cãi. “Chúng tôi tin rằng việc duy trì mức độ tự chủ cao, các quyền và tự do cơ bản cho người dân Hồng Kông là điều phải được đảm bảo”.

 

 

Vị ngoại trưởng đã gián tiếp phản hồi trước yêu cầu của nhà hoạt động Hồng Kông Nathan Law (La Quán Trung), vốn đã phải rời thành phố đi tị nạn vì lo ngại Trung Quốc trả đũa. Trước đó, anh Law đã lên tiếng phản đối chính quyền Trung Quốc ngay bên ngoài cung điện nơi tổ chức cuộc hội đàm, chỉ trích ông Maio “không có hành động cụ thể” nào để giúp đỡ người dân Hồng Kông, đồng thời cảnh báo nước Ý cảnh giác trước các âm mưu bành trướng của Bắc Kinh.

 

 

 

 

 

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ người Hồng Kông lưu vong Nathan Law cầm tấm biển biểu tình bên ngoài Bộ Ngoại giao Ý ở Rome, trước buổi hội đàm giữa Ngoại trưởng hai nước Trung Quốc và Ý hôm 25/8 (ảnh: Reuters).

 

 

 

 

 

Diễn biến này đã dội trực tiếp vào Vương Nghị, khiến ông này tỏ ra hơi khó chịu khi đề cập rằng ông và ông Di Maio đã bàn về Hồng Kông “trên tinh thần không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Do đó, ông cho rằng quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này là chắc chắn và không cần phải đưa ra để thảo luận thêm. 

 

 

Mặc dù hai người cũng đề cập đến lĩnh vực hợp tác kinh tế song phương, nhưng chủ đề chính – cho Trung Quốc thầu mạng 5G tại Italia – lại hoàn toàn không được đề cập, một phần là do lập trường chưa rõ ràng của Ý trong vấn đề này. Tuy vậy, điều đáng lưu ý là phạm vi và chiều sâu trong hợp tác Trung – Ý đã thu hẹp đáng kể so với năm ngoái. 

 

 

Tháng 3/2019, ông Di Maio là người đóng vai trò chủ yếu trong bản ghi nhớ hợp tác Ý-Trung xoay quanh Sáng kiến ​​Vành đai Con đường (BRI), kế hoạch đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc vươn dọc khắp châu Á đến Tây Âu.

 

 

Điều này đã diễn ra với chính phủ nắm quyền trước đây của Ý và trong thời kỳ tiền đại dịch vốn rất khác hiện nay. Hiện Rome tỏ ra ít hào hứng hơn đối với việc gắn kết với nền kinh tế Trung Quốc, và dường như họ đang thực hiện việc tái kết nối đáng kể với Washington, và đến lượt mình Washington cũng đang gây sức ép với các đồng minh hạn chế quyền tiếp cận thị trường phương Tây của Trung Quốc.

 

 

Không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm Châu Âu của ông Vương Nghị diễn ra chỉ một tuần sau động thái tương tự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đang thúc giục các đồng minh châu Âu mang quan điểm đối địch với Trung Quốc. Bắc Kinh và Washington đang ở trong một cuộc đối đầu toàn diện về thương mại, công nghiệp cũng như các hình thái ý thức chính trị  trên quy mô toàn cầu.

 

 

Chuyên gia Lucrezia Poggetti thuộc Viện Nghiên cứu Mercator về Trung Quốc nói với tờ SCMP rằng, chuyến đi của ông Vương đóng vai trò một “bài tập kiểm soát thiệt hại”. “Mục tiêu chính của Bắc Kinh là ngăn chặn việc tạo ra một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương chống Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực 5G” – một xu thế đang xảy ra tại một số quốc gia châu Âu.

 

 

Một trong những lĩnh vực xung đột nóng nhất giữa hai siêu cường là mạng viễn thông 5G. Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp thông qua các linh kiện 5G (do các công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất). Đồng thời Mỹ đã gây áp lực buộc các đồng minh loại trừ chúng khỏi cơ sở hạ tầng 5G đang kiến lập. 

 

 

Một số nước phương Tây, bao gồm cả Ý, đã độc lập nhận thức được nguy cơ gián điệp này. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc và tìm cách gây áp lực buộc các nước phải mở cửa thị trường cho công nghệ của họ.

 

 

Về 5G, Rome đã chọn lập trường trung gian: không cấm hoàn toàn các công ty Trung Quốc, nhưng khiến các công ty nội địa hợp tác với họ trở nên cực kỳ khó khăn – nếu không phải là không thể – bởi phải tuân thủ các đánh giá an ninh cực kỳ chặt chẽ của Nhà nước.

 

 

Alberto Forchielli, nhà kinh tế và người sáng lập Mandarin Capital Partners lập luận: “Cần phải nói rõ ràng là từ 5G đến BRI, sẽ không có một kế hoạch nào của Trung Quốc thành công ở Ý. Ý sẽ không sử dụng công nghệ 5G của Huawei.  Với Trung Quốc, đất nước của chúng tôi nằm trong số những quốc gia mà cuộc chơi dành cho 5G của Trung Quốc đã kết thúc”.

(Theo dkn.tv)